14.5.15

Trúc Nguyên




Đó là một thôn trang nhỏ miền Nam cổ xưa, nó có một cái tên đẹp đẽ, gọi là Trúc Nguyên. Thôn trang nằm giữa núi non, bên dòng nước lục, trúc biếc mờ ảo, bốn mùa xanh tươi. Con đường nhỏ chốn làng quê xa tắp quanh co ấy đi ngang qua những nông phu vác cuốc về nhà, những mục đồng cưỡi trâu thổi sáo, những thôn phụ giặt áo bờ ao, những ngư ông thuyền đơn dầm tuyết câu cá trên sông, và cả những cụ bà xách làn nhặt rau.

Bà ngoại tôi từ một thôn xóm tên là Hương Đường gả đến Trúc Nguyên. Một cô tiểu thư con nhà giàu có gả cho một hộ dân nghèo dưới mức trung bình, vào thời đó cũng không phải là câu chuyện truyền kỳ gì. Đối với bà ngoại, việc xuất giá của bà chẳng qua là một lần di chuyển giản đơn của số phận. Tuy gia cảnh thanh bần, nhưng ông ngoại đã đem lại cho bà ngoại sự êm ấm và hạnh phúc trọn đời.

Ngày thứ hai gả cho ông ngoại, bà ngoại đã cởi bỏ chiếc xường xám may bằng gấm vóc, từ đó luôn mặc tấm áo giản dị của thôn phụ bình thường thời kỳ Dân Quốc. Bà ngoại nói, ông ngoại cũng từng mặc áo dài, đó là kiểu ăn vận khi vào trong thành họp chợ, thường ngày ông đều mặc áo ngắn. Sau này, bà cất hết xường xám và áo dài vào trong chiếc rương gỗ long não vốn là của hồi môn, khóa lại, xem đó là hồi ức của tuổi thanh xuân. Mặc cho năm tháng đè nặng đôi vai, ân tình của quá vãng vẫn như năm xưa, được cất giữ lâu dài.  

Con đường nhỏ chốn làng quê ấy cũng là con đường tôi phải đi qua khi đến nhà bà ngoại. Thôn trang tôi ở hồi nhỏ và Trúc Nguyên chỉ cách nhau hai cây số đường núi. Lộ trình trông có vẻ ngắn, song dọc đường hiện hết phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Hoa núi mọc ven lối đi, chim xanh đậu trên cành cây, chỗ ngã rẽ càng là cảnh đẹp khác vời. Ruộng lúa chi chít như sao đêm, khắp nơi có thể bắt gặp trâu và gia cầm nuôi thả bên ngoài. Qua cây cầu đá, dừng chân chốc lát bên dòng suối róc rách, tôi luôn không quên hái một đóa hoa dại, múc ít nước vào vò gốm.

Dịp lễ tết hay kỳ nghỉ đông nghỉ hè, đến nhà bà ngoại đã trở thành thời gian vui vẻ nhất những năm thơ ấu. Bà ngoại trong ký ức của tôi đã là giai nhân buổi xế chiều, không nhìn ra mảy may phong thái và tài hoa thời trẻ. Bà thường mặc một chiếc áo màu lam vạt xéo cúc thắt, đội một chiếc mũ nhung tơ màu đen, bên phải mũ thêu một đóa hoa nhỏ. Bà ngoại thân hình gầy bé, nét mặt hiền từ, bà đã dùng đôi tay chằng chịt nếp nhăn làm cho tôi rất nhiều món ngon, khiến quãng thời gian còm cõi đó trở nên phong phú đủ đầy.

Về sau chị họ nói với tôi, những ngày sống ở nhà cậu út tại Trúc Nguyên ắt hẳn là thời gian vui vẻ nhất trong đời bà ngoại. Bà ngoại sinh cậu út lúc đã ngoài bốn mươi, mãi đến khi cậu út thành gia lập nghiệp, đôi bên cũng chưa từng tách rời. Từ khi gả đến Trúc Nguyên, bà ngoại cần kiệm quán xuyến gia đình, sau khi bố mẹ chồng mất, bà sống cùng cậu út, chuyện lớn chuyện nhỏ đều do bà làm chủ. Người nông dân chất phác đã tạo ra cảnh tượng sung túc bằng đôi tay cần cù trí tuệ của mình. Họ trông nom gia viên tươi đẹp, sống cuộc sống yên ổn hạnh phúc.

Trong nhà làm thịt lợn gà, hoặc dưới ruộng thu hoạch dưa quả tươi mới, mẹ luôn bảo tôi và anh trai xách làn trúc, vượt mấy dặm đường núi đưa đến biếu bên nhà bà ngoại. Trong đồng ruộng, bên ao nước, trên đường nhỏ, rải rác kẻ cày cấy người giặt giũ. Lúc ấy tôi chỉ cảm thấy nhân gian sao mà phồn hoa như thế, chẳng có chút nào cảm giác vắng lặng của thôn trang hẻo lánh. Mà tôi càng không tưởng tượng được, một ngày kia, tôi sẽ rời xa con đường núi này, lạc lối nơi đầu phố tha hương, lơ ngơ luống cuống.

Bà ngoại buộc một chiếc tạp dề vải thô, đứng trước bếp lò, làm vài món ăn nhà nông. Ớt xanh xào thịt thái lát, cá sông nhỏ rán bột, hoa nhài xào trứng gà là hồi vị thuần phác nhất đối với mỹ thực thuở nhỏ của tôi. Lửa củi hớn hở cháy, kèm theo tiếng rán xào vang khắp bốn bức vách. Khói bếp xuyên qua ngói đen, lượn lờ trước sân, rồi lan tỏa khắp thôn trang. Đây chính là gia đình khói lửa bình thường, ngay cả chim én cũng không nỡ rời bỏ tổ cũ, làm bạn với nhền nhện dưới mái hiên, ngắm dòng chảy thời gian, tháng năm đi đến.   

Lo liệu xong mọi việc trong bếp, bà ngoại mới ngồi xuống, rót cho mình một chén rượu ngâm hoa hợp hoan hoặc hoa quế, tỉ mỉ nhấm nháp. Trên chiếc bàn trúc nhỏ kê ngoài sân đã bày sẵn các loại bánh trái như bánh xốp dương mai, bánh que hoa lan, bánh bột nếp hoa quế, và một ấm trà dại trong núi nhà tự chế biến. Cây táo trước sân đơm đầy quả, dưới giàn nho, cơn gió mát đạm bạc miền quê lướt qua. Bên tai có tiếng rì rầm của bà ngoại, bà thường nhắc lại những chuyện đã qua, mà tôi cũng nghe hoài không chán.

Mãi đến khi mặt trời ngả về Tây, mặt trăng sắp mọc, tôi cũng không có ý về nhà. Tôi mong ngóng kỳ nghỉ, được ở lại, hưởng thụ thời gian vui vẻ ngủ chung giường cùng bà ngoại. Trăng đêm như nước, trên chiếc bàn con thắp một ngọn đèn dầu, bà ngoại ngồi dưới ánh đèn, may vá áo cũ. Tôi tựa nghiêng trên chiếc giường cổ chạm hoa khi bà xuất giá, ngắm bà dệt vá ngày tháng bằng từng đường kim mũi chỉ, mạch suy nghĩ lại lan man xa xôi. Phong cảnh đời người có thể giản dị nhường này, tiếng chó sủa ngoài cửa cũng theo đó mà yên lặng.     

Tôi từ từ thiếp đi trong sự vỗ về của bà ngoại, cho rằng có thể sống đến trời đất già nua. Trong mơ lại nảy sinh thương cảm, vào lúc tôi đang độ xuân xanh, một mình đeo tay nải, đi qua đường cổ miền quê, lưu lạc giang hồ. Về sau giấc mơ này thành sự thật, tôi bị năm tháng lưu đày, đi tìm kiếm một thứ phong cảnh khác của Giang Nam. Giang Nam hoa hạnh khói mưa, Giang Nam của thi nhân từ khách, Giang Nam có phong cảnh như tranh. Có điều, từ đó tôi càng đi càng xa với những tháng ngày mộc mạc.

Ngày dài người vắng, hoa súng mọc đầy ao nước sau nhà chầm chậm xòe cánh dưới ánh trăng. Mãi đến khi ánh dương xuyên qua rèm châu, rải xuống chấn song cửa sổ, mới thấy bà ngoại soi gương chải tóc. Trong hộp trang sức nho nhỏ có rất nhiều đồ trang sức bằng bạc tinh xảo, tôi chỉ cảm thấy cuộc đời của bà ngoại cũng như hộp trang sức này, giấu kín hoa lệ. Sau đó những trang sức bằng bạc này được giao cho mẹ tôi, mẹ lại chuyển giao cho tôi, chúng theo tôi phiêu bạt chân trời, bị lưu ly thất tán, chẳng còn lại bao nhiêu.

Gió lặng ngày nhàn, bà ngoại ngồi ngoài sân nhặt rau bóc măng, tôi bắt bướm nô đùa trong vườn hoa. Ngoài cửa, thôn xóm mái đình, suối liễu bờ mai đều ngập trong ánh nắng tiếng ve. Vạn vật trên đời đều có linh tính, chẳng có gì không tốt. Tôi từng một dạo cho rằng, cả đời của bà ngoại sẽ như nước lặng trời cao, mãi không có tận cùng. Sinh mệnh của bà cũng đã mọc ra cành lá sum suê trên người chúng tôi.

Vì vậy, tôi có thể cố chấp phiêu linh nơi đất khách quê người, làm một kẻ lãng du không lo lắng gì. Tôi tin rằng hàng năm trở về quê cũ, bà ngoại vẫn khỏe mạnh như xưa, hoặc đứng trước cửa cùng xóm giềng tán gẫu chuyện nhà, hoặc ngồi bên bàn thêu hoa may áo, hoặc nằm trên ghế mây tịnh tâm dưỡng thần. Tôi biết, theo thời gian bà sẽ chậm rãi già đi, song vẫn luôn ở đó.

Mỗi lần về nhà, tôi trân trọng những ngày ngắn ngủi chung sống với bà ngoại. Giống như mọi khi, pha một ấm trà, bày mấy đĩa bánh trái, nói về quá khứ của bà, hiện tại của tôi, và cả tương lai chưa rõ. Tôi kể với bà niềm yêu thích đối với văn chương và tình cảm đối với từng cành cỏ gốc cây, ngọn núi mỏm đá chốn quê nhà của tôi. Tôi thậm chí ngâm thơ đọc từ cho bà nghe, bà ngoại không biết chữ, nhưng cũng thích ý cảnh trong thơ, bà bảo thơ do người tên là Vương Duy thời Đường đó viết giống như một bức tranh thủy mặc, điềm đạm an tĩnh.

“Sau cơn mưa núi vắng, Hơi thu đượm khắp trời. Hàng thông trăng chiếu sáng, Lèn đá nước êm trôi. Tiếng ai sau bụi trúc, Thuyền câu động lá sen. Ý xuân thơm dẫu hết, Vương tôn dễ nào quên. (*)” Bà ngoại đã từng là cô gái giặt áo trong rừng trúc ấy, tôi của hôm nay thì là khách qua đường quanh quẩn giữa ngày thu. Đời người bèo nước, hợp tan vội vã, bà ngoại vô số lần đứng ở ngã đường ly biệt, dõi mắt tiễn tôi đi xa. Tôi chưa bao giờ có can đảm ngoảnh đầu lại nhìn ánh mắt quyến luyến của bà, e sợ rằng tình cảm sâu sắc sẽ xuyên suốt bóng lưng bạc nhược, thẳng đến tâm linh bi thương.

Chuyện đời náo động, đời người đưa đẩy, mưa nắng không thể đoán trước. Bà ngoại lặng lẽ từ trần vào một sớm tinh mơ mùa đông năm xưa, lúc đó tôi vẫn đang nấu nước pha trà, nghe tuyết rơi trong tòa thành cổ này. Chỉ cách ngày tôi sắp về quê một tuần, song bà ngoại không đợi tôi được nữa. Hôm ấy, tôi chỉ cảm thấy trời đất hoang vu, sinh ly tử biệt của nhân thế vò xé tâm can, hơn hẳn mọi nỗi buồn đau.

Trơ trọi dần ngủ thiếp trong tiếng nức nở, nhưng hồn phách của bà ngoại chưa thể đi vào giấc mộng. Tôi hổ thẹn trong lòng, không về gấp để tiễn bà, chỉ ở trước Phật, thắp sáng một ngọn đèn dầu cho bà, cầu nguyện bà trên đường về bước bước nở hoa sen. Sinh mệnh phiêu hốt vô thường, một con người cuối cùng được ở lại cố hương, cũng là phúc báo.

Tôi chỉ viết một đoạn điếu văn ngắn gọn, nội dung lời điếu thế này: “Bà ngoại đã hứa với cháu, bà đến thế giới bên kia sẽ thác mộng nói cho cháu biết nơi đó ra sao. Cháu từng dối gạt bà, nói rằng con người chết đi sẽ có linh hồn, một ngày kia, bà cùng cậu út tuổi trẻ mất sớm và cả ông ngoại nhất định có thể gặp lại trên trời. Bà ngoại suốt đời ăn chay làm việc thiện, tâm nguyện nhỏ bé này giờ đây đã hoàn thành. Người sống trăm tuổi, thấm thoát là bao, hoan lạc ngắn ngủi, ưu sầu thực nhiều. Không bằng nâng chén, về cõi tĩnh mịch. (**) Bà ngoại, cháu xin chúc phúc cho người.”

Khi tôi một lần nữa đi trên con đường nhỏ chốn làng quê ấy, là đến trước mộ bà ngoại. Trời ấm gió nhẹ, thôn trang miền Nam đã đượm ý xuân, mấy cội mai dại cô đơn nở rộ, không tranh với đời. Trên ngọn núi rậm rạp trúc biếc đã có thêm một nấm mộ mới, mà nằm bên dưới lớp đất vàng kia là một vốc tro cốt của bà ngoại. Đời người bất lực chua xót như thế, một khi từ biệt, lại là vĩnh viễn.

Mẹ tôi nói, lúc bà ngoại mất đã không còn vướng bận, bảo tôi chớ nên đau buồn nhiều. Bà ngoại hưởng thọ chín mươi tư tuổi, cũng được xem là chết già tại nhà, trọn tình vẹn nghĩa. Lần này ly biệt, lúc đến viếng lần sau lại không biết là ngày nào, chỉ có cỏ cây trước mộ bầu bạn bà ngoại yên nghỉ mãi mãi.

(*) Bài thơ “Sơn cư thu minh (Đêm thu ở núi)” của Vương Duy, bản dịch của Cao Nguyên.

(**) Bài thơ “Khoáng đạt” của Tư Không Đồ.

(Bạch Lạc Mai)

No comments:

Post a Comment