Từ bấy đến nay muốn đi Tây Tạng đã lâu, có lẽ là quá muốn đi, do đó, khi
thật sự lên đường, cảm thấy đã từng đi rất nhiều lần. Không thể không
thừa nhận, đây là cảm giác rất kỳ diệu.
Vé nhờ người mua, vì
quá khó mua, đều muốn ngồi tàu đi Tây Tạng, đó nhất định là cảm nhận
khác với ngồi máy bay. Mãi đến khi ngồi trên tàu, vẫn mơ hồ, mình thật sự sắp đi Tây Tạng ư ?
Thật sự sắp đi Tây Tạng rồi.
Khi tàu lắc lư rời khỏi Bắc Kinh, trên tàu có rất nhiều người hoan hô.
Tây Tạng, đối với mỗi người đều là một giấc mơ kỳ ảo của đất lạ chăng?
Với tôi, đó là thiên đường. Vào rất nhiều năm trước, từng nghe một bài
hát về Tây Tạng, “Tôi vừa nhẹ nhàng nghĩ, đã chạm đến thiên đường.” Vào
rất nhiều năm trước, từng đọc một quyển sách viết về Tây Tạng, “Đi vào
Tây Tạng” của Mã Lệ Hoa, tôi biết, Tây Tạng đối với tôi, chính là kiếp
trước và đời này!
Ngồi một mình bên cửa sổ, trong tay cầm “Hoa
sen” của An Ni Bảo Bối, bên trong đó có hơi thở của Tây Tạng, mà tuyến
đường Thanh Tạng kéo dài, cho người một cảm giác rợp trời kín đất.
Tuyến đường Thanh Tạng, một tuyến đường có biết bao hơi hướm thần bí và
gian nan hiểm trở. Sau khi đi vào cao nguyên, phản ứng cao nguyên bắt
đầu, tuy đã chuẩn bị trước, vẫn cảm thấy ngộp thở. Trong tàu, có cung
cấp oxy kiểu phun sương, có đồng bào người Tạng vừa hát vừa múa, có nam
nữ thanh niên hưng phấn chỉ từng con ngựa hoang nói: xem kìa, ngựa
hoang!
Có người gào một câu: “Trương Lâm Giang, Trương Lâm
Giang.” Thật ra là gọi tên một ai đó, người cả toa tàu đều ồn ào: Ở đâu,
ở đâu? Mọi người nghe “Trương Lâm Giang” thành “Linh dương Tạng”.
Thật sự nhìn thấy linh dương Tạng rồi, mọi người nín thở, sợ nói một câu linh dương Tạng liền chạy mất.
Cảnh sắc trên cao nguyên thật sự có một vẻ buồn vắng, thảo nào anh bạn
của tôi từng là bộ đội ở cao nguyên Thanh Tạng nói: em chưa từng đến Tây
Tạng thì không biết khí thế hùng vĩ và thê lương đó.
Tàu
đi đến một ngã đường hẻo lánh của quốc lộ Thanh Tạng, tôi nhìn thấy một
quán cơm chị em. Người mở quán cơm này là hai chị em, chồng họ đều là
lính lái xe trên tuyến đường Thanh Tạng, sau đó một lần khi chấp hành
nhiệm vụ vận tải đã bất hạnh hy sinh. Hai chị em lau khô nước mắt nén
nhịn thương đau, quyết định mở quán cơm ở ngã đường này, vì họ biết, một
phần vật tư của bộ đội đóng giữ ở Tây Tạng phải nhờ vào những lính lái
xe vận chuyển lên, dọc đường ăn gió nằm sương, cát bay đá chạy, mạng
treo sợi tóc, gian khổ bậc nhất. Họ mở quán cơm chị em này, cho những
lính lái xe trên đường gió tuyết ấy một chút ấm áp, một chút sức lực,
cũng là tưởng nhớ người chồng đã mất của họ. Có lẽ họ cũng giống như đám
lính lái xe ấy hòa vào tuyến đường Thanh Tạng này. Nhìn từng hàng xe
quân đội ngoài quán cơm, tôi nghĩ, những người lính lái xe cũng đã xem
nơi đây là nhà mình. Nghe nói, mỗi lần trước khi đi, họ đều răm rắp chào
hai chị em. Tôi đột nhiên muốn rơi nước mắt, Tây Tạng, vì có những
người này, những chuyện này, càng tỏ ra sinh động mà bi tráng. Khi tàu
đến Lhasa, trong lòng có một chút run rẩy, tôi nói: Tây Tạng, tôi đến
rồi.
Quảng trường cung Potala rất đông người, có lúc tôi
nghĩ, sự khai thông đường sắt Thanh Tạng đối với Tây Tạng là tốt hay
xấu? Du khách với số lượng lớn chen nhau mà vào, gần như đến mức chen
vai nối gót. Nhìn ra xa xa, cung Potala ở lưng chừng núi, hùng vĩ mà
hoành tráng. Trước tu viện Jokhang khắp nơi đều là tín đồ hành hương về
đất thánh, làm lễ quỳ bái, thành kính vô cùng, một bước một quỳ một nằm
một bái, găng vải trên tay đều sắp rách, có lẽ linh hồn họ sớm đã trở về
Tây Tạng. Trong khoảnh khắc cho tôi cảm giác như đã cách mấy đời.
Tôi nhìn trời xanh trong vắt tựa một giọt nước mắt, bỗng thấy lòng trong sáng.
Tính khí nông nổi trước khi đến mất sạch sành sanh, tất cả phiền não lúc này tỏ ra thật là nhỏ bé, nhỏ đến như bụi trần.
Buổi tối tìm được nhà trọ gần phố Barkhor, một đêm 120 đồng, cũng xem
là sạch sẽ. Trên người giống như đeo món đồ nặng mấy chục kg, tôi thở
dốc, từ trên tàu đã bắt đầu thở oxy, đến giờ càng không rời được túi oxy
nữa.
Tôi liếm cặn thuốc sót lại, rồi mê mệt ngủ đi.
Sau khi trời sáng, gặp được mấy người cũng một mình đến Tây Tạng. Ngay
cửa có “hướng dẫn viên chui”, dẫn chúng tôi đi Namtso, mỗi người 400
đồng. Chúng tôi trả giá, cuối cùng ngã giá 380 đồng, 8 người, bao gồm
một người Nhật.
Tôi mang 6 túi oxy, không ngừng hít.
Vẫn cảm thấy tức ngực.
Nhưng suốt dọc đường mọi người đặc biệt hưng phấn. Anh người Nhật không
mang túi oxy, anh ta móc ra 200 đồng, muốn mua một túi của tôi, tôi lắc
đầu, anh ta lại thêm 100 đồng, tôi vẫn lắc đầu.
Anh ta buồn bã
cúi đầu, tôi đưa cho anh ta một túi, sau đó xua tay, không cần tiền. Ở
nơi thế này, quả là đã có cảm giác dựa vào nhau mới sống được. Anh ta
suýt rơi lệ, nhìn tôi đầy cảm kích.
Hơn bốn tiếng đồng hồ, đến Namtso.
Tôi ngẩn người.
Nước hồ thật là tinh khiết, màu xanh lam thật là trong trẻo, tôi quên
mất chứng đau đầu, quên mất thân thể dường như sắp rời rã, chạy xuống,
gần như là nhào vào lòng nó.
Vừa rồi còn là trời nắng, thoắt cái mây kéo đến, mưa rất nhanh xối ướt chúng tôi, thế nhưng, chẳng ai nhúc nhích.
Khi mưa từng giọt rơi xuống hồ, hơi thở nặng nhọc của chúng tôi đều có
thể nghe thấy, có người nói một câu: Thiên đường, thật là thiên đường.
Mới một lúc, mưa đã tạnh, cầu vồng hiện ra. Tôi nhặt đá bên hồ, đựng
vào túi xách, hòn đá này tròn trịa đẹp đẽ như thế, có mấy ngàn năm rồi?
Về đến Lhasa, tôi bắt đầu sốt nhẹ, trạm y tế dưới nhà có bác sĩ, ông
nói: phản ứng cao nguyên của cô quá ghê gớm, đề nghị về nhà, cầm giấy
chứng nhận của bác sĩ có thể mua được vé tàu gần nhất.
Tôi từ chối. Tôi còn phải đi Shigatse.
Vẫn là tìm người kết bạn cùng đi.
Vẫn là “hướng dẫn viên chui”, một anh chàng người Tạng, mày rậm mắt to,
mặt vừa đen vừa đỏ, tiếng Hán nói không lưu loát, thế nhưng, anh ta rất
đẹp trai, thật sự rất đẹp trai.
Lên xe, thở oxy, sau đó gửi
tin nhắn cho bạn bè, nói với họ, nơi này, sau khi đến, linh hồn dễ thoát
khỏi cơ thể, nếu sợ linh hồn xuất khiếu, muôn ngàn lần không nên đến.
Trước đây, hai người bạn họa sĩ của tôi từng đến Tây Tạng, một người sau
khi đến không trở về nữa, cưới một cô gái Ngari, hiện nay ở tại Ngari,
sống cuộc sống giản đơn nhất —— lúc trước, anh sống cuộc sống xa xỉ ở
thành Bắc Kinh phồn hoa. Còn một người khác, xuất gia làm sư, mặc giản
dị ăn cơm chay, từ đó, chỉ vẽ Tây Tạng.
Bạn bè nói đúng, Tây Tạng tràn đầy khí chất thần linh.
Loại khí chất thần linh này, sẽ khiến nội tâm tất cả mọi người được gột rửa một lần.
Bốn tiếng đồng hồ đã đến Shigatse, nghe anh chàng hát bài ca âm điệu
rất cao, không hiểu, nhưng thật sự rất hay. Ba tiếng đồng hồ, đến thị
trấn Tingri, Everest Base Camp. Nhìn thấy núi tuyết, giật cả mình, cơ
thể đã sắp không ổn, nhưng tim đang đập mạnh, nhảy đến tận cổ họng. Tín
hiệu không tốt, tôi gọi điện thoại cho bạn, anh bạn hỏi: em thế nào rồi?
Tôi nghẹn ngào nói: trong lòng em khó chịu quá, khó chịu không nói nên
lời.
Những nơi muốn đi còn rất nhiều, như Ngari, như
Nyingchi, như Mêdog. Thế nhưng, tôi biết nên trở về, bởi vì, phải lưu
lại cho mình một nỗi nhớ.
Ở Tây Tạng chẳng qua bốn năm ngày, lại cảm thấy đã trải một đời.
Có những nơi chính là như vậy, sau khi đến, dường như đã tìm được kiếp
trước và đời này, dù chỉ là gặp gỡ ngắn ngủi, cũng khó quên được.
Cũng giống như gặp được tình yêu, gặp được người có duyên.
Do đó, khi rời Tây Tạng, xin cho mắt tôi có hơi ướt lệ.
Do đó, khi ngồi lên tàu trở về, tôi hứa với mình, tôi, vẫn sẽ ngồi tàu
đến Tây Tạng, mang theo hành trang giản đơn nhất, mang theo trái tim
giản đơn nhất.
Tạm biệt, Tây Tạng của riêng tôi.
(Tuyết Tiểu Thiền)
No comments:
Post a Comment