26.5.14
Hôn nhân Tây Tạng (13)
Zhoigar:
Lần này về nhà, phát hiện sức khỏe của mẹ yếu đi nhiều, bệnh đau tim phát tác liên tiếp hơn, khi sau lưng không người, thường thấy mẹ ấn ngực ngồi xổm trên đất, mãi một lúc mới thẳng lưng lên được, sau mỗi lần sắc mặt đều trắng bệch. Cha nói mẹ đã uống rất nhiều thuốc Tạng, nhưng chẳng có tác dụng. Mùng tám, mười lăm hàng tháng bà nội đều mời sư sãi đến nhà niệm kinh. Gyatso nói với cha, tốt nhất để mẹ lên bệnh viện huyện tìm bác sĩ người Hán khám thử, bệnh tim kéo dài sẽ có chuyện lớn. Cha nói: “Đây là bệnh cũ của bà ấy, lúc trẻ đã có, cứ khỏe một thời gian đau một thời gian, không có gì nghiêm trọng.” Cha nói như thế, khiến Gyatso cũng không tiện nói nữa.
Hôm nay vào bếp rót nước, thấy mẹ lại ngồi xổm trên đất trước lu nước, ôm ngực, trên trán mồ hôi lạnh đầm đìa, vội bước tới dìu, gọi lớn: “Gyatso, mau vào đây, bệnh của mẹ tái phát rồi.” Gyatso và cha đều gấp gáp chạy vào.
Tôi bảo Gyatso giúp tôi dìu mẹ đến trên ca-điểm bên bếp, đỡ mẹ nằm xuống, vội rót một ly nước để cha đưa đến bên miệng mẹ, Gyatso thì vừa giúp mẹ lau mồ hôi vừa nói: “Dạng này kéo dài không được, nên đi bệnh viện thôi!”
Mẹ uống chút nước, sắc mặt hơi đỡ, nói: “Không sao, qua một lát sẽ hết!” Tôi biết mẹ sợ tốn tiền. Trong núi lớn kiếm tiền khó khăn là chuyện ai cũng biết, nhưng dù sao cũng không thể vì tiền không cần mạng. Tôi chảy nước mắt khuyên mẹ: “Cứ nghe ý kiến của Gyatso, đến bệnh viện khám đi mẹ!” Mẹ không nói. Cha ở một bên lắc đầu bảo: “Bác sĩ người Hán làm sao tin tưởng được? Họ xảo quyệt, gạt tiền của chúng ta lại không trị bệnh! Hơn nữa mẹ con nằm viện, gia đình này của chúng ta làm thế nào? Vẫn là tìm bác sĩ trong làng đến khám.” Ở chỗ chúng tôi, có bệnh tìm Tạng y là tập quán từ xưa đến nay. Từ nhỏ đã biết cha không thích người Hán, luôn nói người Hán quá thông minh, quá nhiều mánh khóe. Trước đây mỗi lần cha nói câu này đều là sau khi uống rượu, mẹ luôn ở một bên lặng lẽ không nói bận rộn làm việc, sau đó lục chiếc đồng hồ đeo tay kiểu cũ kia ra thẫn thờ. Giờ đây, chiếc đồng hồ ấy đeo trên cổ tay của tôi, có lần Gyatso nói đùa với tôi, tôi đeo món đồ cổ nhãn hiệu Thượng Hải trên tay, phải chăng chuẩn bị đem làm của báu gia truyền. Hôm nay khi cha một lần nữa nói ra: “Bác sĩ người Hán làm sao tin tưởng được? Họ xảo quyệt, gạt tiền của chúng ta lại không trị bệnh!”, mẹ vẫn cúi đầu, tóc bạc bên mai nhẹ rung. Thời khắc đó, tôi thật sự cảm thấy mẹ đã già, lưng hơi còng, nếp nhăn trên trán ngang dọc, gò má thêm nhiều vết nám, đôi mắt ưu sầu giờ đây sắc buồn càng đậm đến nỗi không tiêu tan được.
“Không cần tìm bác sĩ, thuốc lần trước vẫn chưa uống hết mà. Bệnh cũ, chịu một chút sẽ qua!” Mẹ nói, nhổm người đứng dậy.
Tôi nhìn mặt mẹ, tuy hơi nhợt nhạt, nhưng đã khôi phục bình tĩnh. Mẹ bước tới cầm cái gáo lên, lại bắt đầu bận rộn.
Tôi ngắm bóng lưng của mẹ, xót xa. Mẹ trong ký ức luôn nín nhịn, mẹ giấu tất cả tâm sự trong lòng mình, chăm lo gia đình này bằng nết cần cù chất phác vốn có của phụ nữ Tạng, ngày này qua ngày khác năm này qua năm khác, xưa nay chưa từng thấy mẹ tranh cãi với ai hay thậm chí to tiếng nói chuyện, đối với bà nội, đối với cha, đối với các con, mẹ đều trầm mặc, trên mặt mãi mãi là biểu cảm không vui cũng không buồn. Thế nhưng, lúc không người, mắt mẹ nhìn về hư không, chất chứa quá nhiều tâm sự.
Cha trở về giếng trời uống rượu, tôi và Gyatso thì về phòng, tôi chán nản ngồi bệt xuống ca-điểm. Anh nhìn tôi một lát, đột nhiên nói: “Sự hiền thục của mẹ em có thể nói là mẫu mực của phụ nữ Tạng. Em có cảm thấy không? Lời nói của cha em quá đỗi làm tổn thương mẹ em, dù có đi khám bác sĩ người Hán hay không, cũng không nên nói như thế, quá khiến mẹ đau lòng, em nên khuyên cha, bệnh của mẹ không thể kéo dài thế này, chỉ niệm kinh suông chẳng có tác dụng gì đâu.”
“Em từng khuyên cha, cha không nghe mà. Cha vẫn luôn không thích người Hán, cứ nói người ta sẽ gạt cha. Ôi…”
“Thời đại nào rồi, còn có cách nghĩ kiểu này? Người Hán không phải là người ư? Thế tại sao cha vẫn hút thuốc của người Hán? Mặc quần áo của người Hán?”
“Em cũng hết cách, anh cho rằng em không sốt ruột à, nhìn thấy mẹ đau đớn như thế, em cũng buồn lắm…”
Lúc này, mẹ đẩy cửa bước vào, nói: “Zhoigar, con cùng mẹ xuống thăm đàn bò, có một con bê không bú sữa, chẳng biết có phải bị bệnh không!”
“Vâng, thưa mẹ!” Tôi đứng dậy khoác tay mẹ, tựa vào mẹ giống như lúc nhỏ.
Mẹ không đi ra ngay mà nhìn Gyatso, khẽ nói: “Gyatso, con là một đứa con ngoan, lần này thấy các con về, tương thân tương ái, mẹ cũng yên tâm. Zhoigar là đứa con gái duy nhất của mẹ, từ nhỏ được nuông chiều, con phải thông cảm cho nó nhiều một chút. Đàn ông xông pha bên ngoài là chuyện nên làm, nhưng bất cứ lúc nào, đều chớ quên người phụ nữ sau lưng đang chờ con về nhà.”
“Thưa mẹ, con sẽ không quên!” Gyatso thoáng nhìn tôi, nói.
“Như vậy là tốt, mẹ cũng có thể yên tâm đi rồi!”
“Mẹ…” Tôi lắc cánh tay mẹ, nũng nịu gọi, “Mẹ muốn đi đâu vậy?”
“Ồ…” Mẹ quay đầu nhìn tôi, thần sắc thoáng hoảng hốt, sau đó nói: “Mẹ nói nhầm, là sau khi các con ra về, mẹ cũng yên tâm rồi!”
“Mẹ ơi, con rất tốt. Ở…” Tôi liếc Gyatso, làm mặt hề với anh, nói: “Ở nhà họ, họ đều rất tốt với con, mẹ yên tâm nhé!”
“Tốt tốt tốt, như vậy là tốt lắm. Chúng ta đi thôi, đi xem bê con thế nào.” Mẹ kéo tôi, ra cửa xuống lầu đến chuồng gia súc.
Thêm cỏ trước mặt mỗi chú bò, bê con cũng rất khỏe, đang rúc vào bụng bò mẹ bú sữa. Mẹ kéo tôi ngồi trên đống cỏ khô, nói: “Zhoigar, nói thật với mẹ, anh em họ thật sự đối xử tốt với con chứ?”
“Mẹ à, họ thật sự rất tốt với con.” Tôi phủ phục trong lòng mẹ, đầu đặt trên đầu gối mẹ. “Cha mẹ anh ấy là người tốt, rất thích con. Tashi cần cù, đối với con đặc biệt tốt; Namgyal rất hoạt bát, nhưng không biết làm việc cho lắm; Gyatso buôn bán ở Lhasa, hơi bận.”
“Nói như thế, con đã có ba người chồng rồi?”
“Dạ phải, mẹ ơi, con đối với ba người họ, rất là khó xử, sợ xử lý không tốt sẽ khiến anh em họ oán hận lẫn nhau, đến lúc ấy con sẽ trở thành người vợ tồi.”
“Ôi, nhanh như vậy đã có ba người chồng rồi. Con ơi, thật làm khổ con!” Mẹ dùng ngón tay nhẹ nhàng chải mái tóc của tôi. “Con thích ai nhất?”
“Gyatso.” Tôi chẳng nghĩ ngợi gì đã trả lời. Trước mặt mẹ, tôi chân thực, trong suốt, tâm sự của tôi có thể giấu giếm bất cứ ai, chỉ không thể giấu mẹ. “Con nghĩ con thích anh ấy nhất.”
“Nhớ kỹ, con không được để người nào nhìn ra con thích Gyatso nhất, nếu không gia đình của con sẽ rối loạn, con hiểu không?”
“Hiểu ạ, mẹ ơi, con đều để trong lòng, chẳng ai nhìn ra đâu.”
“Zhoigar, con biết mẹ lo lắng cho con dường nào, sợ con xử lý không tốt quan hệ với người nhà gây ra phiền phức. Mẹ từng âm thầm nhờ người nghe ngóng tin tức của con, họ đều nói Gyatso không cần con nữa, nghe được lời này con biết mẹ đau lòng xiết bao không?” Mẹ nói đến đây, giọng hơi nghẹn ngào.
Tôi trở người, vẫn nằm trong lòng mẹ, hít sâu một hơi, mùi quen thuộc, mùi chỉ có mẹ mới có. Nhìn gương mặt in đầy dấu vết năm tháng của mẹ, tức khắc cũng có chút thương cảm, nhưng vẫn cười nói: “Mẹ ơi, Gyatso hơi bận, hơi ít về nhà. Nhưng sao lại bị đồn thành không cần con nữa chứ? Đừng tin những lời vớ vẩn ấy, con gái mẹ xinh đẹp thế này, đảm đang thế này, anh ấy làm sao có thể không cần con nữa chứ?”
Nghe tôi nói như vậy, mặt mẹ cuối cùng cũng có đôi chút sắc vui, vỗ má tôi nói: “Con đó, vẫn giống như hồi nhỏ. Sắp làm mẹ rồi, cũng nên khôn lớn!”
“Mẹ…” Tôi xoay người, hai tay vòng ôm eo mẹ, vùi mặt sâu hơn vào lòng mẹ.
Tôi nhớ thuở nhỏ, mỗi lần cho bò cừu ăn xong, tôi đều cùng mẹ ngồi tựa vào nhau thế này một lát, có lúc mẹ giúp tôi gãi lưng, có lúc giúp tôi bắt chấy trên đầu. Lúc nhỏ tôi không thích gội đầu, mỗi lần gội đầu luôn la hét thật to, mượn lời mẹ nói là “giống như đang giết tôi vậy!” Chẳng giống bây giờ, gả đến một nơi có suối nước nóng, tắm gội đến ghiền luôn, mỗi ngày không tắm người sẽ ngứa ngáy.
Vừa nghĩ đến suối nước nóng, liền cảm giác trên lưng có chút không ổn, về nhà sắp nửa tháng rồi, vẫn chưa tắm. Mẹ thò tay qua cổ áo xuống lưng tôi, giống như hồi nhỏ, tỉ mỉ gãi từng tấc da thịt trên lưng tôi, vừa gãi vừa xoa, tôi giống như bê con bú sữa cứ “ừm ừm”, thoải mái nhắm mắt.
“Mẹ à, có một chuyện con vẫn muốn hỏi mẹ!” Tôi trở người, nằm sấp trên đùi mẹ. Sờ chiếc đồng hồ trên cổ tay, dây đeo vẫn rất lỏng, có thể xoay tới xoay lui. Xem ra, cuộc sống hôn nhân không hề vỗ béo tôi được chút nào. Ai bảo phụ nữ Tạng vừa đám cưới đã phát tướng? Tôi chính là ngoại lệ, so với trước khi đám cưới, ngược lại đã gầy hơn.
“Con muốn hỏi cái này phải không?” Mẹ đăm đăm nhìn chiếc đồng hồ ấy.
“Mẹ ơi, mẹ biết con muốn hỏi gì sao?” Tôi ngoẹo đầu nhìn mẹ, dẩu môi.
“Mẹ là mẹ của con, con nghĩ gì còn không biết được à?” Mẹ nhìn tôi, một tia sáng xuyên qua ô cửa sổ nhỏ chiếu trên mặt mẹ, làn da ửng hồng toát ra ánh sáng nhàn nhạt. Mẹ vẫn luôn xinh đẹp. Vẻ đẹp của mẹ chẳng phô trương chút nào, yên tĩnh mang một chút ưu sầu. “Chiếc đồng hồ này là một chú bác sĩ người Hán họ Trác tặng mẹ. Lúc đó mẹ còn trẻ, cỡ như con bây giờ, cũng thích hát thích múa. Bác sĩ Trác đến làng chữa bệnh lưu động, đã trị dứt bệnh đau đầu của bà ngoại con. Mỗi lần chú ấy tới, trên xã đều sắp xếp chú ở nhà ngoại, chú thích nghe mẹ hát, bảo tiếng hát của mẹ vừa cất lên, chú mệt mỏi đến đâu cũng không cảm thấy mệt nữa. Mỗi lần chú ra ngoài khám bệnh, mẹ đều giúp chú xách thùng thuốc, buổi tối cùng dẫm lên ánh trăng trở về.”
Trên mặt mẹ lộ ra nụ cười hiếm có, trong mắt cũng có ánh sáng, khi chìm đắm vào chuyện xưa mẹ thật sự rất đẹp.
“Mẹ ơi, mẹ… mẹ yêu bác sĩ Trác đó phải không?”
Mẹ nhìn tôi, mỉm cười. “Mẹ không biết tình cảm của mẹ và chú ấy có phải là tình yêu mà các con nói hay không? Chỉ biết chú là người đàn ông suốt đời này mẹ cũng không quên được!”
“Mẹ ơi, vì sao mẹ không sống chung với chú ấy?”
“Mẹ và chú vốn đã ước hẹn phải ở bên nhau, đợi khi chú giải ngũ sẽ cùng chú về quê của chú, kết quả ngày thứ ba ông ngoại con đã gả mẹ cho cha con.” Mẹ nói đến đây, giọng hơi khàn.
“Mẹ… Bác sĩ Trác có biết mẹ gả cho người khác không?”
“Năm ngày sau mới biết, chú đến tìm mẹ, bị cha con dẫn người đánh cho một trận, sau khi về liền xin điều đến một trạm gác rất hẻo lánh ở Ngari.”
“Hai người không gặp lại sao?”
“Gặp một lần. Đó là sáu năm sau, chú đến huyện nhập thuốc, tìm được bà ngoại con, kiên trì van xin bà ngoại cho mẹ và chú gặp mặt một lần. Bà ngoại con thấy tội nghiệp, cũng cảm kích ơn cứu mạng của chú, bèn nhờ cậu con đến đón mẹ, giữa đường cậu con nói cho mẹ biết chú ấy chờ mẹ ở đầu cầu Nyima trên huyện, bảo mẹ mau đi. Lúc ấy ở chỗ chúng ta chưa có đường cái, mẹ chạy một ngày một đêm trong núi mới đến đó, chú vẫn đợi ở đầu cầu, vừa đen vừa gầy, râu mọc dài, quân trang mặc trên người chú rộng thùng thình. Nhưng… nhưng mẹ vẫn thoáng nhìn đã nhận ra chú.” Kể đến đây, cả người mẹ đều tỏa sáng, trên mặt tràn trề vẻ thẹn thùng như thiếu nữ. Ngừng một lát, mẹ mới nói: Chiếc đồng hồ này chính là lần đó chú tặng mẹ, nói nhờ người mua từ quê, người ta không biết chú cần một chiếc đồng hồ nam một chiếc đồng hồ nữ, mua hai chiếc đều là đồng hồ nam. Mẹ và chú mỗi người một chiếc, nói mãi mãi không vứt bỏ.”
“Sau đó thì sao? Hai người không liên hệ nữa ạ?”
“Nghe nói chú đã về quê, tình hình cụ thể không cách nào nghe ngóng được!”
“Mẹ…” Tôi ôm eo mẹ, chẳng biết nói gì cho phải. Thảo nào những năm qua mẹ luôn trầm mặc, dù cha nổi nóng thế nào, mẹ vẫn lặng lẽ không nói. Thì ra, trong thâm tâm mẹ ẩn giấu bí mật lớn như thế.
Ắt hẳn người đàn ông ấy mới là nguồn vui của mẹ?
Người không hiểu rõ nội tình sẽ cho rằng người phụ nữ trong gia đình anh em cùng vợ rất bừa bãi, có thể lên giường với bất cứ người chồng nào. Nói thật, khi chúng tôi còn trẻ, không thiếu cơ hội ở chung với cánh đàn ông, nhưng thật sự đi vào nội tâm chúng tôi lại chỉ có một người, cánh cửa trái tim trước sau chỉ rộng mở vì một mình người ấy. Giống như mẹ, tuân theo sắp xếp của trưởng bối gả cho cha, trong lòng lại thủy chung chỉ có chú bác sĩ họ Trác đó, suốt đời suốt kiếp.
“Còn không lên nấu cơm à?” Trên lầu bỗng truyền đến tiếng gọi của cha.
“Con xem chúng ta nói chuyện đến quên cả thời gian luôn.” Mẹ nhìn ngoài cửa sổ, sắc trời đã tối.
Đứng dậy, mẹ giúp tôi nhặt vụn cỏ trên người, kéo tôi đi lên lầu.
Nhà Rinchen ở làng dưới, đi đường núi khoảng mười lăm phút. Ăn cơm tối xong, tôi và Gyatso đi thăm anh.
Bước trên đường núi nhỏ hẹp, chúng tôi tùy ý tán gẫu.
“Nghe nói năm xưa nhà họ còn chuẩn bị cưới em phải không?” Gyatso xách hai túi trà bánh theo sau tôi.
“Phải, Rinchen đã nói như thế. Đáng tiếc anh ấy còn chưa nói với người nhà, nhà các anh đã cưới em trước rồi.”
“Hối hận không?”
“Hối hận!”
“Em nói gì?” Anh kéo eo tôi, xoay tôi lại. Nhìn thấy nụ cười trên mặt tôi, mới biết mình đã mắc lừa. “Em trêu anh à?”
“Xí, ai trêu anh chứ!” Tôi lườm anh một cái, quay người muốn đi. Tuy nói nơi này là núi lớn, không có dòng người qua lại, nhưng chỗ chúng tôi đang đứng là trên sườn dốc giữa hai làng trên dưới, tầm nhìn khá tốt. Một nam một nữ đứng trên bờ ruộng thế này, có ám muội quá hay không?
“Em thật sự không hối hận chứ?” Anh hơi dùng sức, tôi đã lọt vào lòng anh.
“Em có nói em không hối hận sao?” Tôi nhếch môi cười. “Còn không buông em ra, người ta đang nhìn chúng ta đấy!”
“Mặc kệ họ. Em hối hận chuyện gì?” Anh không hề có ý buông tôi ra, ngược lại cánh tay siết chặt hơn.
“Hối hận gả đến nhà các anh đó!” Không kéo cánh tay anh ra được, dứt khoát không vùng vẫy nữa, chẳng chút tỏ ra yếu đuối ngẩng đầu nhìn anh.
“Vì sao?” Anh lim dim mắt cúi đầu nhìn tôi.
“Anh không cần em mà, cứ không về nhà!” Tôi nhìn anh, thấy mắt anh dần dần dâng lên một vệt âm u, tôi hít sâu một hơi, e mình đùa quá trớn, vội nói: “Được rồi được rồi, em trêu anh đấy, mau buông em ra!”
Tôi chưa nói xong, anh đã cúi xuống, hôn tôi, rất đỗi mãnh liệt, không màng tất cả, đầu lưỡi bá đạo cạy môi răng tôi ra, mặc ý quấy rối trong miệng tôi. Con người này, thân mật cũng không coi nơi, sao lại có thể ở đây chứ? Người ở cả mấy sân phơi hai làng trên dưới đang nhìn chúng tôi kia mà. Tôi vặn vẹo, muốn đẩy anh ra, nào ngờ cánh tay anh ngược lại siết càng chặt.
Ôi, tùy anh vậy. Tôi không vùng vẫy nữa, thả lỏng thân thể, mặc anh ôm, nghênh đón nụ hôn của anh.
Khoảnh khắc nhắm mắt, nhìn thấy mặt trời chiều lặn về tây đang xuyên qua tóc anh, nhuộm chúng tôi thành màu vàng óng.
Anh mút tới mút lui đầu lưỡi và đôi môi tôi, y hệt một đứa bé tham ăn, cực kỳ bá đạo, cực kỳ ngông nghênh, hoàn toàn không cho tôi cơ hội thở lấy hơi.
Cuối cùng, anh buông tôi ra, nhìn mắt tôi, lẩm bẩm: “Không phải anh không muốn có em, anh quá muốn có em, quá muốn quá muốn có em, em không hiểu đâu, vợ ơi…” Anh lại bá đạo hôn tôi.
Ôi, lần này hay rồi, chả cần đến năm phút, tin tức vợ chồng Zhoigar hôn nhau trên đường núi sẽ truyền khắp cả làng. Tôi nghĩ như thế, hai tay bất giác ôm lấy cổ anh. Mặc kệ, anh là chồng mình, không phải sao? Là người chồng mình thích. Những ngày ấy, mình chẳng phải cứ luôn mong ngóng có một ngày thế này, có thể được anh ôm, tựa vào lòng anh hay sao? Lúc này, trong mắt anh viết rõ tình yêu đối với mình, điều này đã đủ rồi, bao nhiêu nước mắt đều xứng đáng.
Hạnh phúc, vào xế chiều hôm đó, đột ngột tràn trề cả con người tôi.
Nhà Rinchen ở làng dưới, cha anh có lương hưu, hai chú một người ở nhà làm việc, một người ở Lhasa làm công, điều kiện cuộc sống xem như khấm khá hơn các gia đình khác. Anh không đến thăm tôi cũng có thể hiểu được, ai xảy ra chuyện này đều cảm thấy chẳng có mặt mũi gặp người khác. Kể qua với Gyatso chuyện của tôi và Rinchen, thật ra đó cũng không thể xem là câu chuyện, trò chơi của hai đứa con trai con gái thuở bé vô tư hồn nhiên mà thôi. Nhưng cũng vì những chuyện cũ thơ ngây này, tôi càng cảm thấy áy náy với Rinchen vì đã giúp Chongtsong đào hôn.
Chiều nay quả thật không thích hợp gặp Rinchen, vì lòng tôi đầy ắp mật ngọt, hạnh phúc đến đột ngột khiến tôi quá đỗi vui mừng, bước chân cũng hơi lâng lâng. Tôi không biết đã đi qua đoạn đường đằng sau thế nào. Khi đến ngoài sân nhà Rinchen, thấy trên cửa sổ nhà họ còn lưu lại dấu vết làm đám cưới, rèm cửa mới, bên trên dùng mảnh vải khảm hình bát bảo cát tường, viền lá sen phía trên cửa sổ trắng tinh đẹp đẽ, chắc cũng mới thay không lâu. Tập quán ở chỗ chúng tôi, chưa đến năm mới, đều không thay những thứ này.
Chó giữ nhà nhìn thấy người lạ, sủa gâu gâu, em trai thứ hai của Rinchen xuống đón chúng tôi lên lầu.
Trong giếng trời gọn gàng ngăn nắp, trên dây phơi áo còn vắt mấy chiếc phổ-lỗ mới kiểu nữ, trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh có một đôi giày hoa màu đỏ chưa thêu xong, nghĩ chắc đều là chuẩn bị cho cô dâu mới? Cảnh tượng thế này, trông sao mà quen thuộc. Ba ngày trước khi gả chồng tôi chạy về nhà chất vấn cha chẳng phải cũng nhìn thấy cảnh tượng thế này hay sao? Số mệnh của con gái, trưởng bối quyết định trong chớp mắt, nhưng cần con trẻ tự mình mò mẫm trải qua một đời.
Cha mẹ Rinchen đều có mặt, thấy chúng tôi, sắp xếp chúng tôi ngồi ở giếng trời, Gyatso đặt trà bánh trên bàn. Mẹ Rinchen hứng một bình rượu thanh khoa đem ra, cha anh rót cho chúng tôi mỗi người một ly.
“Chúng cháu đến thăm Rinchen, anh ấy ra ngoài rồi ạ?” Tôi uống một ngụm nhỏ rồi đặt xuống. Từ sau khi biết tôi mang thai, Gyatso bèn không cho tôi uống rượu nữa, nói người Hán bảo rượu không tốt cho em bé, bất kể lời anh nói có lý hay vô lý, tôi luôn vui lòng nghe theo.
Mẹ Rinchen chỉ về căn phòng bên cạnh, ý là Rinchen ở bên trong, khẽ nói: “Làm sao không biết ngượng mà ra ngoài cơ chứ? Vợ sắp cưới lại bỏ trốn, mất mặt lắm. Rinchen nhà bác kiếp trước đã tạo nghiệt gì, phải để cô gái đó sỉ nhục nó thế này?”
“Bác gái ơi, chuyện đã như vậy rồi, bác đừng buồn nữa. Cô ấy không biết tình hình nhà bác, không thể nói là cố ý sỉ nhục Rinchen.” Tôi nắm tay bà, quả thật chẳng biết an ủi bà thế nào mới phải.
“Zhoigar, hồi đó cháu chẳng phải cũng đám cưới như thế hay sao? Chẳng phải cũng tìm được một gia đình tốt hay sao? Cha mẹ nào không yêu thương con mình? Làm sao có thể tùy tiện gả con gái mình cho gã đàn ông không tốt kia chứ? Cháu bảo chúng ta ai chẳng trải qua như thế? Sao đến lượt cô ấy lại không qua được? Đã đính hôn còn bỏ trốn. Tình hình nhà bác cháu cũng biết, không tệ mà, cũng sẽ không để cô ấy thiệt thòi…” Mẹ Rinchen nói, nước mắt liền chảy xuống.
“Đừng như thế, bác gái ạ, buồn bực cũng chẳng ích gì. Cô ấy không có phúc vào cửa nhà bác, với điều kiện nhà bác, bác trai hoàn toàn có thể tìm một nàng dâu tốt khác về.”
“Xảy ra chuyện này, ai còn bằng lòng gả con gái đến nhà bác?” Cha Rinchen đang uống rượu với Gyatso thở dài, rầu rĩ nói.
“Bác trai, mỗi người đều có duyên phận của mình, chuyện này chỉ có thể nói cô ấy không có duyên với Rinchen, không miễn cưỡng được.”
“Ôi…” Cha Rinchen uống ực một ly, gương mặt vốn đã có chút say sưa càng đỏ gay.
Nhân lúc Gyatso và cha Rinchen uống rượu, tôi đến căn phòng nhỏ của Rinchen, thấy anh nằm trên ca-điểm, hai tay gối sau ót ngắm trần nhà ngẩn ngơ.
“Rinchen, không ngó ngàng đến em nữa ư?”
Anh thoáng nhìn tôi, nói: “Em đến rồi!”
“Rinchen, một cô gái đã đánh gục anh hay sao?” Tôi đi đến trước mặt anh, nhìn anh.
“Một cô gái vẫn chưa gặp mặt đánh gục anh đấy!” Anh bực bội nói.
“Cô ấy không phải đánh gục con người anh, mà là đánh đổ thể diện của anh. Rinchen, có đến nỗi thế không, Chongtsong là một cô gái tốt, cô ấy không cố ý, cô ấy chỉ sợ đám cưới, sợ đột nhiên phải đến một gia đình xa lạ sinh sống. Cô ấy không cố ý sỉ nhục anh, điều này anh còn không rõ hay sao?”
“Anh biết, anh cũng không trách cô ấy, chỉ cảm thấy hơi khó xử.” Anh ngồi dậy, ra dấu mời tôi ngồi xuống. “Biết vợ chồng em về rồi mà mãi vẫn không sang thăm em. Chắc em cũng thông cảm?”
“Anh không sao là được. Chongtsong là hàng xóm của chúng em, cô ấy thật sự là một cô gái tốt, áp lực mà cô ấy gánh chịu không hề ít hơn anh.” Tôi ngồi xuống, nghĩ đến Chongtsong cũng ở Lhasa, nói không chừng lúc nào sẽ chạm mặt. Nghĩ đoạn nói tiếp: “Rinchen, chẳng phải anh từng nói muốn yêu đương và tự mình kiếm vợ giống như người Hán ư? Do đó đừng trách Chongtsong được không? Cô ấy thân gái một mình, nếu không phải quả thật bị bức bách đến hết cách, làm sao có thể nỡ rời gia đình ra đi kia chứ?”
“Zhoigar, em thật là một vị Kim Cương Hợi Mẫu. Trở nên hiền lành thế này từ bao giờ?” Anh cười, nhìn tôi nói.
“Xí, làm như em ác lắm vậy?” Lườm anh một cái.
“Em không ác, em ngang ngược, hết sức ngang ngược.”
“Ăn nói quàng xiên.” Tôi suỵt anh một tiếng.
“Nghe em hai nói chiều nay hai người diễn một màn kịch thân mật trên sườn núi? Kỹ thuật của người ấy thế nào?” Anh bỡn cợt nháy mắt với tôi.
“Đi chết đi, anh…” Tôi đỏ bừng mặt. Toi rồi, cả cái người không ra cửa này cũng biết, cả làng trên dưới còn ai không biết nữa chứ? Đây mới là mất hết mặt mũi đó, nhìn ánh mắt chế giễu của anh, hận không thể tìm khe nứt trên đất chui xuống. “Em thích anh ấy, phải không?” Đột nhiên anh thu lại nụ cười, khẽ hỏi.
“Không nói với anh nữa.” Tôi đứng dậy, không muốn tiếp tục chủ đề này. “Rinchen, chúng ta ra dạo bên vách núi nhé, chỗ tảng đá lớn ấy, cùng em ra đó ngồi một lát.”
“Được, anh cũng lâu rồi không ra.” Anh đứng dậy, lại bổ sung một câu: “Từ sau khi em đi, anh cũng không ra đó nữa.”
Ánh trăng ban đêm rất sáng, tôi, Gyatso, Rinchen cùng đi về phía vách núi.
“Rinchen, em dự định ra sao?” Gyatso hỏi.
“Ngày mai em sẽ đi, về Lhasa.” Rinchen nói.
“Người già ở nhà làm thế nào?” Tôi hỏi.
“Có hai em trai ở lại, chắc không sao.”
“Em đi cũng tốt, ở lại nơi này chỉ tăng thêm thương cảm. Ở Lhasa có chuyện gì có thể tìm anh.” Gyatso vỗ vai Rinchen, nói cho Rinchen biết số điện thoại của mình.
“Ừ, anh Gyatso, đến Lhasa em sẽ liên hệ với anh.”
Bên vách núi có một tảng đá xanh lớn, lõm vào một mặt vách núi. Hồi nhỏ, tôi và Rinchen thường đến đây chơi. Còn nhớ có lần tôi làm mất cừu con, về nhà sợ bị đánh, bèn nấp ở đây một đêm, Rinchen cũng bầu bạn với tôi cả đêm; lần đầu tiên tôi dậy thì cũng là ở đây, nhìn thấy vết máu phía trên đùi, sợ đến la oai oái, tưởng rằng mình sắp chết; còn nữa, Rinchen cũng là ở đây lần đầu tiên nói với tôi muốn cưới tôi làm vợ, còn nhớ năm đó, tôi mười bốn, anh mười lăm.
Hang đá nho nhỏ này đã chất chứa quá nhiều ký ức đẹp đẽ của tôi.
Ba chúng tôi co ro trong hang đá bé tí, phía trước chưa tới năm bước là vách đá muôn trượng.
“Hai người có cảm thấy tôi hiện giờ đặc biệt đáng thương không?” Rinchen ôm đầu, buồn bã nói.
“Sao anh lại thế nữa? Cô ấy không biết anh mà.” Tôi hiểu nỗi khổ của Chongtsong, cũng rõ tình cảnh khó xử của Rinchen. Khi phương thức truyền thống và hạnh phúc cá nhân phát sinh xung đột, tôi không biết nên chọn lựa thế nào.
“Phương thức hôn nhân kiểu này vốn dĩ không hợp lý. Cô ấy chạy trốn, đối với em chưa chắc không phải là chuyện tốt, chẳng lẽ em thật sự muốn cưới một cô gái hoàn toàn không quen biết? Cùng chia sẻ tình yêu với anh em của em hay sao?” Lúc Gyatso nói câu này, thoáng nhìn tôi. Chẳng biết tại sao, tôi cứ cảm thấy câu này của anh không chỉ nói cho Rinchen nghe.
“Ở Lhasa, thấy người khác đều tự kiếm vợ, tự quyết định hôn nhân, cũng từng nghĩ. Nhưng không qua được cửa ải của cha, hết cách, đây chính là số mệnh của chúng tôi.” Rinchen nhìn dưới vách núi, ở đó sương mù dày đặc, anh ngừng một lát, sau đó hít sâu một hơi. “Được rồi, đừng nói chuyện này nữa, cha cũng đồng ý tôi đi Lhasa, ngày mai sẽ đi. Có lẽ, tôi sẽ gặp được người tôi yêu ở Lhasa, chúc phúc cho tôi nhé!”
Lúc trăng sáng sao thưa, chúng tôi mới chia tay, ai về nhà nấy. Rinchen nói sáng sớm ngày mai anh lên đường, không cần tiễn anh.
Khi về đến nhà, mẹ vẫn đang đợi. Nhìn thấy chúng tôi mẹ bảo: “Về rồi à, ngủ sớm thôi.” Tôi cùng Gyatso về phòng, giúp anh cởi áo khoác, rồi xuống bếp lấy nước cho anh rửa mặt. Tôi là như thế, bất cứ lúc nào, luôn nhớ mình là ai, nhớ chuyện mình cần làm. Không thể phủ nhận, đêm nay tâm trạng tôi vui vẻ, bước chân nhanh nhẹ, thậm chí muốn làm nũng để anh phục vụ tôi một chút. Nhưng chỉ là thử nghĩ mà thôi. Từ nhỏ mẹ đã bảo ban tôi, phụ nữ lúc nào cũng không được quên bổn phận của mình, khi đắc ý chớ vênh váo, khi thất vọng đừng lầm lì, tôi luôn ghi nhớ.
Lúc vào bếp, anh hai theo vào, kéo áo tôi một cái, khẽ nói: “Hôm nay anh lên núi, đã gặp Tashi!”
“Cái gì?”
“Em nhỏ tiếng một chút, nó không cho anh nói với em.”
“Tashi… đến rồi?” Tôi do dự nhìn mắt anh hai, có chút không dám tin. Tashi, một người chồng khác của tôi, lúc này nên ở nhà trông nom gia súc, chăm sóc cha mẹ kia mà.
“Phải, anh đã gặp, ở trên núi, còn nói chuyện với nó, nó bảo ra ngoài tìm bò yak, nhưng anh cảm thấy không giống, mời nó đến nhà ta, nó lại không chịu. Nói phải đi suốt đêm trở về. Nhờ anh giao cái này cho em.” Anh hai đưa cho tôi một chiếc túi nhỏ.
“Cái gì thế?” Tôi đón lấy mở ra, bột thanh khoa, hương thơm thoang thoảng, chắc là tsampa mới của năm nay.
Trời ạ, anh ấy điên rồi sao? Xa xôi như thế, đến gửi tôi một túi tsampa nhỏ! “Anh hai, anh không nói với người khác chứ?”
“Không. Tashi không cho anh nói.”
“Cảm ơn anh, anh hai!” Tôi cất tsampa vào tủ, đi lấy nước, nhưng lòng dạ cứ quay mòng mòng.
“Em gái, Tashi nó...” Anh hai ngập ngừng, bộ dạng nửa muốn nói nửa không muốn nói.
“Anh ấy làm sao?” Tôi quay mặt nhìn anh.
“Anh thấy khi nó đi về đã khóc!”
“Đã khóc?” Gáo nước rơi tõm xuống lu nước, “Tashi đã khóc? Tại sao?”
Anh hai không nói nữa, quay người đi ra. Bóng lưng ấy lại khiến mũi tôi cay cay, anh hai và Tashi ắt có đôi chút cùng bệnh thương nhau?
Bưng nước về phòng, tâm sự sóng sánh như nước.
Đặt trước mặt Gyatso, cởi vớ của anh đặt chân vào trong chậu, cái được cái chăng giúp anh rửa chân. Tashi đến rồi? Chỉ vì gửi cho tôi một túi tsampa? Lúc về còn khóc…
“Sao thế? Có tâm sự à?” Gyatso nâng cằm tôi, nhìn như nghiên cứu.
“Dẹp anh đi.” Tôi lấy khăn lau khô cho anh, bưng chậu nước sang một bên, đặt nệm xốp xuống đất, ôm mền chúng tôi mang đến định trải lên trên.
“Trải chiếc mền ấy xuống dưới, chúng ta đắp một chiếc mền được rồi. Chiếc mền ấy quá nặng, đắp lên thở không nổi.” Anh chỉ chiếc mền Tạng bằng lông cừu trên tay tôi nói.
“Chiếc mền kia của anh quá nhẹ, sẽ lạnh đấy.” Tôi vẫn không quen với mền bông tơ, quá nhẹ, đắp trên người chẳng có chút trọng lượng nào.
“Anh thêm trọng lượng cho em.” Anh bước tới, đón lấy chiếc mền, ghé bên tai tôi nói một cách ám muội.
“Dẹp anh đi!” Cảm giác trên mặt nóng bừng, không dám nhìn khuôn mặt nhăn nhở của anh, bưng chậu nước đi ra ngoài.
Khi rửa chân, cố ý rửa thật chậm, trong đầu hiện lên hình bóng của Tashi. Những ngày vừa qua thật sự không nhớ tới anh, những ngày vừa qua toàn bộ thân tâm bị Gyatso nhét đầy. Vừa nghĩ đến chuyện anh đã khóc, đột nhiên có chút áy náy. Tashi, người chồng một lòng một dạ yêu tôi, khi tôi uyển chuyển thừa hoan dưới người Gyatso, anh đang làm gì? Từ ngày đầu tiên đám cưới, tôi một lòng nghĩ đến Gyatso, nghĩ đến người chồng mình không nắm bắt được, xưa nay chưa từng nghĩ Tashi sẽ nghĩ thế nào, khi anh nhìn tôi phải chăng cũng vô vọng như khi tôi ngóng Gyatso.
Tôi biết Gyatso đang đợi tôi, cũng biết đêm nay dưới chiếc mền bông tơ nhẹ mỏng kia có ý vị gì. Nếu đổi vào bất cứ đêm nào trước đó, tôi đều sẽ nhiệt tình tiếp đón. Nhưng đêm nay, tôi đột nhiên chẳng có cảm xúc, không muốn thân mật với Gyatso. Nước mắt của Tashi khiến tôi nảy sinh ý nghĩ sớm về nhà.
Đều là chồng tôi, về tình về lý, tôi nên chăm lo chu toàn mới phải.
Khi về phòng, Gyatso đã phát ra tiếng ngáy, thầm thở phào, nhẹ nhàng cởi quần áo, rón rén chui vào mền, nằm kề anh mà ngủ.
Tashi lặn lội đường xa đưa tsampa đến khiến tôi khó xử. Lúc mang thai, tôi luôn thèm ăn bát tsampa mới, nhưng lại không dám ở trước mặt mọi người lấy ra túi bột đó nói là Tashi đưa đến cho tôi. May mà anh hai hiểu ý, trưa hôm sau, anh hai ở trước mặt mọi người lấy ra chiếc túi ấy, nói là gặp một người bạn đang xay bột ở nhà xay, nghe nói Zhoigar đã về, đặc biệt tặng anh một túi nhỏ, mang về cho em gái nếm thử bột mới.
Tôi đón bát tsampa anh hai đưa, hương thơm nhức mũi.
“Anh hai, tặng chiếc túi ấy cho em được không?” Gyatso cười nói.
“Được chứ!” Anh hai đưa chiếc túi cho Gyatso, “Loại túi da bò này em lấy làm gì?”
“Để đựng tsampa ạ. Em ở Lhasa, thỉnh thoảng muốn ăn nhưng trong quán cơm lại không có. Dùng túi đựng một ít, mang theo bên mình cũng tiện hơn.” Gyatso đón lấy, nhìn thoáng qua, cất vào trong người.
Gyatso chủ động đề nghị trở về, anh nói Lhasa còn có rất nhiều việc phải xử lý, chậm trễ lâu ngày không được.
Cha mẹ chuẩn bị cho chúng tôi rất nhiều quà tặng, cả nhà lớn nhỏ đều có, anh hai tiễn chúng tôi đến cửa núi. Khi chia tay, anh hai hỏi: “Em gái, tặng em một món quà có lấy không?”
“Lấy chứ. Cái gì vậy anh?” Tôi vui mừng nhảy nhót. Thấy tay anh hai giấu trong người, ở đó căng phồng. Hồi nhỏ khi anh lên núi, thường bắt những động vật nhỏ về, cũng giống như hiện giờ hỏi tôi có lấy hay không.
“Còn nhớ Toinzhub không?” Anh hai từ trong người móc ra một con Tạng ngao nhỏ kháu khỉnh bụ bẫm, “Con của nó.”
“Con của Toinzhub?” Tôi trợn tròn mắt, hưng phấn đón lấy ôm trong lòng.
“Ừ, tháng trước Toinzhub bệnh chết. Đây là ngao con mà nó để lại, chỉ có một con này thôi, anh nuôi sống bằng sữa cừu.”
“Toinzhub đáng thương!” Lần này về không thấy nó, thì ra nó đã… “Ôi… anh hai, cảm ơn anh tặng nó cho em!”
“Cảm ơn gì chứ? Toinzhub là chó ngao của em, anh biết em thích nó, đem con nó về đi.” Anh hai nhìn tôi thương yêu cười, sau đó xoay người nói với Gyatso: “Gyatso, đối xử thật tốt với em gái anh nhé, người khác đều nói nó là ma nữ chuyển thế, anh cảm thấy nó là tiên nữ chuyển thế mới đúng. Được rồi, hai em đi thôi.”
Gyatso và anh hai ôm nhau, rồi lên ngựa. Tôi cất ngao con vào người, cũng xoay mình lên ngựa, bước trên con đường về nhà quanh co khúc khuỷu.
Lúc sắp đến cổng nhà, Gyatso bỗng đứng lại. Lấy từ trên người ra chiếc túi kia đưa cho tôi. “Em trả lại cho Tashi đi.”
Tôi đón lấy. “Gyatso, em…”
“Không cần nói nữa, anh đều biết hết. Chiếc túi này là anh mua cho Tashi ở Lhasa, nó dùng đã năm năm, làm sao anh không nhận ra.”
“Gyatso, không phải em bảo anh ấy đến đâu!” Tôi yếu ớt nhìn anh, thật chẳng biết nói gì mới phải.
“Anh biết, nên anh nhờ em trả lại cho nó. Tashi rất tốt, các người… hãy sống thật tốt.” Anh nói xong, xoay người đi thẳng về phía trước.
Tôi nhìn bóng lưng của anh, thẳng tắp mà quyết liệt, nước mắt bất giác rơi lã chã. Anh thế này là ý gì? Trách tôi ư? Chúng tôi sống thật tốt? Còn anh? Từ “các người” chẳng lẽ không bao gồm bản thân anh sao? Tashi hay Namgyal, thậm chí sau này còn có anh em khác, đều là một phần tử trong “chúng tôi”, đây đều là số mệnh sắp xếp, định sẵn chúng tôi phải trở thành một tổng thể, đây không phải là chuyện mà tôi có thể chọn lựa.
Lau nước mắt, đuổi kịp bước chân của anh.
(Dorje Zhoigar)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment