5.12.13

Hôn nhân Tây Tạng (3-3)

Dậy sớm là thói quen nhiều năm của tôi.

Bất kể tôi bằng lòng hay không bằng lòng, bất kể quen thuộc hay xa lạ!

Ở chỗ chúng tôi, cô gái đã qua mười tuổi, thì không có quyền lợi ngủ nướng, không những phải giúp mẹ lo liệu tất cả việc nhà, mà còn phải xuống ruộng làm việc, lên núi chăn cừu. Đàn ông không cần dậy sớm, họ luôn ngủ đến khi mẹ làm xong rượu thanh khoa, đánh xong trà bơ, trong tiếng thúc giục hết lần này đến lần khác của những người phụ nữ, ngáp dài chậm chạp bò ra khỏi mền, uống một ly rượu thanh khoa đầu tiên, mới xem là bắt đầu của một ngày.

Đêm đầu tiên mới cưới, theo lý tôi không cần dậy sớm như thế. Ở quê tôi, cả đời người phụ nữ, cũng chỉ mấy ngày đám cưới này mới có thể ngồi yên, không cần lo bò cừu có cỏ hay không, không cần lo hôm đó dùng bao nhiêu thanh khoa ủ rượu.

Thế nhưng, sáng sớm nay điều khiến tôi tỉnh giấc không phải là việc nhà bộn bề, mà là tâm sự đầy bụng.

Trời còn chưa sáng, gà trống mới bắt đầu gáy lần đầu, tôi đã ôm cánh tay đứng trên sân phơi, xung quanh vẫn là một vùng yên tĩnh. Trên bầu trời màu sẫm, sao dày chi chít, hoặc lớn hoặc bé, lấp lánh chói mắt.

Tôi không mặc áo bào phổ-lỗ dày, chỉ mặc một lớp váy lụa mỏng, mềm mại dán sát da thịt tôi, ý lạnh từng chút xâm nhập cơ thể, tóc dài nhẹ bay trong gió sớm, giống như tâm sự ngổn ngang của tôi!

Khi nghe thấy nhà bếp có tiếng động nhỏ truyền đến, tôi khẽ khàng lui về gian phòng nhỏ, không muốn để người nhà chồng nhìn thấy con dâu mới sáng sớm ăn mặc phong phanh đứng trong gió lạnh.

Zhoigar thích hát thích cười, giản đơn phóng khoáng trước đây đã không còn nữa, Zhoigar hiện nay sẽ là một bà chủ gia đình giỏi giang, hiền thục!
  
Tôi mặc tầng tầng lớp lớp phổ-lỗ dày nặng lên người, chọn một chiếc bang-điển dệt sợi trân châu quấn ở thắt lưng. Dù tôi rất không thích mặc phổ-lỗ dày nặng, làn da non mịn bị nó cọ xát đến khó chịu, nhưng tôi vẫn phải mặc. Những phổ-lỗ này tiêu biểu cho tay nghề dệt vải của con dâu mới, cũng tiêu biểu cho chuẩn mực mẹ dạy con gái của nhà mẹ tôi. Không những như thế, tôi còn đeo lên người những trang sức óng ánh lóng lánh không thiếu món nào, những vật đẹp đẽ này là thể diện của nhà mẹ tôi. Thông tin chúng truyền đạt là: Tôi đến từ gia đình có giáo dục tốt và cuộc sống tốt.

Tôi chia tóc thành hai cụm, thêm vào sợi tơ bện thành bím quấn trên đầu, lại chặn “ba-châu” lên. Ăn mặc thế này, tôi và những bà mẹ từ sáng bận đến tối ấy đã không có khác biệt gì. Nếu nói khác, đó chính là mắt tôi vẫn hơi sưng đỏ, giữa vùng trán trên hai lông mày có lo lắng không che lấp được!

Vào khoảnh khắc muốn đẩy cửa đi ra tôi lại dừng bước.
  
Quay người lại, gấp gọn ghẽ từng chiếc áo chiếc quần của Gyatso, đặt ở bên gối. Biết anh không ngủ, lúc tôi mặc phổ-lỗ anh đã tỉnh giấc, giả vờ đang ngủ mà thôi.

Dưới lầu truyền đến tiếng vắt sữa.

Không cần người mời, tôi tự mình ra khỏi phòng, theo thang gỗ bên giếng trời đi xuống, tầng trệt là nơi nhốt gia súc. Lúc này, tất cả bò sữa đều đã đuổi ra khỏi chuồng, buộc thành một hàng trên bãi cỏ trước cửa.

Một phụ nữ lớn tuổi đang vắt sữa, sữa bò trắng như tuyết bắn thành hình rẻ quạt vào trong thùng nhỏ trước người bà, phát ra tiếng “rào rào”.
   
Ánh sáng ban mai vừa lùi đi, mặt trời mới mọc kéo cái bóng của bà thật dài thật dài!

Nhìn thấy tôi bước tới, chó giữ nhà gần bên cạnh bà dựng tai, lỗ mũi phát ra âm thanh cảnh giác, nhắc nhở bà chủ vắt sữa “có người lạ đến rồi”!

Bà ngẩng đầu lên nhìn thấy tôi, kinh ngạc vui mừng nói: “Zhoigar la, sao không ngủ thêm một lát? Vẫn còn sớm mà!”

Tôi cười. “Chào mẹ, sớm thế?” Bà chính là mẹ của Gyatso, mẹ chồng tôi.

Tôi bước tới cầm lên một cái thùng nhỏ khác, ngồi xổm xuống trước một con bò sữa, lấy dầu bôi trơn xoa trên tay, lại xoa một ít dầu bôi trơn lên núm vú bò cái, bắt đầu vắt một cách thành thạo.
      
Mẹ chồng nhét một cái ghế nhỏ dưới mông tôi, tiếp tục vắt sữa. Nhưng bà chốc chốc quay đầu lại nhìn tôi cười, niềm yêu thương trong mắt như nước tràn đầy.

Nhìn thấy vẻ gần gũi của bà chủ đối với tôi, chó giữ nhà cũng dường như hiểu rõ điều gì, nó đứng dậy chậm rãi đi đến trước mặt tôi, thè đầu lưỡi liếm mặt tôi, xem là chính thức đón nhận thành viên gia đình mới đến này.

Khi ánh dương đột phá tầng mây cuối cùng, từng sợi từng sợi rải trên mặt đất, thùng đựng sữa đã đầy, tôi và mẹ chồng không hẹn mà cùng đứng dậy, nhìn nhau cười. Ánh nắng ấm áp rải trên bãi cỏ, trong hương sữa mờ mịt tôi đã mở ra cánh cổng lớn của cuộc sống mới!

Lúc này, từ trong nhà một người đàn ông nhanh bước đi ra, nhìn thấy tôi, cũng giật mình sửng sốt chăng? Nếu không, mắt anh sẽ không mở to như mắt bò yak!
     
Sau này Tashi nói với tôi, anh làm sao cũng không nghĩ đến, vào sáng sớm đầu tiên mới cưới, tôi lại xuất hiện trên sân vắt sữa. Anh nói, sáng sớm hôm đó, tôi xách thùng sữa, trên thắt lưng quấn phổ-lỗ, ngược sáng đi tới, chó giữ nhà Qiuzhu vẫy đuôi theo sau, bóng trải dài, đẹp vô cùng, đó là hình ảnh đẹp nhất cả đời này anh thấy được!

Tôi chính là tay xách thùng sữa, cả người khoác ánh sáng như thế, trong sớm mai tờ mờ đó, đi vào trong lòng của Tashi, trọn đời trọn kiếp!

Tashi, người chồng thứ hai của tôi. Tôi nói chồng thứ hai, hoàn toàn không phải là nói tôi đã đám cưới hai lần. Suốt đời của tôi, chỉ đám cưới một lần, nhưng lại cùng tổ chức thành gia đình với năm người đàn ông, trong năm người chồng của tôi, Tashi xếp thứ hai, đã chính thức cử hành nghi lễ với tôi. Tuy tôi chỉ cùng Gyatso lĩnh một tờ giấy chứng nhận kết hôn, trên giấy chỉ có tên tôi và Gyatso, nhưng tôi biết, Gyatso với danh nghĩa gia trưởng tương lai đã đại diện cho năm anh em.

Đối với Tashi, đến nay tôi cũng nói không rõ là yêu hay không yêu. Trong những ngày tháng có thể nhớ đến ấy, chỉ có anh xem tôi là của báu như mắt mình, trước sau như một.

Suốt đời người phụ nữ, có một người đàn ông như vậy thương yêu, phải chăng nên rất thỏa mãn?

Đáng tiếc, lúc đó tôi tịnh không hiểu được những điều này, trong mắt chỉ nhìn thấy phong cảnh thuộc về người khác, trong lòng hướng đến sự trọn vẹn thuộc về người khác. Đợi đến khi phát hiện thế giới tình cảm mọc đầy cỏ khô, một vùng hoang vu, mới quay đầu, đã là trăm năm sau lưng rồi!

Cha mẹ luôn mong muốn con cái hạnh phúc. Con trai có thể kế thừa nghiệp nhà, hương khói mãi không dứt. Con gái hiền thục giỏi giang, bản thân nở mày nở mặt. Tâm nguyện như vậy người làm cha mẹ đều giống nhau, chỉ chẳng qua dù con cái tiếp nối dòng máu của mình, cha mẹ lại thường quên mất chúng là cá thể độc lập, luôn dựa vào ước muốn mình nghĩ là đương nhiên để sắp xếp công việc, cuộc sống và tương lai của chúng, dù tương lai ấy có thể thay đổi bất cứ lúc nào.

Cha mẹ của cha mẹ tôi đã sắp xếp họ như vậy, cha mẹ lại theo khuôn mẫu này sắp xếp tôi! Trong lòng người già, lặp lại cuộc sống của đời cha dường như là an toàn nhất không nghi ngờ gì!

Do đó, trong tình huống chưa thông qua sự đồng ý của tôi, không cho tôi biết, cha đã sắp xếp tương lai của tôi. Họ cảm thấy tôi gả cho một anh con cả có văn hóa, biết làm ăn buôn bán sẽ là một việc rất thể diện. Hơn nữa anh em đông đảo, cuộc sống tương lai có lẽ chắc là rất sung túc. Rất không biết, trên đời này có quá nhiều “có lẽ” không thể suy đoán, có quá nhiều “có lẽ” không thể nắm chắc!

Nói về nhà mới của tôi thôi, chung quy, đối với một cô gái mới gả chồng, cũng ôm ấp rất nhiều “có lẽ” về gia đình tương lai!
   
Trong gia đình anh em cùng vợ, nếu không xảy ra sự cố, phải sung túc mà hòa thuận. Sự cố mà tôi nói, chỉ năng lực quản lý gia đình của con cả làm gia trưởng. Trong các mặt điều đình quan hệ giữa anh em, sắp xếp công việc nhà, anh ta có nhìn xa hay không, có thể làm được tính toán sắp xếp chung hay không, để tất cả thành viên gia đình đều có thể lấy anh làm hạt nhân, lấy sự sung túc của gia đình làm trọng tâm, phát huy năng lực của mỗi người lại có thể đoàn kết hòa thuận, những điều này đều quyết định bởi sức hấp dẫn cá nhân của “gia trưởng”.

Trước khi gả chồng cha mẹ tôi đã nói, “gia trưởng” mà tôi gả là người đàn ông có văn hóa nhất trong chu vi mười dặm, buôn bán lông cừu và trùng thảo ở Lhasa. Cũng chính là nói, anh phải là một “gia trưởng’ đạt tiêu chuẩn, tương lai cũng sẽ là một người cha tốt.

Đây là cách nghĩ của cha mẹ tôi, nghĩ chắc cũng là cách nghĩ của cha mẹ anh.

Sau này tôi mới hiểu rõ, một người đàn ông biết buôn bán biết kiếm tiền, chưa chắc đã là một người cha tốt, “gia trưởng” tốt.

Nhưng khi mới gả chồng tôi không hiểu rõ. Tôi vô tri uổng gánh một trái tim, chờ đợi vô nghĩa nhiều năm!
                   
Gia đình dạng này của chúng tôi, dù sau này có bao nhiêu đứa con, dù con sinh với người anh em nào, đều chỉ có thể gọi Gyatso là cha, Gyatso là chồng hợp pháp của tôi, những anh em khác là người đàn ông trên thực tế của tôi, họ chỉ có thể là chú của đứa con mà thôi.

Đây là quy củ ước định mà thành, tổ tiên đời đời truyền xuống, chẳng ai có thể thay đổi, cũng chẳng ai từng nghĩ phải thay đổi!

Nhắc đến là không công bằng. Một người đàn ông, sinh ra sớm vài năm và sinh ra muộn vài năm, vận mệnh đã hoàn toàn khác nhau. “Gia trưởng” là thể diện của một gia đình, được tất cả thành viên gia đình tôn trọng, sau khi đóng cửa lại, anh có quyền uy cao nhất. Còn chú, chỉ làm các loại công việc dưới sự sắp xếp của “gia trưởng”. Thế nhưng, nếu “gia trưởng” có cách quản lý, bản lĩnh lèo lái đàn ông của người đàn bà có thể công bằng hợp lý, khiến những người đàn ông vừa có thể tụ tập dưới váy mình vừa không tranh giành ghen tuông, gia đình như vậy sung túc là chuyện ngày một ngày hai.

Hôn nhân dạng này của chúng tôi, “sung túc” là mục đích cuối cùng, tồn tại nhằm để cho người thân tụ tập một chỗ phục vụ cho “gia đình” tốt hơn.
  
Tôi trong lòng thầm hạ quyết tâm, quên đi Zhoigar thời con gái, bắt đầu cuộc sống mới của bà chủ gia đình, người vợ, người mẹ.

Dịp lễ cưới, người khách nhớ rõ nhất là cậu Ouzhu của Gyatso. Gyatso có hai người cậu, trong đó người cậu tên Tsering đến làng này ở rể, một chồng một vợ, năm đứa con, cuộc sống khó khăn. Một người cậu khác tên Ouzhu ở lại quê, cũng một chồng một vợ, sinh bốn đứa con gái, không có con trai, bèn nhận nuôi em trai thứ tư của chồng tôi, chuẩn bị kế thừa nghiệp nhà.

Hai anh em này, chẳng biết nguyên nhân gì, ly rượu đều không đặt chung một chỗ, gặp nhau giống như người xa lạ.
  
Trong thời gian lễ cưới, chỉ cần có khách, tôi đều phải ngồi ở Phật đường, Gyatso và Tashi chia nhau ngồi hai bên. Tôi vẫn trùm đầu, trong lòng đã không còn trống trải như hôm qua, nước mắt đã có thể khống chế được.

Buổi sáng sau khi thức dậy, tôi đã không thấy Gyatso nữa. Mỗi lần có khách đến, cha anh và ông mai đều gọi anh khắp nơi, nghe chị dâu nói, có một lần còn kéo anh ra từ nhà vệ sinh.

Chuyện này khiến tôi, đang trùm đầu, trỗi lên ý cười: Anh chàng lớn tồng ngồng này còn sợ đám cưới hơn tôi!
  
Gyatso lúc này vẫn như thế, không chút động tĩnh, cả hơi thở đằng mũi cũng không cảm giác được. Còn Tashi bên trái chốc chốc nhích về phía tôi, đến khi phổ-lỗ của anh kề sát phổ-lỗ của tôi. Anh vẫn chốc chốc kéo tấm thảm trên chân tôi, dù đã phủ rất kín đáo, tôi biết, anh chỉ mượn đó đụng chạm tay tôi mà thôi.

Mỗi lần đụng chạm xem như vô ý, đều có thể cảm thấy sức nóng ấm áp của bàn tay ấy, tiếp theo trái tim vì nó rung động.

Chính trong không khí kỳ quái như vậy, tôi nghe được cậu Ouzhu nói: “Zhoigar la, từ nay về sau, nơi này chính là nhà mới của cháu, Gyatso và Tashi là người đàn ông của cháu, cháu phải đối đãi với chúng như nhau, không được thiên vị. Cha mẹ chúng chính là cha mẹ cháu, anh chị em chúng chính là anh chị em cháu, trên phải hiếu thuận cha mẹ, dưới phải chăm sóc tốt các em. Cháu không cần bận tâm cha mẹ nhà mẹ, anh trai và chị dâu cháu sẽ chăm sóc họ chu đáo, Gyatso và Tashi cũng sẽ yêu thương họ như cháu, cháu yên tâm nhé.” Tiếng cậu Ouzhu rất trầm thấp. Buổi sáng tôi đã gặp cậu, là một người đàn ông vùng chăn nuôi chất phác. Cậu đưa qua một chiếc khăn hada, Tashi giúp tôi đeo trên cổ, rượu chúc mừng tôi chỉ uống một ngụm mang tính tượng trưng. Lời tiếp sau đó cậu nói với Gyatso và Tashi: “Gyatso, Tashi, các cháu đã cưới Zhoigar, thì là người lớn rồi. Zhoigar là một cô gái tốt, giỏi giang lại xinh đẹp, có thể cưới được cô ấy, là phúc của các cháu, phải nhớ đối xử tốt với người ta, không được để người ta tủi thân, biết không?” Lời cậu vừa dứt, đã nghe Tashi lớn tiếng nói: “Dạ biết!” Khiến những người khách khác cười ồ lên.

Sau khi ăn cơm tối, tôi đi nhà vệ sinh một lần. Trên đường hẻm giữa sân phơi và nhà vệ sinh, thấy Gyatso tựa trên lan can gỗ đang nghịch điện thoại di động. Anh lật tới lật lui nghịch điện thoại, thỉnh thoảng bấm bàn phím một cái, miệng còn lẩm bẩm. Có lẽ, việc làm ăn ở Lhasa của anh có chuyện gì chăng? Ở quê không có tín hiệu, do đó sốt ruột. Cha mẹ anh chẳng phải đã nói, buôn bán lông cừu và trùng thảo trong nhà toàn là một mình anh lo liệu đó sao?

Nhìn thấy tôi đi qua, anh cất điện thoại vào trong người, gật đầu xem như chào hỏi.

Mặt tôi cũng vụt đỏ lên, nhếch miệng cười, ngại ngùng cúi đầu, vội vàng đi qua bên người anh. Cảm giác sống lưng hơi nóng lên, đó là ánh mắt của anh chăng? Chỉ có ánh mắt của anh mới khiến tôi cả người mất tự nhiên. Trên ngực, trên cổ tôi những vết bầm kia đau âm ỉ, nhắc nhở sự điên cuồng của đêm qua!

Đêm thứ hai gả chồng, ở cửa phòng cưới là giày của Tashi.

Đây cũng là quy củ, là quy củ những người chồng của tôi sau khi tổ chức nên gia đình nhỏ ước định mà thành: cởi giày mình để ở cửa phòng vợ, sau khi các anh em khác nhìn thấy, sẽ không vào nữa.

Nghi thức bắt đầu đêm đó đều giống nhau, nhưng người khác nhau đem đến cảm nhận khác nhau.

Ánh trăng đêm đó vẫn như nước, trời sao đêm đó vẫn sáng ngời, tia sáng trong phòng nhỏ cũng vẫn lờ mờ, thân thể của tôi cũng vẫn mềm mại. Nhưng thân thể mềm mại trắng trẻo này trong mắt Tashi, gợi ra không phải là gặm cắn điên cuồng, mà là sờ chạm êm ái vô hạn, là dịu dàng nước mắt lưng tròng. Ngón tay thô ráp của anh vuốt ve qua từng tấc da thịt của tôi, cẩn thận từng ly từng tí, sợ làm tôi đau.

Có một lúc, anh ra ngoài, sau đó đem về một miếng bơ tươi. Rồi anh dùng lòng bàn tay hơ tan bơ từng chút một, nhẹ nhàng xoa lên những vết sưng xanh tím trên cổ, trên ngực tôi. Ngón tay anh hơi thô ráp, khi lướt qua da thịt tôi có cảm giác châm đau rõ rệt. Tôi biết đây là một đôi tay làm lụng, chỉ có quanh năm suốt tháng không ngừng nghỉ, mới khiến tay anh trở nên sần sùi như vỏ cây.

Khi làm tất cả những việc này, Tashi không hỏi gì cả. Anh chỉ tỉ mỉ xoa, cẩn thận khống chế sức của ngón tay. Khi anh tin chắc đã không còn sót một chỗ sưng nào, mới dùng phổ-lỗ lau tay, cẩn thận để tôi gối lên cánh tay anh, nói ngủ thôi, đừng trở người lung tung.

Đêm ấy, tôi vẫn để anh muốn tôi. Đúng, là tôi để anh muốn tôi, vào thời khắc trời như rạng mà chưa rạng, như sáng mà chưa sáng, thân thể chúng tôi đã hòa quyện với nhau.




(Dorje Zhoigar)

bài cũ hơn:
Hôn nhân Tây tạng (1)
Hôn nhân Tây tạng (2)
Hôn nhân Tây tạng (3-1)
Hôn nhân Tây tạng (3-2)

No comments:

Post a Comment