27.9.14

Hộp diêm của sinh mệnh

Sinh mệnh của chúng ta giống như một hộp diêm, bên trong chứa đựng rất nhiều que diêm. Mỗi khi chúng ta thắp một que, tuy trong hộp giảm bớt một que, nhưng cũng tỏa ra ánh sáng và hơi ấm.

Người thạo dùng diêm có thể thắp lên một mảng ánh nến rực rỡ, một đống lửa trại bừng bừng; nhưng người không thạo dùng diêm có thể thiêu rụi rừng rậm núi non, hàng dãy nhà cửa; còn kẻ không biết dùng nhất thì quẹt diêm quá sớm, kết quả thoáng chốc bắt cháy cả hộp, chóng vánh rời khỏi thế gian.

(Lưu Dung)

Ngọn đèn lẻ loi của Kim Dung

Nhớ lại, chẳng phải là chuyện xa xôi cho lắm. Năm ấy trụ sở Minh Báo nằm trên đường Jaffe, khu Wan Chai, tôi đến phỏng vấn, sau khi hoàn tất, có người bảo: “Cô đi gặp Tra tiên sinh.”

Đó thật là một văn phòng kỳ lạ nhất. Sơ sài đến cực điểm, cửa khép hờ, một ngọn đèn lẻ loi. Một người đàn ông trung niên dựa bàn mải viết, nghe tiếng ngẩng đầu lên, hàn huyên với tôi vài câu.

Tôi hồi ấy trẻ người non dạ, hoàn toàn không muốn đến gần, lập tức xuống lầu, nghĩ bụng: Làm ông chủ mà khắc khổ như thế, thật chả lợi lộc gì.

Kỳ thực lúc đó ông ấy mới khoảng bốn mươi tuổi, nhưng không biết vì sao, ông ấy đã hơi có vẻ già nua.

Thành công đương nhiên có thu hoạch, nhưng cái giá trả ra chỉ có đương sự mới hiểu rõ nhất, thời gian và tâm huyết hao phí để lập nghiệp không cần phải kể với người ngoài.

Độc giả sung sướng nhất, chẳng tốn bao nhiêu, ôm “Anh hùng xạ điêu” đọc tới đọc lui, mỗi lần đều hưng phấn đến mức gãi đầu vỗ đùi, tấm tắc: “Đều thuộc làu làu rồi, sao mà xúc động quá, không có mấy bộ sách này, chẳng biết nên làm thế nào.”

Sau này văn phòng của ông ấy trang trí đẹp đẽ, phòng sách cũng cực kỳ rộng rãi, nhưng tôi vẫn cứ nhớ mãi ngọn đèn lẻ loi đó.

(Diệc Thư)

Bể dâu

Bạn bè đều nói, nét non nớt của em đã bị vẻ điềm tĩnh thành thục thay thế.

Đây là cách nói hàm súc, kỳ thực là già rồi đấy!

“Mấy năm qua cô vừa lòng đẹp ý, chưa bị trắc trở làm tiêu mòn, già thế nào được?” Bạn bè lại không nghĩ vậy.

Người khác không hề biết rằng, yêu anh, chính là bể dâu trong sinh mệnh.

Em chỉ có thể không chút chọn lựa, dần dần già đi.

(Trương Mạn Quyên)

Thảo mộc nhân sinh

Cây đào không đau buồn tuyệt vọng vì đóa hoa rực rỡ rụng xuống, nó đang đợi lá non, nó biết trong năm tháng dài lâu của sinh mệnh mình, là màu lục bình thường và quả ngọt chắc mẩy, chứ không phải là vẻ diễm lệ màu hồng nhất thời.

Hương thơm nồng nàn của bạch ngọc lan khiến người ta ngây ngất nhắm mắt, không để ý thưởng thức hình dáng đẹp đẽ của hoa. Một đặc trưng nào đó quá đỗi phô trương, sẽ vô tình che lấp những ưu điểm khác: một đẹp che trăm xấu, một duyên dáng át ngàn nũng nịu.

Cây chuối ra sức khuếch trương bản thân, lá vừa to vừa dày, trở thành máng chảy của nước mưa, cầu trượt của lũ kiến, và cả chiếc quạt gió trong tay con người. Kết quả của tự đại là thường bị kẻ khác lợi dụng.

Thói e lệ của cây mắc cỡ, bắt nguồn từ cái chạm tay dưới tia nhìn chăm chú của con người, nếu không thì chẳng có thẹn thùng gì để nói. Rất nhiều chuyện trên đời, điều ta nên kiểm thảo chính là ánh mắt và thủ đoạn của con người.

(Lữ Khâm Văn)

26.9.14

Nồi nào úp vung nấy

Một cô gái sống cuộc sống thế nào, thì sẽ có chàng trai thế nấy yêu cô ta.

Cô sống cuộc sống phóng đãng, thế thì, người yêu cô cũng sẽ thích cuộc sống kiểu đó hoặc sống cuộc sống kiểu đó.

Cô sống cuộc sống phong phú đặc sắc, thế thì, người thích cô cũng là anh chàng yêu cuộc sống phong phú đặc sắc.

Cô sống cuộc sống chẳng có ngày mai, người phải lòng cô cũng sống cuộc sống chẳng có ngày mai y hệt.

Cô sống cuộc sống chán chường, sẽ thu hút anh chàng uể oải tìm đến. Cô theo đuổi kích thích, thế thì, anh chàng theo đuổi cô cũng theo đuổi cuộc sống kích thích.

Cô sống nghiêm túc, người yêu cô cũng sẽ là anh chàng nghiêm túc.

Cuộc sống của chúng ta đã quyết định tình yêu của chúng ta, giống như một người đi đường, dọc đường để lại sợi tơ đỏ làm ký hiệu, thế thì, đương nhiên sẽ có người lần theo những sợi tơ đỏ này mà đến.

Một số cô gái luôn oán trách: “Vì sao mấy anh chàng mình thích đều ở trong tay người khác, không để mình gặp được?”

Một số cô gái nhìn bạn trai của người khác, không cam chịu thầm nghĩ: “Mình đâu có điểm nào thua kém con nhỏ đó, nếu mình có cơ hội gặp được anh chàng này, ai dám bảo anh ấy sẽ không yêu mình kia chứ?”

Họ đều quên mất rằng, khi một cô gái lựa chọn cuộc sống kiểu nào, thì gần như đã lựa chọn chàng trai mà cô ta sẽ gặp được và chuyện yêu đương trong tương lai của cô ta.

(Trương Tiểu Nhàn)

Những chuyện nhà Minh (Trích đoạn: Từ Hà Khách)

Ngày xưa có một anh chàng, nhà có chút tiền, anh quyết định không thi cử làm quan, chỉ đi du lịch.

Ban đầu, phạm vi du lịch của anh chủ yếu là vùng Giang Tô Chiết Giang, như Tử Kim Sơn, Thái Hồ, Phổ Đà Sơn… Sau này càng đi càng dữ, đã đi Nhạn Đãng Sơn, Cửu Hoa Sơn, Hoàng Sơn, Vũ Di Sơn, Lư Sơn…

Nhưng ở đây tồn tại một vấn đề - Tiền.

Nhà du hành khác với đại hiệp ở chỗ, nhà du hành phải tốn tiền, liệt kê ra, đại khái bao gồm các chi phí sau: phí giao thông, phí ở trọ, phí hướng dẫn viên, phí ăn uống, vé vào cửa, nếu nơi nào không tử tế còn có phí chặt chém nữa.

Nhà anh có tiền, nhưng chỉ có chút tiền, không có thật nhiều tiền, là giai cấp trung lưu. Theo tiêu chuẩn ngày nay, một năm đi du lịch một chuyến cũng đủ rồi, nhưng lịch trình du lịch của anh là: một năm nghỉ ngơi một lần.

Ngoài dịp cuối năm anh về nhà chăm sóc cha mẹ ra, quanh năm suốt tháng đều ở bên ngoài, nhưng cứ vi vu như thế mà nhà anh vẫn kham được.

Nguyên nhân rất đơn giản, chẳng hạn phí giao thông, anh không ngồi tàu, cũng không ngồi xe ô tô (muốn ngồi cũng chẳng có), rất ít cưỡi ngựa, phần lớn đi bộ.
  
Phí ở trọ hoàn toàn không cần, những nơi anh đi, năm xưa đa số đều chẳng có ai đi, đừng nói khách sạn ba sao, ngay đến hắc điếm của Tôn Nhị Nương cũng chẳng có, trong rừng cây, trên vách núi, trải tấm chăn xuống đất, cứ thế đánh một giấc.

Phí ăn uống cũng chẳng có, những nơi anh đi chả có quán cơm nào, mỗi lần trước khi xuất phát anh đều đem theo lương khô, hơn nữa anh nhịn đói rất giỏi, nghe nói có thể nhịn bảy tám ngày, còn uống nước ư, trong núi khắp nơi đều là nước suối.
  
Vé vào cửa cũng khỏi, năm xưa ai muốn đặt trạm thu vé vào cửa ở những nơi anh đến, thì điều đó chỉ có thể chứng tỏ rằng người ấy còn “ngầu” hơn anh nữa.
 
Phí chặt chém không có, nhưng bị chém là có khả năng, hơn nữa tương đối trắng trợn, không bao giờ âm thầm tăng giá tính tiền lố, cứ vác đao ra trực tiếp đến cướp. Phải biết rằng, nơi không có vé vào cửa, đương nhiên chẳng có gian thương, nhưng rất có khả năng có kẻ cướp.
    
Theo khảo chứng, chi tiêu lớn nhất của anh là phí hướng dẫn viên, là một nhà du hành, anh hiểu rất rõ, thứ gì cũng có thể tiết kiệm, nhưng khoản tiền này không thể tiết kiệm, nếu không đi đến lưng chừng núi, đào cái hố cho anh, để anh chui xuống hang, thế là yên nghỉ rồi.
  
Cứ như vậy, anh chàng gia cảnh không mấy sung túc này, quần áo giản dị, không có tùy tùng, không có hộ vệ, mang theo lương khô, một mình đi khắp núi cao sông rộng, ăn gió nằm sương, không sợ cực khổ, không ngại nhịn đói, một năm chỉ về nhà một lần…
  

(Đương Niên Minh Nguyệt)