Lúc sáu tuổi, cùng lên núi đào hoa lan với ông
ngoại. Mang theo sọt tre, cuốc ngắn, bình nước, đi qua đường nhỏ lát đá
cuội trong làng, đi qua luống cày bằng máy ven khe nước lớn chảy róc
rách. Một chiếc cầu đá phiến nối hai bờ
khe nước. Cầu không có tay vịn không có mái, bắc rất cao, trên rìa có
một cây bách lớn, người trong làng thường treo mèo chết lên. Có lúc trên
cành cây treo hai ba con, dần dần hong khô.
Sau khi qua
cầu, là hai con đường nhỏ rẽ nhánh. Một đường thông về phía đông, qua
ngôi miếu thổ địa cổ xưa, đi vào sâu trong núi cao mênh mang. Một đường
khác thông về phía tây, ở đó là vạt lớn đồng ruộng canh tác, trồng đầy
hoa màu tươi tốt. Hôm ấy đi men theo đường núi phía đông.
Trong miếu thổ địa có hai pho tượng đá nhỏ, trên bàn gỗ cúng trái cây và
hoa dại. Tro nhang tích lũy rất dày, đủ thấy thường có người đến dâng
hương. Miếu thổ địa nhỏ tuy sơ sài, nhưng lại tỏ ra tĩnh mịch uy nghi.
Tầm nhìn rộng rãi, gió núi hiu hiu. Mùa xuân, trong rừng cây xanh lục
khắp nơi đều là hoa đỗ quyên màu đỏ. Chỉ cảm thấy vị trí này đặc biệt
tốt, nó khiến mọi thứ xung quanh tỏ ra ngay ngắn rõ ràng, thịnh vượng có
thừa.
Đường núi sau miếu thổ địa cao dốc không rõ, thông
đến núi lớn trùng trùng điệp điệp. Trên núi ngoài hai chúng tôi, cũng
không có ai khác. Ông ngoại đeo sọt, dọc đường chẳng nói một câu. Quá
nửa đời ông trao cho ruộng đất và lao động, là một người đàn ông trầm
lặng. Tôi gắng hết sức duy trì thể lực, để có thể theo kịp bước chân của
ông, chỉ cảm thấy con đường núi này dài dằng dặc. Lúc đó đã hoàn toàn
rời xa làng xóm và đồng nội.
Núi cao rừng rậm sâu thẳm vắng
vẻ, đường nhỏ trong núi xen lẫn cây cối rải đầy lá thông dày dặn. Ánh
nắng xế trưa bốc lên mùi cay của nhựa thông, tiếng chim thỉnh thoảng
trong trẻo vang lên, như hình với bóng. Chẳng biết đã đi bao lâu, ông
ngoại dừng lại, đưa bình nước cho tôi, bảo tôi chờ ở nguyên chỗ. Ông
xuôi theo bụi cây không có dấu vết đường đi bò xuống đáy. Dùng tay nắm
lấy cỏ tạp, cẩn thận nhích bước, từng chút từng chút tụt xuống. Cỏ xanh
um tùm rung rinh trong gió. Bóng dáng ông rất nhanh mất hút.
Ngồi dưới bóng cây trên đỉnh núi, ánh nắng từ kẽ lá thông rắc đến trên
mí mắt, giọt giọt ánh vàng nhấp nháy. Trong biếc xanh khắp núi, chỉ nghe
tiếng thông reo trầm bổng trong gió lớn, như nước triều nhấp nhô. Gió
thật lớn. Sắc trời xanh thẳm vô cùng lan tràn giữa những ngọn núi, mây
trắng bồng bềnh. Khoảnh khắc ấy thời gian và trời đất tựa hồ dừng lại,
ngưng đọng. Nhưng lại đặc biệt yên tĩnh rộng mở.
Đã đợi rất
lâu, ông ngoại từ đáy khe núi bò lên. Cuốc ngắn của ông dính đất bùn,
trong sọt tre sau lưng đựng hoa lan mới đào. Rễ to trắng bọc bùn mới, lá
xanh dài mảnh giống như cọng cỏ mộc mạc, nụ hoa ẩn nấp trong đó, khó bị
phân biệt. Ông càng đi càng xa, tìm kiếm tung tích hoa lan, lại chỉ hái
sáu bảy khóm, trong lòng trong sáng, chẳng dính chút gì. Hái xong liền
quay về.
Bà ngoại trồng những hoa lan này trong chậu đất
thó tô điểm sân nhà, còn dư chia cho hàng xóm. Đài hoa sần sùi chóp phơn
phớt tím vểnh lên, không cần phơi quá nhiều nắng, đặt dưới hành lang
râm mát, qua mấy ngày nụ hoa đã bừng nở. Đóa hoa màu lục nhạt không dễ
gây chú ý, đến gần ngửi kỹ, có một làn hương hoa thấm vào gan ruột,
khiến người trong lòng thông suốt. Chúng là mùi hương như thế, khí vị
thanh nhã, không khiến người có chút tạp niệm nào. Chỉ sinh trưởng ở khe
núi sâu vắng khó đến, cách tuyệt với đời, khó hái, nhưng lại chẳng mảy
may kiêu ngạo.
Người trong nhà đều yêu lan. Bản tính chân
thực của hoa lan sẽ không bị phục chế và biến dị, cũng không giao dịch
với thế gian này. Lan thầm khe vắng, xác đáng biết bao. Ông ngoại biết
chúng ở đâu, mùa xuân hàng năm, đem lòng mến mộ vượt đường xa, đến nơi
cũ thăm chúng. Điều này để lại ấn tượng trong lòng tôi.
(Trích "Tố niên cẩm thời", An Ni Bảo Bối)
No comments:
Post a Comment