14.5.15

Trúc Nguyên




Đó là một thôn trang nhỏ miền Nam cổ xưa, nó có một cái tên đẹp đẽ, gọi là Trúc Nguyên. Thôn trang nằm giữa núi non, bên dòng nước lục, trúc biếc mờ ảo, bốn mùa xanh tươi. Con đường nhỏ chốn làng quê xa tắp quanh co ấy đi ngang qua những nông phu vác cuốc về nhà, những mục đồng cưỡi trâu thổi sáo, những thôn phụ giặt áo bờ ao, những ngư ông thuyền đơn dầm tuyết câu cá trên sông, và cả những cụ bà xách làn nhặt rau.

Bà ngoại tôi từ một thôn xóm tên là Hương Đường gả đến Trúc Nguyên. Một cô tiểu thư con nhà giàu có gả cho một hộ dân nghèo dưới mức trung bình, vào thời đó cũng không phải là câu chuyện truyền kỳ gì. Đối với bà ngoại, việc xuất giá của bà chẳng qua là một lần di chuyển giản đơn của số phận. Tuy gia cảnh thanh bần, nhưng ông ngoại đã đem lại cho bà ngoại sự êm ấm và hạnh phúc trọn đời.

Ngày thứ hai gả cho ông ngoại, bà ngoại đã cởi bỏ chiếc xường xám may bằng gấm vóc, từ đó luôn mặc tấm áo giản dị của thôn phụ bình thường thời kỳ Dân Quốc. Bà ngoại nói, ông ngoại cũng từng mặc áo dài, đó là kiểu ăn vận khi vào trong thành họp chợ, thường ngày ông đều mặc áo ngắn. Sau này, bà cất hết xường xám và áo dài vào trong chiếc rương gỗ long não vốn là của hồi môn, khóa lại, xem đó là hồi ức của tuổi thanh xuân. Mặc cho năm tháng đè nặng đôi vai, ân tình của quá vãng vẫn như năm xưa, được cất giữ lâu dài.  

Con đường nhỏ chốn làng quê ấy cũng là con đường tôi phải đi qua khi đến nhà bà ngoại. Thôn trang tôi ở hồi nhỏ và Trúc Nguyên chỉ cách nhau hai cây số đường núi. Lộ trình trông có vẻ ngắn, song dọc đường hiện hết phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Hoa núi mọc ven lối đi, chim xanh đậu trên cành cây, chỗ ngã rẽ càng là cảnh đẹp khác vời. Ruộng lúa chi chít như sao đêm, khắp nơi có thể bắt gặp trâu và gia cầm nuôi thả bên ngoài. Qua cây cầu đá, dừng chân chốc lát bên dòng suối róc rách, tôi luôn không quên hái một đóa hoa dại, múc ít nước vào vò gốm.

Dịp lễ tết hay kỳ nghỉ đông nghỉ hè, đến nhà bà ngoại đã trở thành thời gian vui vẻ nhất những năm thơ ấu. Bà ngoại trong ký ức của tôi đã là giai nhân buổi xế chiều, không nhìn ra mảy may phong thái và tài hoa thời trẻ. Bà thường mặc một chiếc áo màu lam vạt xéo cúc thắt, đội một chiếc mũ nhung tơ màu đen, bên phải mũ thêu một đóa hoa nhỏ. Bà ngoại thân hình gầy bé, nét mặt hiền từ, bà đã dùng đôi tay chằng chịt nếp nhăn làm cho tôi rất nhiều món ngon, khiến quãng thời gian còm cõi đó trở nên phong phú đủ đầy.

Về sau chị họ nói với tôi, những ngày sống ở nhà cậu út tại Trúc Nguyên ắt hẳn là thời gian vui vẻ nhất trong đời bà ngoại. Bà ngoại sinh cậu út lúc đã ngoài bốn mươi, mãi đến khi cậu út thành gia lập nghiệp, đôi bên cũng chưa từng tách rời. Từ khi gả đến Trúc Nguyên, bà ngoại cần kiệm quán xuyến gia đình, sau khi bố mẹ chồng mất, bà sống cùng cậu út, chuyện lớn chuyện nhỏ đều do bà làm chủ. Người nông dân chất phác đã tạo ra cảnh tượng sung túc bằng đôi tay cần cù trí tuệ của mình. Họ trông nom gia viên tươi đẹp, sống cuộc sống yên ổn hạnh phúc.

Trong nhà làm thịt lợn gà, hoặc dưới ruộng thu hoạch dưa quả tươi mới, mẹ luôn bảo tôi và anh trai xách làn trúc, vượt mấy dặm đường núi đưa đến biếu bên nhà bà ngoại. Trong đồng ruộng, bên ao nước, trên đường nhỏ, rải rác kẻ cày cấy người giặt giũ. Lúc ấy tôi chỉ cảm thấy nhân gian sao mà phồn hoa như thế, chẳng có chút nào cảm giác vắng lặng của thôn trang hẻo lánh. Mà tôi càng không tưởng tượng được, một ngày kia, tôi sẽ rời xa con đường núi này, lạc lối nơi đầu phố tha hương, lơ ngơ luống cuống.

Bà ngoại buộc một chiếc tạp dề vải thô, đứng trước bếp lò, làm vài món ăn nhà nông. Ớt xanh xào thịt thái lát, cá sông nhỏ rán bột, hoa nhài xào trứng gà là hồi vị thuần phác nhất đối với mỹ thực thuở nhỏ của tôi. Lửa củi hớn hở cháy, kèm theo tiếng rán xào vang khắp bốn bức vách. Khói bếp xuyên qua ngói đen, lượn lờ trước sân, rồi lan tỏa khắp thôn trang. Đây chính là gia đình khói lửa bình thường, ngay cả chim én cũng không nỡ rời bỏ tổ cũ, làm bạn với nhền nhện dưới mái hiên, ngắm dòng chảy thời gian, tháng năm đi đến.   

Lo liệu xong mọi việc trong bếp, bà ngoại mới ngồi xuống, rót cho mình một chén rượu ngâm hoa hợp hoan hoặc hoa quế, tỉ mỉ nhấm nháp. Trên chiếc bàn trúc nhỏ kê ngoài sân đã bày sẵn các loại bánh trái như bánh xốp dương mai, bánh que hoa lan, bánh bột nếp hoa quế, và một ấm trà dại trong núi nhà tự chế biến. Cây táo trước sân đơm đầy quả, dưới giàn nho, cơn gió mát đạm bạc miền quê lướt qua. Bên tai có tiếng rì rầm của bà ngoại, bà thường nhắc lại những chuyện đã qua, mà tôi cũng nghe hoài không chán.

Mãi đến khi mặt trời ngả về Tây, mặt trăng sắp mọc, tôi cũng không có ý về nhà. Tôi mong ngóng kỳ nghỉ, được ở lại, hưởng thụ thời gian vui vẻ ngủ chung giường cùng bà ngoại. Trăng đêm như nước, trên chiếc bàn con thắp một ngọn đèn dầu, bà ngoại ngồi dưới ánh đèn, may vá áo cũ. Tôi tựa nghiêng trên chiếc giường cổ chạm hoa khi bà xuất giá, ngắm bà dệt vá ngày tháng bằng từng đường kim mũi chỉ, mạch suy nghĩ lại lan man xa xôi. Phong cảnh đời người có thể giản dị nhường này, tiếng chó sủa ngoài cửa cũng theo đó mà yên lặng.     

Tôi từ từ thiếp đi trong sự vỗ về của bà ngoại, cho rằng có thể sống đến trời đất già nua. Trong mơ lại nảy sinh thương cảm, vào lúc tôi đang độ xuân xanh, một mình đeo tay nải, đi qua đường cổ miền quê, lưu lạc giang hồ. Về sau giấc mơ này thành sự thật, tôi bị năm tháng lưu đày, đi tìm kiếm một thứ phong cảnh khác của Giang Nam. Giang Nam hoa hạnh khói mưa, Giang Nam của thi nhân từ khách, Giang Nam có phong cảnh như tranh. Có điều, từ đó tôi càng đi càng xa với những tháng ngày mộc mạc.

Ngày dài người vắng, hoa súng mọc đầy ao nước sau nhà chầm chậm xòe cánh dưới ánh trăng. Mãi đến khi ánh dương xuyên qua rèm châu, rải xuống chấn song cửa sổ, mới thấy bà ngoại soi gương chải tóc. Trong hộp trang sức nho nhỏ có rất nhiều đồ trang sức bằng bạc tinh xảo, tôi chỉ cảm thấy cuộc đời của bà ngoại cũng như hộp trang sức này, giấu kín hoa lệ. Sau đó những trang sức bằng bạc này được giao cho mẹ tôi, mẹ lại chuyển giao cho tôi, chúng theo tôi phiêu bạt chân trời, bị lưu ly thất tán, chẳng còn lại bao nhiêu.

Gió lặng ngày nhàn, bà ngoại ngồi ngoài sân nhặt rau bóc măng, tôi bắt bướm nô đùa trong vườn hoa. Ngoài cửa, thôn xóm mái đình, suối liễu bờ mai đều ngập trong ánh nắng tiếng ve. Vạn vật trên đời đều có linh tính, chẳng có gì không tốt. Tôi từng một dạo cho rằng, cả đời của bà ngoại sẽ như nước lặng trời cao, mãi không có tận cùng. Sinh mệnh của bà cũng đã mọc ra cành lá sum suê trên người chúng tôi.

Vì vậy, tôi có thể cố chấp phiêu linh nơi đất khách quê người, làm một kẻ lãng du không lo lắng gì. Tôi tin rằng hàng năm trở về quê cũ, bà ngoại vẫn khỏe mạnh như xưa, hoặc đứng trước cửa cùng xóm giềng tán gẫu chuyện nhà, hoặc ngồi bên bàn thêu hoa may áo, hoặc nằm trên ghế mây tịnh tâm dưỡng thần. Tôi biết, theo thời gian bà sẽ chậm rãi già đi, song vẫn luôn ở đó.

Mỗi lần về nhà, tôi trân trọng những ngày ngắn ngủi chung sống với bà ngoại. Giống như mọi khi, pha một ấm trà, bày mấy đĩa bánh trái, nói về quá khứ của bà, hiện tại của tôi, và cả tương lai chưa rõ. Tôi kể với bà niềm yêu thích đối với văn chương và tình cảm đối với từng cành cỏ gốc cây, ngọn núi mỏm đá chốn quê nhà của tôi. Tôi thậm chí ngâm thơ đọc từ cho bà nghe, bà ngoại không biết chữ, nhưng cũng thích ý cảnh trong thơ, bà bảo thơ do người tên là Vương Duy thời Đường đó viết giống như một bức tranh thủy mặc, điềm đạm an tĩnh.

“Sau cơn mưa núi vắng, Hơi thu đượm khắp trời. Hàng thông trăng chiếu sáng, Lèn đá nước êm trôi. Tiếng ai sau bụi trúc, Thuyền câu động lá sen. Ý xuân thơm dẫu hết, Vương tôn dễ nào quên. (*)” Bà ngoại đã từng là cô gái giặt áo trong rừng trúc ấy, tôi của hôm nay thì là khách qua đường quanh quẩn giữa ngày thu. Đời người bèo nước, hợp tan vội vã, bà ngoại vô số lần đứng ở ngã đường ly biệt, dõi mắt tiễn tôi đi xa. Tôi chưa bao giờ có can đảm ngoảnh đầu lại nhìn ánh mắt quyến luyến của bà, e sợ rằng tình cảm sâu sắc sẽ xuyên suốt bóng lưng bạc nhược, thẳng đến tâm linh bi thương.

Chuyện đời náo động, đời người đưa đẩy, mưa nắng không thể đoán trước. Bà ngoại lặng lẽ từ trần vào một sớm tinh mơ mùa đông năm xưa, lúc đó tôi vẫn đang nấu nước pha trà, nghe tuyết rơi trong tòa thành cổ này. Chỉ cách ngày tôi sắp về quê một tuần, song bà ngoại không đợi tôi được nữa. Hôm ấy, tôi chỉ cảm thấy trời đất hoang vu, sinh ly tử biệt của nhân thế vò xé tâm can, hơn hẳn mọi nỗi buồn đau.

Trơ trọi dần ngủ thiếp trong tiếng nức nở, nhưng hồn phách của bà ngoại chưa thể đi vào giấc mộng. Tôi hổ thẹn trong lòng, không về gấp để tiễn bà, chỉ ở trước Phật, thắp sáng một ngọn đèn dầu cho bà, cầu nguyện bà trên đường về bước bước nở hoa sen. Sinh mệnh phiêu hốt vô thường, một con người cuối cùng được ở lại cố hương, cũng là phúc báo.

Tôi chỉ viết một đoạn điếu văn ngắn gọn, nội dung lời điếu thế này: “Bà ngoại đã hứa với cháu, bà đến thế giới bên kia sẽ thác mộng nói cho cháu biết nơi đó ra sao. Cháu từng dối gạt bà, nói rằng con người chết đi sẽ có linh hồn, một ngày kia, bà cùng cậu út tuổi trẻ mất sớm và cả ông ngoại nhất định có thể gặp lại trên trời. Bà ngoại suốt đời ăn chay làm việc thiện, tâm nguyện nhỏ bé này giờ đây đã hoàn thành. Người sống trăm tuổi, thấm thoát là bao, hoan lạc ngắn ngủi, ưu sầu thực nhiều. Không bằng nâng chén, về cõi tĩnh mịch. (**) Bà ngoại, cháu xin chúc phúc cho người.”

Khi tôi một lần nữa đi trên con đường nhỏ chốn làng quê ấy, là đến trước mộ bà ngoại. Trời ấm gió nhẹ, thôn trang miền Nam đã đượm ý xuân, mấy cội mai dại cô đơn nở rộ, không tranh với đời. Trên ngọn núi rậm rạp trúc biếc đã có thêm một nấm mộ mới, mà nằm bên dưới lớp đất vàng kia là một vốc tro cốt của bà ngoại. Đời người bất lực chua xót như thế, một khi từ biệt, lại là vĩnh viễn.

Mẹ tôi nói, lúc bà ngoại mất đã không còn vướng bận, bảo tôi chớ nên đau buồn nhiều. Bà ngoại hưởng thọ chín mươi tư tuổi, cũng được xem là chết già tại nhà, trọn tình vẹn nghĩa. Lần này ly biệt, lúc đến viếng lần sau lại không biết là ngày nào, chỉ có cỏ cây trước mộ bầu bạn bà ngoại yên nghỉ mãi mãi.

(*) Bài thơ “Sơn cư thu minh (Đêm thu ở núi)” của Vương Duy, bản dịch của Cao Nguyên.

(**) Bài thơ “Khoáng đạt” của Tư Không Đồ.

(Bạch Lạc Mai)

Không biết có hoa


Lúc ấy là tháng Năm, trong vòng một đêm, hoa trẩu đã chiếm lĩnh tất thảy những mỏm núi. Lịch sử có lẽ là do từng vị từng vị anh hùng hào kiệt vun đắp, nhưng đối với tôi, năm tháng là do sự nhường nhau của hoa và hoa tạo dựng.

Hoa trẩu trắng muốt, song nhụy hoa lại phơn phớt sắc đỏ. Tôi và bạn tôi đều nhận định loài hoa này hơi bí hiểm – ngày thường kín kẽ như bưng, một khi hoa nở bỗng quét sạch chướng ngại, rực rỡ tựa áng mây sà xuống thấp.

Xe ngừng lại ở một sơn thôn Khách Gia nhỏ, đi qua con ngõ hẹp um tùm tía tô, chúng tôi đứng dưới một cây trẩu cao to. Trên đường núi hoa trắng rơi đầy, mỗi một tảng đá đều cực kỳ dịu dàng bởi được hoa bao phủ, dường như chiến mã đã khoác lên tấm áo choàng thêu thì cũng có thể cho nữ nhân cưỡi vậy.

Ánh dương rất đỗi đẹp đẽ, giống như một loại rượu gọi là “quế hoa mật nhưỡng”, con người đi đến nơi rừng sâu núi thẳm, không khỏi thở vắn than dài, cảm thấy bất lực trước thắng cảnh kinh tâm động phách này, cái đẹp hùng tráng đôi khi khiến người ta hư thoát.

Chợt có một thôn phụ đi tới, nước da đỏ sẫm y hệt sắc thái của cả vùng đất sét ấy.

“Các cô đến tìm người à?”

“Chúng tôi… đến ngắm hoa.”

“Hoa?” Thôn phụ vội vã đi về phía trước, bỏ lại một câu, “Đâu có hoa?”

Do cô ta không cần đáp án, chúng tôi cũng lặng thinh không biết tiếp lời ra sao, chỉ nhìn nhau ngạc nhiên, hoa trẩu phả vào mặt mũi khắp núi khắp rừng như thế, vậy mà cô ta lại hỏi chúng tôi “Đâu có hoa?”

Thế nhưng chốn chốn gió mát thổi qua hoa rơi như mưa, tựa hồ không hề phản đối cách nói của cô ta. Bỗng nhiên, tôi đã hiểu, đây là nhà của cô ta, những gốc trẩu ở trước núi sau núi này là cây trồng nông nghiệp, là hoa màu của họ. Đối với hoa của cây trồng nhà mình, xưa nay người làm nông vẫn nhìn mà không thấy. Trong mắt họ, hoa hồng là hoa, lan kiếm là hoa, cúc là hoa, còn bông lúa, hoa trẩu thì không tính.

Loài hoa khiến chúng tôi vì nó mà ngây ngất si mê, cô ta lại có thể gánh nước thản nhiên đi qua hàng ngàn lần, và bảo: “Hoa? Đâu có hoa?”

Tôi nhớ đến thuở thiếu thời ngao du núi Sư Đầu, đứng trước am ngắm ráng chiều tịch dương, chỉ cảm thấy muôn vẻ kiều diễm đua chen, cả mảng trời phía Tây hoa mỹ đến mức gần như bị thương, không kìm được quay lại nói với vị ni sư già đang đi tới rằng: “Mau ngắm mặt trời lặn kìa!”

Bà an tĩnh rủ mày đáp: “Ngày ngày đều như thế!”

Chuyện cách đây đã hai mươi năm, giọng điệu của thôn phụ xóm núi này sao mà tương tự với vị ni sư già kia đến thế, tôi bất giác ngầm sinh lòng đố kỵ.

Không vì hoa mà mắt say lòng đắm, kinh ngạc thở than, ấy mới là chủ nhân của hoa chăng? Đối với thôn phụ xóm núi lớn tiếng hỏi tôi “Hoa? Đâu có hoa?” đó, hoa là một phần của cây, cây là một phần của núi rừng, núi rừng là một phần của cuộc sống, còn cuộc sống là một phần của trọn vẹn thiên nhiên. Cô ta và hoa có thể giống như núi và mây, gần gũi hòa hợp song không biết nhau.

Hàng năm khi hoa trẩu nở, tôi luôn nhớ đến thôn phụ đó, người thôn phụ bước qua hoa nở hoa tàn mà không biết có hoa đó, đồng thời âm thầm đố kỵ.

(Trương Hiểu Phong)

Đồ cũ


Vì sao một người giữ lại những đồ vật lúc trước? Có những thứ rõ ràng chẳng đáng một xu, nhưng chúng đã theo ta ngần ấy năm, ta không nỡ vứt bỏ; đôi khi không tìm được còn sốt ruột đến nỗi đứng ngồi không yên. Vấn đề là chúng càng ngày càng cũ, càng ngày càng xưa, và ta đã dần dần không dám ngắm chúng nữa. Bởi chúng giống như từng bộ từng bộ phim điện ảnh, bất cứ lúc nào cũng có thể khiến ta lại nhìn thấy một cơn mưa lớn, một lần xa cách, một tách cà phê, một vòng tay ôm siết.

Chúng ngược đãi ta, vậy mà ta xem chúng tựa châu báu.

(Trương Gia Giai)

Cho dù chỉ có một cốc trà


Trên tàu hỏa xuất phát từ London, cô chú ý đến một ông cụ ngồi ở bên lối đi. Ông mặc chiếc áo len Kashmir màu nước trà nhạt cổ chữ V, bên trong là chiếc áo sơ mi màu lục nhạt.

Ông từ trong túi xách tay lấy ra một cốc trà nóng mua ở tiệm cà phê tại nhà ga, lại lấy ra một gói bánh cookies, rồi từ trong giỏ hành lý nhỏ mang theo bên người lấy ra một cuốn tiểu thuyết rất dày... Ông thong thả uống trà, thỉnh thoảng ăn kèm một miếng bánh cookies, trong khoảng thời gian đó, ánh mắt ông không hề rời khỏi cuốn sách, nhưng bàn tay ông luôn có thể tìm thấy bánh cookies và cốc trà một cách rất chuẩn xác. Mãi đến khi cô xuống tàu, ông cụ mới ăn hết một nửa số bánh cookies. Mặt bàn của ông luôn khô ráo sạch sẽ, không có vụn bánh cookies, cũng không có vết nước trà.

Trên người quý ông Anh quốc này, cô đã nhìn thấy một thứ quý báu, đó là sự trịnh trọng đối với sinh mệnh từ đầu đến cuối. Khi bạn chẳng có ấm chén uống trà trang nhã, bánh ngọt thịnh soạn và bạn bè bên cạnh, bạn vẫn có thể trịnh trọng đối diện với bản thân, tận hưởng sự yên vui và thoải mái dẫu chỉ giây lát trong sinh mệnh, vào những tháng ngày bình đạm hoặc phiền não, cũng có thể bừng nở như hoa, cho dù lúc ấy chỉ có một cốc trà. Mà một cốc trà, chúng ta chung quy vẫn có thể sở hữu.

(Tử Mạt)

Ai đẹp hơn?

Thần nghèo khó và thần giàu sang cùng đến trước mặt một người, hỏi: “Hai chúng ta ai đẹp hơn?” Người này rất sợ hãi, nhưng trong cái khó ló cái khôn, mở miệng đáp: “Các ngài đều đứng yên tại chỗ, tôi không thể phán đoán. Các ngài đi vài bước cho tôi xem thử nhé.”

Hai vị thần bắt đầu đi tới đi lui. Người này ngắm nghía họ một lúc, rồi nói: “Thưa thần nghèo khó, khi ngài rời đi bóng lưng rất đỗi đẹp đẽ; còn ngài, thưa thần giàu sang, khi ngài tiến đến thân hình vô cùng quyến rũ.” 

(Mai Tử)

Vô Kỵ và Bất Hối


Có người đã làm một hạng mục điều tra: Con người ta lúc tuổi già hối hận nhất chuyện gì trong đời? Đáp án xếp theo thứ tự, một là thời trẻ không cố gắng, hai là chọn nhầm nghề nghiệp không có thành tựu, ba là dạy dỗ con cái không thích đáng, bốn là chưa thường xuyên rèn luyện thân thể, năm là không trân trọng bầu bạn, sáu là chưa tận hiếu với cha mẹ, bảy là hôn nhân không có tình yêu, tám là chưa thể du lịch vòng quanh thế giới, chín là suốt đời thiếu sự kích thích, hối hận kiếm tiền không đủ xếp cuối cùng. Nếu là bạn, bạn hối hận điều gì?

Đáp án của tôi là: “Vì hiện tại tôi đã hiểu rõ, cho nên trước khi chết sẽ không hối hận.”

Trước đây, tôi từng dùng rất nhiều tên trên mạng, trong đó có hai cái tên là Vô Kỵ và Bất Hối, đều lấy từ truyện “Ỷ Thiên Đồ Long Ký” của Kim Dung, cũng đều là mộng tưởng của tôi.

Trong sách, Vô Kỵ, là mộng tưởng của một chàng trai; Bất Hối, là quyết tâm của một cô gái.

Có những người vì sao làm việc không thành công? Là vì tiếc rẻ. Tiếc rẻ bản thân, tiếc rẻ sức khỏe, tiếc rẻ trao ra. Trên nguyên tắc, làm được Vô Kỵ (Không Sợ) rất khó, nhưng có lúc, để hoàn thành một số việc, hoàn toàn buông ra, chẳng lo chẳng màng, ngược lại có thể thành công. Tuy sự thành công này có lẽ trên danh nghĩa đã chẳng liên quan đến bản thân, bất kể là danh hay lợi đều rơi vào tay kẻ khác, thế nhưng, ý kiến đã được thực hiện, quan trọng hơn bất cứ chuyện gì.

Trên đường đời luôn có lối rẽ, cùng một thời gian, mấy sự việc, vài con người, bạn chỉ có thể có một lựa chọn duy nhất, đã lựa chọn, thì chớ hối hận, đi tiếp, chấp nhận kết quả, cho dù kết quả không tốt. Đừng cứ nghĩ ngợi giá như lúc đầu lựa chọn một con đường khác...

Tam Mao cũng từng giải thích điểm khác nhau giữa Vô Hối và Bất Hối: trong Vô Hối có sự bất lực, còn Bất Hối dứt khoát hơn.

Mỗi người đều có sự theo đuổi của mình, có con đường mà mình phải đi, nỗi tiếc nuối và hối hận do người khác liệt kê ra chẳng liên quan đến tôi, tôi sẽ không dựa theo tiêu chuẩn của ai đó để yêu cầu bản thân. Tôi cố gắng thực hiện, làm hết sức mình, sau đó thuận theo mệnh trời, tôi không đau buồn vì những thứ không có được, tôi quan tâm những thứ đã có được và sự tốt đẹp sở hữu trong tay.

Để tương lai không hối hận, nên sẽ thận trọng đưa ra sự lựa chọn của mình, bất kể là yêu thích hay áp lực nào khác, đều khó buộc tôi đưa ra lựa chọn mang tính khuất phục; còn nếu tôi cuối cùng đã khuất phục, đó là bởi vì có những người hoặc vật quan trọng hơn trói buộc tôi, khiến tôi cam nguyện hy sinh.

“Nếu là bạn, bạn hối hận điều gì?”

Không ai có thể trả lời thay bạn, trong đời người, rất nhiều đáp án đều do chính mình tìm lấy.

(Tiêu Thu Thủy)

Nhẹ nhất, nặng nhất và béo nhất


Ngày trước, đất Tạng lưu truyền ba câu hỏi mở: Trên đời thứ gì nhẹ nhất? Thứ gì nặng nhất? Thứ gì béo nhất?

Không có đáp án tiêu chuẩn, câu trả lời thông thường là: Thứ nhẹ nhất là bông gòn hoặc giấy, thứ nặng nhất là sắt thép, thứ béo nhất là dầu bơ.

Sau đó hỏi đến một ông lão ở Lhasa, ông là quan chức về hưu, già đến nỗi tai sắp điếc, trả lời khác với mọi người. Trước tiên ông hỏi ngược lại: “Chỗ chúng ta đây có phải là nơi tin Phật không?” Đối phương đáp: “Phải.” Ông bèn nói: “Nếu là như vậy, thứ nhẹ nhất là nội tâm của những người ác nghiệp ít, bình thường nhẹ nhõm, ràng buộc nhân quả không chắc, lúc sắp chết cũng sẽ không rơi vào tam ác đạo (*) bởi có quá nhiều bận tâm và sợ hãi; thứ nặng nhất đương nhiên là nội tâm của những kẻ từng phạm phải ác nghiệp sâu nặng, thường ngày cũng không thể thoát khỏi cảm nhận nặng nề và căng thẳng; thứ béo tốt nhất là mặt đất sau mưa xuân, rạo rực thức tỉnh, mượt mà màu mỡ, vạn vật sinh sôi.”

(*) Tam ác đạo: Ba đường ác, là: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.

(Trương Mai)

Đối phó những câu hỏi “quan tâm” ngày Tết với phong cách văn nhân


- Đã có người yêu chưa?
- Tình yêu giống như Thiền của nhà Phật, bất khả thuyết, không thể nói, nói ra là sai ngay. (Tam Mao)

- Bao giờ kết hôn?
- Hôn nhân là một tòa thành vây bủa, người ngoài thành muốn vào, người trong thành muốn ra. (Tiền Chung Thư)

- Sao trông cậu thay đổi nhiều thế?
- Nếu cậu quen biết tớ của trước đây, thế thì cậu sẽ thông cảm tớ của hiện nay. (Trương Ái Linh)

- Khi nào mua nhà?
- Tham yên ổn thì mất tự do, muốn tự do thì phải trải qua chút nguy hiểm, chỉ có hai con đường này. (Lỗ Tấn)

- Về hưu eo hẹp chăng?
- Hưởng thụ cuộc sống thảnh thơi tuyệt nhiên chẳng cần tiền bạc. Kẻ giàu có sẽ không thật sự lĩnh hội lạc thú của cuộc sống an nhàn. (Lâm Ngữ Đường)

- Sao hỏi nhiều thế mà cậu chả trả lời gì cả?
- Trầm mặc là một kiểu triết học xử thế, khi sử dụng tốt, lại là một dạng nghệ thuật. (Chu Tự Thanh)

(Apple Daily)

12 điều nhân quả báo ứng


1. Thích trao ra, thì phúc báo càng ngày càng nhiều;
 
2. Thích cảm ơn, thì thuận lợi càng ngày càng nhiều;
 
3. Thích giúp người, thì quý nhân càng ngày càng nhiều;
 
4. Thích oán trách, thì phiền não càng ngày càng nhiều;
 
5. Thích thỏa mãn, thì vui vẻ càng ngày càng nhiều;
 
6. Thích trốn tránh, thì thất bại càng ngày càng nhiều;
 
7. Thích chia sẻ, thì bạn bè càng ngày càng nhiều;
 
8. Thích tức giận, thì bệnh tật càng ngày càng nhiều;
 
9. Thích chiếm hời, thì nghèo túng càng ngày càng nhiều;
 
10. Thích bố thí, thì giàu sang càng ngày càng nhiều;
 
11. Thích hưởng lạc, thì đau khổ càng ngày càng nhiều;
 
12. Thích học tập, thì trí tuệ càng ngày càng nhiều.

Từ sống đến chết có bao xa? Giữa một hơi thở.
Từ mê đến ngộ có bao xa? Giữa một ý nghĩ.
Từ yêu đến hận có bao xa? Giữa cõi vô thường.
Từ xưa đến nay có bao xa? Giữa lúc nói cười.
Từ người đến ta có bao xa? Giữa nỗi thấu hiểu.
Từ tâm đến tâm có bao xa? Giữa chốn thế gian.
Từ thần đến ta có bao xa? Giữa sự giác ngộ.

Mơ: Không thể ngủ quá say! Say rồi, khó bề tỉnh táo;
Lời: Không thể nói quá trọn! Trọn rồi, khó bề linh hoạt;
Giọng: Không thể định quá cao! Cao rồi, khó bề đồng thanh;
Việc: Không thể làm quá quyết tuyệt! Quyết tuyệt rồi, khó bề tiến thoái;
Tình: Không thể lún quá sâu! Sâu rồi, khó tự thoát ra;
Lợi: Không thể xem quá nặng! Nặng rồi, khó bề sáng suốt;
Người: Không thể quá giả dối! Giả dối rồi, khó bề tâm giao!

(Internet)

Hành khách khoang hạng nhất

Gần đây đáp máy bay đi khắp nơi, phát hiện một hiện tượng: Cùng ở độ tuổi từ 30 đến 40, hành khách khoang hạng nhất thường đọc sách, đại đa số hành khách hạng ghế thương gia đọc tạp chí hoặc sử dụng laptop làm việc, hành khách hạng ghế phổ thông thì đọc báo, xem phim, chơi games và tán gẫu tương đối nhiều.

Tại sân bay, người ngồi trong phòng chờ VIP phần lớn đang đọc, còn người ngồi ngoài khu chờ chung thảy đều đang nghịch điện thoại di động.

Thế thì rốt cuộc là vị trí của con người đã ảnh hưởng hành vi của họ, hay là hành vi của con người đã ảnh hưởng vị trí của họ?

(Thân Thần)

Miền đất của ta và người


Tình yêu, thay vì nói là sự giao lưu của hai cá thể, chi bằng nói là sự giao lưu của hai miền đất.

Mỗi một cá thể đều có lịch sử của mình, bối cảnh trưởng thành của chúng ta, gia đình, sách đã đọc, nền giáo dục đã thụ hưởng, người từng yêu, chuyện từng trải qua, vết thương thời quá khứ, bí mật không thể cho ai biết, tổn thương trong quá trình khôn lớn, yêu ghét và chí hướng, đã hình thành nên một miền đất.

Lúc vừa gặp gỡ, hai miền đất này chưa có sự giao lưu sâu sắc, chúng ta sẽ rụt rè thận trọng thăm dò lẫn nhau, chỉ sợ rằng miền đất của mình không được người ấy thưởng thức, mà miền đất của người ấy cũng là nơi ta không thể tiến vào.

Khi mới yêu, chúng ta mong đợi người ấy không chỉ yêu vẻ ngoài của ta, thành tựu của ta, tất thảy những thứ này chỉ là một phần của ta, hơn nữa sẽ mất dần theo thời gian, chúng ta kỳ vọng người ấy yêu miền đất của ta, nó có sự yếu đuối và tự ti của ta, có thời khắc ta bơ vơ nhất và tủi nhục nhất, có nỗi sợ hãi của ta, có mặt u ám của ta, có thói quen của ta, cũng có mộng tưởng của ta.

Yêu miền đất này, mới là yêu ta.

Ta mang theo miền đất ấy cùng người yêu nhau, tiếp nhận ta, thì có nghĩa là tiếp nhận miền đất của ta.

Khi yêu một người, cũng đồng thời có nghĩa là bằng lòng tìm hiểu miền đất của người ấy.

Đôi lúc tình yêu khó tránh khỏi khuếch đại điểm tương tự của hai người. Sau đó có một ngày, chúng ta mới phát hiện tương tự và khác biệt quan trọng như nhau.

Tiếp nhận điểm tương đồng của hai người đương nhiên chẳng chút khó khăn, thậm chí chúng ta sẽ nói rằng, đây là nguyên nhân chúng ta hấp dẫn lẫn nhau. Thế nhưng, tiếp nhận nét khác biệt của đôi bên, lại là sóng to gió lớn, là sự hợp nhất của hai miền đất.

(Trương Tiểu Nhàn)

Thiếu niên Thiếu niên


Thiếu niên
Thiếu niên người vẫn trẻ trung như xưa chăng?
Lúc tóc ta đã lốm đốm bạc màu


Thiếu niên
Thiếu niên người cứ an nhiên bất động chăng?
Khi đời ta từng phiêu bạt rất lâu

Thiếu niên
Thiếu niên người còn tin tưởng tốt đẹp chăng?
Nơi cửa hẹp thói đời ta hành tẩu

Thiếu niên
Người không thể già đi
Không thể
Người phải kiên cường ở lại trên bờ năm tháng

Tất thảy những gì nặng nề, lưu lạc và hư vọng
Hãy để mình ta bươn chải, cưu mang
Còn người
Chỉ cần khoác tấm áo trắng cho ánh dương chiếu sáng
Người phải mỉm cười xán lạn
Đợi ta toàn thân gió bụi
Trở về đón nhận, dịu dàng.

(Trát-tây-lạp-mẫu Đa-đa)

25 món xa xỉ phẩm nên có trong đời


Suốt đời này, chúng ta không ngừng cố gắng phấn đấu, nhưng bạn có từng nghĩ, món hàng xa xỉ mà bạn thật sự muốn có rốt cuộc là gì không?

Là nước hoa? Châu báu? Hàng hiệu? Hay là xe xịn, nhà sang?

Kỳ thực, xa xỉ phẩm thật sự, là thứ sở hữu nó bạn sẽ có thể hưởng hạnh phúc trọn đời!

Dưới đây là 25 món xa xỉ phẩm nên có, thử đếm xem, hiện giờ bạn đã sở hữu bao nhiêu?

1. Sức khỏe có thể đeo ba lô đi khắp nơi.

2. Công việc thoải mái.

3. Trời trở gió luôn có người nhắc nhở bạn mặc thêm áo.

4. Khi ngủ luôn có người đắp chăn cho bạn.

5. Vóc người khỏe mạnh, mặc áo thun rẻ tiền cũng rất duyên dáng.

6. Viết chữ đẹp.

7. Khi muốn đi du lịch, luôn có bạn bè hợp gu xin nghỉ phép bầu bạn.

8. Hàng ngày đều có thể yên ổn ngủ một giấc ngon.

9. Trái tim biết thưởng thức cái đẹp và tâm tình có thể thưởng thức cái đẹp.

10. Mỗi giờ mỗi khắc đều sống có ý nghĩa và hạnh phúc.

11. Một người dạy bạn yêu và được yêu.

12. Đứa con mà bạn cam tâm tình nguyện trao ra tất cả vì bé.

13. Nội tâm vĩnh viễn tự do.

14. Tinh thần cầu tiến.

15. Học biết buông bỏ.

16. Học biết chịu đựng.

17. Đón nhận và trân trọng mọi thứ cuộc sống ban cho bạn.

18. Tự mình gieo hạt và thu hoạch.

19. Cất giữ những đồ vật chứa đựng tình cảm.

20. Tìm kiếm tấm lòng thơ trẻ đã mất.

21. Tâm cảnh rộng rãi.

22. Tuân thủ lời hứa.

23. Nếm hết món ngon.

24. Thi thoảng giở một thói xấu cỏn con.

25. Biến một chuyện lãng mạn mà bạn có thể nghĩ đến thành hiện thực.

(Internet)

Phật dạy


1. Khi chúng con rơi vào cảnh ngộ trái ngang, nên nhân nhượng cầu toàn hay hăng hái chống trả?
Phật dạy: Buông xuống.

2. Những thứ mất đi, có nhất thiết truy đòi không?
Phật dạy: Những thứ mất đi, kỳ thực chưa bao giờ thật sự thuộc về con, không cần thương tiếc, càng không cần truy đòi.

3. Lý giải “vĩnh viễn” như thế nào?
Phật dạy: Người người đều cảm thấy vĩnh viễn rất xa, thật ra nó có thể ngắn ngủi đến nỗi con không hề nhìn thấy.

4. Cuộc sống quá mệt mỏi, làm sao nhẹ nhõm?
Phật dạy: Cuộc sống mệt mỏi, một nửa là do sinh tồn, một nửa là do dục vọng và tị nạnh.

5. Chúng con nên làm thế nào nắm giữ hôm qua và hôm nay?
Phật dạy: Chớ để quá nhiều hôm qua chiếm cứ hôm nay của con.

6. Đối với bản thân, đối với người khác như thế nào?
Phật dạy: Đối với bản thân tốt một chút, vì cuộc đời không dài; đối với người bên cạnh tốt một chút, bởi kiếp sau chưa chắc có thể gặp gỡ.

7. Người giải thích “lễ phép” ra sao?
Phật dạy: Xin lỗi là chân thành, không sao là phong độ. Nếu con trao ra chân thành, nhưng không có được phong độ, thế thì chỉ có thể chứng tỏ sự vô tri và thô tục của đối phương.

8. Chúng con làm thế nào xác định mục tiêu của mình?
Phật dạy: Nếu con biết đi đâu, cả thế giới sẽ nhường đường cho con.

9. Làm sao cân bằng vui vẻ và bi thương?
Phật dạy: Mỗi người chỉ có một trái tim, nhưng có hai tâm nhĩ thất. Một tâm chứa đựng vui vẻ, một tâm chứa đựng bi thương, đừng cười quá to tiếng, nếu không sẽ đánh thức nỗi bi thương ở bên cạnh.

10. Có những người lúc nào cũng oán hờn bất mãn, người thấy thế nào?
Phật dạy: Khi đang tái lập thiên kiến của mình, nhiều người vẫn ngỡ rằng bản thân đang suy nghĩ, suy nghĩ làm sao cứu vớt thế giới.

11. Chúng con làm thế nào mới gọi là “bước chân vững chãi”?
Phật dạy: Chỉ cần chân con vẫn đứng trên mặt đất, thì đừng xem mình quá nhẹ; chỉ cần con vẫn sống trên thế gian, thì đừng xem mình quá lớn.

12. Có người bảo tình yêu sẽ phai nhạt bởi thời gian, người nghĩ sao?
Phật dạy: Tình yêu khiến con người ta lãng quên thời gian, thời gian cũng khiến con người ta lãng quên tình yêu.

13. Người nhìn nhận tình yêu và hạnh phúc như thế nào?
Phật dạy: Rất nhiều người vì cái gọi là hạnh phúc mà yêu nhầm người, nhưng càng nhiều người vì yêu đúng người mà hạnh phúc trọn đời.

14. Hai người yêu nhau không thể ở bên nhau, làm thế nào?
Phật dạy: Không thể ở bên nhau, thì không thể ở bên nhau thôi, kỳ thực cuộc đời cũng chẳng dài như thế.

(Internet)

Ba sự thật


Loan Loan:

Vào ngày thứ 68 kể từ khi con chào đời, bà ngoại thân yêu của ba, bà cố ngoại của con qua đời. Ba hủy bỏ vé máy bay về Bắc Kinh, bay đến Thâm Quyến đưa bà cố ngoại của con rời khỏi. Nhìn thấy bà ngoại khóc rất đỗi đau lòng bên cạnh bà cố ngoại, ba nói với bà ngoại hết lần này đến lần khác, rằng bà cố ngoại không hề thật sự rời khỏi: hình dáng của bà ở lại trên người chúng ta, câu chuyện bà tặng đường cho người làm khiến chúng ta học được thiện lương, nỗi vất vả của bà khiến gia đình thịnh vượng, sinh mệnh của bà đã biến thành của chúng ta, sinh mệnh của chúng ta cũng sẽ biến thành của con, còn bà dùng hết sinh mệnh của mình, đã ra đi.

Đây kỳ thực mới là chân tướng của sinh mệnh. Sinh mệnh là một cuộc sáng tạo mang tính phá hoại.

Ba ở phòng đẻ nhìn con sinh ra, sự chào đời của con mang lại đau đớn cực lớn cho mẹ con. Sữa hàng ngày con bú, đến từ sự tiêu hao thân thể của mẹ. Khi con từ từ lớn lên, vóc người dung mạo của mẹ con cũng đều dần dần biến đổi, sức sống từ trên người mẹ chuyển đến trên người con. Sau sáu tháng tuổi con bắt đầu ăn nước cháo, nói theo nghĩa rộng, cần phải hủy đi sinh mệnh của một số thực vật. Sau này con thích ăn thịt bò, lạp xưởng, cần phải hủy đi sinh mệnh của một số động vật. Để tiếp diễn sinh mệnh của con, con phải kết thúc sinh mệnh của chúng, sinh mệnh của chúng biến thành của con. Tuy nghe có vẻ tàn khốc, nhưng đây là kiến thức thông thường. Sau khi con bước vào xã hội, kiến thức thông thường này sẽ bị rất nhiều thứ che đậy, rau xanh và thịt đều sẽ được cẩn thận đóng gói trong túi thực phẩm của siêu thị, câu chuyện của người thắng và kẻ thua được chia ra để kể, đến nỗi con mãi mãi không nhìn thấy - khi con đang sáng tạo, con cũng nhất định đang phá hoại. 

Do đó, Loan Loan, điều quan trọng không phải là sống một cách thận trọng dè dặt, không làm tổn thương ai, không đắc tội với ai, khiến ai cũng đều yêu thích con, điều này không thể nào. Mấu chốt là sáng tạo sinh mệnh của bản thân con - để mình sống có ý nghĩa, sống thật đặc sắc, sống sao cho bản thân xứng đáng với những chú bò, cừu, lợn vì con mà mất đi sinh mệnh, xứng đáng với những người trút sức sống vào cho con. Sinh mệnh tốt không phải là hoàn mỹ, cũng không phải là an toàn, mà là xứng đáng. 

Chuyện thứ hai mà ba muốn nói là về thế giới. Loan Loan, thế giới này không hề công bằng. Không rõ sau khi con lớn lên, cô giáo trong nhà trẻ sẽ dạy con thế nào. Khi con mới chào đời, có một dì tên là Nguyệt Tẩu làm việc trong nhà chúng ta, hàng ngày dì ấy chỉ ngủ vài tiếng, mỗi ngày hơn 30 lần bị tiếng khóc quấy của con gọi đến, nhưng vẫn tràn đầy yêu thương dỗ dành con, vỗ về con. Dì ấy thật lòng yêu thích con, tuyệt đối không phải là vì tiền. So với nỗi cực nhọc của dì ấy, thu nhập của dì ấy không hề cao, dì ấy đang làm một công việc mà ba mẹ không ao ước, nhưng có rất nhiều người hâm mộ dì ấy.

Dì của con không hề ngốc hơn chúng ta, cũng cố gắng như ba mẹ của con vậy, nhưng cuộc sống của dì ấy không tốt như chúng ta, điều này không hề công bằng. Một tháng đầu tiên sau khi con chào đời, thời gian dì ấy ở bên cạnh con còn nhiều hơn ba và mẹ. Nhưng đợi con lớn lên, con sẽ quên dì ấy, mà nhớ ba mẹ. Điều này cũng không xem là công bằng. Cho dù như thế, vẫn có rất nhiều các dì khác hâm mộ dì Nguyệt Tẩu của con, vì có lẽ họ vất vả hơn, nhưng không có được thu hoạch đồng dạng, điều đó càng không công bằng.

Loan Loan thân yêu, thế giới này không hề công bằng. Sự cố gắng có thể thay đổi số phận ở một mức độ nhất định, nhưng chưa chắc có thể thay đổi hoàn toàn. 

Vì vậy con phải ghi nhớ, so sánh với người khác là không có ý nghĩa. Đó tuy là phản ứng đầu tiên của tất cả mọi người, nhưng đó là một kiểu tự giày vò mãi mãi không có ngày yên ổn, tuyệt đối không có mưu mẹo chiến thắng. Nếu con có năng lực, hãy nhớ phải so sánh với chính mình, để bản thân sống tốt hơn. Hiểu tâm của mình có bao lớn. Làm phép cộng cho đời người mang đến vui vẻ, làm phép trừ mang đến yên tâm, cộng cộng trừ trừ đến khi khiến bản thân thoải mái. Thế giới tuy không cung cấp cuộc sống hoàn mỹ cho mỗi người, nhưng cho mỗi người tài nguyên đầy đủ để đạt được những thứ họ cần có.

Nếu con có thể sống tốt hơn một chút, thế thì hãy giúp đỡ những người sống kém hơn con - nhất là những người sống chưa đủ tốt nhưng vẫn rất cố gắng, con và họ có khả năng nhất để thay đổi thế giới này. Phải có lòng tin đối với thế giới, nó đang trở nên tốt đẹp. Làm sao tìm được cơ hội này? Quan sát kỹ những người bên cạnh con, kể cả bản thân con. Sau lưng phiền phức của con chính là thiên mệnh của con.

Chuyện thứ ba mà ba muốn nói là về quan hệ giữa con và thế giới. Con phải sống nghiêm túc một chút. Khoảng thời gian từ khi con sinh ra đến khi rời khỏi, chỉ có hơn ba mươi ngàn ngày, mà đợi đến lúc con có thể đọc lá thư này, con đã tiêu mất hơn hai ngàn ngày rồi. Và cả hơn bốn ngàn ngày cuối cùng, con sẽ già nua đến nỗi chẳng còn bao nhiêu tinh lực. Cho nên, nhớ phải sống nghiêm túc.

Thế thì, sau khi nghiêm túc và cố gắng chắc chắn có thể thành công ư? Ba muốn kể với con một câu chuyện cổ tích về ngân hàng cố gắng: 

Có một người tên là Thượng đế, ông ấy đã mở một ngân hàng cố gắng.

Mỗi một người đều có một tài khoản cố gắng mang tên mình. Hàng ngày mỗi người đều gửi cố gắng của mình vào trong đó. Có người gửi nhiều, có người gửi ít. Có người hôm sau đã rút ra, có người thì rất nhiều năm sau rút ra hết một lần.

Thượng đế đang làm gì nhỉ?

Thượng đế phải bảo đảm các khoản mục sổ sách của mỗi người đều công bằng, không được có ghi chép sai sót. Thượng đế còn phải đánh dấu những khách hàng thẻ vàng gửi cố gắng vào nhiều nhất, phân phối cho họ nhiều đền đáp hơn. Thượng đế rất bận rất bận.

Nhưng nếu cứ như vậy, luôn là vài người cố gắng nhất ấy có đền đáp nhiều nhất, thì công việc này cũng quá không thú vị.

Do đó cứ cách mười năm, Thượng đế liền chọn ra tất cả các khách hàng thẻ vàng, rút thưởng một lần, sau đó tùy thời cơ chia một phần thành công cực lớn cho người may mắn trúng thưởng đó.

Vì vậy, Loan Loan, chỉ cần cố gắng, thì sẽ có đền đáp hợp lý. Còn những thành công to lớn kia, thường thường đến từ vận may - nhưng hãy xác định trước tiên, con đã cố gắng lấy được thẻ vàng. 

Loan Loan thân yêu, hoan nghênh con đến thế giới này.

Nhớ phải sống cho đặc sắc, sống cho nghiêm túc, so sánh với chính mình.

Mong con sống cuộc sống mà ba chưa từng nhìn thấy và hiểu được.

(Cổ Điển)

Gửi cho bạn sau tuổi 40


Nếu bạn đã ngoài bốn mươi, thì nên thấu hiểu:

1) Trong thế giới của tình yêu, chẳng có ai không phải với ai, chỉ có ai không biết trân trọng ai.

2) Đừng vì hiu quạnh mà yêu nhầm người, càng chớ vì yêu nhầm người mà thêm quạnh hiu.

3) Có người hiểu bạn, là hạnh phúc lớn nhất, không có người hiểu bạn, thì tự mình hiểu mình.

4) Bạn bè tốt là nên tán thưởng lẫn nhau, chứ không phải là lợi dụng lẫn nhau.

5) Cơm nên ăn từng miếng một, việc phải làm từng chút một. Không có chuyện một bước tới nơi, tất thảy đều có quá trình. Đừng suốt ngày mệt mỏi vì quá bận rộn, nên sống một cách ung dung.

6) Chỉ ung dung vẫn chưa đủ, lúc thích đáng vẫn phải show bản thân một chút, để cuộc sống bình đạm tươi sáng lên.

7) Bất kỳ sự vật nào cũng đều có tính hai mặt, đôi lúc thậm chí không có đúng sai. Điều bạn cho là sai, theo quan điểm của người khác có lẽ là đúng. Còn thứ mà bạn dốc hết sức lực phấn đấu vì nó, lại rất có khả năng chính là thứ người khác thoát khỏi và vứt bỏ.

8) Chất lượng cuộc sống tốt hay xấu, hoàn toàn quyết định bởi tâm thái của chính mình. Thức ăn ngon lạ, chén tạc chén thù, nếu thấp thoáng sự nghi ngờ lừa dối lẫn nhau, thì chi bằng “dăm ba tri kỷ ngồi, trà nhạt nói chuyện nhà.”

9) Lơ là cách ly tình thân là nỗi đau sát sườn. Điềm đạm một chút, thông cảm một chút, nhẫn nhịn một chút, sẽ khiến tâm chúng ta rộng rãi một chút, hòa nhã một chút, ấm áp một chút.

10) Đối đãi cha mẹ không thể làm chuyện ngu ngốc nuôi dưỡng bạc bẽo mai táng hậu hĩ, những giày vò mà thế hệ của họ chịu đựng đã quá nhiều, thiện đãi họ chính là thiện đãi lương tâm chúng ta. Thật ra nhiều lúc họ hoàn toàn không cần vinh hoa của bạn, mỗi tuần gọi một cuộc điện thoại hoặc hỏi họ một câu chuyện thời trẻ, sau đó nhẫn nại nghe họ kể hết, họ đã rất thỏa mãn rồi.

11) Địa vị và vinh dự chỉ chẳng qua là một chiếc cúp, mà trình độ và tính cách của bạn mới là vật bên trong. Trong chén dạ quang chưa hẳn đựng rượu bồ đào ngon, cũng có thể chứa đầy nước đục. Trong chung sứ thô không nhất thiết là nước đun sôi, rất có thể đang ngấm trà Long Tỉnh cực phẩm.

12) Khi sự nghiệp thành công phải quý trọng sức khỏe của mình, khi sự nghiệp không thành công phải khiến mình càng khỏe khoắn.

13) Cuộc sống của bạn nên bình thản, thong dong, lành mạnh mà hạnh phúc!

Mượn bài này tặng cho chúng ta tuổi ngoài bốn mươi, đã từng niên thiếu tùy tiện, phí hoài năm tháng, thấu chi thanh xuân!

(Internet)

Bàn ăn của tình yêu


Tình yêu bắt đầu từ bàn ăn, cũng dần dần mất đi trên bàn ăn.

Cuộc hẹn hò lần đầu tiên, luôn không thể thiếu bàn ăn, có lẽ là một bữa cơm tối mà hai người cùng ăn, có lẽ là một tách cà phê, có lẽ là một ly rượu cocktail trong quán bar huyên náo.

Lần đầu tiên như thế, chúng ta luôn cố gắng thể hiện mặt tốt đẹp nhất của mình.

Từ đó về sau, chúng ta cùng trải qua vô số thời gian trên bàn ăn.

Đương nhiên không phải mỗi một lần đều vui vẻ, có lúc chúng ta sẽ cãi cọ, sau đó giận dỗi, chẳng nói câu nào.

Em nhớ em đã rơi không ít nước mắt bên bàn ăn. Thế nhưng, ngày mai của ngày mai, chúng ta vẫn sẽ cùng ăn cơm, quên đi nước mắt từng rơi, quên đi lần trước vì sao tranh cãi.

Mãi đến một ngày, chúng ta không yêu nhau nữa, bữa cơm cuối cùng ăn với nhau đã trở thành bữa tối cuối cùng.

Nếu chúng ta không tránh khỏi phải ăn bữa tối cuối cùng, uống chai rượu cuối cùng, chúng ta sẽ ăn gì? Lại sẽ ăn ở đâu?

Mỗi người luôn chết đi từng chút từng chút một.

Có người nói, chỉ cần xem mỗi một ngày đang sống đều là ngày cuối cùng để sống, thì sẽ vui vẻ hơn nhiều. Thế nhưng, khi bạn yêu một người, thì hoàn toàn không thể nào xem mỗi một bữa cơm khác nhau cùng ăn với chàng đều là bữa tối cuối cùng.

Chúng ta luôn hy vọng mãi mãi không có bữa tối cuối cùng.

Nếu như có thể, em muốn cùng ăn với anh mãi đến vĩnh viễn, thấy chúng ta đôi bên dần dần suy yếu trên bàn ăn, mắt già rồi, không nhìn thấy chữ nhỏ trên hóa đơn, dạ dày nhỏ rồi, chỉ có thể ăn một tí ti như thế, răng cuối cùng cũng rụng sạch cả.

Người em yêu chung quy sẽ giống như em, từng chút từng chút già đi bên bàn ăn.

Đến một ngày nọ, em chỉ mong em là người ngã xuống đầu tiên đó.

Cũng giống như mỗi bữa cơm chúng ta cùng ăn sau khi quen biết, rượu em uống không hết, hôm ấy, anh cũng cạn hộ em nhé.

(Trương Tiểu Nhàn)

Viết cho các con trong tương lai


Vốn định viết “Viết cho con trong tương lai”, kết quả lần lữa mãi không nhấc bút. Hôm nay mới viết, đã lại thêm một cô con gái nhỏ, thế là “con” trở thành “các con”.

Đa Đa và em gái, bài văn ngắn này viết cho các con, lúc các con tám tuổi và hơn hai tháng tuổi. Sở dĩ muốn viết chút gì đó cho các con, là muốn mượn dòng chảy thời gian mang đến cho các con trong tương lai tình yêu và cảm nhận hôm nay của ba mẹ, hơn nữa nếu không viết, e rằng bản thân sắp sửa già đi và sẽ quên lãng.

Cứ bắt đầu nói từ hôm nay nhé. Hôm nay là ngày 16 tháng 3 năm 2014, Đa Đa tám tuổi, em gái vẫn chưa đầy một trăm ngày. Cả nhà chúng ta sống trong một ngôi biệt thự ở ngoại ô Bắc Kinh, cách thành phố rất xa, gần đó chính là núi. Vì rời xa huyên náo, nên chúng ta đã quen với lối sống kiểu nửa ẩn cư dạng này, ngoài nhu cầu sinh hoạt vạn bất đắc dĩ thì không ra khỏi cửa, không vào thành phố, chẳng có cuộc hẹn hò không cần thiết nào cả, điều quan trọng nhất là không bị hiện thực ảnh hưởng và chi phối quá nhiều. Chỉ bằng phương thức như vậy, ba và mẹ các con mới có nhiều thời gian, tinh lực hơn để trông nom các con và ở bên nhau.

Ba phải nói một cách bi quan nhưng bình tĩnh thành thực rằng, chúng ta chỉ có một kiếp này. Do đó những tình cảm bình thường nhất này là hạnh phúc quý giá nhất đối với chúng ta, ba chỉ mong mai sau các con cũng có thể sống như thế: để tâm chăm sóc chồng con của các con, và hai chị em nương tựa lẫn nhau.

Cuộc sống nơi ngoại ô tự nhiên, hữu cơ, giản dị. Ba tin rằng các con khôn lớn sẽ có ấn tượng thế này: ba nấu cơm xào rau trong bếp, mẹ giặt áo phơi chăn, cả nhà cùng làm bánh mì và bánh quy cookies. Nhưng tình cảnh này rất giống như đang quay một bộ phim gia đình ấm cúng, dễ khiến người ta nảy sinh cảm giác giả tạo, đồng thời dẫn đến suy đoán và phê phán. Vào thời buổi ngày nay, bất kể là sự chọn lựa thế nào đều sẽ kèm theo quá nhiều ý vị phụ thêm. Thế nên, học cách không mua món hàng chính chỉ vì quà tặng đã trở nên rất quan trọng. 

Có lẽ, hạnh phúc chính là lựa chọn một phương thức mà các con thích để sống tiếp. Nếu các con đã trưởng thành, còn có người giơ micro hỏi con có hạnh phúc không, các con có thể trả lời như vậy. Nhưng ba mong lúc đó sẽ không có vấn đề dạng này nữa.

Nói trở lại hôm nay, một ngày rất bình thường. Buổi chiều, em gái đang ngủ, hiện giờ em vẫn ở trong trạng thái ngủ hai mươi tiếng một ngày, Đa Đa đang tập piano, hoặc nói là đang tập piano một cách không tình nguyện. Xưa nay ba không tán thành cũng chẳng phản đối việc học một món nhạc cụ, hay học một vài kỹ năng về nghệ thuật và thể dục. Trên thực tế, ba chưa từng được huấn luyện về mặt này, tuổi thơ của ba chủ yếu trải qua trên cây, trên mái nhà và đầu đường cuối ngõ, tuy ngày nay ba rất tán thưởng những người đánh banh giỏi hoặc biết chơi đàn, nhưng cũng không ân hận vì mình tay chân vụng về và không thông âm luật. 

Ba còn chưa rõ liệu em gái có thích chơi đàn, hát múa, trượt băng, bơi lội, đánh tennis gì đó hay không, dù sao thì trước mắt xem ra Đa Đa con không thích tập đàn, nhưng rất thích vẽ tranh. Còn về những kỹ năng khác, ba mẹ sẽ không dữ dằn yêu cầu các con nắm vững, ba tin rằng thứ các con cần biết nhất chắc chắn không phải là chơi piano, dù con có thể đàn hay như nhà diễn tấu piano vậy.

Rốt cuộc cần biết những gì? Mong đợi đối với các con là gì? Ba không xác định rõ lắm, vừa nghĩ đến các con đã lớn khôn, sẽ độc lập và đi xa, ba liền không cam lòng. Ba thường hay ích kỷ nghĩ rằng, các con không khôn lớn, ba mẹ không già yếu. Làm sao có thể chứ? Các con định sẵn sẽ trưởng thành, bất kể có tập đàn hay không, có đi học hay không, đều không thể xoay chuyển ngược lại, và cuối cùng cũng sẽ già đi. Giống như ba mẹ.

Đã không giữ lại hay đảo ngược được thời gian, thì chúng ta học biết thứ gì cũng không quan trọng dường ấy, hãy thông cảm cho sự vô vị và bi quan của ba, tuy đây là một dạng thành thực. Phải học cách thành thực, nếu nhất định phải để ba chọn cho các con học biết những thứ gì đó, thành thực được xem là một trong số ấy. Thành thực mà ba nói có thể không chỉ là muốn các con nói thật, không nói dối. Nói thẳng ra, trong quá trình trưởng thành của mỗi người đều hoặc nhiều hoặc ít sẽ có những lời nói dối bầu bạn, một số xuất phát từ thiện ý, một số do cực chẳng đã, và phần nhiều đến từ khuyết điểm và sự ngốc nghếch trời sinh của chúng ta, lời nói dối sẽ tồn tại lâu dài, bất kể là tin tức và tin đồn, lời hứa và lời thề. 

Suốt đời các con sẽ định sẵn nghe thấy quá nhiều lời nói dối, đồng thời các con cũng sẽ có lúc buột miệng thốt ra những lời trái với lòng mình. Nhưng ba vẫn mong các con thành thực, thành thực với bản thân các con, trung thành với sự đơn giản và nhẹ nhõm của nội tâm, không so đo sự hoài nghi và bất mãn từng có giữa những người xung quanh với mình, thành thực tiếp nhận và tiêu hóa cuộc sống của chính mình. Dạng thành thực này không những là một nét đạo đức, mà còn là một phẩm cách dũng cảm.

Còn phải học biết những thứ gì nữa? Có thể sẽ có rất nhiều chọn lựa, ba thầm kiểm qua một lượt những thứ ba biết, đa số những thứ ba biết đều không xem là đặc biệt, hơi biết hơi hiểu sáng tác nghệ thuật không xem là sở trường, càng không xem là khả năng thiên phú, nhưng nó đã trở thành thủ đoạn mưu sinh của ba, những thứ khác đều là chút tài vặt, không biết thì thôi. Vì vậy, nếu sau khi khôn lớn các con không biết gì cũng chẳng sao, thật sự chẳng quan trọng, who cares! Hãy tin ba, cho dù các con không nên chuyện nào cũng bất tất buồn bã, những người không có thành tựu được thế tục công nhận chiếm đa số, các con không nhất thiết trở thành thiểu số, bình thường là tốt nhất.

Ngày 16 tháng 3, đối với ba cũng là một ngày đặc biệt. Hôm nay là ngày giỗ người bạn thân nhất của ba, bác ấy tên là Trần Chí Viễn, hồi nhỏ Đa Đa từng gặp bác ấy vài lần, vào ngày này ba năm trước bác Trần đã đi xa lên thiên đường. Ba và bác Trần quen nhau mười mấy năm, qua rất nhiều lần hợp tác làm việc cả hai đã kết nên tình bạn sâu đậm, ba luôn vô cùng trân trọng tình bạn này, bác ấy lớn hơn ba hai mươi tuổi, ba và bác là bạn vong niên. 

Bác Trần là nhạc sĩ, từng viết rất nhiều ca khúc hay được mọi người khen ngợi, như “Ngày ngày nhớ em”, “Lòng cảm ơn”, “Yêu một người không về nhà”, đây đều là những bài hát ba thường nghe thời niên thiếu. Ba và bác là bạn bè trọn đời, khi gặp nhau không ngớt đề tài trò chuyện, thường ngày bận rộn nhưng vẫn quan tâm đối phương. Sau khi bác ấy qua đời, người vợ góa của bác ấy, dì Mị Mị, đã tặng ba chiếc kính cận mà bác ấy đeo trên mặt quanh năm suốt tháng, đến nay ba đều cất nó trong ngăn kéo bàn sách.

Suốt đời chúng ta sẽ quen biết rất nhiều người, có bạn học, đồng nghiệp, bạn cũ, mới quen. Có những kẻ sẽ lướt qua con, cuối cùng trở thành người đi đường hoặc ký ức trong tấm ảnh, dù từng qua lại mật thiết sớm tối bên nhau. Nguyên nhân họ không trở thành bạn thân cả đời với chúng ta có lẽ rất nhiều, nhưng truy cứu căn nguyên vẫn là nhận thức của đôi bên đối với giá trị tự thân và thế giới khác nhau. Cho nên, không cần vương vấn đau khổ vì mối quan hệ giao du thân mật rộn ràng một thời, nếu không gặp được bạn tốt cũng chẳng phải là lỗi của ai cả.

Hiện giờ Đa Đa đã đụng chạm đến vấn đề dạng này, tuy xem ra là trò chơi nhỏ tốt với bạn này không tốt với bạn kia giữa trẻ con, nhưng vẫn phải học cách chịu đựng nỗi buồn phiền của tuổi thiếu niên chưa hiểu chuyện đời, ba thử giảng giải khuyên bảo, nhưng cũng không giúp được, chung quy con rất khao khát được càng nhiều người yêu thích và đón nhận. Song ba tin rằng, trên đời này luôn có người suy nghĩ với phương thức giống như con, tìm được người bạn như vậy, bất kể đôi bên ở nơi nào, con đều sẽ không sợ hãi, không hoang mang.

Còn có tình yêu, điều mà ba muốn thảo luận với các con nhất, ba nên thảo luận về tình yêu với các con gái của mình như thế nào nhỉ? Là một người cha, nghĩ đến vấn đề này trong lòng liền có đôi chút căng thẳng. Đương nhiên ba hy vọng các con có thể gặp được tình yêu tốt đẹp nhất, người tình yêu thương các con nhất, người đàn ông hiểu các con nhất, đối với một người cha như ba, nguyện vọng này quả là một thách thức. Ba yêu các con như yêu sinh mệnh, đương nhiên không nỡ lòng thấy các con chịu đựng những tội lụy của tình yêu.

Thế nhưng, từ “thế nhưng” này là một lần thế nhưng mà ba không thích nói nhất, ba biết nguyện vọng chỉ là nguyện vọng, đây là một chuyện mà ba bất lực nhất. Ba không thể trở thành người hướng đạo trên đường tình của các con, cũng chẳng cách nào thay các con tháo gỡ những đau khổ phiền não không thể tránh khỏi. Thế nhưng, lại là thế nhưng, sau khi sự việc xảy ra ba có thể bảo các con rằng, đây là mùi vị của đời người, cứ nếm thử, không sao. 

Thuở ban sơ của tình yêu luôn ngọt ngào đẹp đẽ, sau đó có lẽ có hàng trăm mùi vị, hoặc đắng hoặc chát, nhưng vị ngọt lúc đầu vẫn khiến người ta say mê. Mối tình đầu của ba là vào năm mười tám tuổi, nhưng đối tượng không phải là mẹ các con, lúc ấy mẹ các con vẫn là một cô bé. Lúc mới yêu, ba sa vào cái hố của đau buồn, khổ sở, ngọt ngào, manh động, gần như không nhìn rõ bất cứ người và việc nào xung quanh, một lòng chỉ có tình yêu đầu đời. Sau đó, bà nội các con, mẹ ba đã đặt một lá thư ở đầu giường của ba, thư viết rất khách sáo cũng rất dè dặt, nội dung cụ thể chính là: mẹ biết con đã yêu, mẹ rất vui, nhưng đừng chểnh mảng học hành... Ba nghĩ, đợi đến khi các con mới yêu, ba cũng sẽ nghĩ cách truyền đạt lời trong lòng cho các con. Hoặc là, chi bằng ngay hiện giờ đi: Các con yêu rồi, ba rất vui, xao nhãng học tập cũng không sao, có điều tất thảy đừng nôn nóng, phải tỉ mỉ nếm vị ngọt của tình yêu.

Tình yêu thật sự, quý báu nhất của ba, đối tượng chính là người mẹ tha thiết yêu các con và các con cũng yêu tha thiết, kết tinh của mối tình này chính là các con. Tình yêu của ba mẹ đến năm nay (năm 2014) đã là năm thứ mười chín, mong rằng sẽ kéo dài chín mươi năm. Ba mẹ quen nhau trong trường, ba hai mươi bốn tuổi, mẹ mười tám tuổi, ba mẹ vừa gặp gỡ đã chung tình. Suốt những năm tháng sau này, mãi luôn bên nhau, không rời không bỏ trở thành tín ngưỡng tình yêu của ba mẹ. Trong mối tình mười chín năm và cuộc sống hôn nhân mười năm này, ba mẹ từng có hoài nghi, đau khổ, vùng vẫy, thậm chí là buông bỏ, nhưng ngoảnh đầu nhìn lại những chuyện đó đều chỉ là khúc nhạc đệm, yêu đối phương thì định sẵn phải tiêu hóa những điều này. 

Cho đến hôm nay, hai cô con gái và một người vợ yêu là thành tựu lớn nhất của ba. Trước giờ ba chưa từng yêu mẹ các con nhiều như hôm nay, mai sau sẽ càng yêu sâu đậm. Nguyên nhân rất đơn giản, các con gái thân yêu của ba, vì mẹ là người vợ có một không hai của ba và là người mẹ xinh đẹp nhất của các con. Yêu, không cần chăm chăm học tập hay mài giũa, chỉ cần các con tin tưởng tình yêu, đồng thời nguyện ý trao ra và giữ vững. Những điều còn lại, thì phải do các con tự mình thấu hiểu.

Những lời ba muốn viết cho các con trong tương lai vẫn còn rất nhiều, về đọc sách, tiền bạc, dục vọng, và cả thuở nhỏ của các con, của ba mẹ. Lần sau nhé, ba sẽ từ từ viết tiếp cho các con.

Mãi mãi yêu các con.

(Huỳnh Lỗi)