14.5.15

Không biết có hoa


Lúc ấy là tháng Năm, trong vòng một đêm, hoa trẩu đã chiếm lĩnh tất thảy những mỏm núi. Lịch sử có lẽ là do từng vị từng vị anh hùng hào kiệt vun đắp, nhưng đối với tôi, năm tháng là do sự nhường nhau của hoa và hoa tạo dựng.

Hoa trẩu trắng muốt, song nhụy hoa lại phơn phớt sắc đỏ. Tôi và bạn tôi đều nhận định loài hoa này hơi bí hiểm – ngày thường kín kẽ như bưng, một khi hoa nở bỗng quét sạch chướng ngại, rực rỡ tựa áng mây sà xuống thấp.

Xe ngừng lại ở một sơn thôn Khách Gia nhỏ, đi qua con ngõ hẹp um tùm tía tô, chúng tôi đứng dưới một cây trẩu cao to. Trên đường núi hoa trắng rơi đầy, mỗi một tảng đá đều cực kỳ dịu dàng bởi được hoa bao phủ, dường như chiến mã đã khoác lên tấm áo choàng thêu thì cũng có thể cho nữ nhân cưỡi vậy.

Ánh dương rất đỗi đẹp đẽ, giống như một loại rượu gọi là “quế hoa mật nhưỡng”, con người đi đến nơi rừng sâu núi thẳm, không khỏi thở vắn than dài, cảm thấy bất lực trước thắng cảnh kinh tâm động phách này, cái đẹp hùng tráng đôi khi khiến người ta hư thoát.

Chợt có một thôn phụ đi tới, nước da đỏ sẫm y hệt sắc thái của cả vùng đất sét ấy.

“Các cô đến tìm người à?”

“Chúng tôi… đến ngắm hoa.”

“Hoa?” Thôn phụ vội vã đi về phía trước, bỏ lại một câu, “Đâu có hoa?”

Do cô ta không cần đáp án, chúng tôi cũng lặng thinh không biết tiếp lời ra sao, chỉ nhìn nhau ngạc nhiên, hoa trẩu phả vào mặt mũi khắp núi khắp rừng như thế, vậy mà cô ta lại hỏi chúng tôi “Đâu có hoa?”

Thế nhưng chốn chốn gió mát thổi qua hoa rơi như mưa, tựa hồ không hề phản đối cách nói của cô ta. Bỗng nhiên, tôi đã hiểu, đây là nhà của cô ta, những gốc trẩu ở trước núi sau núi này là cây trồng nông nghiệp, là hoa màu của họ. Đối với hoa của cây trồng nhà mình, xưa nay người làm nông vẫn nhìn mà không thấy. Trong mắt họ, hoa hồng là hoa, lan kiếm là hoa, cúc là hoa, còn bông lúa, hoa trẩu thì không tính.

Loài hoa khiến chúng tôi vì nó mà ngây ngất si mê, cô ta lại có thể gánh nước thản nhiên đi qua hàng ngàn lần, và bảo: “Hoa? Đâu có hoa?”

Tôi nhớ đến thuở thiếu thời ngao du núi Sư Đầu, đứng trước am ngắm ráng chiều tịch dương, chỉ cảm thấy muôn vẻ kiều diễm đua chen, cả mảng trời phía Tây hoa mỹ đến mức gần như bị thương, không kìm được quay lại nói với vị ni sư già đang đi tới rằng: “Mau ngắm mặt trời lặn kìa!”

Bà an tĩnh rủ mày đáp: “Ngày ngày đều như thế!”

Chuyện cách đây đã hai mươi năm, giọng điệu của thôn phụ xóm núi này sao mà tương tự với vị ni sư già kia đến thế, tôi bất giác ngầm sinh lòng đố kỵ.

Không vì hoa mà mắt say lòng đắm, kinh ngạc thở than, ấy mới là chủ nhân của hoa chăng? Đối với thôn phụ xóm núi lớn tiếng hỏi tôi “Hoa? Đâu có hoa?” đó, hoa là một phần của cây, cây là một phần của núi rừng, núi rừng là một phần của cuộc sống, còn cuộc sống là một phần của trọn vẹn thiên nhiên. Cô ta và hoa có thể giống như núi và mây, gần gũi hòa hợp song không biết nhau.

Hàng năm khi hoa trẩu nở, tôi luôn nhớ đến thôn phụ đó, người thôn phụ bước qua hoa nở hoa tàn mà không biết có hoa đó, đồng thời âm thầm đố kỵ.

(Trương Hiểu Phong)

No comments:

Post a Comment