14.4.14

Trấn nhỏ Giang Nam (trích)

Trấn nhỏ Giang Nam mà tôi từng đến rất nhiều, nhắm mắt liền có thể tưởng tượng ra, đường sông hẹp chạy xuyên qua trấn, những chiếc cầu đá điêu khắc tinh tế, nhà dân xây ven sông, bên dưới sàn gác chính là nước, bến đỗ bằng thềm đá từ dưới sàn gác từng bậc từng bậc nhô ra, phụ nữ đang giặt giũ trên bến, còn trên chiếc thuyền mui đen cách họ chỉ có mấy thước đang bốc lên một làn khói bếp trăng trắng, khói bếp xuyên qua gầm cầu bay đến bờ đối diện, bờ đối diện bên sông có lan can đá vừa thấp vừa rộng, ngồi được nằm được, mấy cụ già vẻ mặt yên tĩnh ngồi đó ngắm thuyền bè qua lại. So với trấn nhỏ gồm nhiều nhà sàn bên sông Tương Tây dưới ngòi bút của Thẩm Tùng Văn, trấn nhỏ Giang Nam thiếu kiểu hồn hậu chất phác hiểm trở lạ lùng ấy, dư một chút thông suốt êm ả. Đằng trước của chúng không có bãi đá sông hiểm, đằng sau không có hoang mạc, do đó tuy u tĩnh hẻo lánh lại chẳng có khí thế gì; chúng đa số rất lâu đời, nhưng phương thức sinh hoạt trước sau tương đối dễ chịu chẳng khiến chúng bảo lưu bao nhiêu hoang tàn và di tích, thế nên cũng chẳng nghe ra bao nhiêu tiếng than vắn thở dài của lịch sử; đương nhiên chúng từng có thăng trầm vinh nhục, nhưng quả thực cũng chưa từng bày ra cảnh tượng quá trang trọng, vì vậy cũng không dễ nảy sinh cảm khái bể dâu giống như cầu Chu Tước, ngõ Ô Y. Tóm lại, lộ trình lịch sử và phong cách diện mạo hiện thực của chúng đều tỏ ra chân chất mà bền bỉ, nhỏ hẹp mà lâu dài, giống như những con đường lát đá phiến ngang dọc cổ trấn.

Huy hoàng chớp mắt điêu tàn, ồn ào sôi sục là tên khác của vắn số. Nghĩ tới nghĩ lui, chẳng nơi nào có thể trở thành một kiểu tượng trưng cho lối sống đạm bạc mà yên ổn hơn trấn nhỏ Giang Nam. Trong văn nhân Trung Quốc có đông đảo một tốp người sau khi vào đời gặp khó khăn đã trốn tránh đến Phật, Đạo, nhưng kẻ thật sự gửi thân nơi chùa miếu đạo quán không quá nhiều, mà xây nhà chốn núi hoang, một mình câu cá nơi sông lạnh suy cho cùng sẽ đem đến một loạt phiền phức trên sinh hoạt cơ bản. “Đại ẩn sĩ ẩn cư ở phố chợ”, phương thức ẩn náu tốt nhất không ngoài nấp trong các trấn nhỏ Giang Nam. Đối lập với hiển hách là trạng thái bình thường, đối lập với quan trường là bình dân, so với cỏ tơi cây rậm giữa núi rừng càng có tính ẩn dật, chính là biến mất trong cuộc sống thường ngày của bá tính bình dân ở một trấn nhỏ nào đó. Ẩn dật giữa núi rừng còn giữ lại và tuyên dương một niềm kiêu ngạo cô độc, mà ẩn dật cô ngạo chung quy là không thành khẩn; ẩn dật giữa phố chợ trấn nhỏ chẳng những không cần cố ý dày vò và hủy hoại sinh mệnh, ngược lại còn có thể sống hết sức thoải mái, khiến sinh mệnh gắn bó với một góc nhỏ vừa thanh tịnh vừa thuận tiện, hầu như có thể hòa tan hết bản thân từ ngoài vào trong, do đó cũng trở thành hình thái cao nhất của ẩn dật. Nói ẩn dật có lẽ quá hạn hẹp, dù sao trong suy nghĩ của tôi, cầu nhỏ nước chảy nhà người, nỗi nhớ canh rau rút gỏi cá lư, đều là hình ảnh sinh thái mang tính tôn giáo và triết học nhân sinh.



(Dư Thu Vũ)

No comments:

Post a Comment