11.5.14

Màn kịch hay nhất của tôi


Năm đó cha mẹ ly dị, tôi mới bảy tuổi. Tôi và chị gái Châu Văn Cơ, em gái Châu Tinh Hà cùng được phán quyết cho mẹ tôi Lăng Bảo Nhi nuôi nấng. Ở Hongkong năm 1968, mẹ dắt theo ba đứa trẻ chúng tôi kiếm sống, nỗi gian nan ấy thử nghĩ là biết.

Để duy trì cuộc sống, mẹ một mình làm hai công việc. Mấy đứa chúng tôi đều đặc biệt ngoan ngoãn hiểu chuyện, điều này khiến mẹ rất yên lòng. Nhất là tôi, do thành tích rất ưu tú, được mẹ thương yêu nhất.

Lúc đó ba đứa trẻ chúng tôi đều đang tuổi phát triển chiều cao, do đó bất kể khó khăn thế nào, mỗi tuần, mẹ đều phải cân chút thịt hoặc mua con cá thêm cơm cho chúng tôi. Mỗi khi ăn những bữa “đại tiệc” thịnh soạn này, cơm canh vừa dọn lên bàn, tôi liền bê thức ăn đến bên mình, chuyên chọn thứ ngon để ăn. Chị em gái lại hiểu chuyện hết sức, chưa bao giờ giành với tôi. Nhưng sức ăn của tôi rất yếu, ăn hai miếng là không ăn nổi nữa. Sau đó, tôi bèn giở thói càn quấy, vẫn cứ đòi gắp hai miếng, bỏ vào miệng nhai hai cái, lại nhổ vào trong đĩa. Thức ăn tôi nhai qua, chị em gái làm sao còn chịu ăn!

Để không lãng phí, mẹ đành tự mình ăn. Vì chuyện này mẹ không ít lần phê bình tôi, nhưng chẳng có chút tác dụng nào. May mà biểu hiện các mặt khác của tôi đều rất tốt, ngày tháng lâu rồi, mẹ cũng tùy ý tôi. Con nít mà, làm gì có đứa không nghịch ngợm?

Nhưng có một lần, mẹ thật sự nổi giận, và dạy dỗ tôi một trận ra trò. Lần ấy, hai tháng trời mẹ chưa được phát lương, khó khăn lắm mới từ nhà ngoại xoay được ít tiền, mua mấy cái đùi gà, nướng đến vàng ruộm thơm phức. Thức ăn vừa dọn lên, tôi đã y hệt chú khỉ con bò lên bàn, vừa dùng tay cầm một chiếc đùi gà lên gặm, vừa làm mặt hề với chị em gái. Hơi không cẩn thận, trượt tay, đùi gà rơi xuống đất, dính đầy bụi đất, rơi bên cạnh một bãi phân gà.

Mẹ vừa giận vừa xót, mua mấy chiếc đùi gà này dễ dàng sao? Lại nghĩ đến biểu hiện nghịch ngợm thường ngày của tôi, mẹ lấy một cành dâu, mạnh tay quất tôi mười mấy cái: “Cho con nghịch ngợm nè, cho con không biết trân trọng nè!” Mãi đến khi chị em gái nhào tới che tôi dưới người họ, mẹ mới bỏ cành dâu xuống, ôm ba chúng tôi khóc nức nở.

Khóc một lúc lâu, mới bắt đầu ăn cơm. Mẹ nhặt chiếc đùi gà lên, trụng rửa bằng nước sôi, không nỡ vứt đi, đã tự mình ăn. Đêm đó, mẹ xoa vết thương trên người tôi: “Còn đau không?” “Hết đau rồi.” “Lần sau còn nghịch nữa không?” Trong bóng tối, tôi chớp đôi mắt sáng lấp lánh, cười hì hì: “Ngủ thôi, mẹ, ngày mai con còn phải đi học đó.”

Năm 2001, khi tôi và mẹ làm khách mời của Đài Phượng Hoàng Vệ Thị, lại nhắc đến chuyện xưa này.

“Đúng vậy, lúc đó nó thật sự tinh nghịch lắm! Hoàn toàn không biết cơm canh này có được chả dễ dầu gì, chẳng trân trọng chút nào.” Mẹ cười hiền từ.

“Không, mẹ ơi, con hiểu được trân trọng,” Tôi tiếp lời, giọng nói bắt đầu nghẹn ngào, “Mẹ nghĩ xem, nếu con không làm đùi gà rớt xuống đất, mẹ sẽ nỡ ăn sao? Trong mấy năm đó, có gì ngon, mẹ đều dành hết cho chị em chúng con, hàng ngày mẹ cứ ăn dưa muối hoài! Thế là chúng con mới nghĩ ra biện pháp này, sau khi con nhai mấy miếng thịt đến không ra dáng, chúng con liền có cớ không ăn nữa. Chỉ có như vậy, mẹ mới chịu ăn đó!”

Nghe những lời này, cảm xúc của mẹ trở nên kích động: “Thật ra, mẹ sớm nên nghĩ đến. Con việc gì cũng ngoan ngoãn hiểu chuyện, sao lại cứ ăn cơm là nghịch ngợm như thế chứ?” Mẹ nghẹn ngào rút khăn tay ra lau mắt.

Tôi hai hàng nước mắt rưng rưng mặt mày tươi cười. Trước hàng triệu triệu người xem truyền hình, mẹ con chúng tôi ôm nhau. Vô số người xem cũng rơi lệ vào thời khắc đó.

Tuy tôi diễn xuất vô số, nhưng tôi phải nói, màn kịch hay nhất của tôi, là vào năm bảy tuổi, diễn dịch tình thân chân thành một giọt máu đào hơn ao nước lã, ruột thịt liền tim, khán giả duy nhất, là mẹ tôi.


(Châu Tinh Trì)

No comments:

Post a Comment