12.12.13

Hôn nhân Tây Tạng (5)



Zhoigar:

Tháng sáu, đối với người sống trong núi sâu như chúng tôi, là mùa vui vẻ. Trùng thảo trên núi đã đến lúc thu hoạch, nam nữ già trẻ đều ăn mặc gọn gàng lên núi, dăm ba ngày xuống núi, ai nấy mày giãn mắt cười. Tôi thích những ngày ở trên núi, đó là kỳ nghỉ hiếm có trong năm, thoát khỏi tầm mắt cha mẹ, không lo không buồn.

Đáng tiếc, mùa này năm nay, tôi chỉ có thể ru rú ở nhà, ở trong ngôi nhà xa lạ, xem người xa lạ đếm trùng thảo.
  
Gyatso chồng tôi buôn bán ở Lhasa, anh buôn trùng thảo và lông cừu ở quê lên Lhasa, bán cho các thương nhân ven biển. Cha chồng từng ít nhiều có chút tự hào nói với tôi, trong mấy ngọn núi lớn xung quanh, trùng thảo đều sinh trưởng vì Gyatso. Mỗi ngày chạng vạng tối, người xuống núi sẽ đến tìm Gyatso, sau đó hai người ngồi xổm ở giếng trời, người kia từ trong mình móc ra một túi nylon, cực kỳ đắc ý mở ra, đổ ra nền đất trùng thảo còn dính đất bùn, ướt nhèm nhẹp, nói tiếng: “Nhiêu đây thôi”. Sau đó lại từ tốn từ trong mình móc ra một lọ thuốc hít bằng sừng trâu, đổ một chút bột trên móng tay, đưa gần mũi, chầm chậm hít một hơi, hắt xì một cái rõ dài, dễ chịu nhắm mắt lại, trước mắt liền bay lượn những tờ giấy bạc màu sắc rực rỡ. Gyatso thì lật qua lật lại trùng thảo, chia ra lớn nhỏ, theo phẩm cấp chia giá cả trả tiền.

Giao dịch dạng này không cần ra giá trả giá, đều là bà con hàng xóm, giá trùng thảo mỗi người trong lòng sớm đều biết rõ, ai cũng không thể gạt ai.
    
Trùng thảo năm nay so với năm ngoái lại mắc đến mấy đồng, tôi không biết đây là chuyện tốt hay là chuyện xấu. Dawa chị cả của Gyatso cười tôi, nói sao lại không phải là chuyện tốt chứ, trùng thảo mắc lên, thu nhập chúng ta sẽ cao. Nhưng trước đây tôi nghe bà nội nói qua, việc khai thác trùng thảo hiện nay của chúng tôi đã quá mức, trùng thảo mỗi năm một ít, cứ tiếp tục đào thế này, cuối cùng có một ngày sẽ đào hết. Vừa nghĩ đến những ngọn núi lớn xung quanh một ngày nào đó không còn mọc ra trùng thảo nữa, lòng tôi liền có chút bứt rứt. Luôn cảm thấy trùng thảo là vật linh thiên nhiên ban cho chúng tôi, nếu vì chúng tôi không trân trọng mà khiến nó tuyệt chủng, Phật tổ phải chăng sẽ trừng phạt chúng tôi! Khi tôi và Dawa ngồi trên bãi cỏ trước cửa lúc mặt trời chiều lặn về tây, nhìn thấy mấy anh chàng trẻ tuổi tới tìm Gyatso, tôi không khỏi lo ngại nói ra ý nghĩ của mình. Dawa cười tôi lo việc không đâu, chuyện xa xôi như thế, chẳng phải là chuyện đàn bà con gái chúng tôi suy nghĩ.
  
Tiếp theo chúng tôi nói đến các em trai của chị, chị ngắm tôi, nói với vẻ trêu chọc: “Tashi nói, trên người em bị Gyatso cắn rất nhiều vết thương?”

“Anh ấy nói bậy!” Tôi xì chị một tiếng, mặt đỏ bừng. Tôi thích Dawa. Chị rất xinh đẹp, thân hình thon thả, da trắng nõn, ngũ quan thanh tú, rất giống mẹ Gyatso. Dawa không thích nói chuyện, lúc nào thấy chị cũng yên lặng, chỉ biết không ngừng làm việc, điểm này cũng rất giống mẹ Gyatso. Có lẽ kiếp trước có duyên, chúng tôi vừa gặp mặt, đôi bên đều cảm thấy quen thuộc, rất nhanh đã thân mật với nhau.

“Không có ư?” Chị cố ý kéo vạt áo tôi, thò đầu qua, dọa đến nỗi tôi lật đật gạt tay chị ra.

“Chị còn giống bộ dạng một người chị không?” Tôi khép chặt vạt áo, liếc chị. Thật kỳ lạ, người phụ nữ này thường ngày yên lặng, chỉ cần ở chung với tôi, liền hiếu kỳ như một cô gái nhỏ, ríu ra ríu rít không ngừng.

“Nói như vậy em nhận người chị này rồi?” Chị cười đắc ý, nụ cười ấy, khiến trong lòng tôi giống như có con sâu róm đang bò. “Em thích các em trai của chị rồi? Động lòng rồi? Là Gyatso hay là Tashi?”  

“Xùy xùy xùy, cái chị này, chẳng có câu nào đứng đắn. Trông chị thường ngày chỉ biết vùi đầu làm việc, nửa ngày chả nói một câu, sao lúc này không ngậm miệng lại được vậy?”

“Em thích Gyatso hẳn? Đúng không? Nhìn em đỏ mặt kìa, y chang mặt trời!” Chị khom lưng nhìn tôi, cười hì hì.

Tôi đẩy đầu chị ra. “Còn nói bậy nữa, em sẽ không ngó ngàng đến chị!”
    
“Được được được, chị không nói nữa.” Chị ngồi thẳng người, hai đầu gối khép lại, cằm đặt trên đầu gối, nhìn mặt trời sắp lặn xuống núi, như có điều suy nghĩ. Mãi một hồi, chị mới mở miệng, nhưng lần này lại không có ý cười cợt. “Zhoigar, chị biết trong lòng em nghĩ gì. Chẳng qua, Gyatso không giống với Tashi, trong mấy anh chị em tụi chị, nó cổ quái nhất, thường đưa ra những cách nghĩ lạ lùng kỳ khôi, người ở nơi này, lòng lại ở nơi khác. Không giống Tashi, Tashi thật thà nhất, giống như bò yak, chỉ biết làm việc, người ở đâu, lòng ở đó. Khi biết các em đính hôn, chị rất lo cho Gyatso, sợ nó không bằng lòng đám cưới, nó luôn nói phải đến chùa sống, nó nói nó không thích ứng cách sống này của chúng ta, nói cuộc sống một đời lặp lại một đời như vậy sớm nên thay đổi.”

“Là ý gì? Cách sống làm sao thay đổi?” Điều này lại là mới lạ, tôi vẫn lần đầu tiên nghe nói.

“Chị cũng không rõ. Gyatso đã nói, hôn nhân nên để con cái tự làm chủ, cha mẹ không nên can thiệp. Còn nói cha mẹ không thể đưa con nhỏ đến chùa, mà nên đợi sau khi khôn lớn, hỏi con đồng ý mới được. Nói chung cách nghĩ kỳ kỳ lạ lạ. Em bảo chuyện gì cũng để chúng ta làm chủ, cha mẹ chúng ta làm gì?”

“Anh ấy nghĩ như vậy ư? Thật có chút kỳ lạ!” Tôi cũng tựa cằm lên đầu gối. Nghĩ đến Gyatso, người đàn ông cao lớn ấy, ở đâu có nhiều cách nghĩ như thế? Còn hôn nhân tự mình làm chủ? Có thể sao? Đều là chúng tôi tự làm chủ, cha không tức chết mới lạ đó! Tuy nhiên, nếu tự mình làm chủ, tôi có chọn gả sang đây không? Nghĩ chắc là không thể. Lúc ấy chẳng quen biết họ, tôi làm sao chọn gả cho họ chứ. Gả cho Rinchen chăng? Đó cũng là một anh trai có văn hóa, thông minh. Quen thân, hơn nữa anh cũng thích tôi...

“Nghĩ gì thế? Say sưa như vậy?” Dawa huơ tay trước mắt tôi, kéo suy nghĩ của tôi về. “Trước khi các em đám cưới chị vẫn lo lắng, hiện giờ xem ra các em rất tốt. Gyatso và Tashi đều rất thích em, thật mừng cho em. Em thông minh lại xinh đẹp, nhớ kỹ nhé, nhất định cột thật chặt các em trai, để người chúng ở trên người em, lòng cũng phải ở trên người em.”

Gyatso thích tôi sao? Tôi nhớ đến dáng anh cắm cúi nghịch điện thoại di động. Đám cưới đã năm ngày, ngoại trừ đêm đó đến lượt anh, điên cuồng dày vò thân thể tôi, gần như chẳng có trao đổi. Nhớ được lúc cực độ phấn khích, anh không ngừng gọi một từ mới mẻ “Yến Tử”. Đó là gì? Là tên mới anh đặt cho tôi? Hay là tên đặt cho thân thể tôi? “Chị ơi, chị có biết Yến Tử là gì không?”

“Yến Tử?” Dawa nghi hoặc nhìn tôi, không rõ lắc đầu. “Chưa nghe qua!”
 
Buổi hoàng hôn đó, hai chúng tôi ngồi trên bãi cỏ, trò chuyện câu được câu chăng, ngắm ánh nắng sót lại nhuộm đỏ mặt đất, sau đó từng chút một sụp tối.

Ngày hôm sau Dawa phải về. Nói là lúc ra đi những người chồng đang ầm ĩ đòi chia nhà, chị không yên tâm. Nhà Dawa ở bên hồ Yamdrok, nhà chồng hai anh em, một chị gái. Vì cha mẹ mất sớm, chị gái gánh trách nhiệm nuôi dạy em trai. Sau khi các em trai khôn lớn, chị gái cũng đã lớn tuổi, không gả chồng nữa, sống chung với các em trai. Trong gia đình như vậy, chị cả như mẹ.

Ở chỗ chúng tôi, cô gái giống chị ấy suốt đời không gả như vậy cũng rất nhiều. Vì trốn tránh hôn nhân không thể biết trước, chọn lựa đi tu làm ni cô hoặc suốt đời không gả sống chung với các anh em trai.
  
Điều kiện sống của nhà chồng Dawa không tốt, lúc sắp đi, cha mẹ chồng đã chuẩn bị cho chị rất nhiều đồ, cần có người đưa tiễn.

Cha chồng bảo để Namgyal đi tiễn. Namgyal là em trai thứ ba của Gyatso, sau khi tốt nghiệp cấp 2 làm công ở Lhasa luôn, không biết làm việc đồng áng. Cha mẹ không thích chú ấy lắm, nói chú ấy lười, chẳng làm chuyện gì.        

Không ngờ Namgyal một mực từ chối, chú ấy nói phải dự xong lễ cưới của anh trai mới ra về.

Gyatso đang nghịch điện thoại di động ngẩng đầu, nói: “Tôi đi.”

Tất cả mọi người đều không tin tròn mắt nhìn anh.

Người càng khó xử là tôi.

Lễ cưới mười ngày, mới qua năm ngày, người chồng là “gia trưởng” đã muốn rời khỏi?

“Chuyện làm ăn ở Lhasa có chút vấn đề, tôi phải về xử lý!” Gyatso không nhìn tôi, cũng không nhìn những người khác, giống như giải thích, lại giống như không phải.
  
“Anh, hay là em đi cho.”
Tashi nhìn tôi, nói.

“Em ở nhà đi.” Gyatso quay người vào phòng, chẳng mấy chốc liền xách túi đi ra. Quẳng hành lý của Dawa lên lưng, đi xuống dưới lầu.

Cha mẹ chồng hình như lúc này mới kịp phản ứng, gọi “Gyatso” gấp gáp đuổi xuống.

Dawa kéo tôi đang đờ ra như khúc gỗ đi theo. Ở cổng, chị ngăn các cụ lại, nói để tôi tiễn chị.

Cứ như vậy, Gyatso xách túi lớn túi nhỏ đi đằng trước, tôi và Dawa theo đằng sau. Ai cũng chẳng nói chuyện. Chỉ có Dawa chốc chốc siết tay tôi một cái, chị đang an ủi tôi. Nhưng lúc này, lại có an ủi nào có thể khiến lòng dạ cuộn dâng như sóng của tôi lắng dịu xuống!

Hai bên đường nhỏ, là thanh khoa liên miên không dứt, đã bắt đầu ngả vàng, rất nhanh sẽ bắt đầu gặt hái, đó là những ngày sục sôi ngất trời, mỗi nhà mỗi hộ đều trông mong!
     
Là con dâu mới, lần đầu tiên tôi xuất hiện trước mặt người làng. Người làm việc dưới ruộng đều dừng lại chào hỏi Gyatso và Dawa, ánh mắt lại không một ngoại lệ rơi trên người tôi.

Tôi cười, cười với mỗi người nhìn tôi, gật đầu chào hỏi. Dù lòng tôi tràn đầy tâm tư ly biệt thế nào, tôi chỉ có cười, khóe miệng cố gắng nhếch lên, nước mắt mới không rơi xuống!

Đoạn đường ấy có bao xa? Đoạn đường ấy đi bao khó? Đường nhỏ quanh co, dường như một thế kỷ!

Ở cửa núi Kangri, kinh phướn rợp trời kín đất, tươi đẹp như hôm qua, theo gió tung bay.

Tôi đứng trong đám kinh phướn, dừng bước, kinh phướn phất phơ vừa khéo che khuất mặt tôi. “Em tiễn đến đây thôi, hai người đi nhé!”

Dawa một lần nữa siết mạnh tay tôi, nói mấy câu chúng tôi đi rồi, em chú ý sức khỏe, chị sẽ bảo Gyatso mau chóng trở về, sau đó bước qua xách một chiếc túi, đá Gyatso một cái, giảu môi về phía tôi, đi lên phía trước.

Gyatso nhìn tôi, hơi khó xử. “Em trở về đi!”
      
 “Ừm…” Đây là lần đầu tiên anh nhìn thẳng tôi nói chuyện, nói là “Em trở về đi.” Tôi trở về đi? Về đâu? Về mái nhà không có anh kia ư?

Vào khoảnh khắc anh quay người, đột nhiên nói câu: “Xin lỗi!” Sau đó như trốn chạy vội vã bỏ đi!

Tôi đứng ở đó, đứng trong trận kinh phướn liền trời liền đất, nước mắt đột nhiên chảy xuống. Vào tháng sáu trăm hoa hé nhụy này, gió thổi kinh phướn kêu phần phật! 

Hóa ra, tháng sáu cũng có thể lạnh lẽo thấu xương như thế!

Lễ Ongkar là ngày lễ chúng tôi chúc mừng được mùa, trừ Tết theo lịch Tạng, thì kể ra lễ Ongkar là tưng bừng nhất. “Ong” trong tiếng Tạng là “ruộng đất”, “kar” là ý “đi vòng quanh”. Lễ Ongkar chính là “đi vòng quanh đầu bờ ruộng”.

Đây là một ngày lễ truyền thống, có khi so với năm mới của chúng tôi còn náo nhiệt hơn. Nghe người già nói, lễ Ongkar ở Tây Tạng đã có lịch sử hơn 1600 năm, khi chính quyền Thổ Phồn thành lập ở thung lũng sông Yarlung đã có ngày lễ này. Sớm vào thế kỷ thứ 5 công nguyên, tức thời kỳ Pu-de gung-rgyal chấp chính, vùng đất Yarlung đã bắt đầu đào kênh mương, dùng cày gỗ cày ruộng, sản xuất nông nghiệp tương đối phát triển. Để đảm bảo chắc chắn lương thực bội thu, tán phổ Pu-de gung-rgyal bèn thỉnh cầu giáo chủ đạo Bon ban cho pháp bảo, giáo chủ căn cứ giáo lý đạo Bon, dạy nông dân đi vòng quanh ruộng, cầu trời bảo hộ được mùa, đây chính là “Ongkar”. “Ongkar” ban đầu, là một hoạt động cúng tế trước khi bắt đầu gặt hái, lưu truyền đến nay, “Ongkar” đã trở thành một ngày lễ long trọng. Ngày lễ này thuộc về mùa hè, thuộc về vui vẻ. Dịp lễ, dù người đi bao xa, đều phải trở về quê nhà, cùng người thân ăn mừng năm được mùa, cầu mong mưa thuận gió hòa, được mùa ngũ cốc.

Thời gian của lễ Ongkar không cố định, các làng tự sắp xếp dựa vào tình hình hoa màu sinh trưởng trong vùng, thông thường mười ngày đến nửa tháng. Ăn xong lễ Ongkar, là sắp bắt đầu vụ thu hoạch và gieo trồng mùa thu khẩn trương, do đó, “Ongkar” cũng là khoảng quá độ vui vẻ từ nông nhàn đến thu hoạch vụ thu.

Địa phương nhà chồng thuộc về khu nửa trồng trọt nửa chăn nuôi. Người làng khai khẩn chút ít đất đai, trồng một số cây nông nghiệp như thanh khoa, cải dầu, đậu Hòa Lan, tiểu mạch, những hoa màu này thiếu hụt không đáp ứng đủ nhu cầu của cả nhà, cuộc sống chủ yếu vẫn dựa vào chăn thả để duy trì. Lễ Ongkar tuy nói là ngày lễ của khu trồng trọt, nhưng chẳng biết bắt đầu từ năm nào, người khu chăn nuôi cũng bắt đầu ăn lễ. Đây là một ngày lễ vui vẻ, không phải sao? Ai lại có thể từ chối vui vẻ chứ? Nghe nói người thành phố hiện nay cũng ăn cả lễ của người nước ngoài kia mà!
        
Tôi đã từ từ quen nhà mới, quen với ngày tháng Zhoigar làm vợ nên trải qua, trở thành người mỗi ngày dậy sớm nhất, ngủ muộn nhất của gia đình này, hầu hạ cha mẹ chồng, hầu hạ người đàn ông của mình, chăm sóc em trai em gái, trông nom tất cả gia súc trong nhà, giống như một bà chủ thật sự, bắt đầu cuộc sống mới của tôi.

Gyatso không mau chóng trở về như Dawa nói. Từ sau khi đi, anh gần như chẳng có tin tức, không gọi điện thoại về làng, cũng không tìm người mang tin nhắn về, dường như đã quên cái nhà này, quên anh vừa đám cưới, cô vợ mới còn ở nhà ngày đêm chờ anh trở về. Trước lễ Ongkar, cha chồng đi Lhasa một chuyến, khi đi cố ý ở trước mặt tôi nói với mẹ chồng phải đưa Gyatso về. Ban đầu trong lòng tôi còn thầm vui mừng, tính toán ngày họ trở về. Đương nhiên, niềm vui này không thể để Tashi nhìn ra, anh cũng là chồng tôi, đối với tôi rất tốt, rất săn sóc, tôi không có bất cứ lý do gì làm anh buồn lòng. Hơn nữa, tôi đã gả cho người ta, thì phải để hai anh em chung sống hòa thuận, cùng sống cuộc sống thật tốt. Đối với gia đình dạng này của chúng tôi, cùng sống cuộc sống thật tốt mới là quan trọng nhất. Tôi bận rộn suốt, trong nhà ngoài nhà thu dọn sạch sẽ, không muốn để Gyatso trở về nhìn thấy nhà cửa bừa bộn. Trước khi lễ Ongkar bắt đầu, tôi còn phải chuẩn bị sẵn đủ cỏ cho bò bệnh và bò con không lên núi được.

Tôi cứ bận rộn như vậy, gánh hết công việc thường ngày mẹ chồng làm. Tôi nghĩ thế này: Mẹ chồng đã vất vả mấy chục năm, sau khi có con dâu, nên để bà cụ nghỉ ngơi thật tốt. Những việc như xe chỉ, pha trà, tôi không giành với mẹ, những việc này tương đối nhẹ, để mẹ từ từ làm, cũng xem là an ủi, không đến nỗi khiến mẹ trong lòng áy náy. Mẹ chồng thật lòng yêu thích tôi, từ trong ánh mắt mẹ nhìn ra được. Mỗi khi mẹ nhìn tôi, niềm yêu thương lộ ra trong mắt, luôn khiến tôi nhớ đến mẹ đẻ. Sau khi đám cưới tôi vẫn chưa về, cũng không biết mẹ thế nào, mỗi khi mẹ chồng dùng đôi tay đầy nếp nhăn giúp tôi vuốt tóc, tôi phảng phất cảm thấy như mẹ ở bên mình. Tashi từng nói đợi rỗi một chút sẽ đưa tôi về. Đối với chuyện này, tôi ngoài mặt không nói gì, trong lòng lại có cách nhìn riêng. Cô dâu mới lần đầu tiên về nhà mẹ, nên là Gyatso anh cả đưa tôi về, chứ không phải anh hai Tashi. Nếu tôi về với Tashi, sẽ đối mặt với những ánh mắt thắc mắc trong làng ra sao, đi qua cổng nhà những người hiếu kỳ ấy thế nào? Có thể tưởng tượng, sau một lần ấy, tôi và người nhà tôi sẽ trở thành đối tượng người làng bàn tán lúc trà dư tửu hậu ra sao. Người cha kiêu ngạo của tôi sẽ không lấy việc con gái gả cho một người đàn ông tốt làm vinh dự nữa, đàn ông tốt đến đâu, nếu không thích con gái cha, điều đó so với tát vào mặt cha còn khó chịu hơn, vì cha một mình làm chủ tác thành chuyện cưới gả xem như mỹ mãn này. Còn mẹ tôi, không cần nghĩ, sẽ rửa mặt bằng nước mắt, vì con gái duy nhất của mẹ đêm đêm rơi lệ không ngừng. Do đó, tôi không thể để Tashi theo tôi về, dù tôi rất nhớ cha mẹ, hiện giờ cũng không thể về!

Những ý nghĩ này trong lòng tôi, nghĩ chắc cha mẹ chồng biết tỏng. Nếu không, cha chồng sẽ không nôn nóng đi Lhasa như thế.

Sau khi cha chồng đi Lhasa, em ba Namgyal đã gia nhập gia đình nhỏ của chúng tôi. Đây chỉ chẳng qua là chuyện sớm muộn. Nhớ ngày thứ hai đám cưới, Namgyal chạm trán tôi ở hành lang, liền trợn tròn mắt, mãi đến khi tôi lấy xong đồ quay về, chú ấy vẫn ngẩn người ra ở đấy. Sau đó tôi nghe Tashi kể, cha chồng vốn dự định để ba người con trai đồng thời cưới tôi, đêm trước đám cưới, Namgyal đột nhiên nói chú ấy không bằng lòng, chú ấy phải đám cưới ở Lhasa, tự mình tổ chức gia đình, không muốn sống ở khu chăn nuôi. Ở chỗ chúng tôi, anh em chung vợ là hình thức gia đình rất bình thường, trách nhiệm tiếp tục giúp gia tộc phát triển là của anh cả, các con trai khác so ra trách nhiệm nhẹ hơn nhiều, cha mẹ sẽ không ép họ cùng tổ chức thành gia đình với anh cả. Do đó Namgyal nói phải một mình lập gia đình, cha chồng không hề miễn cưỡng. Khi đêm đó cửa phòng xuất hiện giày của Namgyal, tôi không ngạc nhiên chút nào, giống như tiếp nhận Tashi, đã tiếp nhận Namgyal trở thành người chồng thứ ba của tôi.

Tashi, Namgyal và tôi chung sống, họ cũng tuân thủ quy củ ước định mà thành, mỗi người một đêm, thay phiên ở với tôi.

Hôm cha chồng từ Lhasa trở về, tôi đang đuổi bò yak từ trên sườn núi về nhà. Xa xa nhìn thấy cha chồng một mình đi trên đường núi, bước chân vội vã, lòng đột nhiên lạnh ngắt. Gyatso cố ý, anh biết rõ lễ Ongkar tôi phải về nhà mẹ, biết rõ nên là anh đưa tôi về nhà mẹ. Thế nhưng, anh không về, cố ý để tôi khó xử. Vì sao phải đối với tôi như vậy? Tôi đã chọc giận anh chỗ nào, những đêm lúc đám cưới ấy, khi đến lượt anh, anh lần nào chẳng thỏa thích dày vò trên người tôi? Tôi không đủ dịu dàng ư? Đối với anh không đủ tốt ư? Không thỏa mãn anh ư? Tự hỏi những điều này đều không phải. Thế thì, tôi không đủ hiền thục ư? Không hiếu thảo cha mẹ ư? Để anh em anh không đoàn kết ư? Những điều này cũng chắc không phải, hơn nữa, nết hiền thục, hiếu thảo của tôi, anh còn chưa nhìn thấy đã đi rồi.

Tôi cười, một dòng lệ mặn chảy vào khóe miệng, tôi cuồng loạn vung roi truy đuổi bò cừu.

Mặt trời lặn xuống rồi.
Mặt trăng leo lên rồi.
Khung dệt vải của mẹ dừng rồi.
Rượu thanh khoa của cha thơm rồi.
Em gái và bò cừu của em,
Giẫm mây trắng về nhà rồi…

Lâu lắm không hát, giọng hơi khàn. Hát mãi hát mãi liền thả lỏng, tiếng hát lanh lảnh bay qua làng xóm, bay qua đồng nội, khiến tất cả mọi người đều dừng bước, quay đầu về hướng tiếng hát.
  
Tôi càng lớn tiếng hát, roi vụt vun vút, đuổi đàn cừu chẳng chút e dè xông xuống núi, sau lưng tung lên một đám bụi đất!

Bên làng, một đám thanh niên đứng đông đen.

“Zhoigar la, cô hát hay quá, thật không ngờ, tiếng hát của cô còn dễ nghe hơn chim sơn ca!”

“Zhoigar la, cô xinh quá, chúng tôi còn tưởng là nàng tiên trên trời xuống đấy!”

“Zhoigar la, cô phải chuẩn bị, lễ Ongkar nhất định biểu diễn cho chúng tôi xem!”

“Ha ha ha ha ha ha…” Tôi lại cười phá lên, cười càng chẳng chút e dè, cành hoa nghiêng ngả. Thuận tay ném cây roi cho Namgyal ra đón, đối với sùng bái và dục vọng trần trụi trong mắt anh nhìn mà không thấy, gạt phắt tay anh chìa qua. “Đêm nay là Tashi, anh ngày mai mới được!” Vừa dứt lời, cả đám cười ồ lên, có anh chàng còn huýt sáo với tôi.

Nơi xa, Tashi cõng một sọt cỏ, hơi lo lắng nhìn tôi. Sau lưng anh, thanh khoa vàng óng, trải mãi lên núi!
  
Gyatso tổng cộng sáu anh em trai hai chị em gái. Trong đó em trai thứ tư Yuqong cho cậu Ouzhu nhận nuôi, còn có năm anh em trai: Gyatso, Tashi, Namgyal, Bênma, Tenzin. Ba người đã trở thành chồng tôi, hai người khác, Bênma giúp người ta đào trùng thảo ở Nyingchi, tôi chưa gặp. Nghe cha chồng nói, lễ Ongkar chú ấy sẽ về; Tenzin còn đang đi học. Một chị gái tên Dawa, gả đến huyện Nagarzê, Lhoka, một em gái tên Dejie, còn đang học cấp 1.

Trước lễ Ongkar, Tashi dắt Dejie đi Lhasa, mua đồ ăn lễ. Dejie năm nay đã là lớp sáu cấp 1, sang năm sẽ lên cấp 2. Em cứ nói phải mua sách giáo khoa tiếng Anh sơ cấp, cha chồng lần trước đi lại quên, làm cho Dejie khóc cả đêm. Do đó lần này khi Tashi đi Lhasa mua đồ dùng cho lễ Ongkar, tôi bảo Tashi dắt em đi.  
  
Sau khi Tashi đi, tôi bắt đầu chuẩn bị quần áo mặc lễ. Lễ Ongkar không giống với năm mới, đây là ngày lễ phô bày tiền của gia đình. Một gia đình năm nay trải qua thế nào, thể hiện ra trên ăn mặc của người nhà dịp lễ Ongkar. Do đó dù là mùa hè, nhưng người người đều phải mặc phổ-lỗ tốt nhất, hơn nữa có bao nhiêu mặc bấy nhiêu, còn để lộ cổ áo mạ vàng thêu bạc ra bên ngoài, lớp lớp chồng lên nhau. Mũ da chồn trên đầu đàn ông, trang sức trên người đàn bà, một món không thiếu.

Phổ-lỗ sớm đã dệt xong, màu cũng đã nhuộm, dù thủ công xoàng, năm nay cũng chỉ có thể mặc tạm. Sang năm đi, sang năm tôi phải để cả nhà mặc phổ-lỗ mình dệt. Cha chồng mời thợ may Jiumei đến nhà may quần áo. Jiumei là người nổi tiếng một vùng này của chúng tôi, áo mới của nhà nhà hộ hộ hầu như đều ra từ tay ông, ông còn là người chứng hôn cho hôn nhân của tôi. Ở chỗ chúng tôi, công việc kim chỉ đều là đàn ông làm, bất kể quần áo giày vớ hay là lều túi, may may vá vá đều là việc của đàn ông. Trên truyền hình từng nhìn thấy phụ nữ nội địa thêu hoa, luồn kim xỏ chỉ, cảm thấy không thể tưởng tượng. Bản thân từng lén thử, châm vết máu đầy tay, nên không dám làm việc này nữa.

Ở giếng trời trải tấm nệm thật lớn, trải phổ-lỗ màu đỏ thẫm lên trên. Phổ-lỗ hơi thô sơ, màu nhuộm cũng không đều, có thể do khi nấu thuốc nhuộm bỏ vỏ hạch đào sức lửa không đều, lại thêm sau đó khi ngâm có những chỗ không thấm ướt hoàn toàn, khiến phổ-lỗ vốn dĩ nên một màu biến thành loang lổ. Phổ-lỗ xoàng thế này, nếu là lúc trước, mẹ tôi không dùng để may quần áo, làm túi thanh khoa còn tàm tạm.

Tôi bảo Jiumei chúng tôi mỗi người may một chiếc. Ông gật đầu, bắt đầu cắt. Không cần đo kích cỡ, phổ-lỗ không phải là quần áo mặc sát người, lớn một chút nhỏ một chút đều không sao. Hơn nữa, người nhà tôi ông quen thuộc cả, chiếc nào may lớn bao nhiêu, may dài bao nhiêu ông đều biết rõ trong lòng. Jiumei có một cái hộp nhỏ, bên trong đựng bột màu đỏ và một sợi len thật dài, đó chính là thước may quần áo của ông. Khi dùng từ một đầu kéo sợi len ra, căng trên vải, phấn đỏ liền dính trên mặt, ông bèn men theo vị trí của phấn đỏ để cắt.

Phổ-lỗ may rất nhanh. Nó vốn không phải là một sản phẩm tỉ mỉ, không cần mũi chỉ sít sao, kim chỉ thô to may lên là được. Chỉ có viền cổ áo và viền vạt áo cần tinh tế một chút. Ren viền đều mua hàng có sẵn, tiệm tạp hóa trên xã đều có bán, tăng thêm màu sắc cho quần áo mà thôi. May cái này khá chậm, cũng không thể dùng kim quá lớn, chỉ phải giấu ở bên trong. Tuy nhiên, cứ như vậy, quần áo cả nhà chúng tôi, chưa tới thời gian hai ngày, Jiumei đã may xong hết.

Những quần áo này mỗi người một chiếc, bao gồm Gyatso. Dù anh về hay không về, anh vẫn là một phần tử của nhà này, là “gia trưởng” gia đình nhỏ của tôi. Trong rương quần áo của anh, áo quần giày vớ không thiếu món nào, tất cả đều vì anh chuẩn bị sẵn sàng, kể cả con người tôi, đều chuẩn bị cho anh. Dù tôi tỏ vẻ không để tâm, nhưng trong lòng lại không phải không trông mong một ngày nào đó anh đột nhiên trở về!

Tôi có thể điều khiển được người mình, nhưng không điều khiển được tim mình. Tôi có thể khiến người mình không ngừng bận rộn, nhưng không thể khiến tim mình biến thành nước lặng!

Tashi đi Lhasa, Namgyal rất vui mừng, anh gần như theo tôi hình bóng không rời. Anh trước đây không bao giờ làm việc, hiện nay cũng theo tôi bận trong bận ngoài. Còn học cắt cỏ, vắt sữa, xe len cừu. Cha mẹ chồng nói anh giống như thay đổi con người, trở nên chăm chỉ, cũng không say rượu mắng người nữa.

Cơm sáng và cơm trưa của chúng tôi đều đơn giản, tsampa và trà bơ trộn lên, ăn một bát, núi trên núi dưới đi về mấy lượt, cũng không cảm thấy đói. Buổi tối phức tạp một chút, vì có đủ thời gian nổi lửa nấu cơm. Tôi thích xắt thịt cừu thành hình hạt lựu, nấu chung với tsampa, bỏ chút hành dại, rau hẹ dại trên núi, mùi thơm ấy, rất xa đã có thể ngửi được. Cha chồng thích bê một bát tsampa thịt cừu như thế ra bãi cỏ trước cửa ngồi ăn. Nhá nhem tối ở đó luôn có rất nhiều người, “gia trưởng” và phụ nữ các nhà người người bê một bát cơm ngồi đó, vừa nói chuyện con dâu nhà ai lại sinh em bé, con trai nhà ai lại mang về bao nhiêu tiền, vừa khoe thức ăn trong bát mình.

Namgyal luôn bên tôi, anh đốt lửa, tôi trông nồi. Nhân lúc không có ai, anh sẽ trêu đùa với tôi vài câu, chế giễu biểu hiện tối qua của tôi không đủ tốt. Tôi liếc anh, nhếch miệng, như cười mà không phải cười nhìn anh. Biểu cảm như vậy trong mắt Namgyal, hẳn cũng muôn vẻ phong tình? Nếu không, mắt anh làm sao cứ rơi trọn trên người tôi, một bộ dạng không nghiêm chỉnh như thế.

Buổi chiều cha chồng từ Lhasa về là lần đầu tiên Namgyal nghe tôi hát, anh liền mê tít điệu này. Khi không có người cứ đòi tôi hát cho anh nghe, hát một lần hai lần. Trong lòng tôi, Namgyal không giống người chồng, giống đứa em trai hơn. Anh không thiết thực như Tashi, cũng không tài giỏi như Gyatso, hơi miệng lưỡi lém lỉnh, sẽ giở trò vô lại, sẽ cáu gắt lung tung, chọc giận lên thiên vương lão tử đều không sợ. Ban đầu tiếp nhận anh trở thành chồng mình, tôi bị động, trong lòng có mấy phần bất lực. Qua chung sống những ngày này, tôi đã bắt đầu chấp nhận anh, từ trong lòng bắt đầu chấp nhận anh. Cảm giác ở chung với anh hoàn toàn không giống với hai người đàn ông kia. Tashi đối với tôi rất tốt, tốt đến nỗi tôi không moi ra khuyết điểm, nhưng anh hiếm khi nở nụ cười, ở chung với anh bất giác sẽ ủ ê. Còn Gyatso, tôi đối với anh rất tốt, tốt đến nỗi tôi căm giận bản thân, nhưng người ta không để tâm. Ở chung với Namgyal khác hẳn, thể xác tinh thần cả con người tôi đều cảm thấy đặc biệt nhẹ nhàng. Tôi không cần biểu hiện thật hiền thục giỏi giang, không cần biểu hiện thật dịu dàng nhu mì. Tôi chính là tôi, cô gái chăn cừu Zhoigar muốn cười thì cười, muốn hát thì hát.  

Trong nhiều vai trò của tôi, nói thật, tôi vẫn thích cô gái chăn cừu Zhoigar, chứ không phải là người vợ dịu dàng, con dâu hiền thục!
  
Trên núi lớn sau làng có chỗ suối nước nóng, nước suối một năm bốn mùa không ngừng chảy. Người làng đào hai cái hố ở hạ du miệng suối phun, một lớn một nhỏ, dùng đá giản đơn quây lại. Hố lớn phía trên đàn ông chuyên dụng, bên trong còn đặt một số tảng đá làm ghế. Hố nhỏ phía dưới dành cho phụ nữ. Đứng ở hồ nam, có thể nhìn thấy hết hồ nữ. Mọi người ngâm tắm theo quy củ ước định, chẳng ai cảm thấy sắp xếp như vậy không ổn.

Từ sau lần tắm đầu tiên, tôi đã mê nơi đó. Mỗi ngày nếu có thể, tôi đều cố gắng đi tắm. Nhưng tôi không đi quá sớm. Tôi không thích cởi áo dưới ánh mắt hiếu sắc của cánh đàn ông, thậm chí anh chàng không có ý tốt nào đó còn ném đá vào hồ nữ, cố ý ném trên ngực chị em.    

Như tối nay, sau khi ăn cơm tối, lần đầu tiên Namgyal nói anh rửa bát, bảo tôi nhanh chóng đi tắm. Nói hôm nay đã làm việc suốt ngày, ra rất nhiều mồ hôi. Buổi chiều từ sớm anh đã cùng mấy anh chàng khác đi tắm rồi.

“Anh chê em hôi?” Tôi cố ý ngắm anh, khóe miệng treo lên.

“Em không đi tắm đương nhiên tốt rồi, tối nay mùi thơm nhức mũi!” Anh dầy mặt sán lại, cố ý ngửi ngửi cổ tôi, sau đó nhắm mắt, làm ra bộ dạng say sưa vô hạn.

“Anh cút đi.” Tôi đánh anh một cái, vứt khăn lau vào lòng anh, ra khỏi nhà bếp. Mang theo quần áo để thay và xà phòng thơm, ra cổng đi lên núi, chó giữ nhà Qiuzhu theo sau tôi.
  
Đêm nay trăng rất tròn, sáng trong như xử nữ. Ánh trăng rắc trên mặt đất, mông lung có chút thần bí. Sao đặc biệt sáng, thỉnh thoảng có một hai ngôi kéo cái đuôi lê thê chạy về chân trời. Trước đây bà nội từng nói, sao trên trời là linh hồn của người chết, chúng chạy nhanh như vậy, là phải gấp về thăm người thân trong nhà. Một mặt trăng, vốn dĩ quá cô đơn, nhờ sự bầu bạn của những ngôi sao này, nó cũng không còn buồn tẻ nữa.

Mặt đất dày đặc sương mù, hỗn độn mà có chút mơ màng. Gió đêm nhẹ nhàng mềm mại, lướt trên mặt, hơi giống lòng bàn tay bà nội trong ký ức, lòng bấc giác dâng lên một luồng ấm áp, bước chân cũng nhanh nhẹn hơn.

Tôi thích buổi tối thế này, bình yên, tĩnh mịch. Một người, một chó đi trên đường núi, chỉ có tiếng bước chân sột soạt…

Trên bờ ruộng, cỏ cao đến đầu gối, có thể cảm giác bắp chân ướt đẫm, hẳn sương đọng rồi? Tôi rời bờ ruộng, bắt đầu lên núi, xuôi theo đường núi đi lên. Hai bên là rừng cây thanh cương mọc thành lùm bụi rậm rạp, thỉnh thoảng có thể nghe được nơi sâu trong rừng một hai tiếng chim kêu.
    
Ánh trăng xuyên qua cành cây rắc lên mặt đất, lốm đốm rực rỡ. Đi chẳng bao lâu, trước mặt truyền đến tiếng nước chảy róc rách, Qiuzhu cực kỳ hưng phấn, gâu gâu sủa hai tiếng, nhanh như bay xông ra.

Ra khỏi rừng, trước mắt đột nhiên trống trải, một vùng sườn dốc rộng rãi, bãi cỏ núi cao điển hình, cỏ dán sát đất mà mọc, như một tấm thảm màu lục thật lớn trải trong rừng rậm, chân trần dẫm lên, dày dặn mà mềm mại. Tôi cởi giày, xách trên tay, chầm chậm đi về phía trước, dùng tâm cảm nhận sự ấm áp từ dưới lòng bàn chân truyền đến. Suối ở chính giữa bãi cỏ, hai hồ nước lớn trong xanh, bốc lên sương mù mờ mịt, trăng tròn in bóng trong nước, rung rinh theo gợn sóng, phảng phất như cảnh tiên.

Nhìn thấy suối, đuôi Qiuzhu lập tức vểnh lên, bốn chân vừa nhún, đã hùng hục xông tới, loáng cái nhào vào hồ nữ, bọt sóng bắn tung tóe!

Tôi trút bỏ phổ-lỗ dày cộm, ném sang một bên. Sau đó ngồi xổm bên hồ, hai tay vẩy nước lên, để nó lại rơi xuống lòng bàn tay, tan thành từng giọt nước lóng lánh trong suốt, bắn đầy cả mặt! Thế là, tôi bèn hứng lên, cười khanh khách, nhặt đá nhỏ ném Qiuzhu, bọt nước bắn lên người nó, Qiuzhu kêu ăng ẳng, lắc đầu né tránh. Tôi liền ném càng hăng, đá nhỏ liên tiếp không ngừng ném xung quanh nó.

Lúc này, đêm này, thuộc về tôi!

Qiuzhu không bằng lòng, nhân tôi không phòng bị, bỗng nhảy ra khỏi hồ, kêu gâu gâu, vây quanh tôi giũ rung cả mình mẩy, giọt nước bắn đầy người tôi. Để né tránh Qiuzhu, tôi nhảy lên xuống không ngừng, nó bèn rung ác hơn, còn phát ra tiếng kêu ăng ẳng, khiến tôi cười lớn, tiếng cười trong trẻo sảng khoái hòa cùng tiếng thông reo, vang vọng chốn sơn dã.

“Không chơi nữa, không chơi nữa!” Tôi dùng tay che mặt, chạy về hồ nam. Vừa chạy vừa cởi váy bông, quần, liệng bừa trên đất. Đêm nay nơi này thuộc về tôi, không phân biệt hồ nam hồ nữ. “Mày ở phía dưới.” Tôi cười đến thở không nổi, cong lưng, cố ý nghiêm mặt nói với Qiuzhu. “Tao ở phía trên. Không cho phép đến đây!”

Qiuzhu chẳng biết nghe không hiểu hay là cố ý chống đối với tôi. Dù sao thì nó cũng lắc lư thân mình nhào lên, dồn ép đến nỗi tôi không thể không né sang một bên. Qiuzhu lúc này càng hứng tợn, vèo một tiếng lại nhào xuống hồ, bắn lên bọt nước càng lớn, khiến tôi ướt sũng.

“Đồ xấu xa!” Tôi nhặt đá ném qua, nó chẳng đếm xỉa đến tôi, đầu gác bên hồ, bắt đầu nghỉ ngơi.
  
Cởi nốt lớp váy lụa cuối cùng, lõa thể dưới trời sao, ánh trăng rắc trên làn da căng mịn của tôi, phát ra ánh bạc nhàn nhạt. Tôi chậm rãi cởi bím tóc, để nó buông xõa như dòng thác.

Ngoài trận trận thông reo rì rào, bốn bề yên tĩnh vô cùng!

Tôi từ từ xuống hồ, ở đáy hồ tìm một phiến đá phẳng lì sạch sẽ ngồi xuống, nước suối tràn đến vai, ấm áp bao dung tôi, khớp xương tay chân tức thời sinh ra một cảm giác hạnh phúc đê mê. Tôi tựa trên đá, duỗi thẳng chân, mặc cho mái tóc theo sóng dập dờn! Qiuzhu cũng bơi đến bên mình tôi nằm bò xuống, gác đầu lên phiến đá. Mặt trăng ở ngay trước mặt, sáng ngời ngời có chút nhức mắt. Thật lâu, chúng tôi đều lười biếng nhắm mắt, mặc sóng nước tùy ý vỗ đập. Dần dần, chúng tôi đều đi vào trạng thái hư vô!

Chẳng biết qua bao lâu, cũng chẳng biết lúc này là lúc nào, Qiuzhu đã có động tĩnh, nó nghiêng đầu về bên rừng núi, tai từ từ dỏng lên. Trong rừng cây truyền đến tiếng loạt xoạt khe khẽ, giống như có người dẫm trên lá rụng.

Tôi theo phản ứng bản năng vùi mình xuống nước. Muộn thế này, ai còn lên núi nhỉ?

(Dorje Zhoigar)

No comments:

Post a Comment