28.4.14

Hôn nhân Tây Tạng (10)


Hảo Hảo:

Cuối cùng vẫn gửi một tin nhắn cho Trác Nhất Hàng, nói mình rất tốt không cần bận tâm.

Anh thật sự không phải là người em mong muốn sao? Anh nhắn lại.

Em muốn anh không nổi, ngay cả chính mình em cũng không muốn nổi, huống chi là anh? Rồi tắt điện thoại. Tôi không sở trường xử lý quan hệ dạng này, hai người đàn ông, mỗi người có ưu điểm riêng. Theo Trác Nhất Hàng, cuộc sống của tôi sẽ dễ chịu, nhưng lòng sẽ trống trải. Theo Gyatso, thể xác tôi sẽ khổ một chút, nhưng lòng sẽ vui vẻ. So ra, vui vẻ của con tim so với dễ chịu về thể xác vẫn quan trọng hơn. Chỉ đành có lỗi với Nhất Hàng. Khiến anh quên tôi thôi, khiến anh đi tìm cô gái khác thôi. Vừa nghĩ đến điều này, lòng lại có một chút không nỡ.

Nhất Hàng, rất nhanh sẽ có người phụ nữ khác sao?

Lại lắc đầu, nói, Hảo Hảo, mi là một cô gái hư, mi đứng núi này trông núi nọ, mi sẽ xuống địa ngục.

Ở ngã đường Chongsaikang, gặp cậu phục vụ quán bar Travelers, cậu gọi tôi là chị, nói đã lâu không gặp chị, Anh Sói bọn họ ngày ngày nhắc đến chị.
  
Em không nhắc chị sao? Tôi hỏi, cợt nhả nhìn cậu ta. Cậu nhóc đỏ bừng mặt, tôi cười ha hả, khệnh khạng bỏ đi.

Đi qua quảng trường, nhìn thấy “Lông Gà” toàn thân ăn mặc theo kiểu hiệp khách. Anh đội mũ mặc áo giáp sắt, đeo cung tên, khôi giáp và trên lưng còn cắm lông gà cảnh dài thượt. Trong đám Tạng phiêu, Lông Gà là nhân vật có tên tuổi, tính cách đơn thuần, hào tình trượng nghĩa. Mỗi lần đều đi xe máy vào Tây Tạng, xuyên ngang hơn nửa Trung Quốc, lái xe đi khắp Tây Tạng, câu chuyện của anh lưu truyền như thần thoại giữa đám Tạng phiêu. Thấy rất nhiều người đều đang quan sát anh, có ông Tây dứt khoát tiến đến, muốn chụp ảnh chung với anh.

Lông Gà ai đến cũng không từ chối, thần thái tự nhiên, bình thản.
  
Mỗi lần gặp anh đều cảm thấy đây là một anh chàng sinh nhầm thời đại, nếu ngược về mấy trăm năm, tất sẽ là hiệp khách giang hồ lừng danh bốn biển. Chào anh, hỏi anh về Lhasa lúc nào, anh đáp mới về, đến viếng chùa Jokhang trước.

Lông Gà, bước tiếp theo đi đâu? Tôi hỏi.

Không biết, nếu đều lập kế hoạch sẵn cả thì còn có thú vị gì. Anh nói, sau đó chắp hai tay, hướng về chùa Jokhang nhắm mắt.
  
Ngắm khuôn mặt Lông Gà trong ánh nắng, đen đến bóng loáng, hai mắt nhắm hờ, thành kính cầu khấn. Lông gà cảnh dài thượt phất phơ sau lưng, bị ánh nắng chiết xạ ra đủ màu. Anh thật sự không nên là người của thời đại này. Nghĩ như thế, không chỉ là anh, tôi, Anh Sói, cả đám Tạng phiêu chúng tôi, có ai lại không sinh nhầm thời gian, trong quỹ đạo cuộc sống mà Thượng đế sắp xếp, chúng tôi không tìm thấy bản thân, cũng không tìm thấy thú vui, do đó mới đến nơi này, ở cao nguyên Thanh Tạng được tôn xưng là “nóc nhà thế giới”, ở đỉnh cao của trái đất nơi núi tuyết sừng sững, tìm kiếm chốn về của tâm linh mình. Khi chưa đến, chúng tôi dùng phương thức của bản thân, tưởng tượng và không ngừng hoàn thiện vẻ đẹp của nó, sau khi đến, phát hiện người ở đây cũng ăn cũng uống cũng yêu, ngày tháng trong cuộc sống không hề rời chúng tôi mà đi xa. Bất kể xuất phát từ tâm tình kiểu nào, ở nơi người lạ đất không quen này, cởi bỏ sợi thừng trói buộc thân tâm chúng tôi, tự do hít thở, tự do ca hát. Đời người, có thể cho chúng tôi thời gian phóng túng như thế hoàn toàn không nhiều, thoải mái hưởng thụ mỗi một ngày ở đây, thoải mái hưởng thụ mỗi một giờ phút hữu duyên.

Sau đó quả thật vẫn theo Liên đi luyện một lần yoga, trong tiếng nhạc nhẹ nhàng chậm rãi, Liên dẫn dắt chúng tôi thư giãn cơ thể, nhưng trong lúc thả lỏng tôi lại ngủ thiếp đi. Sau khi tỉnh giấc bẽn lẽn cười bảo: Liên, trò này xem ra không thích hợp với tớ.

Không thích hợp với cậu chỗ nào? Liên đang thu dọn đĩa nhạc, quay đầu lại cười. Tỉnh dậy rồi à?

Tôi gật gật đầu, sau đó nói: Trò này quá chậm, tớ thích những vận động kịch liệt.

Cậu đó, luôn cho bản thân định vị chủ quan. Hảo Hảo, có lúc yên tĩnh một chút cũng rất tốt, có thể suy ngẫm mình rốt cuộc cần gì.
  
Tớ không suy nghĩ vấn đề phức tạp như thế. Nhu cầu lúc này tớ biết rõ, nhu cầu của thời khắc tiếp theo thì đến thời khắc tiếp theo hãy nói. Tôi đáp, sau đó mặc áo khoác, cùng cô xuống lầu.

Nếu tôi bảo tôi hoàn toàn không hiểu bản thân, có lẽ người khác sẽ cười. Nhưng rất nhiều khi tôi quả thật không hiểu bản thân, có lúc tôi có thể tắt điện thoại mấy ngày không ra khỏi cửa, yên yên tĩnh tĩnh ở trong phòng, lên mạng, nghe nhạc, xem phim… Có lúc tôi lại chẳng nấn ná được một phút, nôn nóng đến nỗi như sắp nổ tung, chạy loạn khắp nơi, tìm kiếm kích thích, tìm kiếm mọi cách có thể tiêu hao thời gian. Hai kẻ này đều là tôi, chỉ là kẻ nào chân thực hơn, kẻ nào tiếp cận linh hồn của mình hơn, tôi lại không biết, ngày tháng khiến tôi rong chơi giữa hai cô Hảo Hảo, từ từ tan biến…
 
Chiếc nhẫn kim cương nho nhỏ mà Minh tặng vẫn nằm trong góc ngăn kéo, thỉnh thoảng lúc tìm đồ sẽ lục ra, hộp nhung, nhỏ nhắn xinh xắn, theo phản ứng bản năng có lẽ sẽ mở hộp, lấy ra vòng tròn màu trắng có hạt kim cương ấy lồng vào ngón áp út, lớn nhỏ vẫn vừa vặn, chìa ngón tay về phía ánh sáng, ngắm nó phát ra ánh sáng lóng lánh.

Kim cương, loại đá cứng rắn nhất trên thế gian, mãi mãi không biến đổi màu sắc và độ cứng. Do đó, phụ nữ liền gửi gắm ảo tưởng của mình đối với hôn nhân cho nó, mong tình yêu cũng có thể giống như kim cương, mãi mãi sáng đẹp mãi mãi duy mỹ mãi mãi tươi mới. Bất kể lý trí nhường nào rõ ràng nhường nào nói với bản thân, tình yêu là không thể mãi mãi sáng đẹp mãi mãi duy mỹ mãi mãi tươi mới, nhưng khi tình yêu đến, lại đều si ngốc kỳ vọng, ảo tưởng không sát thực tế như vậy, thậm chí dùng viên kim cương giá trị này để đại diện cho nó.
   
Trời lại mưa, tôi nhanh chóng tháo nhẫn kim cương ra bỏ vào hộp, vứt vào chỗ sâu trong ngăn kéo. Ngồi trên tấm thảm bên cửa sổ ngắm những sợi mưa trượt xuống trên cửa kính. Cố chấp cho rằng, bầu trời Lhasa cao hơn nơi khác, mưa cũng sạch hơn nơi khác. Nước mưa trong sáng, chảy vào đất bùn, tưới nhuần cho hoa cho cây cành lá tươi tốt.

Nước mưa và hoa, phải chăng cũng giống như nam và nữ. Đã bổ sung cho nhau lại chia cách lẫn nhau.

Lúc nào mình mới mua được một sân nhà thế này nhỉ? Ở Lhasa, cứ thế già đi.
 
Quyến luyến của Gyatso đối với tôi càng ngày càng sâu sắc, anh thường ôm tôi, chẳng có nguyên do nói: Hảo Hảo đừng rời xa anh được không? Hảo Hảo em chỉ theo anh nhé? Hảo Hảo em sẽ không biến mất chứ? Tôi luôn cảm thấy nội tâm của anh không kiên cường như ngoại hình của anh, người đàn ông cao lớn này ban đêm bỗng nhiên tỉnh giấc, ngơ ngác thẫn thờ, sau đó ôm tôi, cũng bất kể tôi có tỉnh táo hay không, liền cuồng loạn đòi hỏi tôi.

Gyatso, người đàn ông của tôi, trong lòng anh rốt cuộc giấu giếm bí mật thế nào, vì sao mắt anh sầu muộn như vậy? Là nỗi lo lắng ra sao khiến anh bất chấp tất cả, xem mỗi một ngày như ngày tận thế mà sống.

Mùa mưa của Lhasa khiến người thương cảm, cũng khiến người mê luyến. Sợi sợi dòng dòng, gắn liền trời đất thành một khối. Con người cũng theo đó rầu rĩ, sợ được sợ mất khiến cảm xúc của tôi lại bất ổn. Luôn cảm thấy mình là vật nuôi thả, sở trường lớn nhất chính là đối với cục diện không thể nắm bắt, bất cứ lúc nào nơi nào đều có thể bôi trơn gót chân chuồn đi, chỉ cần cảm thấy tình cảm này không thích hợp với mình, không thể khiến mình vui vẻ, lập tức có thể dứt ra, đi khỏi cục diện bất cứ kẻ nào bố trí cho mình mà không chừa lại một chút chỗ trống.

Từng cho rằng, tự do đối với tôi quan trọng hơn gia đình. Vì nó, không tiếc thứ gì.
  
Thế nhưng, ở chung với Gyatso, bất tri bất giác đang thay đổi những thói quen này. Bất tri bất giác, bản thân giống như con côn trùng sa lưới, bắt đầu không ngừng vùng vẫy, nhưng chẳng thoát khỏi lưới tình.

Trác Nhất Hàng tìm tôi khắp nơi, nhờ Anh Sói bọn họ liên hệ tôi, muốn nói chuyện với tôi. Tôi không tỏ rõ thái độ, gật đầu, lại lắc đầu. Gặp mặt, còn có thể nói gì? Tôi lúc này, muốn có bản thân cũng là xa xỉ, huống hồ muốn có anh? Người đàn ông tinh tế nho nhã như thế, tôi muốn không nổi.

Thường kéo Gyatso đi xem phim, bỏ ra mấy chục đồng, xem kẻ khác làm sao diễn dịch đời người đặc sắc, sau đó đến nhà hàng Tây ăn beefsteak, lại nắm tay anh men theo bờ sông đi về nhà. Ngày tháng của những người yêu nhau, phải chăng đều nên trải qua như thế?
  
Thỉnh thoảng gọi điện thoại về nhà, khi cha nhận điện thoại luôn bảo cha mẹ mọi chuyện đều tốt, muốn tôi chú ý sức khỏe, trên cao nguyên khí hậu thay đổi thất thường, chú ý đừng sinh bệnh. Mẹ luôn nói Hảo Hảo về nhà đi, con cũng lớn già đầu không còn nhỏ nữa, nên kết hôn sinh con, phụ nữ lớn tuổi sinh con không tốt… Trong mắt cha mẹ, độ tuổi này của tôi, hẳn sớm đã kết hôn sinh con yên ổn rồi? Con gái của họ lại phiêu bạt bên ngoài ngày về không xác định, trở thành đề tài đàm tiếu sau lưng của tất cả họ hàng tất cả bạn bè.

Nắm tay anh đi qua cầu nhỏ, xuôi theo con đê mà đi. Điện thoại của tôi đột nhiên reo vang, liếc nhìn, số lạ, khi nhận, đối phương nói: Hảo Hảo, anh nhớ em chết được, em đang ở đâu?

Anh là ai?

Em đoán xem.
  
Nghe một gã đàn ông trưởng thành nói chuyện như thế, toàn thân tôi nổi da gà. Nếu anh không nói anh là ai, tôi sẽ cúp máy.

Đoán thử đi mà, em yêu, anh quả thật rất nhớ em, em đang ở đâu vậy?

Tôi ở bên người đàn ông của tôi. Tôi nói, bất giác vui hẳn lên. Gyatso cũng cười, hôn lên mặt tôi.

Đối phương im bặt, tôi cười ha hả, cúp máy.

Ghét nhất loại người này, bất kể tâm tình người khác thế nào, cũng bất kể người khác đang làm gì, đùa cợt lung tung theo hứng chí của mình.
      
Sau khi rẽ ngoặt, đột nhiên nhìn thấy một chiếc Land Rover màu trắng đậu bên đường, Trác Nhất Hàng đang cùng hai người đàn ông đứng dưới bóng râm tán gẫu. Nhìn thấy chúng tôi, thoáng ngẩn người, rất nhanh liền quay đầu đi, giả vờ ngắm phong cảnh. Tôi cúi đầu, phản ứng bản năng buông tay Gyatso ra, bước nhanh lên trước. Khi đi lướt qua, hận dưới chân không có khe nứt để chui xuống.

Gyatso lại chẳng cảm nhận được chút nào, chỉ theo sát phía sau tôi, thỉnh thoảng trêu đùa tôi vài câu.
  
Ngượng ngùng, dù không để tâm thế nào, lúc này chạm mặt, vẫn không phải là thời điểm tốt. Nhất Hàng, tuy nói với bản thân phải buông tay, nhưng thật sự làm được buông tay cũng không dễ. Anh, nói cho cùng, phù hợp mộng tưởng bao năm trong đáy lòng tôi: giàu có, nho nhã, ấm áp. Bỏ lỡ như thế, sau này phải chăng sẽ nuối tiếc?

Lâu rồi đều đang suy nghĩ vấn đề này.
  
Qua rất lâu, Nhất Hàng đều chẳng có tin tức. Nghĩ rằng anh có lẽ thật sự quên tôi rồi? Như vậy chẳng phải rất tốt sao? Mãi đến một hôm, Gyatso đi vắng, một mình ngồi trên sân thượng, nghe bài hát “Người con gái đuổi gió”, lại nghe tin nhắn điện thoại reo, cầm lên mở ra.

Nhớ em, mỗi một ngày đêm. Còn nhớ đêm đó ở phố Barkhor không? Nhặt em về, như một con mèo nhỏ cuộn tròn trong lòng anh. Đêm đó đẹp đẽ biết bao ngọt ngào biết bao, chẳng lẽ cứ thế bỏ lỡ?

Xem xong, muốn khóc. Nhắn trả lời không phải không muốn có anh, là muốn không nổi. Nhất Hàng, anh quá ưu tú, ưu tú đến nỗi khiến em ở bên anh đều cảm thấy áy náy.
  
Chúng ta không thể thử sao? Có lẽ, chúng ta có thể cọ xát để gắn bó với nhau. Những ngày này, một mình ngồi trên ghế, nghe nhạc, nhớ em, đêm không ngủ được. Em yêu, tưởng nhớ những ngày tươi đẹp đó, chẳng lẽ em thật sự nhẫn tâm cứ thế rời đi?

Không nhẫn tâm lại có thể thế nào? Nhất Hàng, thay vì sau này anh chán ghét rồi em ra đi, chi bằng hiện giờ chia tay càng dứt khoát.

Anh làm sao có thể chán em? Có em là phúc của anh.

Rồi anh sẽ chán em. Rồi có một ngày, khi em già đi, dung nhan không còn nữa, ánh mắt của anh sẽ chuyển dời.

Em yêu, đừng nói như thế, chúng ta đều sẽ già đi. Nhớ em thành bệnh, có thể đến gặp anh không?
...
Tôi quả thật không nói tiếp được, tắt điện thoại, tựa trên ghế, nước mắt không ngăn nổi chảy xuống. Giờ này nơi này, lòng tôi rất đau. Không muốn xóa những tin nhắn ấy, cứ xem là một niệm tưởng vậy.
  
Mấy ngày nay Gyatso đều hồn vía đâu đâu, anh cứ nghịch điện thoại của mình, táy máy lật tới lật lui. Hỏi anh, lại chẳng nói gì cả. Tôi không hiểu người đàn ông này, vừa bắt đầu đã chưa từng hiểu, hiện tại càng không hiểu.

Đêm khuya, khi tôi tỉnh giấc trên ngực anh, anh luôn luôn vẫn đang nhìn trần nhà mê man.

Tôi không rõ, trần nhà kiểu Tạng che một lớp vải hoa đó có gì đẹp.

Anh thậm chí không ra khỏi cửa, cả chuyện làm ăn cũng không lo. Tôi từng thử hỏi anh: Em trai đâu? Em gái đâu? Họ đã về rồi, anh nói. Phải ăn lễ Ongkar, họ đều về cả rồi.

Mỗi lần anh nhắc đến “Họ đều về cả rồi”, giọng điệu lại thương cảm. Người đàn ông này vừa không ngừng đòi hỏi thân thể tôi, lúc cao trào điên cuồng gào: “Em là người phụ nữ của anh, em là người phụ nữ của Gyatso anh, suốt đời này đừng nghĩ rời xa anh!”, lại vừa thương cảm.

Anh không về ăn lễ sao? Tôi hỏi. Ngày lễ của người Tạng rất nhiều, nhiều đến nỗi tôi cơ bản không rõ tên. Nhưng tôi thích ăn lễ của họ, ngày lễ nào cũng thế. Vui vẻ, chẳng phải sao? Chỉ cần vui vẻ là được. Tôi thích đứng giữa đám người nhớp nhúa đó, lắc lư theo bước chân cuồng loạn của họ. Mặc kệ lắc điệu gì. Tôi vui vẻ, quên mất bản thân cũng quên mất người khác, đây chính là điều tôi muốn. Giữa đám người nhốn nháo, cũng không nghe thấy điện thoại reo nữa, nên chẳng còn gánh nặng tâm lý.

Đúng thế, tôi có gánh nặng tâm lý. Tôi sợ nghe điện thoại reo. Sợ Nhất Hàng gọi điện thoại, thậm chí, sợ Liên gọi điện thoại, chỉ có ở nơi xa lạ, giữa đám đông xa lạ, tôi mới không e sợ, ít ra là tạm thời không e sợ nữa.

Một tuần sau khi Gyatso và tôi vào ở trong sân nhà nhỏ kiểu Tạng này, không hiểu sao anh lại mất dạng. Gọi điện thoại, truyền đến tiếng nói đáng ghét: “Điện thoại bạn gọi không nằm trong vùng phủ sóng.” Khiến tôi mấy lần đều hoài nghi, tôi thật sự sở hữu người đàn ông như thế sao? Mỗi lần hoài nghi, tôi đều sờ người mình. Đúng vậy, cảm giác dưới ngón tay rõ ràng nói cho tôi biết, tôi từng sở hữu, những vết hôn khắp người, khăn trải giường bừa bộn, mùi dầu bơ đầy nhà, đó đều là dấu ấn anh để lại cho tôi. Thế nhưng, hiện tại anh không có mặt, ngoài những dấu ấn thuộc về anh này, chẳng có hơi ấm cơ thể, chẳng có ánh mắt nóng bỏng, chẳng có ôm ấp cuồng dại…

Anh đã đi đâu? Gyatso của tôi đã đi đâu?
  
Một lần nữa anh vứt tôi vào một ngóc ngách tăm tối của thành Lhasa, khiến tôi run cầm cập vào mỗi đêm mưa như trút nước.

Ở trong nhà buồn bực hai ngày, bản thân cũng ngửi được mùi mốc meo trên người. Tôi sắp chết ư? Vì sao trên người có mùi đất nặng như vậy? Tóc cũng rụng xuống từng nắm, trên gối, trên gường, trong nhà vệ sinh… Khắp nơi đều là tóc.

Tôi là người gì? Vì sao tôi phải làm cho mình nên nông nỗi này? Tôi ngồi phịch xuống đất, trên người chỉ mặc một chiếc áo lót, vào một ngày tháng tám, ở một góc nào đó của thành phố ngập nắng, đơn độc tự liếm vết thương.

Tôi lạnh, thật sự lạnh, lạnh lẽo thấu xương.

Tôi lẹ làng mặc áo. Váy hoa, mũ hoa, quần jeans, giày đế bằng, khoác hết lên người, sau đó túm lấy túi xách, nhanh như bay xông ra khỏi ngôi nhà nhỏ kiểu Tạng đó.

Không ngoảnh đầu lại, tuyệt đối không ngoảnh đầu lại.

Chạy qua từng ngõ rồi từng ngõ hẻm, chạy qua từng đám rồi từng đám người xa lạ, tôi lại đứng ở quảng trường chùa Jokhang.
     
Ánh nắng ấm áp bao vây tôi, thật ấm áp, tựa như vòng tay mẹ. Tôi hé mắt, nhìn lên bầu trời, trên trời xanh, mây trắng giống như kẹo bông gòn, đông một đám tây một đám.

Tôi vẫn đang sống. Tôi nói với bản thân, tôi vẫn đang sống tử tế.

Khi tôi ý thức được “mình vẫn đang sống”, trong lòng vẫn có một tia vui sướng.

Sống dưới ánh nắng thật là tốt! Tôi bỗng hướng lên trời hét lớn một tiếng: Gyatso, anh đi chết đi! Rồi lại bắt đầu chạy.


(Dorje Zhoigar)

No comments:

Post a Comment