3.1.14

Màu của mười hai cây son

...Nếu có thể, tôi rất đỗi hy vọng được thiết kế một bộ son môi, muốn nó có mười hai loại màu sắc, mười hai kiểu tâm tình.

Cây son thứ nhất gọi là “Duyên khởi”, lấy màu của một cành nguyệt quý mới nở lúc sớm mai sương mỏng, màu hồng nhạt nũng nịu nhất, phảng phất tính trẻ con và vô cớ của cảnh xuân thoạt hé, dùng e lệ và dịu dàng bé nhỏ, từng chút từng chút tô vẽ gặp gỡ giữa bông hoa và mùa vụ, rõ ràng đôi bên đều kinh ngạc vui mừng, nhưng lại nhìn nhau không nói, chỉ là trong gió, thoang thoảng một mùi hương hoa.

Cây son thứ hai gọi là “Tình cảm trong sáng”, muốn đi trộm phấn hồng đẹp đẽ khỏe mạnh của thiếu nữ mười tám mười chín tuổi – loại màu chỉ xa xa nhìn thấy bóng nghiêng của người trong lòng ngưỡng mộ, liền không nén nổi mặt đỏ bừng. Năm tháng giản đơn, tấm lòng giản đơn, cả tâm sự đều sạch sẽ. Vì vậy loại son môi này, cũng thuần túy đến không xen chút gì khác.

Cây son thứ ba gọi là “Nụ hôn đầu tiên”, là màu sắc của đóa hồng đầu tiên trong đời. Đỏ như nhỏ máu, toàn lực nở rộ, tình ý nguyên sơ nhất nhưng chân thành nhất, cuối cùng vào khoảnh khắc này, từ tim chàng truyền đến tim nàng. Mà dù ngày tháng trải qua đã hội tụ thành biển, lại có ai quên được niềm vui sướng run rẩy sợ sệt của nụ hôn đầu tiên?

Cây son thứ tư gọi là “Tình yêu say đắm”, ngoài ngọn lửa, còn có thể là sắc thái và nóng bỏng nào? Nỗi si cuồng của tình yêu say đắm là ngọn lửa hừng hực, là trao ra hết mình trong sinh mệnh, chịu đựng tất thảy đau đớn bị cháy bỏng, cam nguyện đem toàn bộ bản thân hóa thành tro bụi, chỉ cần có thể thật sự bùng cháy một lần.

Cây son thứ năm gọi là “Trường tương tư”, dùng màu đỏ của quả dâu, là màu tía hơi chua pha màu đỏ càng thẫm thấu. Nhớ nhung, luôn là như thế, trong ký ức tình ý dịu ngọt của chàng là vị ngọt không tan, vậy mà da diết nhớ vẻ lạnh lẽo của chàng, tưởng tượng nỗi buồn tẻ của chàng, thế là dần dần cứ chua xót đến trong lòng, ép ra nước mắt người ta.

Cây son thứ sáu gọi là “Kết hôn”, đương nhiên phải chọn màu đỏ nhiệt liệt nhất và diễm lệ nhất, giống như mặt trời. Cả mặt trời cũng vì họ dừng lại, trên môi nàng, trong đôi mắt lấp lánh của chàng, trong gửi gắm tình cảm giao phó chung thân của nàng, trong vòng tay rộng mở của chàng, mãi mãi sưởi ấm tương lai của họ.

Cây son thứ bảy gọi là “Nắm tay”, là màu đỏ sậm bình tĩnh của nến long phụng. Hai cây nến, gắn bó bầu bạn, cùng trầm tĩnh cháy trong bóng tối, chiếu ánh sáng của mình lên người đối phương, đôi bên là nguồn sáng của nhau, luôn đứng xa xa, dường như rất xa lạ, nhưng ánh sáng của chúng hòa vào nhau thành hồ ao trong không trung.

Cây son thứ tám gọi là “Gợi tình”, làm sao hình dung sự bình thường và ấm áp của nó nhỉ? Đành nói là mùi vị thơm ngọt của bơ đỏ trên bánh kem. Tình cảm nồng nàn nóng bỏng sục sôi đến đâu, có lẽ đều không chịu nổi cuộc sống gia đình thường ngày dường như vô sự, dần dần chìm lắng đóng băng, ngoài mặt đắp lên một lớp mặt nạ lạnh lẽo. Do đó phải có tiết mục, ăn mừng, phải có thi thoảng dậy sóng, phải có lúc nàng ngoảnh nhìn, bờ môi kiều diễm ướt rượt, trong chớp mắt dường như thời gian quay ngược, trở về thuở đầu gặp nhau.

Cây son thứ chín gọi là “Gặp gỡ diễm tình”, kinh diễm nhất cũng kỳ dị nhất, là màu đỏ đẹp đẽ đến cực hạn mà chết người của anh túc. Màu sắc của nó, hương thơm của nó, từng thứ từng món đều hấp dẫn không thể kháng cự, khi bạn chạm đến, cả người sẽ dần dần bay lên, đón nhận khoái cảm cực lớn – thế nhưng, luôn phải đến sau khi mọi việc xảy ra hết mới biết cái giá phải trả rốt cuộc là gì, vậy mà, vẫn thật sự kịp chăng?

Cây son thứ mười gọi là “Tình cảm nghi hoặc”, biến đổi theo sắc trời và thời tiết. Yêu thì muốn y sống, hận thì muốn y chết, đã muốn y sống lại muốn y chết, gọi là “tình cảm nghi hoặc”, giờ giờ khắc khắc đều lượn lờ bất định, yêu và hận quấn quít không rõ, nhưng dù biến đổi thế nào, luôn là màu đỏ - cũng giống như kẻ không ngừng mắng người kia là “lão già chết tiệt”, nhưng lại đi mua một chiếc áo khoác cho người kia.

Cây son thứ mười một gọi là “Cùng bạc đầu”, là màu đỏ men mộc mạc như đất bùn. Khi đồ sứ vẫn chỉ là đất bùn, quét lên cho nó một lớp men đỏ, trải qua ngọn lửa ngùn ngụt, nhiệt độ cao, nguy hiểm thất bại, màu đỏ như thế liền thấm thật sâu vào vân da của đồ sứ, hàm súc mà trầm lặng, lại cùng nó sống chết có nhau. Màu đỏ men không đủ rực rỡ, không đủ chói mắt, nhưng bất kể năm tháng hoặc gió sương hay vết thương, đều mãi mãi không thể làm nó loang lổ.

Cây son thứ mười hai gọi là “Duyên kiếp sau”, đến đây, đã không còn cần bất cứ màu sắc nào để tô điểm sinh mệnh của em, chỉ cần một chút dầu mỡ trong suốt để thấm nhuần bờ môi đã dần dần khô héo của em và tên anh vĩnh viễn bên môi. Đã định sẵn, giữa chúng ta sẽ có một người yên tĩnh chờ đợi ở cổng thiên đường, đợi người kia đến, dưới mặt trời chiều nhìn nhau mỉm cười, điềm đạm chào hỏi : “Đến rồi?”

Tên của bộ son này, gọi là “Đời đời kiếp kiếp”.


(Diệp Khuynh Thành)

No comments:

Post a Comment