24.1.14

Tuổi thơ



Ông ngoại trồng nhiều khoai lang trong ruộng. Khoai lang thu hoạch phơi khô xắt thành sợi nhỏ màu trắng, trên mặt có mạt phấn li ti. Gom góp lại, có thể ăn trong thời gian rất dài. Lá khoai lang dùng để nuôi lợn, bà ngoại dùng lá khoai bí đỏ và cám nuôi con lợn lớn. Tro bếp sau khi củi khô cháy hết vẫn còn sức nóng, vùi sâu vò gốm đựng khoai lang khô và đậu đỏ vào giữa đống tro, ủ một đêm, buổi sáng lấy vò gốm ra, cháo bên trong ấm nóng mà chín nhừ, cho một muổng đường trắng vào, quấy cháo, qua họng xuống bụng, tỉ mỉ thỏa đáng. Họ đều thích ăn ngọt.

Bà ngoại luôn dậy sớm. Khoảng hơn năm giờ trời chưa sáng, bà đã thức dậy qua lại như con thoi giữa nhà bếp và gian phòng. Bà giống như mỗi người phụ nữ nông thôn thời đó, cần cù xoay mòng mòng, việc nhà làm không hết. Lúc sắp Tết, đặc biệt bận rộn, xay nếp thành bột, làm bánh tổ, rang hạt dưa đậu phộng và bánh cốm gạo, tất cả bánh trái đều tự mình làm, từng vỉ từng vỉ hấp chín. Hai loại bánh thường làm dịp Tết, một loại là bánh nếp nhân đậu, đậu giã nhuyễn thêm đường trắng và hoa quế, rất là ngọt ngấy, mặt bánh rắc hạt gạo màu đỏ, ở giữa nhuộm màu đỏ, gọi là “hồng đoàn đoàn”. Còn có một loại là nhân sợi củ cải dưa muối đậu phụ khô, lớp nếp hơi cứng, khi nhai càng thoang thoảng mùi thơm.

Tinh mơ ngày đông giáp Tết, bà ngoại sáng dậy vô cùng bận rộn. Lò lửa trong bếp, củi khô nhét vào, ngọn lửa chập chờn, cành thông và cây bụi phát ra tiếng nứt giòn lách tách. Tiếng múc nước từ giếng trời trong sân đổ vào lu nước. Tiếng gà vịt và lợn kêu. Tiếng mâm bát. Tiếng bước chân bận rộn mà nhanh nhẹn... Đủ thứ âm thanh, kinh động một buổi sớm bình thường. Chăn bông hơi nặng, nhưng rất ấm áp, chỉ có khuôn mặt lộ ra ngoài lạnh buốt. Dù tỉnh giấc cũng không muốn lập tức thức dậy mặc áo, nằm trong lam quang hừng đông tờ mờ, ngắm ánh sáng của ngọn lửa nhấp nháy trong bóng tối, bên tai đan xen những tiếng động rộn ràng nhưng không nhốn nháo, trong lòng chỉ cảm thấy cực kỳ yên tĩnh. Lại chỉ cảm thấy mình sẽ mất đi thời khắc như vậy, thời thơ ấu trong lòng đã có rầu rĩ.

Mùa xuân, cây hạnh trồng trong sân nở hoa, cánh hoa màu hồng rơi rắc đầy đất. Đầu hạ, hoa dành dành nở hàng trăm đóa, đến kỳ nở rộ, hái hoa xuống chia tặng hàng xóm. Chưng trong phòng, cài bên áo, giắt trên tóc, đều thật là thơm. Hương thơm phưng phức. Chiều hè nóng nực nắng gắt, từ trong sân khẽ khàng đi ra, đến bên khe suối, giẫm đá cuội dưới suối mát lạnh, cá nhỏ tôm nhỏ quờ quạng va vào mu bàn chân, dùng lưới bắt chúng. Cuối thu bầu trời xanh thăm thẳm, không khí cũng lành lạnh. Còn tuyết lớn đêm đông luôn đến một cách im lìm, sớm mai đẩy cửa sổ, mới kinh ngạc phát giác trời đất đã trắng xóa mênh mang.

Vẻ đẹp của thiên nhiên, xưa nay đều phong phú đoan trang. Trịnh trọng tự kiềm chế. Giống như một dạng trật tự, một lẽ đạo lý.
   
Tôi thuở nhỏ, thi thoảng nằm ở chỗ phơi sân thượng ngóng trông núi cao, mải nhìn ven rìa đỉnh núi chót vót bên trên xa không tới được, trong lòng hướng về chúng, khao khát có thể leo lên đỉnh núi, thăm dò chốn sâu trong núi, biết ở đó rốt cuộc có những thứ gì. Nhưng khi đứng trên đỉnh núi, nhìn thấy vẫn là dáng thần bí sâu xa khôn lường này. Ngụ ý của nỗi khiếp sợ trước uy lực thiên nhiên chưa bao giờ cùng tận.

Một đứa trẻ có tuổi thơ trải qua ở làng quê, là tao ngộ may mắn. Sống không gò bó giữa trời đất, tựa như cỏ dại sinh trưởng mạnh mẽ, sức sống rất mực thịnh vượng. Núi cao, đồng ruộng, thản nhiên như thường giữa trời đất, càng chẳng có liên quan đến nhân thế xao động. Tình cảm của một người đối với đất đai và thiên nhiên, khiến anh ta giữ khoảng cách nhỏ bé mà siêu thoát với thế gian. Sẽ không giống người khác.


(An Ni Bảo Bối)

19.1.14

Trà, Tình yêu

Hoa đào và ngọc lan ngoài cửa sổ nở thật đẹp, tôi tự mình lấy một chén sứ trắng, nhón chút lá trà, sau đó pha một tách.

Buổi chiều thế này là dùng để lãng phí.

Chúng ta cứ thế này thờ thẫn trong ngày xuân.

Tôi hỏi giá tiền lá trà họ uống, họ bảo mười đồng. Tôi cười. Mùi vị của trà có liên quan với tâm trạng, đúng khẩu vị của tôi, uống thoải mái thanh thản, miệng có mùi thơm đọng lại, chính là trà ngon. Nếu tính khí cục cằn, uống trà ngàn vàng, cũng là lá cây. Thật giống như tình yêu, thoạt nhìn đã yêu thích, lên núi đao xuống biển lửa cũng xứng đáng. Không yêu thích, anh trao cho tôi tính mạng tôi cũng cảm thấy anh hèn kém.


(Tuyết Tiểu Thiền)

17.1.14

Hội pháo hoa

Xem một màn pháo hoa, cuối cùng ngửa mặt xem mãi đến mỏi cổ nhức mắt. Gió rất lạnh, thế là chúng tôi quyết định phải về nhà nghỉ ngơi. Tìm bờ vai ấm áp, thấy mình già đi, sức lực và năng lượng dần dần không đủ. Thế là chúng tôi quyết định không yêu nhau nữa.

Không cần nghĩ đến. Dù là nỗi nhớ thoáng qua. Bất cứ ai, mất đi một người khác, đều sẽ sống y như trước đó. Ủ ê chua xót là chuyện thuộc về hoài niệm. Nhưng lãng quên càng nhẹ nhõm.

Chẳng phải dạng như bạn nghĩ. Tình cảm tha thiết, xưa nay đều không bền bỉ.


(Trích “Thanh tỉnh kỷ”, An Ni Bảo Bối)

15.1.14

Cô độc

Anh nói, hy vọng đến lúc ba mươi tuổi, sẽ không cô độc như hiện tại. Suốt ngày một mình một bóng. Là nỗi cô độc thiếu thốn chẳng có ý nghĩa gì cả.

Cô nói, em đang già đi, nhưng hiện tại vẫn cô độc như lúc hai mươi lăm tuổi. Cô độc và tuổi tác không có liên quan. Chỉ cần anh sống, thì sẽ cô độc.

Gian phòng tối đen. Cành cây trụi lủi ngoài cửa sổ kính vỡ nát. Thiết bị hiển thị của vi tính vẫn tỏa ra ánh sáng bức xạ nhợt nhạt. Trong bóng tối, cô ngồi trên ghế. Hút một điếu thuốc. Chẳng có chốn về.


(Trích “Thanh tỉnh kỷ”, An Ni Bảo Bối)

14.1.14

Người yêu

Yêu một người, là một chuyện giản đơn. Cũng giống như dùng ly đựng đầy một ly nước, trong trong mát mát uống xuống. Cơ thể bạn cần nó, cảm giác mình khỏe mạnh và vui vẻ. Lấy đó nhận định nó là một thói quen tốt. Do đó bằng lòng ngày ngày đêm đêm lặp lại.

Yêu một người, không trở thành một chuyện giản đơn, đó nhất định là vì độ sâu tình cảm không đủ. Nếu muốn hoài nghi, từ giá trị quan thẳng đến lỗ chân lông trên da, đều sẽ tồn tại chia rẽ. Từng điều từng điều lôi ra, bắt bẻ và đòi hỏi lẫn nhau. Giận không thể khiến người ấy giơ cao hai tay đầu hàng. Nhưng có lẽ đầu hàng cũng chẳng hề có tác dụng.

Bởi vì bạn yêu người này không đủ. Do đó ngay cả anh ấy nói thêm một câu đều sẽ có lỗi.

Tình yêu tuổi trẻ, nhất thiết phải máu thịt bay tứ tung mới xem là khoan khoái.

Món đồ chơi đã không phải là kiểu dáng cần có, nhưng quen nắm trong tay rồi, vì vậy vẫn không bỏ xuống được. Vừa trách móc vừa tuyệt đối không rời không bỏ. Đặt mình trong tình cảm và không hiểu được khoan dung thương xót. Ngoài đòi hỏi vẫn là đòi hỏi. Mở miệng vặn hỏi ắt là, vì sao anh không yêu em nữa.

Dường như yêu là cực cùng của mọi ý đồ.

Phải qua rất lâu, mới hiểu rõ, yêu, tịnh không phải là một sự kiện. Một kiểu truy tìm. Cũng không nhắm đến bất cứ một đối phương xác định nào.

Không phải là công cụ để thỏa mãn nội tâm ích kỷ và kiêu ngạo của mình, cũng không phải là vũ khí để đối kháng bản chất hư vô.

Nó chỉ là một kiểu phương thức tư duy. Nó là một kiểu tín ngưỡng.

Nhất định không được mong muốn giành lấy thứ bạn thiếu trên người đối phương. Dù là vật chất hay tình cảm.

Tha thứ đối phương cũng là con người yếu đuối có thiếu sót, lại làm sao có thể tham vọng anh bảo hộ và thành toàn.

Dù bạn cần một thần tượng. Nhưng đó nhất định sẽ không phải là người yêu của bạn. Đừng trông mong cứu rỗi lẫn nhau.

Anh nên càng giống người bạn đường bạn đơn độc tình cờ gặp gỡ trong hành trình hoang vắng.

Đêm khuya hoa đẹp trăng tròn, các bạn ai nấy đi qua đường dài dằng dặc mệt mỏi, cảm thấy ngày tháng buồn tẻ mà lại dịu dàng thoải mái.

Vì vậy, hẹn nhau ở dưới cây hoa lê trong khe núi, bày một bình rượu, dốc bầu tâm sự đêm dài.

Nó là sự tín nhiệm bằng lòng trong một khoảng thời gian nào đó, cùng một người trao đổi lẫn nhau lịch sử, ký ức và thời gian.

Trao đổi phần quan trọng mà kín đáo trong sinh mệnh mỗi người. Lại không đòi hỏi đối với mỗi người.

Khi nó đã tồn tại, thì đã mất đi cái gọi là kết quả.


(Trích "Thanh tỉnh kỷ", An Ni Bảo Bối)

13.1.14

Thủy tiên cánh kép

Chủ shop hoa mà tôi thường đến mua hoa luôn mong tôi mua một chậu thủy tiên cánh kép, nói là giống mới nhất.

Chủ shop hoa là một cô gái xinh đẹp trang nhã, cô đứng giữa tiệm hoa cũng giống như một đóa trong số hoa cô đang bán. Đây là một trong những triết học của tôi: Nếu cô chủ shop hoa chăm chút mình thành đóa hoa tinh xảo tươi đẹp, thế thì hoa cô bán nhất định sẽ không quá tệ.

Tôi thích mua hoa của cô gái như hoa.

Tôi thích mua sách của ông chủ có khí chất thư sinh.

Tôi thích nhất một bà cụ bán rau ở chợ, vì bà chải chuốt rất đỗi tinh tươm, cười lên dịu dàng tự nhiên, giống như rau xanh trên sạp của bà.

Đáng tiếc, những gặp gỡ khiến ta ngạc nhiên như vậy không nhiều, do đó tôi trân trọng mối duyên như vậy.

Cô bán hoa mời tôi mua hoa sen, tôi liền mua.

Mời tôi mua cúc đỏ nhỏ, tôi liền mua.

Mời tôi mua huệ tây dại, tôi cũng mua.

Mua ít hoa baby, dạ lai hương, cỏ hồ điệp, hoa hồng nhé?

Được, đều cho tôi một ít.

Đương nhiên tôi cũng đã mua thủy tiên cánh kép, tuy thâm tâm tôi thích giống bình thường cánh đơn hơn.

Có lúc, chúng ta mua đồ chỉ là mua một chút tình ý, mua một chút ấm áp của nhân gian.

Khi tôi dọn nhà, bà cụ bán rau nghe được mắt đã đỏ hoe, bà chủ tiệm giặt đồ rơi lệ trên bàn, ông chủ tiệm sách nhỏ đầu hẻm nắm chặt tay tôi không buông.

Cô bé bán hoa tặng tôi một bó lớn hoa hồng.

Một lần nhân kỳ nghỉ trở về nơi ở cũ, vòng đến shop hoa, lại y như đi tìm bạn bè.

Cô bán hoa hỏi: “Chậu thủy tiên cánh kép ấy trồng thế nào rồi?”

Hỏi thế, mới hoàn toàn nhớ ra đã từng mua một chậu thủy tiên cánh kép, có những duyên phận của nhân gian lưu động ở mấy chốn nhỏ shop hoa, sạp rau, tiệm giặt này.


(Lâm Thanh Huyền)

9.1.14

Nhìn thấy biểu cảm của bốn mùa

Một ngọn núi, một dòng sông, đi qua một lần đã hiểu được sao?

Du sơn ngoạn thủy, bốn mùa khác nhau, ngụ ý bao hàm khác nhau, hứng thú cảm nhận được tự nhiên cũng khác nhau. Quách Hi - họa gia sơn thủy nổi tiếng thời Bắc Tống nói: “Núi xuân mây khói liên miên, người hân hoan; núi hạ cây cối rậm rạp, người bình thản; núi thu trong sáng lá rụng, người quạnh hiu; núi đông âm u che khuất, người buồn tẻ”. Mùa xuân trong núi có mây khói, khi mây khói dâng lên, lòng người sẽ có một cảm giác hân hoan, theo mây khói cùng bay lên; mùa hạ trên núi cành lá sum suê, ở nơi râm mát, có một cảm giác lỗi lạc, con người cũng thản nhiên; mùa thu trời cao trong sáng, lá rơi xào xạc, trong lòng có cảm giác nghiêm túc; mùa đông sắc núi tuy khô héo, nhưng vừa khéo trong tịch liêu có thể cảm nhận được xa xăm bi thương.

Bốn mùa núi non đều có biểu cảm, giống như tâm trạng con người. Núi mùa xuân như cười, núi mùa hạ như giận, núi mùa thu như trang điểm, núi mùa đông như say ngủ.

Núi mùa xuân như cười. Bạn có tin rằng một ngọn núi biết nở nụ cười không? Hoa nở, chim hót, vạn vật phồn vinh, nước chảy tí tách róc rách, bạn không cảm thấy đó là biểu cảm của núi xuân hay sao?

Núi mùa hạ như giận. Cây cỏ sinh sôi, hoa hòe nở rộ, mùa hạ tràn trề và bồng bột. Sự bồng bột đó chính là một kiểu bùng nổ, sinh mệnh đạt đến thịnh vượng, đạt đến cực điểm.

Núi mùa thu như trang điểm. Màu sắc bốn mùa không mùa nào hơn được mùa thu. Núi mùa thu rực rỡ muôn màu, sâu sâu nông nông, đậm đậm nhạt nhạt, giống như mỹ nhân trang điểm.

Núi mùa đông như say ngủ. Đất đai trầm mặc, ngủ vùi trong tuyết phủ, nghỉ ngơi dưỡng sức, tích lũy năng lượng cho năm sau. Núi sông cũng trầm tĩnh, say giấc trong gió lạnh, ấp ủ cảm xúc, để xuân sớm sang năm lại nở nụ cười.

Bạn có thể nói núi sông bốn mùa chẳng thay đổi dung nhan sao? Đúng như Vương Bột viết trong “Đằng Vương Các Tự”: “Trời cao, đất xa, biết vũ trụ rộng vô cùng. Hứng hết, buồn về, hiểu đầy vơi là có số.” Đã biết núi sông bốn mùa biểu cảm đều khác nhau, chúng ta đi khắp thiên sơn vạn thủy, trong lòng tự nhiên sẽ chan chứa những tình cảm khác nhau, cũng thể hội được quy luật biến hóa của vạn vật.

(Vu Đan)

8.1.14

Kiếp trước

Kiếp trước, chúng ta hẳn cũng giã biệt bên dòng suối thế này!

Nếu không, tôi từ đường núi suốt chặng đi đến, lòng vốn rất bình tĩnh, nhưng khi tôi thấy dòng suối này, do đâu lòng lao xao như sóng nước? Không khí mát lạnh xung quanh khiến tôi cảm thấy một cơn lạnh giá đáng sợ không rõ nơi nào chảy đến.

Lấy suối làm gương, tôi cố gắng muốn biết, dòng suối này và tôi có nhân duyên thế nào? Hoặc là, tôi làm sao ở bờ này của suối, nhìn bóng dáng bạn dần xa? Hoặc là, cùng ở một bờ, bạn xuôi xuống hạ du, còn tôi lại ngược dòng mà lên?

Tôi chẳng soi ra gì cả, vì suối quá xao động.

Lúc này đã là mùa xuân rồi! Cỏ đang xanh, hoa đang nở, nắng đang ấm, vì sao nước suối lại có cảm giác lành lạnh mà trống vắng nhỉ?

Nghĩ là có quan hệ không thể biết với kiếp trước xa xưa.

Vào ngày xuân, đứng bên suối, đặc biệt có thể cảm nhận được sinh mệnh là một dòng suối, chẳng tỏ từ đâu chảy đến, chẳng tường chảy về nơi đâu.

Tôi lúc này, dường như là, một phiến lá vừa rơi xuống trong sông suối chảy xiết.


(Lâm Thanh Huyền)

7.1.14

Binh pháp vợ chồng



BINH PHÁP CỦA CHỒNG

1. Chỉ được nghe, không được tin lời vợ nói. Nếu bạn không nghe, nàng sẽ cảm thấy trong mắt bạn không có nàng, không tôn trọng nàng; nhưng nếu nàng nói gì bạn tin nấy, nàng sẽ cho rằng bạn không có chủ ý, không nương tựa được, không bằng cả bậc nữ lưu.

2. Đừng truy hỏi tình hình chi tiêu của vợ. Nếu bạn cho rằng chi tiêu của nàng quá lớn, bạn có thể áp dụng phương thức cai sữa, hạn chế bằng cách bớt đưa tiền cho nàng hoặc không đưa tiền cho nàng; nhưng nếu bạn truy hỏi, nàng liền cảm thấy bạn nhỏ mọn, không rộng rãi, không tín nhiệm nàng. Do đó, xuất phát từ tâm lý trả thù, nàng ngược lại sẽ cố ý xài tiền lung tung.

3. Đừng bình luận quàng xiên ăn mặc trang điểm của vợ, vì bất kể bạn bảo đẹp hay không đẹp cuối cùng người thiệt thòi đều là bạn.

4. Bạn về nhà muộn, đừng chủ động giải thích với nàng. Nếu số lần giải thích nhiều, hình thành thói quen, lần sau muốn không “báo cáo” cũng không được! Nhưng nếu nàng về nhà muộn, bạn nhất thiết phải tỉ mỉ suy xét lời giải thích của nàng.

5. Nói chuyện với vợ, phải cho nàng nhiều hy vọng, cho nàng ít hứa hẹn; phải nói hy vọng càng đẹp càng lớn càng tốt, vì hy vọng chính là hy vọng, hy vọng càng lớn càng có triển vọng; mà hứa hẹn thì không thế, có lúc hứa hẹn nhiều, dù một lời hứa cỏn con không thực hiện, đều sẽ để lại cho nàng một bằng cớ nói mà không làm.

6. Đừng nói với vợ lo buồn của mình, vì sau khi nói với nàng không những chẳng giúp lo buồn của bạn giảm nhẹ, ngược lại khiến nàng vì lo buồn của bạn mà lo buồn, cuối cùng càng tăng thêm lo buồn của bạn.

7. Đừng tranh làm việc nhà với vợ, vì phân công nam lo ngoài nữ lo trong đã có từ xưa, dù bạn xuất phát từ góc độ yêu nàng làm việc nhà thay nàng, trong lòng nàng cũng sẽ bứt rứt giống như diễn viên không được lên sân khấu.

8. Quả thật rảnh rỗi vô sự, bạn có thể trêu đùa vợ, nhưng đừng cố ý lấy lòng nàng. Nếu bạn cố ý lấy lòng nàng một lần, trong đầu nàng nghĩ hẳn là bạn có chuyện cầu xin nàng hoặc là bạn ở bên ngoài đã làm chuyện có lỗi với nàng; nếu bạn cố ý lấy lòng nàng dài hạn, nàng ngược lại sẽ vì thế mà càng ngày càng xem thường bạn.

9. Ra vào chốn đông người cùng vợ, bạn nhất định phải đàng hoàng nghiêm túc, như vậy mới khiến vợ cảm thấy bạn rất văn minh; lúc riêng tư ở bên vợ lại đừng một mực đứng đắn, nếu không sẽ khiến nàng cho rằng bạn không hiểu tình tứ.

10. Phàm là việc lớn trong nhà, nhất thiết đừng để vợ nảy sinh ảo giác năng lực quyết sách vấn đề quan trọng của nàng giỏi hơn bạn. Nếu không, địa vị người chủ gia đình của bạn sẽ lung lay, sức mạnh quyết sách trong mắt vợ sẽ yếu đi.

BINH PHÁP CỦA VỢ

1. Đừng để chồng xem bạn trang điểm, vì đàn ông quá thích theo đuổi chân thực cũng quá thích liên tưởng, do đó nhất định phải phô bày hình tượng hoàn mỹ cho chàng xem.

2. Đừng vạch trần thói khoác lác của chồng trước mặt người khác, vì đàn ông rất cần thể diện lại có lòng trả thù mạnh mẽ, bạn khiến chàng xấu hổ trước mọi người, ắt chàng sẽ tìm cơ hội trả thù để bạn khó chịu.

3. Đừng tỏ ra đặc biệt giỏi giang trước mặt chồng, như vậy sẽ khiến chồng nảy sinh ỷ lại không nên có và từng bước mất đi cảm giác trách nhiệm. Phải để chồng ghi nhớ, việc cần chàng làm chàng nhất thiết phải làm, còn bạn chỉ tử tế giúp chàng chút đỉnh.

4. Đừng chuyện gì cũng nói với chồng, càng không nên bộc bạch với chồng chuyện riêng tư của mình để tỏ ra mình thành thật. Phải biết, lúc bạn giao phó cho chồng toàn bộ bản thân, cũng là lúc bạn triệt để đánh mất chính mình.

5. Nếu bạn không muốn để chồng cảm thấy bạn léo nhéo càm ràm, lại muốn để chồng nghe bạn nói hoài không hết, thế thì bạn cần kịp thời thay đổi đề tài câu chuyện. Ghi nhớ: sự việc, nói hai lần trở lên chính là lải nhải; còn tình yêu, nói cả trăm lần cũng vẫn mới mẻ.

6. Đừng trải qua ngày tháng bình đạm một cách bình đạm. Phải học cách tạo ra một chút tình tứ, bày vẽ một chút màu mè trong cuộc sống thường ngày, như vậy mới có thể khiến chồng nảy sinh một thứ cảm giác thần bí đối với bạn.

7. Trên một số vấn đề nhạy cảm, đừng nói chồng vô dụng, càng không nên tỏ ra không hài lòng, dù thật sự xuất hiện trở ngại, bạn cũng phải tỏ ra đủ dịu dàng và thông cảm.

8. Phải học cách quyến rũ chồng, đừng đòi hỏi chồng; phải học cách dạy bảo chồng, đừng quản thúc chồng; phải học cách khen ngợi chồng, đừng làm chồng tổn thương; phải học cách phát hiện chồng, đừng một mực xoi mói chồng; phải tin tưởng chồng, đừng nghi xằng chồng…

9. Nếu bạn không thể chứng minh với chồng bạn là người đẹp nhất trong các chị em, bạn cũng phải nghĩ cách chứng minh với chàng bạn là người dịu dàng nhất; nếu bạn không thể chứng minh bạn là người dịu dàng nhất, bạn cũng phải nghĩ cách chứng minh mình là người thích hợp nhất với chàng; nếu cả điều này bạn cũng chứng minh không được, thế thì cần chứng minh chồng có trung thành hay không…

10. Nhớ kỹ: Lúc chồng cuồng vọng phải đả kích chàng; lúc chồng chán nản phải khích lệ chàng; lúc chồng mơ màng phải đánh thức chàng… Đương nhiên, bạn trước sau cũng đừng quên yêu chàng!


(Ngô Thư Thuần)

6.1.14

Hữu tình

“Hoa, rốt cuộc là làm thế nào nở được nhỉ?” Một hôm, con đột nhiên hỏi tôi.

Tôi bị câu hỏi đột ngột này hỏi đến đứng hình, tôi nói: “Hẳn là vì mùa xuân.”

Con không hề thỏa mãn với câu trả lời của tôi, con nói: “Nhưng mà, có hoa nở vào mùa hè, có hoa nở vào mùa đông ạ!”

Tôi hỏi: “Thế thì, con cảm thấy làm sao nở được nhỉ?”

“Tự hoa muốn nở, thì nở đó mà!” Con ngây thơ cười: “Vì nụ hoa của nó quá lớn, căng rách ra ạ!”

Nói xong con liền chạy đi. Đúng rồi! Đối với đóa hoa và đối với vũ trụ cũng vậy, chúng ta đều tràn đầy nghi vấn, vì chúng ta không biết sức mạnh và trật tự của nó chính xác đến từ nơi nào.

Hoa nở, là sức mạnh của chính nó tự nhiên phơi bày trong nhân duyên, nó tích trữ sức lực của mình, khiến mình phổng phao, sau đó bộc phá, giống như ánh nắng xuyên toạc mây đen lúc sớm mai.

Hoa nở là một lẽ hữu tình, là một kiểu hoàn thành sinh mệnh nội tại, điều này thân thiết biết bao! Khiến tôi nghĩ đến, chúng ta cũng nên tích lũy, dồi dào, nở rộ, mãi mãi theo đuổi tự thân hoàn thành.


(Lâm Thanh Huyền)

5.1.14

Thăm hỏi

Tôi ốm rồi, một khoảng thời gian tương đối dài.

Trong lúc mơ màng, thường nhìn thấy anh, đeo hành lý giản đơn, như hôm sắp giã biệt, đứng ở bên cửa, đôi mắt dưới rìa mũ hoang vắng mà nồng nhiệt, nói, anh đến cầu hòa.

Tôi kiên quyết lắc đầu.

Anh nhất định phải chọn lựa giữa hai tình yêu.

Em, hay là biển.

Đứng ở chỗ sáng, anh nói: Đợi anh một lần cuối cùng này, sau này, sẽ không đi nữa.

Tôi ngoảnh mặt đi, không nói chuyện, yêu anh, phải chăng nên cho anh tự do?

Em biết, anh không nỡ rời em, anh nhất định sẽ trở về. Lúc sắp đi anh nói.

Thế nhưng, biển là người tình cuồng dại hay ghen, không chịu thả anh về.

Sau đó, tôi dần dần bình phục.

Trong ánh nắng ngày hè, phơi quần áo đã giặt xong lên. Trên sào xanh chàm đỏ tía, mùi thơm thoang thoảng, là một thế giới mới.

Đột nhiên, có thanh âm từ phương xa truyền đến.

Là anh. Ngang ngược mà dịu dàng – sai gió trên biển, đến thăm hỏi, đến ôm ấp, đến quấn quít.

Biển, không nỡ rời anh. Anh, không nỡ rời tôi.

Tôi lại ốm rồi.


(Trương Mạn Quyên)

3.1.14

Màu của mười hai cây son

...Nếu có thể, tôi rất đỗi hy vọng được thiết kế một bộ son môi, muốn nó có mười hai loại màu sắc, mười hai kiểu tâm tình.

Cây son thứ nhất gọi là “Duyên khởi”, lấy màu của một cành nguyệt quý mới nở lúc sớm mai sương mỏng, màu hồng nhạt nũng nịu nhất, phảng phất tính trẻ con và vô cớ của cảnh xuân thoạt hé, dùng e lệ và dịu dàng bé nhỏ, từng chút từng chút tô vẽ gặp gỡ giữa bông hoa và mùa vụ, rõ ràng đôi bên đều kinh ngạc vui mừng, nhưng lại nhìn nhau không nói, chỉ là trong gió, thoang thoảng một mùi hương hoa.

Cây son thứ hai gọi là “Tình cảm trong sáng”, muốn đi trộm phấn hồng đẹp đẽ khỏe mạnh của thiếu nữ mười tám mười chín tuổi – loại màu chỉ xa xa nhìn thấy bóng nghiêng của người trong lòng ngưỡng mộ, liền không nén nổi mặt đỏ bừng. Năm tháng giản đơn, tấm lòng giản đơn, cả tâm sự đều sạch sẽ. Vì vậy loại son môi này, cũng thuần túy đến không xen chút gì khác.

Cây son thứ ba gọi là “Nụ hôn đầu tiên”, là màu sắc của đóa hồng đầu tiên trong đời. Đỏ như nhỏ máu, toàn lực nở rộ, tình ý nguyên sơ nhất nhưng chân thành nhất, cuối cùng vào khoảnh khắc này, từ tim chàng truyền đến tim nàng. Mà dù ngày tháng trải qua đã hội tụ thành biển, lại có ai quên được niềm vui sướng run rẩy sợ sệt của nụ hôn đầu tiên?

Cây son thứ tư gọi là “Tình yêu say đắm”, ngoài ngọn lửa, còn có thể là sắc thái và nóng bỏng nào? Nỗi si cuồng của tình yêu say đắm là ngọn lửa hừng hực, là trao ra hết mình trong sinh mệnh, chịu đựng tất thảy đau đớn bị cháy bỏng, cam nguyện đem toàn bộ bản thân hóa thành tro bụi, chỉ cần có thể thật sự bùng cháy một lần.

Cây son thứ năm gọi là “Trường tương tư”, dùng màu đỏ của quả dâu, là màu tía hơi chua pha màu đỏ càng thẫm thấu. Nhớ nhung, luôn là như thế, trong ký ức tình ý dịu ngọt của chàng là vị ngọt không tan, vậy mà da diết nhớ vẻ lạnh lẽo của chàng, tưởng tượng nỗi buồn tẻ của chàng, thế là dần dần cứ chua xót đến trong lòng, ép ra nước mắt người ta.

Cây son thứ sáu gọi là “Kết hôn”, đương nhiên phải chọn màu đỏ nhiệt liệt nhất và diễm lệ nhất, giống như mặt trời. Cả mặt trời cũng vì họ dừng lại, trên môi nàng, trong đôi mắt lấp lánh của chàng, trong gửi gắm tình cảm giao phó chung thân của nàng, trong vòng tay rộng mở của chàng, mãi mãi sưởi ấm tương lai của họ.

Cây son thứ bảy gọi là “Nắm tay”, là màu đỏ sậm bình tĩnh của nến long phụng. Hai cây nến, gắn bó bầu bạn, cùng trầm tĩnh cháy trong bóng tối, chiếu ánh sáng của mình lên người đối phương, đôi bên là nguồn sáng của nhau, luôn đứng xa xa, dường như rất xa lạ, nhưng ánh sáng của chúng hòa vào nhau thành hồ ao trong không trung.

Cây son thứ tám gọi là “Gợi tình”, làm sao hình dung sự bình thường và ấm áp của nó nhỉ? Đành nói là mùi vị thơm ngọt của bơ đỏ trên bánh kem. Tình cảm nồng nàn nóng bỏng sục sôi đến đâu, có lẽ đều không chịu nổi cuộc sống gia đình thường ngày dường như vô sự, dần dần chìm lắng đóng băng, ngoài mặt đắp lên một lớp mặt nạ lạnh lẽo. Do đó phải có tiết mục, ăn mừng, phải có thi thoảng dậy sóng, phải có lúc nàng ngoảnh nhìn, bờ môi kiều diễm ướt rượt, trong chớp mắt dường như thời gian quay ngược, trở về thuở đầu gặp nhau.

Cây son thứ chín gọi là “Gặp gỡ diễm tình”, kinh diễm nhất cũng kỳ dị nhất, là màu đỏ đẹp đẽ đến cực hạn mà chết người của anh túc. Màu sắc của nó, hương thơm của nó, từng thứ từng món đều hấp dẫn không thể kháng cự, khi bạn chạm đến, cả người sẽ dần dần bay lên, đón nhận khoái cảm cực lớn – thế nhưng, luôn phải đến sau khi mọi việc xảy ra hết mới biết cái giá phải trả rốt cuộc là gì, vậy mà, vẫn thật sự kịp chăng?

Cây son thứ mười gọi là “Tình cảm nghi hoặc”, biến đổi theo sắc trời và thời tiết. Yêu thì muốn y sống, hận thì muốn y chết, đã muốn y sống lại muốn y chết, gọi là “tình cảm nghi hoặc”, giờ giờ khắc khắc đều lượn lờ bất định, yêu và hận quấn quít không rõ, nhưng dù biến đổi thế nào, luôn là màu đỏ - cũng giống như kẻ không ngừng mắng người kia là “lão già chết tiệt”, nhưng lại đi mua một chiếc áo khoác cho người kia.

Cây son thứ mười một gọi là “Cùng bạc đầu”, là màu đỏ men mộc mạc như đất bùn. Khi đồ sứ vẫn chỉ là đất bùn, quét lên cho nó một lớp men đỏ, trải qua ngọn lửa ngùn ngụt, nhiệt độ cao, nguy hiểm thất bại, màu đỏ như thế liền thấm thật sâu vào vân da của đồ sứ, hàm súc mà trầm lặng, lại cùng nó sống chết có nhau. Màu đỏ men không đủ rực rỡ, không đủ chói mắt, nhưng bất kể năm tháng hoặc gió sương hay vết thương, đều mãi mãi không thể làm nó loang lổ.

Cây son thứ mười hai gọi là “Duyên kiếp sau”, đến đây, đã không còn cần bất cứ màu sắc nào để tô điểm sinh mệnh của em, chỉ cần một chút dầu mỡ trong suốt để thấm nhuần bờ môi đã dần dần khô héo của em và tên anh vĩnh viễn bên môi. Đã định sẵn, giữa chúng ta sẽ có một người yên tĩnh chờ đợi ở cổng thiên đường, đợi người kia đến, dưới mặt trời chiều nhìn nhau mỉm cười, điềm đạm chào hỏi : “Đến rồi?”

Tên của bộ son này, gọi là “Đời đời kiếp kiếp”.


(Diệp Khuynh Thành)

1.1.14

Hoa lan

Lúc sáu tuổi, cùng lên núi đào hoa lan với ông ngoại. Mang theo sọt tre, cuốc ngắn, bình nước, đi qua đường nhỏ lát đá cuội trong làng, đi qua luống cày bằng máy ven khe nước lớn chảy róc rách. Một chiếc cầu đá phiến nối hai bờ khe nước. Cầu không có tay vịn không có mái, bắc rất cao, trên rìa có một cây bách lớn, người trong làng thường treo mèo chết lên. Có lúc trên cành cây treo hai ba con, dần dần hong khô.

Sau khi qua cầu, là hai con đường nhỏ rẽ nhánh. Một đường thông về phía đông, qua ngôi miếu thổ địa cổ xưa, đi vào sâu trong núi cao mênh mang. Một đường khác thông về phía tây, ở đó là vạt lớn đồng ruộng canh tác, trồng đầy hoa màu tươi tốt. Hôm ấy đi men theo đường núi phía đông.

Trong miếu thổ địa có hai pho tượng đá nhỏ, trên bàn gỗ cúng trái cây và hoa dại. Tro nhang tích lũy rất dày, đủ thấy thường có người đến dâng hương. Miếu thổ địa nhỏ tuy sơ sài, nhưng lại tỏ ra tĩnh mịch uy nghi. Tầm nhìn rộng rãi, gió núi hiu hiu. Mùa xuân, trong rừng cây xanh lục khắp nơi đều là hoa đỗ quyên màu đỏ. Chỉ cảm thấy vị trí này đặc biệt tốt, nó khiến mọi thứ xung quanh tỏ ra ngay ngắn rõ ràng, thịnh vượng có thừa.

Đường núi sau miếu thổ địa cao dốc không rõ, thông đến núi lớn trùng trùng điệp điệp. Trên núi ngoài hai chúng tôi, cũng không có ai khác. Ông ngoại đeo sọt, dọc đường chẳng nói một câu. Quá nửa đời ông trao cho ruộng đất và lao động, là một người đàn ông trầm lặng. Tôi gắng hết sức duy trì thể lực, để có thể theo kịp bước chân của ông, chỉ cảm thấy con đường núi này dài dằng dặc. Lúc đó đã hoàn toàn rời xa làng xóm và đồng nội.

Núi cao rừng rậm sâu thẳm vắng vẻ, đường nhỏ trong núi xen lẫn cây cối rải đầy lá thông dày dặn. Ánh nắng xế trưa bốc lên mùi cay của nhựa thông, tiếng chim thỉnh thoảng trong trẻo vang lên, như hình với bóng. Chẳng biết đã đi bao lâu, ông ngoại dừng lại, đưa bình nước cho tôi, bảo tôi chờ ở nguyên chỗ. Ông xuôi theo bụi cây không có dấu vết đường đi bò xuống đáy. Dùng tay nắm lấy cỏ tạp, cẩn thận nhích bước, từng chút từng chút tụt xuống. Cỏ xanh um tùm rung rinh trong gió. Bóng dáng ông rất nhanh mất hút.

Ngồi dưới bóng cây trên đỉnh núi, ánh nắng từ kẽ lá thông rắc đến trên mí mắt, giọt giọt ánh vàng nhấp nháy. Trong biếc xanh khắp núi, chỉ nghe tiếng thông reo trầm bổng trong gió lớn, như nước triều nhấp nhô. Gió thật lớn. Sắc trời xanh thẳm vô cùng lan tràn giữa những ngọn núi, mây trắng bồng bềnh. Khoảnh khắc ấy thời gian và trời đất tựa hồ dừng lại, ngưng đọng. Nhưng lại đặc biệt yên tĩnh rộng mở.

Đã đợi rất lâu, ông ngoại từ đáy khe núi bò lên. Cuốc ngắn của ông dính đất bùn, trong sọt tre sau lưng đựng hoa lan mới đào. Rễ to trắng bọc bùn mới, lá xanh dài mảnh giống như cọng cỏ mộc mạc, nụ hoa ẩn nấp trong đó, khó bị phân biệt. Ông càng đi càng xa, tìm kiếm tung tích hoa lan, lại chỉ hái sáu bảy khóm, trong lòng trong sáng, chẳng dính chút gì. Hái xong liền quay về.

Bà ngoại trồng những hoa lan này trong chậu đất thó tô điểm sân nhà, còn dư chia cho hàng xóm. Đài hoa sần sùi chóp phơn phớt tím vểnh lên, không cần phơi quá nhiều nắng, đặt dưới hành lang râm mát, qua mấy ngày nụ hoa đã bừng nở. Đóa hoa màu lục nhạt không dễ gây chú ý, đến gần ngửi kỹ, có một làn hương hoa thấm vào gan ruột, khiến người trong lòng thông suốt. Chúng là mùi hương như thế, khí vị thanh nhã, không khiến người có chút tạp niệm nào. Chỉ sinh trưởng ở khe núi sâu vắng khó đến, cách tuyệt với đời, khó hái, nhưng lại chẳng mảy may kiêu ngạo.

Người trong nhà đều yêu lan. Bản tính chân thực của hoa lan sẽ không bị phục chế và biến dị, cũng không giao dịch với thế gian này. Lan thầm khe vắng, xác đáng biết bao. Ông ngoại biết chúng ở đâu, mùa xuân hàng năm, đem lòng mến mộ vượt đường xa, đến nơi cũ thăm chúng. Điều này để lại ấn tượng trong lòng tôi.


(Trích "Tố niên cẩm thời", An Ni Bảo Bối)