Thời gian tiếp theo, tôi không ra khỏi cửa, cả ngày ở trong Phật đường của bà nội, nghe bà nói đi nói lại những việc cần chú ý sau khi gả chồng.
Sau một phen làm ầm ĩ, tâm tư tôi bắt đầu bình tĩnh lại, không mắng chửi nữa, tiếp nhận hiện thực mình sắp đám cưới. Tôi biết, ở chỗ chúng tôi đây, chỉ cần vừa đính hôn, ngày cưới cũng đã rất gần. Ba ngày sau, tôi sẽ đến một nơi xa lạ, một gia đình xa lạ, sống với hai hoặc ba, bốn người đàn ông, sinh con đẻ cái, sẽ không còn ai dạy tôi niệm kinh, đốc thúc tôi tập viết chữ Tạng nữa; sẽ không còn ai nửa đêm gõ cửa sổ nhà tôi, ném vào chiếc khăn trùm đầu xinh xắn nữa!
Bà nội, mẹ, chị dâu tôi, các chị em bạn của tôi, có người phụ nữ nào không trải qua như vậy đâu! Có lẽ bà nội nói đúng, đây chính là số mệnh của chúng tôi. Chấp nhận số mệnh thôi! Họ có thể trải qua, Zhoigar tôi vì sao không thể trải qua?
Anh hai cũng từ trên núi xuống, anh vào Phật đường gặp tôi một lần, còn chưa nói được mấy câu, đã bị cha gọi ra ngoài, bảo anh lên núi tìm ngựa về, nói là ngựa dùng khi đưa dâu còn chưa đủ.
Người đàn ông sắp tới của tôi sẽ thế nào? Nhớ đêm đó về nhà, anh hai ở trong lều nói, anh cả của nhà trai là học sinh cấp 3. Tốt nghiệp cấp 3, thế thì cũng giống như Rinchen, là người có văn hóa, người có văn hóa so với những anh chàng chỉ biết uống rượu thanh khoa, uống say rồi đánh vợ vẫn tốt hơn chứ? Nhà ở bên kia núi, bên kia núi ra sao xưa nay tôi chưa đi, chỉ nghe cha và các anh kể, người bên ấy không hái trùng thảo, không trồng thanh khoa, họ thu trùng thảo, thu cây thuốc, nói là chở đến nội địa bán. Nhà tôi sắp gả phải chăng cũng buôn bán như vậy? Sau này không trồng thanh khoa, không chăn bò cừu nữa, tôi làm gì nhỉ?...
Mẹ và chị dâu tỏ ra càng bận rộn, ủ rượu thanh khoa, chuẩn bị bánh điểm tâm chiên, sắp xếp những quần áo màu sắc rực rỡ, chốc chốc còn đem vào một hai chiếc bảo tôi mặc thử. Bà con họ hàng lục tục đến, tặng một số thứ như rượu thanh khoa, cừu, phổ-lỗ, ai cũng đến Phật đường nói với tôi những lời chúc phúc may mắn.
Khoảng bốn giờ chiều một ngày trước lễ cưới, xa xa đã nghe thấy trên đường núi đầu làng vang lên tiếng lục lạc của lừa. Anh hai, chị dâu dẫn hai đứa bé nhà bà con xách bình rượu thanh khoa bằng bạc, bê chén bạc lớn ra đón, tôi biết đó là đằng trai đưa lễ sang.
“Zhoigar la, em ra xem xem, họ đưa đến rất nhiều đồ, đặc biệt là những quần áo kia, nghe nói toàn là anh cả nhà họ từ Lhasa mua về, rất đẹp!” Chị dâu kéo tôi ra khỏi Phật đường, tất cả lễ vật đều từng món một bày dưới ánh nắng ở giếng trời, để tất cả khách khứa xem qua, tơ lụa và đồ bạc phát ra ánh sáng chói mắt.
“Xem cái chén bạc này, thật đẹp, phải hơn một ngàn đồng nhỉ?”
“Bang-điển, toàn của Nepal, dệt thật là đẹp!”
“Zhoigar là người có phúc đấy, nghe nói gia đình đằng trai rất dư dả, cha mẹ cũng hiền từ!”
“Đúng rồi, anh cả là học sinh cấp 3, buôn bán ở Lhasa…”
Ngày mai sẽ chính thức đám cưới. Ông mai Jiumei nói, lễ cưới sẽ kéo dài mười ngày. Nói là cha đằng trai bảo, mười ngày náo nhiệt, trông lên không đủ, trông xuống có dư rồi.
Ngày mai, đón tiếp tôi sẽ là gì nhỉ? Tôi ngồi dưới bầu trời sao, ôm Toinzhub thẫn thờ!
Theo tập tục, tôi phải rời cổng nhà ngay ngày cưới, cùng ngày đến nhà trai. Do đó sau khi ăn cơm tối, mẹ và chị dâu bắt đầu trang điểm cho tôi, mặc vào một lớp lại một lớp áo lót tơ lụa và phổ-lỗ, trên cổ cũng đeo đầy trang sức đủ kiểu đủ dáng, thỉnh thoảng có người bà con vào xem một lát, nói vài lời may mắn với tôi.
Nước mắt cứ lòng vòng trong hốc mắt, tôi cố gắng không để nó chảy xuống. Bà nội nói đã đám cưới chính là người lớn rồi, phải trở thành bà chủ gia đình rồi, không thể muốn khóc thì khóc, muốn cười thì cười được.
Mẹ ngồi trên ca-điểm, bảo tôi ngồi xuống, mẹ nói phải giúp tôi chải đầu, còn nói là lần cuối cùng giúp tôi chải đầu.
Giống như bất kỳ một lần nào trước đây, tôi ngồi xổm trước mặt mẹ, mẹ dùng hai chân giữ lấy tôi, có thể cảm thấy cơ đùi mẹ run rẩy không ngừng. Khi chiếc lược sừng trâu chải qua trên mái tóc dài của tôi, cũng không suôn sẻ như lúc trước. Tôi là đứa con gái duy nhất của mẹ, mẹ cũng không nỡ xa tôi chăng? Tuy nói mẹ không quen bày tỏ, nhưng mấy hôm nay, mỗi ngày sáng sớm thấy mắt mẹ đều đỏ hoe.
Tôi cắn môi, cắn mạnh, có thể cảm thấy trong miệng có một chút mùi máu tanh!
Mẹ chia mái tóc dài của tôi thành hai phần, tôi biết hôm nay mẹ sẽ không tết rất nhiều bím nhỏ cho tôi nữa. Tôi là phụ nữ rồi, không phải sao? Phải chải kiểu tóc thuộc về phụ nữ. Hai bím, thêm vào sợi tơ đủ màu sặc sỡ tết với nhau, quấn trên đầu. Đó mới là dáng vẻ của một bà chủ gia đình.
Mẹ không nói chuyện, thậm chí cũng không sụt sịt, mẹ chỉ nhẹ nhàng tết bím tóc, tết thật chậm. Đột nhiên, cảm giác trên cổ mình có giọt nước rơi xuống, tôi biết đó là gì, nhưng tôi không dám nhúc nhích, càng không dám nói chuyện. Tôi sợ vừa lên tiếng, mẹ và tôi đều sẽ gào khóc. Hôm nay là một ngày tốt, ngày vui lớn con gái duy nhất của mẹ đám cưới, tôi không muốn để mẹ quá buồn thương.
Khi chải đầu xong, bà nội bước vào. Lúc thường, trừ Phật đường, bà nội rất ít vào phòng người khác. Thật ra đây cũng không phải là phòng tôi, đây chỉ là nhà kho chứa thanh khoa trong nhà, tạm thời dùng làm khuê phòng của tôi, để tôi trang điểm, rửa mặt chải đầu. Lúc thường, cả nhà chúng tôi đều ở trong phòng bếp, vì ở đó ấm áp.
Từ sau khi tôi tiếp nhận chuyện cưới, cha và các anh luôn bận rộn. Bà nội công bằng, dưới sự chủ trì của bà, đem thanh khoa và bò cừu trong nhà đều chia bình quân ra một phần để làm của hồi môn của tôi, không vì tôi là con gái sắp gả đi mà bớt cho tôi một số tài sản.
“Zhoigar la, đây là bà nội cho con!” trong tay bà nội cầm một bộ “ba-châu”. Đây là bộ “ba-châu” tốt nhất của bà nội, trên mặt khảm đầy trân châu, lục tùng thạch, hồng bảo thạch…, đẹp đẽ cao quý. Thời trẻ dịp lễ Tết bà nội đều đeo nó, từng nhận được vô số lời khen ngợi và hâm mộ. Nhưng sau khi người anh em cuối cùng của bà qua đời, bà nội không trang điểm nữa, những trang sức và quần áo đẹp đẽ ấy đều thu vào đáy rương. Quanh năm suốt tháng, bà nội chỉ mặc một chiếc áo bào màu đỏ thẫm mà người đi tu mới mặc.
“Cảm ơn bà nội!” Tôi và mẹ đều đứng lên.
Mẹ đón lấy “ba-châu”, giúp tôi đội lên đầu. Bà nội sờ mặt tôi, lại lấy trán cụng trán tôi, sau đó quay người đi ra. Xưa nay tôi chưa từng nghiêm túc ngắm bóng lưng của bà nội như thế, lưng bà hơi còng, như một gờ núi, tóc bạc không chải sợi sợi trong suốt, tỏ ra có chút xơ xác.
Mẹ bắt đầu rửa mặt cho tôi, tôi nhắm mắt không động đậy. Trong không khí bề ngoài gần như tê liệt này, mẹ đã trang điểm tôi thành một cô dâu.
Một giờ sáng, ông mai bước vào, dâng khăn cáp-đạt rồi mời lên đường. (Khăn cáp-đạt, hada: một loại khăn người Tạng và người Mông Cổ dùng trong các nghi lễ và hoạt động xã giao, bày tỏ ý kính trọng, chúc mừng. Khăn dài bằng tơ hoặc sa, đa số màu trắng, màu xanh lam, cũng có màu vàng. Ngoài ra, còn có khăn hada năm màu, chỉ dùng trong tình huống đặc biệt như dâng cho Bồ Tát.)
Đến nhà trai ít nhất phải sáu tiếng đồng hồ, do đó, gia trường hai bên bàn bạc quyết định để tôi ra cửa vào tờ mờ sáng, sau khi trời sáng đến nhà trai, như vậy sẽ không ảnh hưởng giờ tốt làm lễ.
Chị dâu dẫn mấy người rước dâu vào, vây quanh tôi đi ra. Anh hai ẵm tôi lên lưng ngựa, ánh sáng đèn bơ và đèn pin đan xen, vì trời lạnh lừa và ngựa chốc chốc vung chân khịt mũi, tiếng lục lạc phát ra cũng có vẻ lộn xộn rối bời. Đột nhiên tôi cảm thấy một nỗi hoảng loạn và căng thẳng tận đáy lòng, theo phản ứng bản năng chìa tay ra gào một tiếng “Mẹ ơi…”
“Zhoigar la…” Trong tiếng gào thảm thiết của tôi, mẹ dựa bên cửa cũng không thể khống chế cảm xúc của mình nữa, gào khóc nhào về phía tôi. Anh cả ở một bên ôm chặt lấy mẹ, chị dâu cũng vội vàng níu áo tôi, không cho tôi xuống ngựa.
Trong tiếng gào khóc của mẹ và tôi, những người rước dâu bắt đầu hát bài tiễn biệt, uống rượu tiễn biệt. Bà con họ hàng quàng từng chiếc khăn hada lên cổ tôi, lên lưng ngựa.
Cha và hai anh, chị dâu cùng đưa tôi về nhà chồng.
Con ngựa dẫn đầu bắt đầu cất vó, đi về ngôi chùa nhỏ trong làng. Theo tập quán, con gái lấy chồng đều phải đi quanh chùa một vòng, dâng khăn hada cho Bồ Tát, mới có thể chính thức lên đường.
Lạy Phật xong, ra khỏi chùa, tôi ngồi trên ngựa, ngắm nhìn thôn làng thấp thoáng dưới chân núi, nước mắt không ngăn được chảy xuống. Tôi phải đi rồi, rời khỏi nơi sinh tôi nuôi tôi, đến một gia đình xa lạ, cùng người đàn ông xa lạ sinh con đẻ cái!
Mặt trời lặn xuống rồi. Mặt trăng leo lên rồi. Khung dệt vải của mẹ dừng rồi. Rượu thanh khoa của cha thơm rồi. Em gái và bò cừu của em, Giẫm mây trắng về nhà rồi… Tôi cất tiếng hát lên. Đây là bài hát khi tôi chăn thả trở về thích hát nhất. Mỗi lần tôi hát lên bài này, mẹ liền bắt đầu đánh trà bơ. Bà nội cũng ngừng lần tràng hạt trên tay, ra cửa sân chờ tôi. Đêm nay, vào đêm đi lấy chồng, tôi đứng trên sườn núi đầu làng, đột nhiên cất tiếng hát lên bài này. Theo tiếng hát của tôi, trong làng sáng lên từng ngọn đèn, nho nhỏ, xa xăm giống như ngôi sao! Nước mắt chảy vào khóe miệng, mằn mặn. Vó ngựa giẫm trên đất, phát ra tiếng “răng rắc” của băng vỡ. Tôi, Zhoigar, đứa con gái Khampa mười tám tuổi, trang điểm cực kỳ rực rỡ, trong đêm trời đầy sao này, lên đường về nhà chồng.
Hôn nhân Tây Tạng (1)
Hôn nhân Tây Tạng (2)
đoạn mẹ và cô dâu dễ thương thật. <3
ReplyDelete