7.5.14
Hôn nhân Tây Tạng (11)
Zhoigar:
Sau khi ăn lễ Ongkar là bắt đầu thu hoạch vụ thu khẩn trương. Nói là khẩn trương, cũng náo nhiệt chẳng bao lâu, ít ra nhà chúng tôi là như vậy. Thời gian chưa đến một ngày, thanh khoa đã toàn bộ chất thành một kim tự tháp nhỏ trên mặt đất, chỉ chờ phơi cho hơi nước khô ráo, tuốt hạt là được.
Thu hoạch vụ thu đối với chúng tôi chính là một kiểu lao động mang tính tượng trưng. Lương thực thật sự đang đi trên núi, những con bò yak và cừu ấy mới là kho lương của một gia đình.
Tôi ôm bó thanh khoa cuối cùng đến xếp xong, rốt cuộc có thể thẳng lưng lên nghỉ ngơi đôi chút. Tashi kéo bó đậu Hòa Lan bước đến, chìa tay đưa cho tôi chiếc khăn mặt, nói: “Em sang gốc cây bên kia ngồi một lát, việc còn lại anh làm được rồi!”
Tôi nhìn ruộng đậu, cũng chẳng còn lại bao nhiêu việc, huống chi còn có Namgyal phụ giúp. Bèn chẳng nói gì, đi đến trên bờ ruộng bên cạnh, nằm dưới bóng cây. Không biết vì sao, gần đây luôn dễ mệt mỏi, dạ dày cũng thường hay khó chịu, ăn gì cũng muốn nôn, còn không thể để người nhà phát hiện. Mùa này là lúc chúng tôi bận rộn nhất, gặt hái, tích trữ chất đốt của mùa đông, chăm sóc cừu con, bê con mới sinh, công việc rất nhiều. Nếu để họ phát hiện tôi mang thai, nhất định sẽ không cho tôi ra khỏi cửa. Nếu tôi ở nhà, Namgyal nhất định sẽ nấn ná trong nhà chẳng làm gì cả. Việc nhiều như thế, chỉ dựa vào Tashi, làm sao bận rộn cho xuể?
Tôi lim dim mắt, nhìn xuyên qua ngọn cây, bầu trời xanh thẳm, mấy sợi mây trắng lẫn trong màn trời, chầm chậm di động. Tôi thích thời tiết thế này, không lạnh không nóng, mát mẻ.
Từng đàn từng đàn chim vân tước bay đến, đậu trên ruộng thanh khoa đã gặt hái, ríu ra ríu rít tìm thức ăn. Nếu tôi hơi động đậy, chúng sẽ vù một tiếng bay lên, chẳng cần đến năm phút, lại đáp xuống, tiếp tục ồn ào như trước.
Tôi nhặt một bông thanh khoa để sót, tuốt xuống đặt trong lòng bàn tay chà xát mấy cái, hạt chắc mẩy liền lộ ra, thổi vỏ đi, ném vào miệng, một mùi vị tươi mới lan khắp toàn thân.
Chính vào lúc tôi đang tỉ mỉ thưởng thức mùi vị từ khoang miệng ngấm vào tim phổi, nghe thấy đằng kia Namgyal la lớn: “Anh cả đã về, anh cả tôi đã về!”
Tôi không thể hình dung tâm trạng lúc này, sướng điên người, như chim vân thước bay liệng cao tít trên trời vậy. Gyatso đã về, người đàn ông sau khi đám cưới với tôi chưa đầy một tuần đã ra đi chẳng thấy bóng dáng cuối cùng đã về. Anh về nhà không những tôi vui mừng, mà người trong nhà đều vui mừng, mẹ chồng thậm chí ôm chầm Gyatso khóc không thành tiếng. Cha chồng bận tíu tít lấy rượu thanh khoa, ly rượu bằng bạc ông hiếm khi dùng đến cũng lấy ra.
Em trai em gái đều vây bên Gyatso, trên tay cầm quà anh tặng, mỗi người đều có. Cha chồng một bộ áo lót giữ ấm, mẹ chồng một chiếc bang-điển dệt tơ của Nepal, Tashi và Namgyal mỗi người một chiếc mũ da chồn, em trai và em gái đều là hộp đựng văn phòng phẩm, anh tặng tôi một chiếc áo len, màu đỏ chót, như ráng sớm bên trời!
Lòng tôi vui sướng lâng lâng, cả xuống lầu cho gia súc uống nước cũng nhẹ nhàng hơn nhiều so với thường ngày, thậm chí còn ngâm nga điệu hát ngắn của quê nhà. Ngắm bê con đang uống nước, lỗ tai lại chú ý mỗi một chi tiết trên lầu truyền xuống. Giọng nam trung trầm thấp kia đang trả lời câu hỏi của cha mẹ chồng, anh bảo anh cứ bận suốt, bận thu mua trùng thảo, bận bán trùng thảo cho lái buôn Quảng Đông. Hình như còn lấy tiền đưa cho Tashi, nói phải mua thêm đồ dùng trong nhà. Có lẽ Tashi không lấy, cha chồng khuyên Tashi, nói đều là tiền người nhà kiếm được, nên dùng vào việc xây dựng gia đình, bảo Tashi cầm lấy.
Khóe miệng tôi nhếch lên, cười khoan khoái. Người đàn ông này cuối cùng cũng không quên mái nhà này, không quên trách nhiệm làm gia trưởng của mình.
Lúc này, Tashi xách một sọt cỏ xuống lầu, bỏ vào máng, thêm ít nước và bã rượu. Anh ngồi xổm trên đất, nhìn bò ngoạm cỏ, đột nhiên buồn buồn nói: “Anh ấy đã về, ngày mai em có thể về thăm cha mẹ rồi!”
Tôi hiểu tâm trạng lúc này của anh, từ lúc nhìn thấy anh cả anh, anh đã rầu rĩ. Vì Gyatso đột nhiên trở về, tất cả mọi người đều đang hưng phấn, ngoài tôi, chẳng ai chú ý đến sự thay đổi của Tashi. Hơn nữa, Tashi vốn hướng nội, hiền lành như khúc gỗ, không nói chuyện, vùi đầu làm việc là trạng thái rất bình thường, nhưng tôi biết, vì sự trở về của Gyatso, Tashi đã có tâm sự không muốn nói với ai.
Tôi đi đến bên anh, ngồi trên đống cỏ, đối với hoàn cảnh hiện nay của mình, thật có chút bất lực. Ba người đàn ông, ba kiểu tính tình, muốn nhất nhất chăm lo, quả thật hơi khó xử. Nhưng tôi vẫn phải cố gắng, bất cứ người nào cũng không thể lơ là, một người có chuyện, sẽ nguy hiểm cho sự hoàn chỉnh của gia đình. Đó mới là chuyện cười lớn nhất!
Tôi xưa nay kiêu hãnh, làm sao để mình trở thành trò cười? Trở thành đề tài đàm tiếu lúc trà dư tửu hậu của người làng?
“Tashi, anh biết tình cảnh của em. Dù sao anh không cũng mong lần đầu em về nhà mẹ đã bị người khác chế nhạo chứ?”
“Anh mong em vui vẻ!” Anh nói lúng búng, lời nói đơn giản, nhưng tôi biết đây là cách nghĩ chân thực nhất của anh. Anh không vui, chỉ là phản ứng tự nhiên tận đáy lòng, không liên quan với lý trí. Anh biết nên làm thế nào, từ nhỏ đã biết. Buồn bực trong lòng, chỉ là muốn tìm một người giãi bày mà thôi. Còn tôi, là vợ anh, là người phụ nữ duy nhất của anh.
“Thế là đúng rồi. Cha mẹ đều đang trông em về, gả chồng mấy tháng rồi, em cũng nhớ họ lắm. Trên lễ phép, cũng đã đến lúc em về nhà mẹ. Tashi, em không có lơ là anh, anh trong lòng em là khác biệt, là người đàn ông cùng em thiết thực yên ổn sống qua ngày tháng, anh hiểu không?”
“Anh hiểu. Anh đợi em về đi xay tsampa năm nay!”
Tôi nhìn anh, người đàn ông này luôn ghi nhớ mỗi một câu tôi từng nói. Chẳng qua tôi vô ý nhắc đến “muốn ăn tsampa mới năm nay”, anh liền ghi nhớ, cứ mãi để trong lòng. Tôi chìa tay ra, đặt vào bàn tay anh, một cảm giác ấm áp truyền vào lòng, ấm áp mà yên tâm. Nói thực, tôi có thể cười cười nói nói đè nén ý ghen của Namgyal xuống, không để anh phát tác. Đối với Tashi, tôi lại rất khó làm được. Nỗi bực bội của Namgyal, là nói toạc móng heo, viết rõ ràng trên mặt, như một đứa bé, biến hóa cảm xúc rất dễ nắm bắt, dỗ một lát đã có thể trời quang mây tạnh; còn Tashi không thể, tính nín nhịn của anh luôn khiến tôi không yên, tự đáy lòng sẽ sinh ra cảm giác áy náy không nên có. Đúng vậy, áy náy ấy là không nên có, tôi vốn dĩ không chỉ gả cho một người đàn ông, thân thể và trái tim định sẵn phải chia đều cho mấy người chồng. Nếu vì ở chung với người chồng này, mà tôi nảy sinh áy náy đối với người chồng kia, thế thì những người khác sẽ làm sao đối mặt?
Công bằng, là quả cân để gia đình anh em cùng vợ có thể gắn bó lâu dài. Một khi quả cân này mất đi chuẩn mực, đó sẽ là sự khởi đầu tai nạn của gia đình!
“Sau khi em về, cùng anh đi bãi chăn thả được không? Em nói với cha theo anh đến bãi chăn thả xem bê con năm nay.”
Tashi siết chặt tay tôi, gật đầu thật mạnh. Tôi biết anh hiểu tôi, dù trong lòng anh có buồn tủi thế nào, con người luôn đứng chung với tôi.
Bò mẹ ăn uống no say xong, nằm trong đống cỏ, phát ra tiếng ngáy nặng nề. Bê con chen dưới bụng mẹ, đôi mắt vừa lớn vừa tròn ngó nghiêng bốn phía, mùi phân bò nồng nặc ngập ngụa trong chuồng.
Tôi đứng dậy, vận động lưng eo một chút. Những ngày này luôn dễ mệt mỏi, chỉ cần ngồi xuống, liền không muốn đứng lên. “Lên lầu đi!”
“Ừ!”
Mượn ánh sáng lờ mờ đi ra ngoài, khi đến bên cửa, phát hiện sau lưng không hề truyền tới tiếng bước chân, quay người lại, thấy Tashi vẫn đang ở bên chuồng bò, người tựa vào tường, lặng lẽ nhìn tôi. Sắc chiều trầm trầm bao phủ thân hình cao lớn của anh, trong mắt là nỗi trống vắng nói không nên lời.
Nhìn thấy vẻ bi thương trong mắt anh, lòng lại không sao chịu nổi. Khẽ gọi một tiếng: “Tashi…” Bước đến, gieo vào lòng anh. “Anh đừng như thế, em rất nhanh sẽ trở lại, anh thế này sẽ khiến em không yên!”
Anh đột nhiên ôm chặt tôi, áp mạnh môi trên môi tôi, trăn trở hôn tôi, nghiến ngấu môi tôi, đầu lưỡi tôi. Anh không ngừng lẩm bẩm: “Zhoigar… Zhoigar… Em là ma nữ của anh, em là ma nữ của anh…”
Vừa hở ra cơ hội thở lấy hơi, tôi ghé đầu sát bên tai anh, khẽ nói: “Em có thai rồi!” Tôi không nói “Anh sắp làm cha rồi”, vì tôi cảm thấy câu ấy đối với anh không chân thực; tôi cũng không nói “Anh sắp làm chú rồi”, vì câu ấy đối với anh là sỉ nhục. Tôi chỉ nói “Em có thai rồi”, đây mới là kết quả, mà kết quả này là điều anh luôn mong mỏi, là điều anh vui lòng nhìn thấy.
Quả nhiên, mắt anh trong thoáng chốc sáng lên, bàn tay vốn đang xoa nắn trên bụng dưới của tôi cũng giảm nhẹ sức lực, trở nên càng ấm áp, càng dịu dàng, ngọn lửa vốn rực cháy trong mắt cũng biến thành một dòng suối mát tình ý miên man.
Sau đó anh lại hôn tôi, rất đỗi tinh tế mà thắm thiết. Mãi đến khi trên lầu mẹ chồng gọi “Zhoigar, lên ăn cơm” mới thôi.
Lúc ăn cơm tối, cha chồng tỏ vẻ như qua loa sơ sài bảo: “Zhoigar, con gả đến nhà chúng ta cũng mấy tháng rồi, nên về thăm nhà, ngày mai để Gyatso đưa con về thăm cha mẹ nhé!” Khi ông nói chuyện, mắt lại nhìn Gyatso, trên mặt là niềm hân hoan và vui mừng không che giấu nổi.
Mẹ chồng cũng ở một bên gật đầu phụ họa, nói: “Ở thêm vài ngày, bầu bạn mẹ con, giúp họ thu hoạch xong thanh khoa hẵng về!”
Tôi gật đầu, không dám nhìn ai, tôi biết Namgyal và Tashi đều đang chú ý tôi, bộ dạng như chẳng có chuyện gì mới có thể khiến họ yên tâm.
Còn Gyatso, ánh mắt của anh mãi vẫn không dừng lại trên người tôi. Nói chính xác, hẳn là không dám táo tợn dừng lại trên người tôi? Vì đến mấy lần, đều cảm giác anh đang len lén quan sát tôi, đợi tôi vừa quay người, anh lại nhanh chóng nhìn sang nơi khác.
Cha chồng lớn tiếng bảo Namgyal đi rửa bát, lại bảo mẹ chồng rót ra một bình rượu mới, nói để Tashi cùng ông thoải mái uống một ly. Gyatso vẫn cứ bất động, cha chồng đoạt ly rượu của anh, nói anh đã ngồi xe cả ngày, đi nghỉ sớm thôi.
Tashi nghe cha chồng nói thế, liếc tôi một cái thật nhanh, vẻ đau khổ vừa thoáng hiện đã biến mất.
Gyatso không nói không rằng, đi về phía gian phòng nhỏ của tôi. Khi đến cửa, tôi thấy anh ngần ngừ một chút, vẫn cởi thắt lưng treo trên cái đinh bên cửa.
Quy củ ước định mà thành, ai cũng phải tuân thủ. Bất kể người này thân ở đâu, tâm lại ở đâu, về đến nhà, về đến quê nhà nơi mọi chuyện đều phải làm theo quy củ này, thì phải tuân theo nghi thức đã lưu truyền mấy ngàn năm và vẫn đang tiếp tục lưu truyền.
Thắt lưng hoặc giày để ở cửa, nói cho các anh em khác biết, đêm nay người phụ nữ trong phòng này thuộc về mình.
Theo truyền thống, thân tâm của tôi thuộc về mấy người đàn ông này. Vậy họ thì sao? Thân tâm của họ cũng thuộc về tôi ư? Tôi không dám xác định. Ngoài Tashi, hai người chồng kia, hoặc nay mai còn có các em trai bên dưới gia nhập, nhưng họ thì tôi không thể nắm bắt.
Tôi nhìn Gyatso nhanh chóng vắt dây lưng bên cửa, như trốn chạy lủi vào phòng, rồi dùng chân đóng cửa. Tôi có chút vui mừng, rốt cuộc anh đã trở về, chẳng phải sao? Dù có ngàn oán giận, muôn tủi thân, từ lúc nhìn thấy anh trở về, đều hóa thành không có.
Tôi không muốn kể về cái đêm êm ái đẹp đẽ ấy. Đến khi trời sáng, anh vẫn còn hoạt động trên người tôi, đầu úp bên tai tôi bất lực mà cuồng nhiệt gào: “Ma nữ, em bảo anh phải làm sao? Em khiến anh phải làm sao đây?”
Tashi nói tôi là ma nữ của anh, Gyatso hiện giờ cũng gọi tôi là ma nữ, còn nhớ đêm đầu tiên anh gọi tôi là “Yến Tử”. Tuy nhiên, tôi vẫn thích anh gọi tôi “ma nữ”, đây là từ mà tôi quen thuộc, cũng là từ mà tôi có thể nắm bắt, tôi biết khi anh liên tục trùng lặp gọi “ma nữ”, nhất định trái tim sẽ không còn lạc lối nữa. Còn về “Yến Tử”, từ ấy đối với tôi quá đỗi xa lạ, xa lạ đến nỗi không có bất cứ đồ vật cụ thể nào có thể liên kết chung với từ này.
Lúc phải thức dậy, phát hiện cả người đau nhức, trên mỗi tấc da thịt lọt vào tầm mắt đều là dấu vết sau khi hoan hảo. Dù rất tham luyến vòng tay ấm áp của anh, nhưng vẫn dịch cánh tay đè trên ngực ra rón rén bò dậy. Là một người vợ, tôi hy vọng mình có thể cùng chồng sánh vai đứng bên nhau, cùng nghênh đón gió mưa, chứ không phải giống như một dây mây bám trên người họ để leo lên, sinh tồn nhờ chất dinh dưỡng của họ. Do đó, cố gắng làm tốt mọi việc trong phận sự của mình, bao gồm dậy sớm chuẩn bị bắt đầu một ngày.
Sắp về nhà mẹ rồi. Tôi mở rương quần áo, tìm ra áo váy vừa vặn nhất đẹp đẽ nhất mặc vào, lại chuẩn bị sẵn sàng quần áo của Gyatso, nhẹ nhàng đặt bên gối. Lần đầu về nhà mẹ, y phục tốt xấu đại điện cho ngày tháng tôi trải qua ở nhà chồng. Không muốn để người nhà lo lắng, không muốn để người làng chê cười, gắng sức trang điểm bản thân thật đẹp.
Tôi chải mái tóc dài thành bím quấn trên đầu, trên đỉnh đầu chặn một viên tùng thạch lớn. Lúc này trong gương hiện ra một gương mặt phụ nữ Khampa điển hình: đường nét rõ rệt, trong xinh đẹp có mạnh mẽ.
Hài lòng mỉm cười với mình, mở cửa bước ra. Trong bếp, những người khác còn đang ngủ yên. Tôi nhìn thoáng qua, Tashi đâu? Tashi sao lại vắng mặt? Chỉ chừa lại một chiếc ống mền trống rỗng.
Có lẽ anh dậy sớm chăng? Tôi không dám xác định. Vặn mở thùng rượu, hứng một bình rượu nước đầu, ở trên bàn chỗ giếng trời tìm thấy ly của Gyatso, rót một ly lớn. Ngẫm nghĩ, Tashi có lẽ lát nữa trở về, bèn cũng rót đầy ly của anh. Lúc tôi bưng rượu chuẩn bị về phòng, thấy ở góc nhà có một bóng người thoáng động đậy.
Tashi, anh ngồi ở đó, trong mắt mờ ảo có ánh lệ lấp loáng, một thứ gọi là “vắng vẻ” bao trùm lấy anh, tỏ ra rất đỗi đìu hiu và thương cảm.
Nhìn anh, lòng quặn đau. Đêm qua, phải chăng anh đều ngồi ở đây? Đêm qua, phải chăng anh đều chờ ở đây?
Tôi đặt ly rượu của Gyatso xuống, lại bưng ly rượu của Tashi lên, bước đến, đưa cho anh.
Anh đón lấy, chẳng nói chẳng rằng, ngẩng đầu một hơi uống cạn, sau đó vứt cái ly sang một bên, kéo tôi xuống, hôn thật mạnh.
Trong miệng có vị mặn rõ rệt, đó là nước mắt của Tashi, từng giọt lớn rơi xuống.
Tôi để anh ôm, không dám nhúc nhích, cũng không dám nói chuyện, chỉ nhẹ nhàng áp đầu anh trước ngực mình, để nước mắt của anh thấm ướt vạt áo. Tôi biết, lúc này nói gì đối với anh cũng là thừa, con người tôi, trái tim tôi mới là an ủi tốt nhất của anh.
Mãi đến khi trong bếp có tiếng động, Tashi mới buông tôi ra. Lau khô nước mắt cho anh, ngắm anh, dùng ngón trỏ vẽ trên mặt anh một cái, anh ngượng nghịu cười, tự mình nhặt ly rượu lên đặt trên bàn, lại đưa ly rượu của Gyatso cho tôi.
Tashi chính là con người như thế, dù trong lòng buồn tủi đến đâu, bản thân nên làm gì, luôn vẫn rõ ràng.
Tôi làm mặt hề với anh, bưng ly rượu đi về phòng. Không biết vì sao, cứ cảm thấy bên cửa kia có một bóng người thấp thoáng, nhìn kỹ, lại chẳng có gì.
Bước vào, thấy Gyatso ngủ rất ngon.
Cúi xuống bên tai anh, “Này, dậy đi!”
Anh đột nhiên mở mắt ra, làm tôi giật thót. Ánh sáng trong mắt kia, nhìn sao cũng không giống bộ dạng mới ngủ dậy.
“Anh dậy rồi?” Tôi hơi thẹn thùng.
Anh ngồi dậy, nửa người trên ở trần, tôi đưa ly rượu cho anh. Ly rượu đầu tiên lúc sáng sớm của đàn ông, luôn là người vợ bưng đến trên giường. Đây là quy củ tôi đã biết từ nhỏ, do đó bất kể trong phòng tôi là ai, tôi đều làm theo quy củ này. Uống xong ly rượu đầu tiên này, một ngày của họ mới thật sự bắt đầu.
Con gái lần đầu về nhà mẹ, con rể phải mặc trang phục kiểu Tạng truyền thống. Những thứ này tôi sớm đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi thuận tay cầm y phục bên gối lên, giúp anh mặc vào. Trang phục kiểu Tạng của đàn ông mặc vào khá phiền phức, đặc biệt là thắt lưng, phải kéo vạt áo lên trên một chút buộc gọn, trước sau mới hình thành một vòng rất đẹp, một người rất khó làm xong.
Tôi giúp anh, mặc áo lót trước, khi mặc áo khoác, anh tròng cổ áo trên đầu, tôi chỉnh xong vạt áo, buộc thắt lưng, anh mới bỏ áo xuống, như vậy dài ngắn vừa đẹp. Quần cũng may bằng phổ-lỗ, bên trong cần mặc một chiếc quần dài bó sát, nếu không sẽ đâm vào da. Lúc này mới phát hiện, bên dưới anh vẫn chưa mặc gì, … , bất giác thẹn đỏ mặt. Anh nheo mắt ngắm tôi, sắc mặt mờ mịt, bàn tay to lớn sờ mặt tôi, muốn cúi người xuống.
“Đừng, mọi người đều thức dậy rồi. Chúng ta còn phải sớm xuất phát đấy!” Tôi gạt đi bàn tay anh muốn thò vào trong áo tôi. Gyatso khác với Tashi và Namgyal, Gyatso to gan, khống chế mọi thứ theo thói quen, bao gồm phụ nữ. Tashi trung hậu nín nhịn, việc gì cũng nghĩ trước ba phần, ở chung với anh, thường thường là tôi chủ động một chút. Namgyal còn chưa thoát hẳn tâm tính con nít, mừng giận buồn vui đều treo trên mặt, trong phòng ngủ anh cũng không ngoại lệ, đùa giỡn nhiều hơn.
Ba người đàn ông này, tôi đều phải thích ứng. Thế nhưng, không thể phủ nhận, tôi thích ở chung với Gyatso, thích sự điên cuồng của anh, thích tác phong bá vương chủ đạo mọi thứ của anh, dưới người anh, tôi cảm giác mình càng giống một người đàn bà.
Tôi xoay người lật tìm trong rương, anh từ phía sau ôm lấy tôi, dùng tay trên dưới vuốt ve tôi, trong chốc lát đã khiến tôi đỏ mặt tía tai, hơi thở dồn dập, vội vàng rút ra chiếc quần cộc đưa anh, mượn đó thoát khỏi bàn tay ma quỷ của anh.
Mắt anh đong đầy sắc khói, khóe miệng nhếch lên, từ tốn nhấc chân lên mặc vào. Ủng Tạng là Tashi tự tay may, bên trên thêu hình vẽ đẹp mắt, tôi bình tĩnh lại, ngồi xuống giúp anh đi vào, buộc dây. Ngắm nghía cả người tề chỉnh rồi, để anh xuống giường, đi đến trước cửa sổ, ở đó có tấm gương hình tròn, ngày thường tôi dùng để chải tóc trang điểm.
Anh ngồi xuống, cầm lược lên đưa cho tôi. Tóc Gyatso quăn tự nhiên, rất đen rất bóng, tôi chải tóc xong, thêm vào dây tơ đỏ tết thành một cái bím dài, quấn trên đầu anh. Lại lấy ra hoa tai vàng anh đeo khi đám cưới, đeo trên tai trái của anh.
Một chàng trai Khampa hào phóng đã ra lò.
Tôi nhìn vào gương, phát hiện Gyatso tướng mạo quả thật không tệ, gương mặt ngăm đen vuông vức, sống mũi rất thẳng, môi mỏng mím chặt. Lại ngắm mình trong gương, bím tóc đen mượt quấn bên búi tóc, trán rộng mắt to, trên cổ đeo hai chuỗi lục tùng thạch. Hình tượng thế này, hẳn nên là một đôi người ngọc?
“So với Tashi thế nào?” Anh nhìn tôi, đột nhiên hỏi.
Tôi nhìn anh, đuôi mắt khóe miệng tủm tỉm. Người đàn ông này, không phải đang ghen chứ?
“Không nói chuyện là ý gì?” Anh đứng dậy, ôm tôi, bá đạo hôn một cái.
Tôi đỏ bừng mặt, chỉ nói: “Đi thôi!”
Người nhà đã đợi ở giếng trời, thấy chúng tôi ra, cha mẹ chồng trong mắt lộ vẻ ngạc nhiên vui mừng. Namgyal thì kêu: “Anh cả, a-jia, muốn tsampa hay sữa?”
Tashi không cho tôi trả lời, đã đưa tôi một bát sữa. Gyatso tự mình lấy một bát tsampa ăn.
Mẹ chồng không cùng ăn với chúng tôi. Bà ra vào nhà kho mấy lượt, chẳng mấy chốc, bên cột giếng trời đã chất đầy túi lớn túi nhỏ, không ngoài mấy thứ thổ sản, hạch đào, lựu, đào dại khô, đều mọc trên núi; còn có năm mươi cân thanh khoa, tặng cha tôi ủ rượu, vì đem rượu thanh khoa không tiện; hai chiếc bang-điển do Gyatso từ Lhasa mua về, một chiếc tặng mẹ tôi, một chiếc tặng chị dâu; hai chiếc áo len, tặng các anh trai; còn có một món đồ chơi tặng cháu trai. Ngoài ra đã chuẩn bị hai miếng trà bánh, tặng bà con hàng xóm.
Quà tặng thế này, không xem là đặc biệt phong phú, nhưng cũng không mất mặt.
Tashi sớm đã ăn xong, liền chuyển đồ xuống dưới, ngựa đã chuẩn bị sẵn sàng.
Tôi ôm chiếc mền Tạng xuống lầu.
Mang theo mền đi thăm người thân là một trong những tập quán của chúng tôi. Mền Tạng đều là tự mình dệt bằng tay, rất phí công, nhưng dày dặn mà ấm áp, một gia đình thông thường rất khó có mền dư. Do đó ra cửa, nếu không về nhà, đều sẽ tự mang mền.
Khi Gyatso xuống, lại mang một chiếc mền bông tơ. Đây là mền anh từ Lhasa mua về, rất mềm mại, tính giữ ấm lại không bằng mền Tạng, ban đêm anh thích đặt dưới mền Tạng, sát người dễ chịu.
Tashi ẵm tôi lên lưng ngựa, đặt lên trên mền, khe khẽ siết tay tôi một cái, tôi hiểu ý anh, muốn tôi chăm sóc tốt bản thân.
Người nhà đưa chúng tôi đến đầu làng, cha chồng đằng hắng lớn tiếng căn dặn Gyatso dọc đường cẩn thận, phải chăm sóc tôi thật tốt…, vừa không ngừng chào hỏi với những người làng dậy sớm, rất nhiệt tình mời thuốc, giải thích con trai cả quá bận, lễ Ongkar cũng không về được, hôm qua mới đi gấp về, hôm nay phải đưa con dâu về nhà mẹ.
Người trẻ tuổi trong làng làm công ở Lhasa càng ngày càng nhiều, đều là một nơi, thường ngày cũng có tiếp xúc. Chuyện thế này thế nọ về Gyatso đều sẽ truyền về quê. Gần đây trong làng lưu truyền một chuyện, bảo Gyatso không muốn làm gia trưởng, không muốn ở quê cùng anh em sống chung, anh phải tự mình kiếm vợ. Bất kể điều này có phải là thật hay không, ở trong núi lớn này, lời đồn như vậy đối với người đương sự, đều là tổn thương rất lớn, khiến tôi và cha mẹ chồng khó xử. Lần này Gyatso đột nhiên trở về, khiến lời đồn đại không tấn công tự phá giải. Thế nên cha chồng mới muốn cả nhà giương cờ gióng trống đưa tiễn chúng tôi, còn khoa trương chào hỏi với người làng, tin rằng không đến nửa canh giờ, trong làng sẽ truyền khắp tin tức Gyatso đã trở về, lại còn đưa tôi về nhà mẹ.
Tâm trạng vui vẻ, nhìn gì cũng thuận mắt. Ở trong núi lớn mười mấy năm, xưa nay không biết núi đẹp dường này, nước trong dường này.
Chúng tôi đi trên con đường nhỏ giữa núi, bên đường là các loại hoa dại nở rộ hằng năm. Gyatso không cưỡi ngựa, dắt dây cương đi đằng trước. Tôi nhìn bóng lưng của anh, nói: “Gyatso, em hát một bài cho anh nghe nhé?”
“Ừ.” Anh khom lưng hái hoa cách tang ven đường.
Thời tiết đặc biệt quang đãng, trời xanh như tơ lụa, đám mây phảng phất với tay chạm được.
Mặt trời lặn xuống rồi,
Mặt trăng leo lên rồi.
Khung dệt vải của mẹ dừng rồi.
Rượu thanh khoa của cha thơm rồi.
Em gái và bò cừu của em,
Giẫm mây trắng về nhà rồi…
Tôi hát đi hát lại, tiếng hát vang vọng trong khe núi. “Hay không?”
“Hay, em đến Langmating hát được đấy.” Anh cười, bước đến, đưa hoa cách tang cho tôi. “Em giống như hoa này vậy, đẹp hoang dại.”
“Thật sao? Namgyal nói em giống hoa cúc!” Tôi cười khanh khách, nhận hoa ôm trên tay.
“Namgyal, nó đã… gia nhập rồi sao?”
“Tashi chưa nói với anh à?” Tôi nhảy xuống ngựa, theo sau anh.
“Tashi… nó bận quá, vẫn chưa kịp nói!”
“Ồ.” Trên nguyên tắc, chuyện này Tashi nên nói với anh cả của anh, hoặc cha chồng cũng nên cho anh biết. Tuy nhiên, cũng chẳng sao, chuyện dạng này trong gia đình dạng này của chúng tôi, là hết sức bình thường. Sau khi anh em trưởng thành, nếu muốn, có thể gia nhập gia đình này mọi lúc. “Namgyal là một thành viên trong chúng ta rồi, là chuyện tháng trước.”
Anh không nói gì nữa.
“Anh không vui sao?”
“Không có. Thế này cũng rất tốt, mọi người ở chung, cuộc sống sẽ càng ngày càng tốt!”
Tôi ngắm bóng lưng của anh, cứ cảm thấy lời anh có chút miễn cưỡng. Là vì Namgyal ư? Namgyal trưởng thành rồi, sớm muộn sẽ sống chung với chúng tôi, anh là gia trưởng, nên trong lòng hiểu rõ chứ. Anh có năm người em trai, trừ Yuqong cho cậu Ouzhu nhận nuôi, bốn anh em còn lại nếu họ bằng lòng, đều có khả năng trở thành người đàn ông của tôi, đây chẳng phải là ngoại lệ gì, đáng để vì thế không vui sao?
Nói ra chẳng ai tin, đám cưới mấy tháng rồi, đây vẫn là lần thứ hai tôi và chồng mình gặp mặt. Anh quá bận, bận đến nỗi quên mất bản thân ở quê còn có một người vợ. Tuy không thể nói đêm đêm chờ đợi, thân thể hàng đêm của tôi đều chẳng ở không, nhưng cõi lòng sẽ vắng vẻ, nỗi đau khổ của con tim trống trải so với nỗi đau khổ của thân thể trống trải càng trực tiếp hơn. Song tôi không thể oán trách, thậm chí cả không vui cũng chỉ có thể để trong lòng, bất kể đối với Gyatso hay các em trai anh, hòa thuận mới là bầu không khí cần thiết của gia đình này. Mà sự hòa thuận đó cần tôi tạo ra, hòa thuận sản sinh xung quanh người vợ là tôi.
Đường núi dài dằng dặc, ngoằn ngoèo khúc khuỷu, như tâm sự quanh co. Mấy lần nhìn bóng lưng của anh, đều muốn hỏi anh “Yến Tử” nghĩa là gì, lại mấy lần nuốt trở vào. Cứ cảm thấy cái từ anh buột miệng thốt ra khi hoan hảo này không tầm thường, nhưng lại sợ sự không tầm thường đó. Có lẽ, đó là một phương diện khi anh một mình ở bên ngoài, chịu ảnh hưởng của thế giới bên ngoài. Tin rằng đó là một thế giới đặc sắc, thay đổi không chỉ thói quen sinh hoạt của anh, mà có lẽ ngay cả tiềm thức cũng có thứ khác đi vào, chẳng hạn như từ “Yến Tử” này.
Trên đường đi, anh nói rất nhiều, kể chuyện anh em bọn họ. Anh nói anh luôn có lỗi với Tashi, là con cả trong nhà, năm xưa vốn nên là anh nghỉ học về nhà, kết quả cha lại để Tashi về nhà phụ giúp. Anh bảo mỗi lần anh đi học, nhìn thấy Tashi cõng sọt phân bò đau đáu nhìn mình, mùi vị ấy thật chẳng dễ chịu chút nào. “Anh tự nhủ rằng, sau này không thể để Tashi tủi thân nữa, không thể giành bất cứ thứ gì với Tashi.”
Khi anh nói câu này, chúng tôi đang nghỉ chân ở cửa núi. Tôi đang treo kinh phướn, anh ngồi trên tảng đá uống rượu thanh khoa, tôi từ trong kinh phướn thò đầu ra. “Anh sẽ giành đồ với Tashi sao?”
“Luôn cho rằng sẽ không giành. Hiện giờ, anh nói không chắc!” Anh bưng ly rượu, thâm thúy nhìn tôi, cứ cảm thấy trong ánh mắt ấy có gì đó, đợi nhìn kỹ, lại chẳng có gì cả.
“Lớn ngần này rồi, còn giành đồ như trẻ con, các anh điên rồi!” Tôi cười.
“Có những thứ có thể nhường, nhưng có những thứ muốn nhường cũng không nhường được!”
“Nói bậy, chẳng phải trẻ con, thứ gì không thể nhường nhau cơ chứ?”
“Em không hiểu đâu.” Anh một hơi uống cạn rượu trong ly, bước đến cởi dây cương, nói: “Cô nàng, em có thể nhanh chút không, chúng ta nên xuất phát rồi!”
“Xong ngay đây.” Tôi buộc đầu dây kia của kinh phướn trên tảng đá, bước qua.
Anh ẵm tôi lên, muốn đặt trên lưng ngựa.
“Em vẫn không hiểu, anh sẽ giành thứ gì với Tashi? Giành làm gia trưởng ư?”
“Nếu cha bằng lòng, anh chỉ mong nhường Tashi làm gia trưởng, có gì để giành chứ!”
“Vậy thì giành thứ gì?” Tôi ôm cổ anh, không buông ra ngay.
“Giành báu vật là em đây!” Anh nheo mắt nhìn tôi, thuận tay chộp một phát trên ngực tôi. Khóe miệng nhếch lên, bộ dạng đùa giỡn.
“Dẹp anh đi, ăn nói quàng xiên!” Tôi ngồi trên lưng ngựa, điều chỉnh xong tư thế, vung roi quất một cái, con ngựa liền lóc cóc chạy về phía trước.
Sau khi trời tối chúng tôi mới đến ngôi chùa nhỏ ở đầu phía đông của làng. Làng nhỏ miền núi đã sinh dưỡng tôi vẫn yên tĩnh như xưa. Tôi nhảy xuống ngựa, ngắm đèn lửa chập chờn dưới núi, bỗng nhiên muốn khóc. Gyatso cũng nhảy xuống ngựa, đi đến bên tôi, cùng tôi ngắm dưới núi, hỏi: “Đây chính là nhà của em à?”
“Ừ!”
Nhìn ngôi nhà đá ấy, tôi rưng rưng nước mắt. Tưởng tượng tình cảnh trong nhà, mẹ và chị dâu nhất định đang bận rộn trong bếp? Cha và các anh hẳn đang uống rượu? Còn bà nội? Bà nội đang làm gì? Chắc đang niệm kinh trong Phật đường. Tôi hít sâu một hơi, không khí đượm mùi phân bò tràn đầy lồng ngực, lòng lại hơi hoảng loạn.
Quê nhà của tôi, mẹ tôi, con gái của người đã về!
Tôi cất giọng hát bài sơn ca lúc trước về nhà thường hát.
Như mong muốn của tôi, nhìn thấy đèn dưới lầu nhà tôi vụt sáng lên, một bóng người xông ra ngoài.
Đèn của cả làng đều theo tiếng hát của tôi từng ngọn từng ngọn thắp sáng.
“Mẹ…”
Tôi gọi lớn, nhanh như bay xông xuống núi.
“Zhoigar…”
Tiếng gọi của mẹ nghẹn ngào, mẹ cũng chạy lên núi. Cuối cùng, trên con đường nhỏ, tôi và mẹ ôm chầm lấy nhau, vừa khóc vừa cười.
Cha, các anh, chị dâu đều đứng ở cửa, mắt ươn ướt.
Giây phút bước vào nhà, tôi vô ý ngẩng đầu, thấy nơi cửa sổ nhỏ, mái tóc bạc của bà nội thấp thoáng.
Tôi đã trở về, về đến trên mảnh đất mình quen thuộc, cảm giác mọi thứ đều tốt đẹp vô cùng, dường như căn bản chưa từng rời xa, nỗi oán trách hối hận quanh quẩn mấy tháng nay đã tiêu tan không hình không bóng.
Về đến nhà thật là tốt! Mẹ chẳng cho tôi làm gì cả, bảo tôi đưa Gyatso đi khắp nơi. Chúng tôi đi tới đi lui trên những con đường nhỏ, tôi kể cho anh nghe từng li từng tí đã trải qua ở đây, khi cao hứng, còn múa một điệu múa, hát một bài sơn ca cho anh nghe. Có thể nhìn ra, Gyatso cũng rất vui, biểu cảm như có suy tư trên mặt giảm bớt rất nhiều, cũng không còn chăm chăm nhìn điện thoại ngẩn ngơ nữa, ánh mắt của anh bắt đầu theo đuổi hình bóng của tôi.
Bạn chơi hồi nhỏ đều đến thăm tôi, trưa trưa tối tối giếng trời nhà tôi đều tấp nập kẻ ra người vào. Gyatso lấy trà bánh ra, mỗi người một túi, nói khách sáo: “Ngại quá, là chút tấm lòng”. Họ bảo người đàn ông tôi tìm được thật bảnh trai, rất biết lễ phép, không giống một tên chăn bò. Buổi tối, khi tôi nằm trong mền nói lại câu này với Gyatso, anh cười ha hả, sau đó trở người đè lên tôi, không cho phân bua bắt đầu cởi áo tôi, nói: “Hiện giờ anh là tên chăn bò đây!”
Không thấy Rinchen và Sazhen. Hai người bạn thân nhất của tôi lại chẳng đến thăm tôi. Nhà Rinchen có lẽ rất bận, sắp cử hành lễ cưới rồi, công chuyện nhất định rất nhiều. Còn Sazhen, cô bạn thân nhất từ nhỏ đến lớn, thế mà chẳng đến thăm tôi một lát, chả ra làm sao. Trong lòng vừa mắng ni cô đó, vừa tán gẫu với chị dâu.
“Vợ Rinchen bỏ trốn rồi, nghe nói cô ấy còn là người bên làng các em đấy.” Chị dâu đang se sợi, bỗng nói.
“Người nào bỏ trốn?” Nhất thời tôi vẫn chưa kịp phản ứng.
“Cô nàng đã đính hôn đó. Lẽ ra cha Rinchen chuẩn bị vừa ăn xong lễ Ongkar sẽ cho con trai đám cưới, kết quả đằng gái coi thường nhà họ, bỏ trốn rồi!” Chị dâu cười nói.
“A? Cô ấy… tên gì?” Trước mắt tôi hiện lên lời Chongtsong nói bên suối nước nóng trước khi đào hôn: “Em không muốn tiếp nhận sự sắp xếp của họ, em nghĩ xong rồi, em phải đi Lhasa! Tối nay tìm chị chính là muốn nói chuyện này với chị, em muốn nhân ngày mai lên núi chăn bò lén bỏ trốn!”
Trời ơi, không phải là cô ấy chứ? Chuyện này quả thật quá trùng hợp.
“Nghe nói tên là... Chongtsong gì đó, tóm lại là người bên làng các em!” Chị dâu không ngẩng đầu, tiếp tục se sợi len.
“Chongtsong... quả thật là cô ấy?” Tôi lẩm bẩm.
“Em quen à?” Chị dâu ngạc nhiên ngẩng đầu.
“Quen, Chongtsong là hàng xóm của tụi em.”
“Cô nàng ấy cũng quá đáng lắm, cô ấy có biết hay không, cô ấy bỏ trốn, làm cả nhà Rinchen mất mặt quá chừng. Nhà họ đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, khách mời cũng đã thông báo, cha cậu ấy còn mời cán bộ trên xã, rất nhiều người đều gửi quà đến rồi. Mất mặt ghê, cô dâu đột nhiên bỏ trốn.” Chị dâu bực bội ngẩng đầu, nói: “Mẹ Rinchen tức giận ngã bệnh, hiện giờ còn nằm trên giường đấy!”
“Nhưng chuyện này cũng không thể hoàn toàn trách Chongtsong.” Tôi yếu ớt bào chữa. Có thể tưởng tượng đả kích của chuyện này đối với cả nhà Rinchen lớn chừng nào.
“Không trách cô ấy biết trách ai? Đã đính hôn rồi, thì phải tuân thủ ước định. Quy củ tối thiểu vẫn phải có chứ? Cô ấy bỏ trốn thì nhẹ nhõm rồi, nhưng gia đình Rinchen nay mai thế nào? Cô dâu bỏ trốn, chuyện cười này sẽ đeo đẳng cả đời đấy.”
“Em… thôi đi, chị dâu, chuyện này cũng không liên quan với chúng ta, đừng bận tâm nhiều như thế nữa.” Tôi không muốn tiếp tục đề tài này. Chuyện Chongtsong đào hôn, từ đầu đến cuối tôi đều biết. Chẳng ai xét đến nỗi khổ sở của Chongtsong, nhưng nỗi khổ ấy tồn tại một cách chân thực, nỗi khổ mà mỗi người con gái chúng tôi sau khi trưởng thành đều sẽ trải qua. Song trước mặt gia tộc, nỗi đau khổ này quả thật chẳng tính là gì cả. Trong núi lớn của chúng tôi, hạnh phúc của cá nhân xây dựng trên lợi ích của gia tộc, thể diện của trưởng bối so với hạnh phúc của con cái quan trọng hơn nhiều.
Nếu nói chuyện đào hôn mà Rinchen gặp phải còn lý giải được, thế thì chuyện bỏ trốn của Sazhen là đặc biệt bất ngờ.
Sáng sớm thức dậy, Gyatso vẫn đang ngủ say. Tôi bèn cõng thùng nước ra vòi nước công cộng trong làng lấy nước. Gặp mấy chị quen đang hứng nước, thấy tôi, một chị trong bọn nói với thâm ý riêng: “Zhoigar, Sazhen trốn rồi biết không?”
“Sazhen trốn rồi? Trốn đi đâu? Hèn gì cứ không gặp Sazhen hoài, đến nhà cô ấy tìm, mẹ cô ấy nói Sazhen đi vắng, cũng không nói đi đâu, em vẫn buồn mãi đấy.”
“Người ta không làm ni cô, muốn gả chồng, gia đình không đồng ý, lén trốn theo trát-ba rồi!” Một chị khác bĩu môi nói.
“Muốn đàn ông muốn đến phát điên, đồ không biết xấu hổ, làm mất sạch thể diện của người cả làng chúng ta!”
“Hết cách rồi, cha mẹ thế nào dạy ra con cái thế nấy!”
“Trát-ba ôm ni cô, chuyện xấu lớn nhất năm nay của làng ta!”
…
Nghe họ không hề kiêng nể mắng Sazhen, nước mắt tôi suýt chút nữa nhỏ xuống. Nếu là bình thường, tôi sớm đã mắng họ té tát một trận. Nhưng rơi vào chuyện này, tôi không dám. Nếu tôi mở miệng bênh vực cho Sazhen, người ta không những mắng Sazhen, mà còn mắng luôn cả tôi nữa. Đúng vậy, Sazhen là bạn thân của tôi, từ nhỏ hai chúng tôi đã hợp duyên. Năm cô mười hai tuổi mắc một trận bệnh nặng, sốt cao mãi không hết, uống rất nhiều thuốc đều không có tác dụng, cha mẹ cô cầu nguyện trước Phật, nói nếu Sazhen khỏi bệnh, sẽ cho cô vào chùa miếu hầu hạ Phật tổ. Kết quả Sazhen quả thật khỏe dần. Một tuần sau, cha mẹ liền gửi cô vào ngôi chùa nhỏ đầu đông làng, cởi bỏ trang phục bình thường, thay bộ cà sa đỏ thẫm mới may. Tôi còn nhớ ngày đó cô cạo đầu, mẹ, chị dâu, họ hàng của cô đều ở chùa xem lễ, vô cùng náo nhiệt, mọi người đều khen Sazhen hiểu chuyện, là đứa con ngoan. Chỉ có tôi chú ý thấy, khi dao cạo gọt qua da đầu của Sazhen, nước mắt theo tóc xanh cùng rơi xuống.
Người nhà sửa gian phòng đá bên chùa cho cô. Ở chỗ chúng tôi, chùa miếu nhỏ như thế chẳng có bao nhiêu thu nhập, toàn nhờ người làng ngày Tết ngày lễ quyên tặng ít dầu bơ và khi có chuyện nhờ niệm kinh gửi ít tiền mặt, vẫn không đủ duy trì chi tiêu thường ngày trong chùa, căn bản không thể có tiền sửa sang phòng ốc dư thừa làm chỗ ở. Người xuất gia trong chùa đều là con cháu của gia đình trong làng, cuộc sống đều nhờ gia đình cúng dường.
Sazhen giống như các vị ni cô khác sống trong gian phòng đá của mình, từ đó không còn là người trong trần thế. Nếu ở nhà quá bận, cô cũng sẽ xuống núi phụ giúp, nhưng không ngủ qua đêm ở nhà.
Trước khi Sazhen đi tu, hai chúng tôi thường chui vào cùng một chiếc mền, thích trao đổi quần áo để mặc. Sau khi cô đi tu, trừ nửa tháng đào trùng thảo hai chúng tôi có thể ở chung trong một căn lều, thời gian còn lại đều một mình sống trên núi. Bà nội nói, đó là quy củ, thị nữ của Phật không thể sống chung một nhà với người phàm tục, hỏi bà vì sao, bà nói người phàm tục quá bẩn.
“Bẩn ư?” Tôi ngắm nghía mình trên dưới trái phải, còn nhấc tay áo lên ngửi, “Rất sạch mà.”
Bà nội cười tôi ngốc, nói: “Không phải trên người bẩn, là trong lòng bẩn.”
Trong lòng bẩn? Tôi càng không hiểu. Hỏi bà nội: “Người phàm tục trong lòng vì sao lại bẩn?”
Bà nội nói: “Người phàm tục chỉ tính toán cho bản thân, xem danh lợi còn quan trọng hơn tính mệnh.”
“Nhưng mà nội ơi, nếu người phàm tục không chú trọng danh lợi được mất, thế thì làm sao có tiền quyên cho Bồ Tát, xây sửa chùa miếu đẹp đẽ kia?”
“Con cho rằng Phật Bồ Tát chính là vì ở chùa miếu đẹp đẽ mới cứu người hay sao?”
“Nếu không, vì sao miếu này cao to đẹp đẽ hơn miếu nọ?”
Bà nội bảo tôi càn quấy cãi bừa, đã đắc tội Phật Bồ Tát, một thời gian dài bà đều chẳng ngó ngàng đến tôi.
Thời niên thiếu, tuy tôi không hiểu rõ về quan niệm kính thờ Phật Bồ Tát, nhưng vẫn rất hâm mộ Sazhen, cảm thấy màu đỏ thẫm ấy là màu sắc đẹp đẽ nhất trên đời, sao mà phiêu dật xuất trần. Còn có một điểm khiến tôi hâm mộ chính là sau khi mặc vào chiếc áo đỏ thẫm ấy, chẳng cần làm những công việc liên miên không hết nữa, cả ngày chỉ niệm kinh, quét dọn kinh đường là được, tốt biết bao. Từ khi tôi hiểu chuyện cứ làm việc hoài, mỗi ngày đều là trời chưa sáng đã thức dậy, đêm khuya mới có thể đi ngủ, trước giờ chưa hề cảm thấy được ngủ đã giấc. Trong lòng có một nguyện vọng, chính là có thể ngủ đến tự động tỉnh lại thì tốt biết chừng nào!
Thế là tôi về nhà làm ầm lên cũng phải làm ni cô, cha nói tôi có duyên với Phật tổ, nhưng mẹ không chịu, vừa khóc vừa mắng cắt đứt ý nghĩ của tôi.
Trước khi gả chồng tôi đã biết Sazhen có tâm sự. Cô thường nói, mặc bộ cà sa này vào, từ đó mọi thứ nên hưởng thụ bản thân đều không thể hưởng thụ, đến thế gian này một chuyến, xem như uổng công. Lúc đó tôi thường tranh cãi với cô, nói: “Cậu không phải là người phàm tục, cậu là thị nữ của Phật tổ, đương nhiên không thể giống như người thường uống rượu hát múa, nhưng cậu không cần làm việc, không cần gả chồng, người nhà không dám đánh cậu mắng cậu nữa, tốt biết bao.”
“Tớ thà rằng chịu đánh chịu mắng, cũng không muốn ở trong gian phòng này, ngày ngày chỉ nghe được tiếng tim đập của mình, cả một người nói chuyện cũng chả có. Zhoigar cậu không biết đâu, vừa đến tối tớ liền sợ hãi, gió bên ngoài thổi ù ù, tớ cứ cảm thấy bên ngoài có quỷ đang kêu gào. Trong phòng này trơ trọi một mình tớ, trùm mền lên đầu, vẫn nghe thấy những âm thanh quái dị đó.” Khi nói câu này, Sazhen mười lăm tuổi, đã là một tiểu ni cô xinh đẹp nhất trong mười vị ni cô.
Năm quen Tenzin, cô mười bảy tuổi. Tenzin là sư thầy của chùa làng bên, từ nhỏ đi tu, ở trong chùa học được tay nghề vẽ tranh, rất nhiều nhà mới xây xong, sẽ mời anh đến vẽ trang trí trên tường.
Có lẽ là vì cùng ở cửa Phật, tuổi tác xấp xỉ, cảnh ngộ giống nhau, sau khi Sazhen và Tenzin quen nhau, có nhiều lời nói không hết. Khi trong làng không có ai mời vẽ tranh, Tenzin cũng sẽ lén đến thăm Sazhen. Một qua hai lại, trong làng bèn truyền ra một số tin đồn, bèn có người làng nhìn thấy Sazhen không còn cúi đầu nhường đường nữa, mà nhổ nước bọt.
Nghĩ lại một vị ni cô một vị trát-ba, thân phận xa rời cõi tục, định sẵn họ không thể quang minh chính đại ở bên nhau. Sazhen đã nói với tôi, cô từng nghĩ đến chuyện hoàn tục, có lần cô nói với mẹ không muốn làm ni cô nữa, muốn về nhà làm việc. Mẹ cô không làm chủ được, nói với cha cô. Kết quả là bị mắng một trận tơi bời, bị nhốt cả tháng trời không cho ra cửa.
Ở chỗ chúng tôi, chỉ cần mặc chiếc áo đỏ thẫm ấy vào, bất kể là ni cô hay là trát-ba, hoàn tục sẽ bị người đời phỉ nhổ, người nhà cũng sẽ bị người bản xứ xem thường, càng chớ nói đến hôn tang cưới gả, chẳng ai muốn cưới một ni cô hoàn tục, càng không ai muốn gả con gái cho một trát-ba hoàn tục. Cũng có người chẳng sợ gì, quyết tâm muốn sống cuộc sống thế tục, nhưng chỉ có thể đi xa đến đất khách quê người.
Tôi ngồi trên bục xi măng bên vòi nước, vịn thùng nước ngẩn ngơ. Gyatso đạp nắng sớm bước đến, “Nghĩ gì thế?”
“Không có gì. Nghe mấy chị cõng nước vừa rồi mắng Sazhen bạn em, cô ấy hình như không làm ni cô nữa.”
“Cô ấy từ rất nhỏ đã đi tu đúng không?” Anh hỏi.
“Đúng ạ, sao cơ?”
“Hiện nay chuyện này nhiều rồi, chẳng có gì kỳ lạ. Em nghĩ xem, khi họ còn chưa biết chọn lựa, cha mẹ đã theo nguyện vọng của mình gửi họ vào chùa miếu. Họ lớn rồi, không bằng lòng nữa, biết chọn lựa cuộc sống mình muốn sống, nhưng cõi tục đã không cho họ chọn lựa lại, thế là chỉ có thể bỏ trốn!”
“Anh nói gì thế, cả tràng dài, nghe không hiểu!” Tôi mơ màng nhìn Gyatso, cảm thấy người đàn ông trước mắt hơi xa lạ, rất nhiều cách nghĩ của anh đều xung đột với tư tưởng mang tính thói quen của tôi.
“Nói thế này vậy. Anh cảm thấy người bạn đó của em bất kể làm ni cô hay làm người thường, nên do cô ấy tự chọn lựa, những người khác không nên can thiệp.” Anh ngồi xổm xuống, tỏ ý tôi đặt thùng nước lên lưng anh.
“Để em, làm gì có chuyện để con rể mới lần đầu về cõng nước, người khác nhìn thấy sẽ cười.” Tôi kéo anh.
“Người em…” Anh ngắm tôi, như cười mà không phải cười. “Chẳng phải không tiện sao?”
“Xùy, nói bậy!” Tôi đẩy anh ra, tự mình ngồi xuống. Anh ôm thùng nước đặt trên lưng tôi, lại choàng dây choàng phía trên trán tôi, sau đó cùng nhau đi về.
“Anh mới nói cha mẹ Sazhen không nên can thiệp chuyện cô ấy đi tu, thế nhưng, Sazhen đã xuất gia rồi, cô ấy không nên hoàn tục, không làm ni cô, người ta còn chả cười chết nhà họ sao!”
“Làm ni cô hay không là chuyện của cá nhân Sazhen, liên quan gì đến người khác?”
“A?” Tôi không ngờ Gyatso sẽ nói như vậy. Trên tập quán, một gia đình có người hoàn tục, đó là chuyện rất mất mặt, người khác nhắc đến đều sẽ mắng nhiếc vài câu. “Nhưng mà… người ta sẽ mắng cha mẹ cô ấy.”
“Đó là tư tưởng cũ, nên cải cách!”
“Cải cách… Gyatso, cách nghĩ của anh…” Tôi vắt óc, nhất thời không nghĩ ra một từ thích hợp để hình dung.
“Ngỗ ngược!” Anh lại không hàm hồ, tự mình tìm ra một từ xác đáng tiếp lời.
Những ngày về nhà mẹ này, chẳng biết vì sao, tôi và Gyatso chung sống rất vui vẻ. Chúng tôi có rất nhiều thời gian cùng tán gẫu, nói về Lhasa của anh, bạn bè ở bên ngoài của anh, chuyện làm ăn của anh… Từ miệng anh, tôi biết Lhasa không chỉ có người Tạng, còn có những dân tộc khác, như người Hán, người Hồi… Trung tâm thương mại của Lhasa so với trấn nhỏ của chúng tôi còn lớn gấp nhiều lần, thứ gì cũng có thể mua được; còn có loại cửa hàng gọi là siêu thị, có thể tự mình đi vào lựa đồ.
Khi đến cửa, Gyatso ở sau lưng đỡ thùng nước, lấy dây choàng trên đầu tôi xuống quấn trên cổ tay, liền cứ thế xách thùng nước, nói: “Giờ thì người khác không nhìn thấy đâu!”
Trước sự chăm sóc của anh, tôi vui sướng lạ kỳ. Rất nhiều hành vi, cách nghĩ của anh đều khác với đàn ông chỗ chúng tôi, mượn lời của chính anh là “ngỗ ngược”. Tuy tôi vẫn không hiểu anh, rất nhiều cách nghĩ của anh tôi cũng không thể lý giải, nhưng kiểu “ngỗ ngược” này lại khiến tôi thích thú.
(Dorje Zhoigar)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment