31.5.14

Hân hoan

Tôi uống trà trong sân. Nhìn thấy một chú bướm phượng màu đen bay vào khóm hoa dâm bụt hút mật, cánh bướm màu đen bay lượn như con thoi giữa những đóa hoa màu đỏ, cực kỳ đẹp mắt.

Tôi nghĩ, là lòng hân hoan của hoa dâm bụt, đã lấy được lòng hân hoan của bướm phượng.

Hoa dâm bụt dâng tặng mật hoa cho bướm phượng, để bướm phượng vui vẻ gieo rắc phấn hoa.  

Bướm phượng nhanh nhẹn truyền rải phấn hoa mới, nhằm đền đáp mật ngọt của hoa dâm bụt.

Hoa và bướm cùng hân hoan, mới tạo ra mùa xuân.

Nếu không có bướm phượng đến thăm, hoa dâm bụt cũng sẽ hân hoan nở rộ, chẳng giảm sút vẻ đẹp của mình.

Nếu hoa dâm bụt không nở, bướm phượng cũng sẽ hân hoan chao liệng, chẳng mất đi phong thái của mình.

Đây mới là ý nghĩa thật sự của hân hoan.


(Lâm Thanh Huyền)

Chờ lúc thích hợp gặp lại

Thỉnh thoảng, mua một cuốn sách hoặc một đĩa hát về nhà, đĩa hát sau khi nghe qua một lần, không thích lắm, thế là bỏ nó lâu ngày trong ngăn kéo. Cuốn sách đó, sau khi lật qua vài trang, liền đặt sang một bên luôn.

Qua rất lâu, bạn tình cờ phát hiện cuốn sách này trên giá sách, xem xong, có cảm giác tiếc rằng gặp gỡ muộn màng, sách hay như thế, vì sao bạn quên mất sự tồn tại của nó?

Rồi ngày nào năm nào đó, bạn mở ngăn kéo, vô ý nhìn thấy đĩa hát chỉ nghe qua một lần kia, bạn lại bật nó lên, giai điệu và lời hát truyền cảm ấy khiến bạn rung động, thì ra bạn đã bỏ lỡ bài hát hay như thế. Hồi đó vì sao không thích nhỉ?

Mỗi người luôn sở hữu một hai cuốn sách không nhớ tới hoặc một hai đĩa hát chẳng có ấn tượng, thời gian trôi đi, tình cờ gặp lại, mới hối hận mình đã bỏ lỡ một cuốn sách hay, lãng quên một bài hát hay.

Có lẽ, đó không phải là lãng quên, mà là thời gian không đúng. Lần đầu tiên khi nghe đĩa hát này, nó không thể chạm đến tâm linh bạn, là vì tâm cảnh lúc ấy khác. Cuốn sách kia không thể khiến bạn kinh diễm, chỉ bởi lúc ấy bạn còn chưa có sự lĩnh ngộ đó.

Người dạo chơi bên cạnh chúng ta, có lẽ đều đang chờ đợi một sự lĩnh ngộ, chờ đợi lúc thích hợp gặp lại, thời gian đúng rồi, bạn sẽ phải lòng người ấy, may thay, kiếp này các bạn vẫn còn gặp được nhau.


(Trương Tiểu Nhàn)

30.5.14

Thời gian đi qua

“Đây là rau gì vậy?” Trên bàn ăn tối, ông xã gật gù khen, “Rau này ngon, anh thích ăn, sau này thường mua loại rau này nhé.”

Tôi nghe xong dở khóc dở cười, lập tức cự nự: “Quỷ quái thật, đây là cải thìa, hai tuần trước anh còn nói rau này ăn dở, bảo em sau này đừng mua nữa mà.”

“Không thể nào.”

“Sao lại không thể nào? Rau lần trước mua già, rau lần này mua non, thật ra đều là loại rau đó, rau anh nói thích ăn là nó, rau anh nói không thích ăn cũng là nó.”

Khác biệt rõ rệt của sự vật giống nhau trong những khoảng thời gian khác nhau gần như khiến ta quên mất chúng vốn dĩ là cùng một thứ. 

Bùn đất lúc này, từng là ý xuân rộn rã trên cành hôm qua, giữa hai trạng thái, đâu mới là đóa hoa kia?

Xương khô bị kiến gặm sót lại hôm nay, từng là vòng eo mềm mại yểu điệu đến nỗi dương liễu cũng ghen hờn thuở xưa, tham chiếu hai hình tướng, đâu mới là người đẹp tuyệt thế ấy?

Một bó cải thìa ngon hay dở, bên trong lại kéo theo nỗi thương đau to tát của sinh mệnh.

Thứ ta yêu và thứ ta ghét, thật ra là cùng một đối tượng. Chỉ chẳng qua, có một gã tên là “thời gian” từng đi qua mà thôi.


(Trương Hiểu Phong)

Vĩnh hằng

“Khi bước lên xe cấp cứu anh ấy vẫn mỉm cười, nhưng một khắc sau không tỉnh lại nữa, anh ấy đột ngột ra đi như vậy, tôi làm sao có thể quên anh ấy? Mười năm sau, hai mươi năm sau, cũng không thể. Tôi chỉ có thể quên hết khuyết điểm của anh ấy.”

Tôi bật cười. “Chị cười gì?” Cô ấy hỏi tôi. “Thứ làm cho tình yêu vĩnh hằng, lại là biệt ly.” Tôi nói. “Đúng thế, thứ duy nhất có thể chiến thắng thời gian, chính là hồi ức.”


(Trương Tiểu Nhàn)

29.5.14

Số sướng

Con trai chẳng biết nghe được từ “số khổ” ở đâu, lập tức suy một ra hai nghĩ đến “số sướng”, còn hớn hở chạy đến tìm tôi.

“Mẹ ơi, số con rất sướng!”

“Gì cơ?”

“Số sướng! Con có ăn, có mặc, có ở, có đi lại…”

“Có đi lại?” Tôi ngỡ ngàng, nhà chúng tôi không có xe – cả xe đạp cũng không có.

Từng có một quãng thời gian, tôi bị vấn đề mua hay không mua xe giày vò ghê gớm, nhưng sau đó bình tĩnh ngẫm nghĩ, ở thành phố Đài Bắc xe buýt và taxi đều rất đỗi thuận tiện, quả thật không nhất thiết phải mua xe, tiền tiết kiệm được có thể làm nhiều việc có ý nghĩa.

“Dạ đúng, có đi lại – chẳng phải con có hai đôi giày sao mẹ?”

Hóa ra đi lại của tôi ý là xe, đi lại của con trai ý là giày! Con nói đúng, có đôi chân ông trời ban cho, có hai đôi giày, chốn nào trên đời không đi được? Có giày là có thể đường đường chính chính mà đi.

Lần đầu tiên tôi phát hiện, số mệnh của chúng ta đều có thể rất sướng rất sướng.


(Trương Hiểu Phong)

Làm sao phân biệt du khách các nước



1. Ngoại hình:
Một đoàn du khách đông đen, trật tự xếp thành hai hàng dọc, trong đoàn toàn cụ ông cụ bà, tuyền đội mũ rộng vành, cụ bà người nào cũng trang điểm diêm dúa, cụ ông đều đeo kính gọng vàng, đó là du khách già Nhật Bản.
Ăn mặc như công chúa, khoác túi xách LV, là nữ du khách châu Âu.
Đồ tây giầy da, lưng đeo túi đựng tiền lẻ mà nhân viên giao nước hay đeo, trên thắt lưng da móc một xâu chìa khóa, là du khách Trung Quốc.
Bọc trong áo lông vũ, tóc ngắn nhuộm thành màu đỏ tía hay nâu đỏ, là các bác gái Nga.
Tướng mạo giống người Hàn Quốc, chính là du khách Hàn Quốc.

2. Trong viện bảo tàng:
Mặt không biểu cảm nghe hướng dẫn viên thuyết minh, sau đó đột nhiên tập thể cười rộ, hoặc tập thể phát ra những tiếng cảm thán kinh ngạc đại loại như “Ôi, tài thật!”, khiến người xung quanh giật mình chả hiểu đầu cua tai nheo ra sao, là du khách Nhật Bản.
Bật đèn flash chụp từng vật trưng bày, chụp xong xem chưa vừa ý còn muốn chụp lại tấm nữa, là một nhóm nhỏ du khách Trung Quốc.
Tuyệt đại đa số du khách Trung Quốc không xuất hiện trong viện bảo tàng, vì đó là điểm tham quan chi phí tự túc, huống hồ còn có chuyện quan trọng hơn tham quan bảo tàng (bạn C: chắc ý tác giả là chuyện mua sắm :D).

3. Chụp ảnh:
Trên tay một hoặc hơn một máy ảnh phản xạ ống kính đơn (SLR), dùng để chụp đồ ăn, cửa hàng LV, bản thân và các sự vật lạ, là du khách Trung Quốc.
Trên tay ba hoặc hơn ba máy ảnh kỹ thuật số, dùng để nhiều góc độ đồng thời chụp bản thân, là du khách trẻ Nhật Bản.
Dùng điện thoại di động tự chụp xong lập tức post lên Facebook, là du khách Mỹ.
Không biết công tắc máy ảnh của mình ở đâu, là du khách Nga.

4. Trong nhà thờ:
Mặt trơ trơ nghe hướng dẫn viên thuyết minh, sau đó mặt trơ trơ ra ngoài hút thuốc, là du khách Trung Quốc trung niên và cao tuổi.
Hết sức cảm động, thầm thề rằng trở về nhất định phải tin thờ đạo Cơ đốc, là du khách Trung Quốc thanh thiếu niên, thích văn hóa nghệ thuật, chuộng mới mẻ duy mỹ.
Ảo tưởng làm tình trong nhà thờ, là du khách Mỹ.
  
5. Trong quán cafe:
Đứng uống một hơi hết tách cafe nóng bỏng đậm đặc rồi đi, là du khách Ý.
Một tách cafe, một miếng bánh kem, một điếu thuốc lá ngồi nửa ngày trời, là du khách các nước châu Âu khác.
Gọi Coca-Cola, là du khách Mỹ.
Gọi nước sôi, là du khách Trung Quốc.


(Internet)

27.5.14

Ấn tượng Đặng Lệ Quân


Năm 1994 trong ngày đám cưới, tôi rất muốn ném cho chị bó hoa màu sâm banh ôm trên tay, vì tôi cho rằng chị là người được chọn thích hợp nhất, tôi muốn trao phần không khí mừng vui này đến tay chị, nhưng tôi không biết chị ở đâu.

Sau đám cưới không lâu cùng bạn bè tụ tập uống trà ở khách sạn Grand Hyatt, nhận được điện thoại của chị gọi đến. “Chị đang ở đâu? Em muốn ném bó hoa cho chị, chị...” Tôi nói liên tiếp một lô xích xông, chị chỉ khẽ cười ở đầu dây bên kia: “Chị ở Chiang Mai, chị có một bộ trang sức hồng bảo thạch tặng em.” Đó là đối thoại cuối cùng của tôi và chị.

Năm 1980 chị ở Los Angeles, tôi ở San Francisco, chị lái xe đến thăm tôi, chúng tôi cùng dạo cửa hàng bách hóa, thật ra cả hai cũng không thật sự muốn mua đồ. Lúc sắp ra cửa, chị bảo tôi đợi một chút, hóa ra chị chạy đi mua một chai nước hoa tặng tôi. Chúng tôi uống ly nước, chị không kịp ăn cơm tối liền vội lái xe về. Đó là lần đầu tiên chúng tôi hẹn nhau gặp mặt, hai người đều không quen thân lắm, cũng không biết nên nói những gì, nhưng tôi lại bị thành ý kết bạn của chị làm cảm động sâu sắc.

Quan hệ qua lại với chị không xem là mật thiết. Chị rất thần bí, nếu chị không muốn bị quấy rầy, bạn chẳng thể nào liên lạc được với chị. Chúng tôi tán thưởng lẫn nhau. Mức độ tán thưởng đối với chị là – bạn trai thay lòng đổi dạ nếu đối tượng là chị, tôi quyết không để bụng.

Số lần cùng chị gặp mặt không nhiều, năm 1990 đến Paris du lịch, lúc đó chị cư trú tại Paris, đó là quãng thời gian khá dài mà tôi và chị ở bên nhau. Vì bản thân ở Paris, không có gánh nặng danh tiếng, chúng tôi đều rất tự do tự tại bộc lộ tính tình thật của mình. Tôi hẹn chị đến đại lộ Champs-Élysées uống cà phê vỉa hè, ngắm người đi đường qua lại, hưởng thụ sự tình tứ lãng mạn của Paris về đêm. Chị cũng mời tôi đến nhà hàng Pháp La Tour D'argent ăn món vịt độc chiêu ở đó.

Nhớ đêm đó chị và tôi đều chú tâm trang điểm, cả hai mặc váy áo mới mà ban ngày shopping về, tôi mặc chiếc váy ngắn hai dây Emporio Armani dáng suông màu đen óng ánh, trên cổ đeo chuỗi dây chuyền trân châu Chanel. Chị mặc lễ phục dài chấm gối, tuy đen tuyền, nhưng kiểu dáng và chất liệu của trang phục thứ lớp rõ ràng. Váy ren xếp ly, eo thắt dây đoạn đen, đặc biệt là áo voan đen điểm xuyết rất nhiều chấm bi thêu cùng màu, như ẩn như hiện. Điều khiến tôi kinh ngạc nhất là chị rất đỗi tự tin không mặc gì bên trong cả, suốt đêm tôi đều không dám chính diện nhìn thẳng trước ngực chị.

Chúng tôi đi vào nhà hàng, còn chưa ngồi yên chỗ, đã nghe sau lưng tiếng khay dao nĩa loảng xoảng rơi đầy đất, tôi nghĩ, waiter này nhất định cảm thấy ảo não muôn phần vì sự sơ ý của mình. Chị lại không nhịn được cười trộm: “Em xem, chú nhóc ấy nhìn thấy chúng ta đã kinh ngạc bởi vẻ diễm lệ đến nỗi cầm không chắc khay chén.”

Có mấy lần ăn cơm ở nhà hàng, nghe nghệ sĩ dương cầm đàn khúc nhạc tuyệt hay, chị đích thân mời một ly sâm banh, khen ngợi vài câu. Đối với tất cả những người phục vụ mình chị đều nhã nhặn lịch sự, trong túi áo luôn đựng đầy tiền giấy một hai trăm franc để làm tiền boa mọi lúc, tôi thấy số lần chị cho quá nhiều, đổi một số tờ năm mươi cho chị, chị kiên quyết không nhận.

Lần nọ trên xe chị lấy ra một băng cassette (lúc ấy còn chưa có đĩa CD) mở cho tôi nghe, bên trong có ba bài hát thành danh được chị thu âm lại hoàn toàn mới, thì ra quãng thời gian đó chị học thanh nhạc ở Anh, chị rất nghiêm túc giải thích với tôi cách hát vận dụng đầu lưỡi và cổ họng làm sao để tiếng hát mượt mà hơn. Đối với kẻ không có tế bào âm nhạc như tôi, tuy nghe không hiểu, cũng không nhận ra có gì khác biệt với bài hát trước đây, nhưng tôi cảm thấy kính phục sâu sắc trước tinh thần theo đuổi hoàn mỹ, đã hay còn mong hay hơn của chị.

Một hôm đến nhà chị ăn cơm trưa, xe dừng ở bãi đậu xe dưới tầng hầm cao ốc, ở đó trống không chẳng có một ai, đi qua mấy hành lang gấp khúc, cũng lạnh tanh vắng vẻ. Ra khỏi thang máy bước vào căn hộ chung cư tọa lạc trong khu nhà ở cao cấp tại Paris của chị, vừa vào cửa, giữa phòng khách kê một chiếc bàn gỗ tròn, nền nhà lát đá cẩm thạch màu ghép hoa, trần nhà hình như có ngọn đèn thủy tinh. Hôm ấy ăn bún gạo xào thanh đạm, một cô giúp việc người Trung Quốc chăm sóc chị. Mộng tưởng xưa nay chính là có một căn hộ chung cư nhỏ ở Paris, căn hộ chung cư này ở Paris của chị so với mơ ước của tôi càng hoàn mỹ. Nhưng điều tôi cảm nhận được lại là nỗi cô đơn vắng vẻ.

Những ngày ấy, chúng tôi đã nói những gì không còn nhớ lắm, chỉ nhớ rằng đã tiêu hao thời gian vui vẻ ở Paris.

Kết thúc chuyến đi Paris vui vẻ, chúng tôi cùng về Hong Kong, trên máy bay tôi hỏi chị một thân một mình bên ngoài, không cảm thấy buồn tẻ hay sao? Chị nói thầy bói bảo số mệnh của chị định sẵn phải rời xa quê hương, như thế tương đối tốt cho chị.

Máy bay từ từ hạ cánh xuống Hong Kong, dây thần kinh của chúng tôi cũng dần dần bắt đầu căng thẳng, chị đề nghị chúng tôi chia nhau xuống máy bay, tôi bảo chị đi trước. Ngày hôm sau toàn Hong Kong báo chí đều đăng trên trang nhất cả bài dài, đưa tin chị về Hong Kong.

Đêm trước năm 2013, tôi đi nghỉ mát ở Nam Phi, vì không ngủ được, vén rèm cửa sổ, ngoài cửa sổ sao đầy trời, vây quanh vầng trăng màu cam che phủ một tầng sương mỏng, ý thơ dào dạt, tôi nhớ đến chị, trong miệng khẽ hát bài “Ánh trăng nói hộ lòng em.”

Chị đột ngột ra đi, tôi buồn bã hụt hẫng, cứ cảm thấy tình bạn của chúng tôi vẫn chưa kết thúc.

Những năm qua chị thường hiện ra trong giấc mơ của tôi, chị trong mơ giống chị ngoài đời – một người phụ nữ tựa như câu đố. Điều kỳ diệu là, trong mơ, người đời đều cho rằng chị đã lên thiên đường, chỉ riêng tôi biết chị vẫn còn ở chốn nhân gian.


(Lâm Thanh Hà)

Bốn thành phố

Có bốn thành phố đang trong cơn khủng hoảng, mỗi thành phố người dân đều sắp chết đói, mỗi thành phố chỉ còn lại một túi hạt giống.

Ở thành phố thứ nhất, chẳng ai biết hạt giống có thể làm gì, chẳng ai tìm hiểu trồng chúng ra sao. Cuối cùng, tất cả mọi người đều chết đói.

Ở thành phố thứ hai, có một người nhận biết hạt giống, hiểu rõ cách trồng, nhưng do nguyên nhân nào đó, chẳng làm gì cả. Cuối cùng, tất cả mọi người đều chết đói.

Ở thành phố thứ ba, có một người nhận biết hạt giống, hiểu rõ cách trồng. Ông ta đề nghị trồng chúng, nhưng lấy việc ông ta trở thành nhà thống trị làm điều kiện trao đổi. Sau đó, tất cả mọi người đều có thức ăn, nhưng chịu ách thống trị.

Ở thành phố thứ tư, có một người nhận biết hạt giống, hiểu rõ cách trồng. Ông ta không những gieo hạt, mà còn dạy từng người kỹ thuật trồng trọt. Sau đó, trong thành phố này người người đều có thức ăn, người người đều hưởng tự do và quyền lợi.


(Ban Siêu)

26.5.14

Hôn nhân Tây Tạng (13)


Zhoigar:

Lần này về nhà, phát hiện sức khỏe của mẹ yếu đi nhiều, bệnh đau tim phát tác liên tiếp hơn, khi sau lưng không người, thường thấy mẹ ấn ngực ngồi xổm trên đất, mãi một lúc mới thẳng lưng lên được, sau mỗi lần sắc mặt đều trắng bệch. Cha nói mẹ đã uống rất nhiều thuốc Tạng, nhưng chẳng có tác dụng. Mùng tám, mười lăm hàng tháng bà nội đều mời sư sãi đến nhà niệm kinh. Gyatso nói với cha, tốt nhất để mẹ lên bệnh viện huyện tìm bác sĩ người Hán khám thử, bệnh tim kéo dài sẽ có chuyện lớn. Cha nói: “Đây là bệnh cũ của bà ấy, lúc trẻ đã có, cứ khỏe một thời gian đau một thời gian, không có gì nghiêm trọng.” Cha nói như thế, khiến Gyatso cũng không tiện nói nữa.

Hôm nay vào bếp rót nước, thấy mẹ lại ngồi xổm trên đất trước lu nước, ôm ngực, trên trán mồ hôi lạnh đầm đìa, vội bước tới dìu, gọi lớn: “Gyatso, mau vào đây, bệnh của mẹ tái phát rồi.” Gyatso và cha đều gấp gáp chạy vào.
 
Tôi bảo Gyatso giúp tôi dìu mẹ đến trên ca-điểm bên bếp, đỡ mẹ nằm xuống, vội rót một ly nước để cha đưa đến bên miệng mẹ, Gyatso thì vừa giúp mẹ lau mồ hôi vừa nói: “Dạng này kéo dài không được, nên đi bệnh viện thôi!”

Mẹ uống chút nước, sắc mặt hơi đỡ, nói: “Không sao, qua một lát sẽ hết!” Tôi biết mẹ sợ tốn tiền. Trong núi lớn kiếm tiền khó khăn là chuyện ai cũng biết, nhưng dù sao cũng không thể vì tiền không cần mạng. Tôi chảy nước mắt khuyên mẹ: “Cứ nghe ý kiến của Gyatso, đến bệnh viện khám đi mẹ!” Mẹ không nói. Cha ở một bên lắc đầu bảo: “Bác sĩ người Hán làm sao tin tưởng được? Họ xảo quyệt, gạt tiền của chúng ta lại không trị bệnh! Hơn nữa mẹ con nằm viện, gia đình này của chúng ta làm thế nào? Vẫn là tìm bác sĩ trong làng đến khám.” Ở chỗ chúng tôi, có bệnh tìm Tạng y là tập quán từ xưa đến nay. Từ nhỏ đã biết cha không thích người Hán, luôn nói người Hán quá thông minh, quá nhiều mánh khóe. Trước đây mỗi lần cha nói câu này đều là sau khi uống rượu, mẹ luôn ở một bên lặng lẽ không nói bận rộn làm việc, sau đó lục chiếc đồng hồ đeo tay kiểu cũ kia ra thẫn thờ. Giờ đây, chiếc đồng hồ ấy đeo trên cổ tay của tôi, có lần Gyatso nói đùa với tôi, tôi đeo món đồ cổ nhãn hiệu Thượng Hải trên tay, phải chăng chuẩn bị đem làm của báu gia truyền. Hôm nay khi cha một lần nữa nói ra: “Bác sĩ người Hán làm sao tin tưởng được? Họ xảo quyệt, gạt tiền của chúng ta lại không trị bệnh!”, mẹ vẫn cúi đầu, tóc bạc bên mai nhẹ rung. Thời khắc đó, tôi thật sự cảm thấy mẹ đã già, lưng hơi còng, nếp nhăn trên trán ngang dọc, gò má thêm nhiều vết nám, đôi mắt ưu sầu giờ đây sắc buồn càng đậm đến nỗi không tiêu tan được.

“Không cần tìm bác sĩ, thuốc lần trước vẫn chưa uống hết mà. Bệnh cũ, chịu một chút sẽ qua!” Mẹ nói, nhổm người đứng dậy.

Tôi nhìn mặt mẹ, tuy hơi nhợt nhạt, nhưng đã khôi phục bình tĩnh. Mẹ bước tới cầm cái gáo lên, lại bắt đầu bận rộn.
  
Tôi ngắm bóng lưng của mẹ, xót xa. Mẹ trong ký ức luôn nín nhịn, mẹ giấu tất cả tâm sự trong lòng mình, chăm lo gia đình này bằng nết cần cù chất phác vốn có của phụ nữ Tạng, ngày này qua ngày khác năm này qua năm khác, xưa nay chưa từng thấy mẹ tranh cãi với ai hay thậm chí to tiếng nói chuyện, đối với bà nội, đối với cha, đối với các con, mẹ đều trầm mặc, trên mặt mãi mãi là biểu cảm không vui cũng không buồn. Thế nhưng, lúc không người, mắt mẹ nhìn về hư không, chất chứa quá nhiều tâm sự.

Cha trở về giếng trời uống rượu, tôi và Gyatso thì về phòng, tôi chán nản ngồi bệt xuống ca-điểm. Anh nhìn tôi một lát, đột nhiên nói: “Sự hiền thục của mẹ em có thể nói là mẫu mực của phụ nữ Tạng. Em có cảm thấy không? Lời nói của cha em quá đỗi làm tổn thương mẹ em, dù có đi khám bác sĩ người Hán hay không, cũng không nên nói như thế, quá khiến mẹ đau lòng, em nên khuyên cha, bệnh của mẹ không thể kéo dài thế này, chỉ niệm kinh suông chẳng có tác dụng gì đâu.”

“Em từng khuyên cha, cha không nghe mà. Cha vẫn luôn không thích người Hán, cứ nói người ta sẽ gạt cha. Ôi…”
  
“Thời đại nào rồi, còn có cách nghĩ kiểu này? Người Hán không phải là người ư? Thế tại sao cha vẫn hút thuốc của người Hán? Mặc quần áo của người Hán?”

“Em cũng hết cách, anh cho rằng em không sốt ruột à, nhìn thấy mẹ đau đớn như thế, em cũng buồn lắm…”

Lúc này, mẹ đẩy cửa bước vào, nói: “Zhoigar, con cùng mẹ xuống thăm đàn bò, có một con bê không bú sữa, chẳng biết có phải bị bệnh không!”

“Vâng, thưa mẹ!” Tôi đứng dậy khoác tay mẹ, tựa vào mẹ giống như lúc nhỏ.

Mẹ không đi ra ngay mà nhìn Gyatso, khẽ nói: “Gyatso, con là một đứa con ngoan, lần này thấy các con về, tương thân tương ái, mẹ cũng yên tâm. Zhoigar là đứa con gái duy nhất của mẹ, từ nhỏ được nuông chiều, con phải thông cảm cho nó nhiều một chút. Đàn ông xông pha bên ngoài là chuyện nên làm, nhưng bất cứ lúc nào, đều chớ quên người phụ nữ sau lưng đang chờ con về nhà.”

“Thưa mẹ, con sẽ không quên!” Gyatso thoáng nhìn tôi, nói.

“Như vậy là tốt, mẹ cũng có thể yên tâm đi rồi!”

“Mẹ…” Tôi lắc cánh tay mẹ, nũng nịu gọi, “Mẹ muốn đi đâu vậy?”

“Ồ…” Mẹ quay đầu nhìn tôi, thần sắc thoáng hoảng hốt, sau đó nói: “Mẹ nói nhầm, là sau khi các con ra về, mẹ cũng yên tâm rồi!”
     
“Mẹ ơi, con rất tốt. Ở…” Tôi liếc Gyatso, làm mặt hề với anh, nói: “Ở nhà họ, họ đều rất tốt với con, mẹ yên tâm nhé!”

“Tốt tốt tốt, như vậy là tốt lắm. Chúng ta đi thôi, đi xem bê con thế nào.” Mẹ kéo tôi, ra cửa xuống lầu đến chuồng gia súc.

Thêm cỏ trước mặt mỗi chú bò, bê con cũng rất khỏe, đang rúc vào bụng bò mẹ bú sữa. Mẹ kéo tôi ngồi trên đống cỏ khô, nói: “Zhoigar, nói thật với mẹ, anh em họ thật sự đối xử tốt với con chứ?”

“Mẹ à, họ thật sự rất tốt với con.” Tôi phủ phục trong lòng mẹ, đầu đặt trên đầu gối mẹ. “Cha mẹ anh ấy là người tốt, rất thích con. Tashi cần cù, đối với con đặc biệt tốt; Namgyal rất hoạt bát, nhưng không biết làm việc cho lắm; Gyatso buôn bán ở Lhasa, hơi bận.”

“Nói như thế, con đã có ba người chồng rồi?”
  
“Dạ phải, mẹ ơi, con đối với ba người họ, rất là khó xử, sợ xử lý không tốt sẽ khiến anh em họ oán hận lẫn nhau, đến lúc ấy con sẽ trở thành người vợ tồi.”

“Ôi, nhanh như vậy đã có ba người chồng rồi. Con ơi, thật làm khổ con!” Mẹ dùng ngón tay nhẹ nhàng chải mái tóc của tôi. “Con thích ai nhất?”

“Gyatso.” Tôi chẳng nghĩ ngợi gì đã trả lời. Trước mặt mẹ, tôi chân thực, trong suốt, tâm sự của tôi có thể giấu giếm bất cứ ai, chỉ không thể giấu mẹ. “Con nghĩ con thích anh ấy nhất.”

“Nhớ kỹ, con không được để người nào nhìn ra con thích Gyatso nhất, nếu không gia đình của con sẽ rối loạn, con hiểu không?”

“Hiểu ạ, mẹ ơi, con đều để trong lòng, chẳng ai nhìn ra đâu.”
  
“Zhoigar, con biết mẹ lo lắng cho con dường nào, sợ con xử lý không tốt quan hệ với người nhà gây ra phiền phức. Mẹ từng âm thầm nhờ người nghe ngóng tin tức của con, họ đều nói Gyatso không cần con nữa, nghe được lời này con biết mẹ đau lòng xiết bao không?” Mẹ nói đến đây, giọng hơi nghẹn ngào.

Tôi trở người, vẫn nằm trong lòng mẹ, hít sâu một hơi, mùi quen thuộc, mùi chỉ có mẹ mới có. Nhìn gương mặt in đầy dấu vết năm tháng của mẹ, tức khắc cũng có chút thương cảm, nhưng vẫn cười nói: “Mẹ ơi, Gyatso hơi bận, hơi ít về nhà. Nhưng sao lại bị đồn thành không cần con nữa chứ? Đừng tin những lời vớ vẩn ấy, con gái mẹ xinh đẹp thế này, đảm đang thế này, anh ấy làm sao có thể không cần con nữa chứ?”

Nghe tôi nói như vậy, mặt mẹ cuối cùng cũng có đôi chút sắc vui, vỗ má tôi nói: “Con đó, vẫn giống như hồi nhỏ. Sắp làm mẹ rồi, cũng nên khôn lớn!”

“Mẹ…” Tôi xoay người, hai tay vòng ôm eo mẹ, vùi mặt sâu hơn vào lòng mẹ.
 
Tôi nhớ thuở nhỏ, mỗi lần cho bò cừu ăn xong, tôi đều cùng mẹ ngồi tựa vào nhau thế này một lát, có lúc mẹ giúp tôi gãi lưng, có lúc giúp tôi bắt chấy trên đầu. Lúc nhỏ tôi không thích gội đầu, mỗi lần gội đầu luôn la hét thật to, mượn lời mẹ nói là “giống như đang giết tôi vậy!” Chẳng giống bây giờ, gả đến một nơi có suối nước nóng, tắm gội đến ghiền luôn, mỗi ngày không tắm người sẽ ngứa ngáy.

Vừa nghĩ đến suối nước nóng, liền cảm giác trên lưng có chút không ổn, về nhà sắp nửa tháng rồi, vẫn chưa tắm. Mẹ thò tay qua cổ áo xuống lưng tôi, giống như hồi nhỏ, tỉ mỉ gãi từng tấc da thịt trên lưng tôi, vừa gãi vừa xoa, tôi giống như bê con bú sữa cứ “ừm ừm”, thoải mái nhắm mắt.

“Mẹ à, có một chuyện con vẫn muốn hỏi mẹ!” Tôi trở người, nằm sấp trên đùi mẹ. Sờ chiếc đồng hồ trên cổ tay, dây đeo vẫn rất lỏng, có thể xoay tới xoay lui. Xem ra, cuộc sống hôn nhân không hề vỗ béo tôi được chút nào. Ai bảo phụ nữ Tạng vừa đám cưới đã phát tướng? Tôi chính là ngoại lệ, so với trước khi đám cưới, ngược lại đã gầy hơn.

“Con muốn hỏi cái này phải không?” Mẹ đăm đăm nhìn chiếc đồng hồ ấy.
    
“Mẹ ơi, mẹ biết con muốn hỏi gì sao?” Tôi ngoẹo đầu nhìn mẹ, dẩu môi.

“Mẹ là mẹ của con, con nghĩ gì còn không biết được à?” Mẹ nhìn tôi, một tia sáng xuyên qua ô cửa sổ nhỏ chiếu trên mặt mẹ, làn da ửng hồng toát ra ánh sáng nhàn nhạt. Mẹ vẫn luôn xinh đẹp. Vẻ đẹp của mẹ chẳng phô trương chút nào, yên tĩnh mang một chút ưu sầu. “Chiếc đồng hồ này là một chú bác sĩ người Hán họ Trác tặng mẹ. Lúc đó mẹ còn trẻ, cỡ như con bây giờ, cũng thích hát thích múa. Bác sĩ Trác đến làng chữa bệnh lưu động, đã trị dứt bệnh đau đầu của bà ngoại con. Mỗi lần chú ấy tới, trên xã đều sắp xếp chú ở nhà ngoại, chú thích nghe mẹ hát, bảo tiếng hát của mẹ vừa cất lên, chú mệt mỏi đến đâu cũng không cảm thấy mệt nữa. Mỗi lần chú ra ngoài khám bệnh, mẹ đều giúp chú xách thùng thuốc, buổi tối cùng dẫm lên ánh trăng trở về.”

Trên mặt mẹ lộ ra nụ cười hiếm có, trong mắt cũng có ánh sáng, khi chìm đắm vào chuyện xưa mẹ thật sự rất đẹp.

“Mẹ ơi, mẹ… mẹ yêu bác sĩ Trác đó phải không?”
 
Mẹ nhìn tôi, mỉm cười. “Mẹ không biết tình cảm của mẹ và chú ấy có phải là tình yêu mà các con nói hay không? Chỉ biết chú là người đàn ông suốt đời này mẹ cũng không quên được!”

“Mẹ ơi, vì sao mẹ không sống chung với chú ấy?”

“Mẹ và chú vốn đã ước hẹn phải ở bên nhau, đợi khi chú giải ngũ sẽ cùng chú về quê của chú, kết quả ngày thứ ba ông ngoại con đã gả mẹ cho cha con.” Mẹ nói đến đây, giọng hơi khàn.

“Mẹ… Bác sĩ Trác có biết mẹ gả cho người khác không?”
    
“Năm ngày sau mới biết, chú đến tìm mẹ, bị cha con dẫn người đánh cho một trận, sau khi về liền xin điều đến một trạm gác rất hẻo lánh ở Ngari.”

“Hai người không gặp lại sao?”

“Gặp một lần. Đó là sáu năm sau, chú đến huyện nhập thuốc, tìm được bà ngoại con, kiên trì van xin bà ngoại cho mẹ và chú gặp mặt một lần. Bà ngoại con thấy tội nghiệp, cũng cảm kích ơn cứu mạng của chú, bèn nhờ cậu con đến đón mẹ, giữa đường cậu con nói cho mẹ biết chú ấy chờ mẹ ở đầu cầu Nyima trên huyện, bảo mẹ mau đi. Lúc ấy ở chỗ chúng ta chưa có đường cái, mẹ chạy một ngày một đêm trong núi mới đến đó, chú vẫn đợi ở đầu cầu, vừa đen vừa gầy, râu mọc dài, quân trang mặc trên người chú rộng thùng thình. Nhưng… nhưng mẹ vẫn thoáng nhìn đã nhận ra chú.” Kể đến đây, cả người mẹ đều tỏa sáng, trên mặt tràn trề vẻ thẹn thùng như thiếu nữ. Ngừng một lát, mẹ mới nói: Chiếc đồng hồ này chính là lần đó chú tặng mẹ, nói nhờ người mua từ quê, người ta không biết chú cần một chiếc đồng hồ nam một chiếc đồng hồ nữ, mua hai chiếc đều là đồng hồ nam. Mẹ và chú mỗi người một chiếc, nói mãi mãi không vứt bỏ.”

“Sau đó thì sao? Hai người không liên hệ nữa ạ?”

“Nghe nói chú đã về quê, tình hình cụ thể không cách nào nghe ngóng được!”

“Mẹ…” Tôi ôm eo mẹ, chẳng biết nói gì cho phải. Thảo nào những năm qua mẹ luôn trầm mặc, dù cha nổi nóng thế nào, mẹ vẫn lặng lẽ không nói. Thì ra, trong thâm tâm mẹ ẩn giấu bí mật lớn như thế.

Ắt hẳn người đàn ông ấy mới là nguồn vui của mẹ?

Người không hiểu rõ nội tình sẽ cho rằng người phụ nữ trong gia đình anh em cùng vợ rất bừa bãi, có thể lên giường với bất cứ người chồng nào. Nói thật, khi chúng tôi còn trẻ, không thiếu cơ hội ở chung với cánh đàn ông, nhưng thật sự đi vào nội tâm chúng tôi lại chỉ có một người, cánh cửa trái tim trước sau chỉ rộng mở vì một mình người ấy. Giống như mẹ, tuân theo sắp xếp của trưởng bối gả cho cha, trong lòng lại thủy chung chỉ có chú bác sĩ họ Trác đó, suốt đời suốt kiếp.

“Còn không lên nấu cơm à?” Trên lầu bỗng truyền đến tiếng gọi của cha.

“Con xem chúng ta nói chuyện đến quên cả thời gian luôn.” Mẹ nhìn ngoài cửa sổ, sắc trời đã tối.

Đứng dậy, mẹ giúp tôi nhặt vụn cỏ trên người, kéo tôi đi lên lầu.


Nhà Rinchen ở làng dưới, đi đường núi khoảng mười lăm phút. Ăn cơm tối xong, tôi và Gyatso đi thăm anh.

Bước trên đường núi nhỏ hẹp, chúng tôi tùy ý tán gẫu.

“Nghe nói năm xưa nhà họ còn chuẩn bị cưới em phải không?” Gyatso xách hai túi trà bánh theo sau tôi.

“Phải, Rinchen đã nói như thế. Đáng tiếc anh ấy còn chưa nói với người nhà, nhà các anh đã cưới em trước rồi.”

“Hối hận không?”

“Hối hận!”

“Em nói gì?” Anh kéo eo tôi, xoay tôi lại. Nhìn thấy nụ cười trên mặt tôi, mới biết mình đã mắc lừa. “Em trêu anh à?”

“Xí, ai trêu anh chứ!” Tôi lườm anh một cái, quay người muốn đi. Tuy nói nơi này là núi lớn, không có dòng người qua lại, nhưng chỗ chúng tôi đang đứng là trên sườn dốc giữa hai làng trên dưới, tầm nhìn khá tốt. Một nam một nữ đứng trên bờ ruộng thế này, có ám muội quá hay không?

“Em thật sự không hối hận chứ?” Anh hơi dùng sức, tôi đã lọt vào lòng anh.

“Em có nói em không hối hận sao?” Tôi nhếch môi cười. “Còn không buông em ra, người ta đang nhìn chúng ta đấy!”

“Mặc kệ họ. Em hối hận chuyện gì?” Anh không hề có ý buông tôi ra, ngược lại cánh tay siết chặt hơn.

“Hối hận gả đến nhà các anh đó!” Không kéo cánh tay anh ra được, dứt khoát không vùng vẫy nữa, chẳng chút tỏ ra yếu đuối ngẩng đầu nhìn anh.

“Vì sao?” Anh lim dim mắt cúi đầu nhìn tôi.
  
“Anh không cần em mà, cứ không về nhà!” Tôi nhìn anh, thấy mắt anh dần dần dâng lên một vệt âm u, tôi hít sâu một hơi, e mình đùa quá trớn, vội nói: “Được rồi được rồi, em trêu anh đấy, mau buông em ra!”

Tôi chưa nói xong, anh đã cúi xuống, hôn tôi, rất đỗi mãnh liệt, không màng tất cả, đầu lưỡi bá đạo cạy môi răng tôi ra, mặc ý quấy rối trong miệng tôi. Con người này, thân mật cũng không coi nơi, sao lại có thể ở đây chứ? Người ở cả mấy sân phơi hai làng trên dưới đang nhìn chúng tôi kia mà. Tôi vặn vẹo, muốn đẩy anh ra, nào ngờ cánh tay anh ngược lại siết càng chặt.

Ôi, tùy anh vậy. Tôi không vùng vẫy nữa, thả lỏng thân thể, mặc anh ôm, nghênh đón nụ hôn của anh.
  
Khoảnh khắc nhắm mắt, nhìn thấy mặt trời chiều lặn về tây đang xuyên qua tóc anh, nhuộm chúng tôi thành màu vàng óng.

Anh mút tới mút lui đầu lưỡi và đôi môi tôi, y hệt một đứa bé tham ăn, cực kỳ bá đạo, cực kỳ ngông nghênh, hoàn toàn không cho tôi cơ hội thở lấy hơi.
  
Cuối cùng, anh buông tôi ra, nhìn mắt tôi, lẩm bẩm: “Không phải anh không muốn có em, anh quá muốn có em, quá muốn quá muốn có em, em không hiểu đâu, vợ ơi…” Anh lại bá đạo hôn tôi.

Ôi, lần này hay rồi, chả cần đến năm phút, tin tức vợ chồng Zhoigar hôn nhau trên đường núi sẽ truyền khắp cả làng. Tôi nghĩ như thế, hai tay bất giác ôm lấy cổ anh. Mặc kệ, anh là chồng mình, không phải sao? Là người chồng mình thích. Những ngày ấy, mình chẳng phải cứ luôn mong ngóng có một ngày thế này, có thể được anh ôm, tựa vào lòng anh hay sao? Lúc này, trong mắt anh viết rõ tình yêu đối với mình, điều này đã đủ rồi, bao nhiêu nước mắt đều xứng đáng.
   
Hạnh phúc, vào xế chiều hôm đó, đột ngột tràn trề cả con người tôi.

Nhà Rinchen ở làng dưới, cha anh có lương hưu, hai chú một người ở nhà làm việc, một người ở Lhasa làm công, điều kiện cuộc sống xem như khấm khá hơn các gia đình khác. Anh không đến thăm tôi cũng có thể hiểu được, ai xảy ra chuyện này đều cảm thấy chẳng có mặt mũi gặp người khác. Kể qua với Gyatso chuyện của tôi và Rinchen, thật ra đó cũng không thể xem là câu chuyện, trò chơi của hai đứa con trai con gái thuở bé vô tư hồn nhiên mà thôi. Nhưng cũng vì những chuyện cũ thơ ngây này, tôi càng cảm thấy áy náy với Rinchen vì đã giúp Chongtsong đào hôn.
   
Chiều nay quả thật không thích hợp gặp Rinchen, vì lòng tôi đầy ắp mật ngọt, hạnh phúc đến đột ngột khiến tôi quá đỗi vui mừng, bước chân cũng hơi lâng lâng. Tôi không biết đã đi qua đoạn đường đằng sau thế nào. Khi đến ngoài sân nhà Rinchen, thấy trên cửa sổ nhà họ còn lưu lại dấu vết làm đám cưới, rèm cửa mới, bên trên dùng mảnh vải khảm hình bát bảo cát tường, viền lá sen phía trên cửa sổ trắng tinh đẹp đẽ, chắc cũng mới thay không lâu. Tập quán ở chỗ chúng tôi, chưa đến năm mới, đều không thay những thứ này.

Chó giữ nhà nhìn thấy người lạ, sủa gâu gâu, em trai thứ hai của Rinchen xuống đón chúng tôi lên lầu.
  
Trong giếng trời gọn gàng ngăn nắp, trên dây phơi áo còn vắt mấy chiếc phổ-lỗ mới kiểu nữ, trên chiếc bàn nhỏ bên cạnh có một đôi giày hoa màu đỏ chưa thêu xong, nghĩ chắc đều là chuẩn bị cho cô dâu mới? Cảnh tượng thế này, trông sao mà quen thuộc. Ba ngày trước khi gả chồng tôi chạy về nhà chất vấn cha chẳng phải cũng nhìn thấy cảnh tượng thế này hay sao? Số mệnh của con gái, trưởng bối quyết định trong chớp mắt, nhưng cần con trẻ tự mình mò mẫm trải qua một đời.

Cha mẹ Rinchen đều có mặt, thấy chúng tôi, sắp xếp chúng tôi ngồi ở giếng trời, Gyatso đặt trà bánh trên bàn. Mẹ Rinchen hứng một bình rượu thanh khoa đem ra, cha anh rót cho chúng tôi mỗi người một ly.

“Chúng cháu đến thăm Rinchen, anh ấy ra ngoài rồi ạ?” Tôi uống một ngụm nhỏ rồi đặt xuống. Từ sau khi biết tôi mang thai, Gyatso bèn không cho tôi uống rượu nữa, nói người Hán bảo rượu không tốt cho em bé, bất kể lời anh nói có lý hay vô lý, tôi luôn vui lòng nghe theo.
  
Mẹ Rinchen chỉ về căn phòng bên cạnh, ý là Rinchen ở bên trong, khẽ nói: “Làm sao không biết ngượng mà ra ngoài cơ chứ? Vợ sắp cưới lại bỏ trốn, mất mặt lắm. Rinchen nhà bác kiếp trước đã tạo nghiệt gì, phải để cô gái đó sỉ nhục nó thế này?”

“Bác gái ơi, chuyện đã như vậy rồi, bác đừng buồn nữa. Cô ấy không biết tình hình nhà bác, không thể nói là cố ý sỉ nhục Rinchen.” Tôi nắm tay bà, quả thật chẳng biết an ủi bà thế nào mới phải.
  
“Zhoigar, hồi đó cháu chẳng phải cũng đám cưới như thế hay sao? Chẳng phải cũng tìm được một gia đình tốt hay sao? Cha mẹ nào không yêu thương con mình? Làm sao có thể tùy tiện gả con gái mình cho gã đàn ông không tốt kia chứ? Cháu bảo chúng ta ai chẳng trải qua như thế? Sao đến lượt cô ấy lại không qua được? Đã đính hôn còn bỏ trốn. Tình hình nhà bác cháu cũng biết, không tệ mà, cũng sẽ không để cô ấy thiệt thòi…” Mẹ Rinchen nói, nước mắt liền chảy xuống.

“Đừng như thế, bác gái ạ, buồn bực cũng chẳng ích gì. Cô ấy không có phúc vào cửa nhà bác, với điều kiện nhà bác, bác trai hoàn toàn có thể tìm một nàng dâu tốt khác về.”

“Xảy ra chuyện này, ai còn bằng lòng gả con gái đến nhà bác?” Cha Rinchen đang uống rượu với Gyatso thở dài, rầu rĩ nói.
    
“Bác trai, mỗi người đều có duyên phận của mình, chuyện này chỉ có thể nói cô ấy không có duyên với Rinchen, không miễn cưỡng được.”

“Ôi…” Cha Rinchen uống ực một ly, gương mặt vốn đã có chút say sưa càng đỏ gay.

Nhân lúc Gyatso và cha Rinchen uống rượu, tôi đến căn phòng nhỏ của Rinchen, thấy anh nằm trên ca-điểm, hai tay gối sau ót ngắm trần nhà ngẩn ngơ.

“Rinchen, không ngó ngàng đến em nữa ư?”

Anh thoáng nhìn tôi, nói: “Em đến rồi!”
  
“Rinchen, một cô gái đã đánh gục anh hay sao?” Tôi đi đến trước mặt anh, nhìn anh.

“Một cô gái vẫn chưa gặp mặt đánh gục anh đấy!” Anh bực bội nói.

“Cô ấy không phải đánh gục con người anh, mà là đánh đổ thể diện của anh. Rinchen, có đến nỗi thế không, Chongtsong là một cô gái tốt, cô ấy không cố ý, cô ấy chỉ sợ đám cưới, sợ đột nhiên phải đến một gia đình xa lạ sinh sống. Cô ấy không cố ý sỉ nhục anh, điều này anh còn không rõ hay sao?”
   
“Anh biết, anh cũng không trách cô ấy, chỉ cảm thấy hơi khó xử.” Anh ngồi dậy, ra dấu mời tôi ngồi xuống. “Biết vợ chồng em về rồi mà mãi vẫn không sang thăm em. Chắc em cũng thông cảm?”

“Anh không sao là được. Chongtsong là hàng xóm của chúng em, cô ấy thật sự là một cô gái tốt, áp lực mà cô ấy gánh chịu không hề ít hơn anh.” Tôi ngồi xuống, nghĩ đến Chongtsong cũng ở Lhasa, nói không chừng lúc nào sẽ chạm mặt. Nghĩ đoạn nói tiếp: “Rinchen, chẳng phải anh từng nói muốn yêu đương và tự mình kiếm vợ giống như người Hán ư? Do đó đừng trách Chongtsong được không? Cô ấy thân gái một mình, nếu không phải quả thật bị bức bách đến hết cách, làm sao có thể nỡ rời gia đình ra đi kia chứ?”
   
“Zhoigar, em thật là một vị Kim Cương Hợi Mẫu. Trở nên hiền lành thế này từ bao giờ?” Anh cười, nhìn tôi nói.

“Xí, làm như em ác lắm vậy?” Lườm anh một cái.

“Em không ác, em ngang ngược, hết sức ngang ngược.”

“Ăn nói quàng xiên.” Tôi suỵt anh một tiếng.

“Nghe em hai nói chiều nay hai người diễn một màn kịch thân mật trên sườn núi? Kỹ thuật của người ấy thế nào?” Anh bỡn cợt nháy mắt với tôi.
  
“Đi chết đi, anh…” Tôi đỏ bừng mặt. Toi rồi, cả cái người không ra cửa này cũng biết, cả làng trên dưới còn ai không biết nữa chứ? Đây mới là mất hết mặt mũi đó, nhìn ánh mắt chế giễu của anh, hận không thể tìm khe nứt trên đất chui xuống. “Em thích anh ấy, phải không?” Đột nhiên anh thu lại nụ cười, khẽ hỏi.

“Không nói với anh nữa.” Tôi đứng dậy, không muốn tiếp tục chủ đề này. “Rinchen, chúng ta ra dạo bên vách núi nhé, chỗ tảng đá lớn ấy, cùng em ra đó ngồi một lát.”

“Được, anh cũng lâu rồi không ra.” Anh đứng dậy, lại bổ sung một câu: “Từ sau khi em đi, anh cũng không ra đó nữa.”

Ánh trăng ban đêm rất sáng, tôi, Gyatso, Rinchen cùng đi về phía vách núi.

“Rinchen, em dự định ra sao?” Gyatso hỏi.

“Ngày mai em sẽ đi, về Lhasa.” Rinchen nói.

“Người già ở nhà làm thế nào?” Tôi hỏi.

“Có hai em trai ở lại, chắc không sao.”

“Em đi cũng tốt, ở lại nơi này chỉ tăng thêm thương cảm. Ở Lhasa có chuyện gì có thể tìm anh.” Gyatso vỗ vai Rinchen, nói cho Rinchen biết số điện thoại của mình.

“Ừ, anh Gyatso, đến Lhasa em sẽ liên hệ với anh.”
    
Bên vách núi có một tảng đá xanh lớn, lõm vào một mặt vách núi. Hồi nhỏ, tôi và Rinchen thường đến đây chơi. Còn nhớ có lần tôi làm mất cừu con, về nhà sợ bị đánh, bèn nấp ở đây một đêm, Rinchen cũng bầu bạn với tôi cả đêm; lần đầu tiên tôi dậy thì cũng là ở đây, nhìn thấy vết máu phía trên đùi, sợ đến la oai oái, tưởng rằng mình sắp chết; còn nữa, Rinchen cũng là ở đây lần đầu tiên nói với tôi muốn cưới tôi làm vợ, còn nhớ năm đó, tôi mười bốn, anh mười lăm.

Hang đá nho nhỏ này đã chất chứa quá nhiều ký ức đẹp đẽ của tôi.

Ba chúng tôi co ro trong hang đá bé tí, phía trước chưa tới năm bước là vách đá muôn trượng.

“Hai người có cảm thấy tôi hiện giờ đặc biệt đáng thương không?” Rinchen ôm đầu, buồn bã nói.

“Sao anh lại thế nữa? Cô ấy không biết anh mà.” Tôi hiểu nỗi khổ của Chongtsong, cũng rõ tình cảnh khó xử của Rinchen. Khi phương thức truyền thống và hạnh phúc cá nhân phát sinh xung đột, tôi không biết nên chọn lựa thế nào.
  
“Phương thức hôn nhân kiểu này vốn dĩ không hợp lý. Cô ấy chạy trốn, đối với em chưa chắc không phải là chuyện tốt, chẳng lẽ em thật sự muốn cưới một cô gái hoàn toàn không quen biết? Cùng chia sẻ tình yêu với anh em của em hay sao?” Lúc Gyatso nói câu này, thoáng nhìn tôi. Chẳng biết tại sao, tôi cứ cảm thấy câu này của anh không chỉ nói cho Rinchen nghe.

“Ở Lhasa, thấy người khác đều tự kiếm vợ, tự quyết định hôn nhân, cũng từng nghĩ. Nhưng không qua được cửa ải của cha, hết cách, đây chính là số mệnh của chúng tôi.” Rinchen nhìn dưới vách núi, ở đó sương mù dày đặc, anh ngừng một lát, sau đó hít sâu một hơi. “Được rồi, đừng nói chuyện này nữa, cha cũng đồng ý tôi đi Lhasa, ngày mai sẽ đi. Có lẽ, tôi sẽ gặp được người tôi yêu ở Lhasa, chúc phúc cho tôi nhé!”

Lúc trăng sáng sao thưa, chúng tôi mới chia tay, ai về nhà nấy. Rinchen nói sáng sớm ngày mai anh lên đường, không cần tiễn anh.
  
Khi về đến nhà, mẹ vẫn đang đợi. Nhìn thấy chúng tôi mẹ bảo: “Về rồi à, ngủ sớm thôi.” Tôi cùng Gyatso về phòng, giúp anh cởi áo khoác, rồi xuống bếp lấy nước cho anh rửa mặt. Tôi là như thế, bất cứ lúc nào, luôn nhớ mình là ai, nhớ chuyện mình cần làm. Không thể phủ nhận, đêm nay tâm trạng tôi vui vẻ, bước chân nhanh nhẹ, thậm chí muốn làm nũng để anh phục vụ tôi một chút. Nhưng chỉ là thử nghĩ mà thôi. Từ nhỏ mẹ đã bảo ban tôi, phụ nữ lúc nào cũng không được quên bổn phận của mình, khi đắc ý chớ vênh váo, khi thất vọng đừng lầm lì, tôi luôn ghi nhớ.

Lúc vào bếp, anh hai theo vào, kéo áo tôi một cái, khẽ nói: “Hôm nay anh lên núi, đã gặp Tashi!”

“Cái gì?”

“Em nhỏ tiếng một chút, nó không cho anh nói với em.”

“Tashi… đến rồi?” Tôi do dự nhìn mắt anh hai, có chút không dám tin. Tashi, một người chồng khác của tôi, lúc này nên ở nhà trông nom gia súc, chăm sóc cha mẹ kia mà.

“Phải, anh đã gặp, ở trên núi, còn nói chuyện với nó, nó bảo ra ngoài tìm bò yak, nhưng anh cảm thấy không giống, mời nó đến nhà ta, nó lại không chịu. Nói phải đi suốt đêm trở về. Nhờ anh giao cái này cho em.” Anh hai đưa cho tôi một chiếc túi nhỏ.

“Cái gì thế?” Tôi đón lấy mở ra, bột thanh khoa, hương thơm thoang thoảng, chắc là tsampa mới của năm nay.
    
Trời ạ, anh ấy điên rồi sao? Xa xôi như thế, đến gửi tôi một túi tsampa nhỏ! “Anh hai, anh không nói với người khác chứ?”

“Không. Tashi không cho anh nói.”

“Cảm ơn anh, anh hai!” Tôi cất tsampa vào tủ, đi lấy nước, nhưng lòng dạ cứ quay mòng mòng.

“Em gái, Tashi nó...” Anh hai ngập ngừng, bộ dạng nửa muốn nói nửa không muốn nói.

“Anh ấy làm sao?” Tôi quay mặt nhìn anh.

“Anh thấy khi nó đi về đã khóc!”

“Đã khóc?” Gáo nước rơi tõm xuống lu nước, “Tashi đã khóc? Tại sao?”
  
Anh hai không nói nữa, quay người đi ra. Bóng lưng ấy lại khiến mũi tôi cay cay, anh hai và Tashi ắt có đôi chút cùng bệnh thương nhau?

Bưng nước về phòng, tâm sự sóng sánh như nước.

Đặt trước mặt Gyatso, cởi vớ của anh đặt chân vào trong chậu, cái được cái chăng giúp anh rửa chân. Tashi đến rồi? Chỉ vì gửi cho tôi một túi tsampa? Lúc về còn khóc…

“Sao thế? Có tâm sự à?” Gyatso nâng cằm tôi, nhìn như nghiên cứu.

“Dẹp anh đi.” Tôi lấy khăn lau khô cho anh, bưng chậu nước sang một bên, đặt nệm xốp xuống đất, ôm mền chúng tôi mang đến định trải lên trên.

“Trải chiếc mền ấy xuống dưới, chúng ta đắp một chiếc mền được rồi. Chiếc mền ấy quá nặng, đắp lên thở không nổi.” Anh chỉ chiếc mền Tạng bằng lông cừu trên tay tôi nói.

“Chiếc mền kia của anh quá nhẹ, sẽ lạnh đấy.” Tôi vẫn không quen với mền bông tơ, quá nhẹ, đắp trên người chẳng có chút trọng lượng nào.

“Anh thêm trọng lượng cho em.” Anh bước tới, đón lấy chiếc mền, ghé bên tai tôi nói một cách ám muội.
    
“Dẹp anh đi!” Cảm giác trên mặt nóng bừng, không dám nhìn khuôn mặt nhăn nhở của anh, bưng chậu nước đi ra ngoài.

Khi rửa chân, cố ý rửa thật chậm, trong đầu hiện lên hình bóng của Tashi. Những ngày vừa qua thật sự không nhớ tới anh, những ngày vừa qua toàn bộ thân tâm bị Gyatso nhét đầy. Vừa nghĩ đến chuyện anh đã khóc, đột nhiên có chút áy náy. Tashi, người chồng một lòng một dạ yêu tôi, khi tôi uyển chuyển thừa hoan dưới người Gyatso, anh đang làm gì? Từ ngày đầu tiên đám cưới, tôi một lòng nghĩ đến Gyatso, nghĩ đến người chồng mình không nắm bắt được, xưa nay chưa từng nghĩ Tashi sẽ nghĩ thế nào, khi anh nhìn tôi phải chăng cũng vô vọng như khi tôi ngóng Gyatso.
   
Tôi biết Gyatso đang đợi tôi, cũng biết đêm nay dưới chiếc mền bông tơ nhẹ mỏng kia có ý vị gì. Nếu đổi vào bất cứ đêm nào trước đó, tôi đều sẽ nhiệt tình tiếp đón. Nhưng đêm nay, tôi đột nhiên chẳng có cảm xúc, không muốn thân mật với Gyatso. Nước mắt của Tashi khiến tôi nảy sinh ý nghĩ sớm về nhà.

Đều là chồng tôi, về tình về lý, tôi nên chăm lo chu toàn mới phải.

Khi về phòng, Gyatso đã phát ra tiếng ngáy, thầm thở phào, nhẹ nhàng cởi quần áo, rón rén chui vào mền, nằm kề anh mà ngủ.

Tashi lặn lội đường xa đưa tsampa đến khiến tôi khó xử. Lúc mang thai, tôi luôn thèm ăn bát tsampa mới, nhưng lại không dám ở trước mặt mọi người lấy ra túi bột đó nói là Tashi đưa đến cho tôi. May mà anh hai hiểu ý, trưa hôm sau, anh hai ở trước mặt mọi người lấy ra chiếc túi ấy, nói là gặp một người bạn đang xay bột ở nhà xay, nghe nói Zhoigar đã về, đặc biệt tặng anh một túi nhỏ, mang về cho em gái nếm thử bột mới.

Tôi đón bát tsampa anh hai đưa, hương thơm nhức mũi.

“Anh hai, tặng chiếc túi ấy cho em được không?” Gyatso cười nói.

“Được chứ!” Anh hai đưa chiếc túi cho Gyatso, “Loại túi da bò này em lấy làm gì?”

“Để đựng tsampa ạ. Em ở Lhasa, thỉnh thoảng muốn ăn nhưng trong quán cơm lại không có. Dùng túi đựng một ít, mang theo bên mình cũng tiện hơn.” Gyatso đón lấy, nhìn thoáng qua, cất vào trong người.

Gyatso chủ động đề nghị trở về, anh nói Lhasa còn có rất nhiều việc phải xử lý, chậm trễ lâu ngày không được.

Cha mẹ chuẩn bị cho chúng tôi rất nhiều quà tặng, cả nhà lớn nhỏ đều có, anh hai tiễn chúng tôi đến cửa núi. Khi chia tay, anh hai hỏi: “Em gái, tặng em một món quà có lấy không?”

“Lấy chứ. Cái gì vậy anh?” Tôi vui mừng nhảy nhót. Thấy tay anh hai giấu trong người, ở đó căng phồng. Hồi nhỏ khi anh lên núi, thường bắt những động vật nhỏ về, cũng giống như hiện giờ hỏi tôi có lấy hay không.
  
“Còn nhớ Toinzhub không?” Anh hai từ trong người móc ra một con Tạng ngao nhỏ kháu khỉnh bụ bẫm, “Con của nó.”

“Con của Toinzhub?” Tôi trợn tròn mắt, hưng phấn đón lấy ôm trong lòng.

“Ừ, tháng trước Toinzhub bệnh chết. Đây là ngao con mà nó để lại, chỉ có một con này thôi, anh nuôi sống bằng sữa cừu.”

“Toinzhub đáng thương!” Lần này về không thấy nó, thì ra nó đã… “Ôi… anh hai, cảm ơn anh tặng nó cho em!”
      
“Cảm ơn gì chứ? Toinzhub là chó ngao của em, anh biết em thích nó, đem con nó về đi.” Anh hai nhìn tôi thương yêu cười, sau đó xoay người nói với Gyatso: “Gyatso, đối xử thật tốt với em gái anh nhé, người khác đều nói nó là ma nữ chuyển thế, anh cảm thấy nó là tiên nữ chuyển thế mới đúng. Được rồi, hai em đi thôi.”

Gyatso và anh hai ôm nhau, rồi lên ngựa. Tôi cất ngao con vào người, cũng xoay mình lên ngựa, bước trên con đường về nhà quanh co khúc khuỷu.

Lúc sắp đến cổng nhà, Gyatso bỗng đứng lại. Lấy từ trên người ra chiếc túi kia đưa cho tôi. “Em trả lại cho Tashi đi.”

Tôi đón lấy. “Gyatso, em…”

“Không cần nói nữa, anh đều biết hết. Chiếc túi này là anh mua cho Tashi ở Lhasa, nó dùng đã năm năm, làm sao anh không nhận ra.”
  
“Gyatso, không phải em bảo anh ấy đến đâu!” Tôi yếu ớt nhìn anh, thật chẳng biết nói gì mới phải.

“Anh biết, nên anh nhờ em trả lại cho nó. Tashi rất tốt, các người… hãy sống thật tốt.” Anh nói xong, xoay người đi thẳng về phía trước.
  
Tôi nhìn bóng lưng của anh, thẳng tắp mà quyết liệt, nước mắt bất giác rơi lã chã. Anh thế này là ý gì? Trách tôi ư? Chúng tôi sống thật tốt? Còn anh? Từ “các người” chẳng lẽ không bao gồm bản thân anh sao? Tashi hay Namgyal, thậm chí sau này còn có anh em khác, đều là một phần tử trong “chúng tôi”, đây đều là số mệnh sắp xếp, định sẵn chúng tôi phải trở thành một tổng thể, đây không phải là chuyện mà tôi có thể chọn lựa.

Lau nước mắt, đuổi kịp bước chân của anh.


(Dorje Zhoigar) 

22.5.14

Miên Không (Trích đoạn: Mùa hè)




Thời tiết ngày càng nóng hẳn lên. Mua chậu lớn hoa dành dành và hoa nhài, đặt ở chỗ râm mát trong phòng khách, khi ngủ hương thơm thoang thoảng bên gối. Mưa buổi chiều, rào rào, rất nhanh đã tạnh. Sau giấc ngủ trưa ăn anh đào. Hoàng hôn chân trời luôn có ráng mây rực rỡ. Đêm khuya tiếng kêu của ếch xanh thoắt xa thoắt gần. Các cô gái rộn ràng diện váy liền chấm hoa. Mùa hè đã đến.

*

Trong vườn hoa lúc chiều hôm đám trẻ con vui đùa reo hò. Cô gái trẻ mặc váy voan, để lộ cánh tay và bắp chân, tóc đen dày tỏa ra hơi thở. Ngồi ngoài trời uống bia, tán gẫu, lưu luyến quên về. Mọi thứ mùi đều đang bốc hơi mãnh liệt. Dục vọng được bày tỏ hết mức, tính chất của nó là một kiểu thanh khiết. Mùa hè là mùa có ngoại hình gợi cảm mà nội tâm ngây thơ.

Tường vi dễ trồng, sức sống tràn trề, bò lan bốn phía trên giàn leo đầu tường, phiêu bạt chân trời, cuối cùng bắc thành túp lều hoa dày đậm. Cành hoa um tùm cần cắt tỉa trước khi kết nụ, hoang dại khó thuần. Ở quê nhà miền nam, nó có tên gọi thường ngày là thất tỉ muội (bảy chị em). Hoa rộ phơi phới, có lúc bảy đóa trổ trên cùng một cành. Thường nở như ráng mây nơi đầu tường, hương thơm nức mũi, là loài hoa hay gặp trong hẻm cũ.  

*

Mùa hè quen mặc áo một màu phối với váy vải cạp ngang eo, đây là phong cách tương đối cổ điển chính thống. Váy liền luôn được yêu thích. Trong tiệm may, đem vải mua ở Nepal và Ấn Độ may váy, chân váy xếp ly, viền lá sen, cổ tròn nhỏ, là kiểu váy thuở nhỏ từng mặc. Hồi ấy mẹ hay khâu hình hoa thêu lên cổ áo hoặc trước ngực.

*

Hoàng hôn ra ngoài tản bộ. Cây dâu lớn ven đường kết quả chi chít, sau khi quả chín mõm, rụng nát trên con đường lát đá phiến, chỉ có chim hỉ thước mổ ăn. Trên bãi cỏ một đám khiên ngưu dại nền trắng pha tím, sáng sớm nở ra đóa hoa tươi tốt, ban đêm lần lượt khép lại. Hoa dahlia nở đến sáng rực chói mắt, như lời thề ước. Mèo hoang nằm dưới cây bách ngủ yên.

Trong tất thảy những sự dung nạp và tiếp nhận có vẻ như bị động lặng lẽ, có thể cảm nhận được một sức mạnh tích cực tồn tại.

*

Buổi chiều hái quả hạnh. Đi bộ vào núi, cả vạt lớn rừng cây ăn quả. Từ trên cành cây hái xuống một quả hạnh đã chín mềm, bóc vỏ, thịt quả mọng nước tươi rói thơm phức, tỏa ra sức nóng của ánh nắng. Cảm giác ăn vào, hoàn toàn hòa thành một khối với thân thể. Sự vật cần thời cơ đúng lúc, không sớm không muộn. Gặp gỡ cần xảo hợp nhân duyên hoàn mỹ.

Hái quả hạnh xong, nói chuyện phiếm với bác nông dân. Bác bảo quả ở trên cây, độ ấm của ánh nắng hay mưa lớn đột ngột đều sẽ ảnh hưởng đến nó. Mỗi ngày bên trong của nó đều đang phát sinh biến hóa, đều đang đứng trước vô thường. Do đó, kịp thời hái xuống và hưởng dụng nó chính là phương thức tốt nhất.   

*

Đêm hè đọc Ihara Saikaku cũng là một việc tuyệt diệu. Tính khoát đạt đối với tình dục và tình yêu, sống và chết mà văn học cổ điển Nhật Bản truyền đạt, là cơ sở quan trọng trong triết học nhân sinh và thẩm mỹ quan của họ. Ngữ điệu say sưa hứng thú song lại không gợn sóng gió, kể về dục tình nam nữ, dời đổi thế sự, giống như một cảnh hoa nở hoa rụng. Cuối cùng đều phó cho biển cả, cuồn cuộn trôi đi, một vật không còn, rành rành hiển hiện. Ihara Saikaku rất có mùi vị chân thực của ý thiền. Khiến ta đọc đến trong lòng sáng láng như gương.

Làm sao đối đãi tình dục, làm sao đối đãi cái chết. Những vấn đề bị cấm kỵ này là vấn đề quan trọng và thực tế mà ta cần phải đối mặt. Nó cùng với chuyện có ăn no hay không, có sống được hay không, là thuộc tính thống nhất. Phương thức xử lý của người Nhật là phương thức tôi thích. Họ đối mặt, tiếp nhận, hưởng thụ, an nhiên. Cho cảm giác siêu việt của thẩm mỹ, lại xem đó là bình thường.

Chỉ có hiểu rõ thái độ này, mới có thể hiểu rõ sự trịnh trọng và khoát đạt đầy đủ phân lượng khi họ đối đãi non nước sân vườn, một cảnh hoa nở, một tách trà..., và thẩm thấu trong quan hệ giữa con người với vạn sự vạn vật. 

*

Ao vườn nhà, hoa sen đã nở rộ. Thông thường trước tiên có một đóa bung cánh sớm nhất, trong một đêm, những đóa khác lần lượt hé mở. Lá sen có thể nấu cháo. Nước cháo trắng nhuốm màu xanh lá mượt mà, quyện hương thơm thoang thoảng của cánh sen, trộn với đường phèn. Lá sen khi cháo nấu chín sắp tắt lửa bỏ vào đậy nắp. Năm nay, cả ao sen đỏ độc nhất mọc ra một gốc sen trắng. Chẳng biết nó vì sao mà trổ.

Lá sen san sát, kết thành bóng râm xanh mát. Chuồn chuồn đỏ thường xuyên ghé thăm. Buổi tối nghe tiếng ếch kêu đi vào giấc ngủ.

*

Màu móng tay nhuộm bằng hoa phụng tiên thoáng pha sắc vàng hạnh hơi say. Dù là cánh hoa màu gì, đỏ sậm, hồng phấn, tím nhạt, trắng, màu sắc nhuộm ra cuối cùng đều như nhau. Trên ngón tay ngửi được hương thơm thoang thoảng của nước cốt hoa. Thiên nhiên ban cho phụ nữ rất nhiều quà tặng. Phụ nữ nên giống như thực vật dung nạp và tiếp nhận một cách yên tĩnh mà tự nhiên. Phụ nữ nên chờ đợi được yêu.     

*

Hoàng hôn trời mưa rất to, mất ngủ, đọc quyển “Đại viên mãn” mượn về. Bên gối ngửi được hương thơm của hoa dành dành. Tiếng địa phương có từ “thơm nức”, dùng với nó là thích hợp nhất. Hương thơm của hoa dành dành chất phác mà bồng bột. Thời thơ ấu, những người phụ nữ bên cạnh tôi, mẹ, bà ngoại, đều quen cài hoa dành dành trắng tinh thơm ngát trên người. Ở miền nam, họ gọi nó là hoa ngọc hà.

Hôm nay lục tìm một chiếc áo lạc mất đã lâu. Uống trà, gọi là Lan Hoa Quan Âm. Rất đẹp.

(An Ni Bảo Bối)

Thanh tỉnh kỷ (Một số câu trích)

 
Cô độc là, khi bạn cần người khác, bạn tìm khắp không ra. Khi bạn không cần người khác, bạn tự cấp tự túc.

*

Trong năm, luôn cố định đến một thành phố miền nam du lịch. Xuân ngắm đào, hạ ngắm sen, thu ngắm quế, đông ngắm mai. Làm khách thưởng hoa có tình có ý. Bởi thế bốn mùa rành rọt.

*

Nước một khi chảy sâu, sẽ không phát ra tiếng. Tình cảm con người một khi sâu sắc, cũng sẽ tỏ ra đạm bạc.

*

Cho dù là rời xa. Cũng phải ghi nhớ điều tốt của đôi bên. Luôn luôn tưởng niệm. Đây chính là một đốm lửa ấm áp nho nhỏ giữ lại cho mình, trong thế gian xao động. Có tình có ý. Lòng vương lưu luyến.

*

Trước giờ không cùng với nhiều người ồn ào ăn sinh nhật. Cảm thấy sinh nhật không đáng ăn mừng, cũng luôn cảm thấy đây là chuyện chẳng liên quan đến người khác. Nó càng giống như chỉ là một ngày dùng để nuông chiều bản thân, một cách lặng lẽ.

*

Không thể phủ nhận, lòng nhẫn nại và trân trọng của chúng ta trở nên rất ít ỏi. Những khuôn mặt xa lạ của thế gian qua lại như thoi đưa, đôi bên cũng chỉ có thể chán chường qua quýt.

*

Tình yêu có lúc chỉ là một đóa hoa gặp sao yên vậy. Nở một chút. Đã phải rụng xuống.

*

Kẻ lười biếng trên thực chất là nội tâm kiên định. Biết thứ mình cần nhất là gì. Một khi quyết định, sẽ quán triệt đến cùng.

*

Con người càng lớn tuổi, thì sẽ dần dà đối với người bên cạnh càng ngày càng hờ hững. Rất nhiều người đã xuất hiện. Lại đã biến mất. Giống như ngồi xem mây tụ mây tan, thực sự chẳng có gì giải thích thuyết minh. Bạn bè có ly có hợp, người yêu đây trồi đó sụt. Rất nhiều tình cảm mục đích không thuần, hướng đi không rõ, đối đãi không tốt. Tình cảm có thể nắm giữ trong tay chúng ta, xét cho cùng là chuyện của mấy ai.
 
(An Ni Bảo Bối)

17.5.14

Hôn nhân Tây Tạng (12)


Hảo Hảo:

Tôi chạy một mạch đến cổng chùa Jokhang, hướng về cánh cửa lớn khép chặt ấy rạp mình dập đầu ba lần. Những ngày ở Lhasa, tôi đã quen rạp mình dập đầu lạy Phật giống như tất cả những người dân Tạng, trải thẳng người trên phiến đá xanh, cảm nhận cái mát lạnh dưới người truyền đến, trong chớp mắt cả con người đều bình tĩnh lại. Thân bình tĩnh rồi, tôi mới biết tìm kiếm; tâm bình tĩnh rồi, tôi mới biết bước tiếp theo hướng đến đâu.

Khi lạy xong lạy cuối cùng, đứng thẳng tắp ngắm cánh cửa lớn màu sẫm ấy, tôi biết mình lại phải bắt đầu đi rồi, trong lòng bắt đầu tìm kiếm cảm giác lên đường. Tôi luôn thích đi, thích đi trên con đường xa lạ, ngắm những con người và phong cảnh xa lạ. Nán lại một nơi quá lâu, tôi cứ không tìm được chính mình, sẽ khiến cuộc sống biến thành một nắm gai rối. Tôi không tháo gỡ được những sợi gai rối bời đó, thế thì, chỉ có vứt bỏ. Vứt bỏ là chọn lựa của bản thân tôi, cũng là chọn lựa duy nhất có thể làm. Từ nhỏ đã như thế, phiền phức thu xếp không xong bèn vứt bỏ, để mình làm lại từ đầu.

Đám Tạng phiêu quen thân không ngồi ở ngã rẽ, tôi thở phào, hiện tại vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng gặp họ. Gọi một cú điện thoại cho Liên, nói tớ vẫn còn sống, cậu còn thu nhận tớ không? Liên bảo nha đầu chết tiệt nhà cậu, tối nay bọn tớ có thức ăn ngon, về muộn đừng hối hận. Thế là tôi chạy như bay qua quảng trường chùa Jokhang, chạy qua đường Cuomeilin nhỏ hẹp, ở ngã đường chặn một chiếc xe, đến nhà trọ gia đình Liên ở.

Vừa vào sân đã giật nẩy mình. Rất nhiều người, mặc áo lông vũ, áo gió, mà lại đang tháng tám! Nhưng Lhasa chính là như vậy, bạn mặc áo hai dây không cảm thấy lạnh, bạn mặc áo da cừu cũng không cảm thấy nóng. Đám nam nữ này khi ở nhà mùa đông e rằng cũng chưa từng mặc nhiều như thế, giữa mùa hè ở Lhasa lại gắng sức phô phang vật dụng dã ngoại thuộc nhãn hiệu tên tuổi nào, tốn bao nhiêu tiền. Phải chăng rất buồn cười? Không, một đám người như thế ở Lhasa không buồn cười, tùy tiện dạo các quán bar xung quanh phố Barkhor, bảo đảm quơ một cái được cả nắm. Khi đến đều mang ưu thế, cảm thấy ta đây ưu việt hơn người, vật chất phong phú, tinh thần đầy đủ. Đợi thật sự đến nơi này rồi, một tháng, nhiều nhất hai tháng, liền không muốn trở về cuộc sống trước kia nữa, cảm thấy nó đặc biệt mệt mỏi, oán trách đó chẳng phải ngày tháng con người trải qua. Thế là, to gan nghỉ việc, ly hôn, thậm chí bỏ nhà xa con, chỉ vì có thể ở Lhasa phơi nắng mãi không thấy đủ.

Do đó khi tôi bước vào, vừa mở miệng đã đĩnh đạc nói chuyện Lhasa, mọi người đều quay về phía tôi, ánh mắt của cả nam lẫn nữ đủ kiểu đủ dạng. Sùng bái, đố kỵ, cái gì cũng có. Người khác có cảm xúc thế nào, với tôi không quan trọng, cũng không ảnh hưởng được tâm tình của tôi.

Liên ở một bên yên tĩnh ngắm tôi ba hoa chích chòe giữa đám đông, ánh mắt trong bụng biết tỏng tòng tong.
  
Buổi tối sườn hầm với đậu trắng, một bạn trên mạng tên Bản Đao mời. Phương thức này cũng xem là đặc sắc của nhà trọ gia đình. Luân phiên mua thức ăn, cùng nấu cơm. Mỗi người một ngày, công bằng hợp lý. Bản Đao không ngừng múc sườn cho tôi, mãi đến khi xương trước mặt tôi chất thành núi.

Tôi đã ăn bao nhiêu sườn, chả biết, tóm lại dạ dày thực tình không chứa nổi nữa mới bỏ đũa xuống. Cười ha hả, hai chân duỗi ra phía trước, ngã người trên ghế. Ai bảo: “Ăn uống no nê muôn sự đủ?” Thuần túy vớ vẩn, tôi hiện giờ ăn uống no nê xong, khó chịu muốn chết.
  
Thế là đứng dậy, lảo đảo đi vào nhà vệ sinh, nôn hết dầu mỡ trong bụng ra, để dạ dày lại trở nên trống rỗng, y như con tim của tôi. Rửa ráy sạch sẽ, đến phòng Liên. Đẩy cửa, thấy cô ngồi trên ban công, ánh nắng chênh chếch chiếu trên người cô, quầng sáng rất lóa mắt. Cô không nhìn tôi, chỉ nói qua đây ngồi đi. Tôi liền bước qua, rất không có hình tượng dựa vào cô ngồi bệt xuống, nói: cậu giết tớ đi, tớ không muốn sống nữa, tớ muốn chết, cậu giết tớ đi.

Liên chả nhìn tôi lấy một cái, chỉ nói: cậu viết sẵn di chúc, để lại toàn bộ sách của cậu, máy ảnh của cậu, tất cả đồ đạc của cậu cho tớ, sau đó chẳng nói gì nữa. Tôi ngắm Liên bao trùm trong quầng sáng, thật không hiểu cô làm sao có thể yên tĩnh như thế, không dạo phố, không dạo chùa chiền, không cần đàn ông, một mình kề cận mảnh trời này, ngắm mặt trời mọc lên lại lặn xuống.

Tớ muốn đi rồi, muốn đi Mêdog, cậu đi không?

Không đi. Lúc nào xuất phát?

Ngày mai hoặc ngày kia!
   
Tôi đến khách sạn đám Tạng phiêu thường ở, tỉ mỉ kiếm trong cột quảng cáo những tờ dán tìm bạn đồng hành. Có đi Everest, có đi Chamdo, còn có đi Changtang… Tôi không hứng thú với những nơi ấy, nơi tôi muốn đi là Mêdog, huyện duy nhất không thông đường của Trung Quốc, vùng đất bí mật ẩn giữa núi non trùng điệp cheo leo.

Không thấy tờ dán, tôi bèn móc thỏi son ra, tự viết một tờ: Người đẹp, tìm bạn đồng hành đi Mêdog, nam nữ không hạn chế, sau đó để lại số điện thoại di động. Còn chưa ra đến đường lớn, điện thoại đã reo không ngừng. Cuối cùng xác định năm người, hai nữ ba nam, hẹn tám giờ sáng mai ở bến xe ngoại ô phía đông xuất phát.
  
Gọi điện thoại cho Liên báo tin mừng, cô hỏi giấy thông hành của cậu làm xong chưa? Lúc này mới biết, đi Mêdog cần giấy thông hành. Gấp rút chụp hình, lục chứng minh thư ra photo hai bản, vội vàng chạy đến nơi làm giấy tờ, người ta nói phải có chứng nhận của cơ quan. Bèn gọi điện thoại cho bạn bè, tìm đến mấy người, cuối cùng cũng xin được giấy chứng nhận, lại ngồi taxi đến, người ta chả thèm xem qua, nói còn phải có thư giới thiệu của đồn công an. Suốt một buổi chiều, tôi cứ chạy tới chạy lui như thế, mướt cả mồ hôi, người ta chẳng thèm ngước mắt lên, coi thường hết thảy cố gắng của mình.

Ra khỏi văn phòng ấy, ngồi phịch xuống ghế gỗ ở hành lang, gọi điện thoại cho một cô gái đã hẹn, nói mình có thể không đi được, không làm được giấy thông hành. Cô bảo đừng nôn nóng, đợi tớ một lát. Một lúc sau cô chạy đến, chỉ cầm hình và chứng minh thư của tôi đi vào, chưa đến hai phút, đã cầm giấy thông hành ra, nói làm xong rồi, ngày mai xuất phát.

Trời ạ, chuyện này là thế nào vậy?

Tôi nhét giấy thông hành vào ba lô, lúc này mới nghĩ đến phải cảm ơn người ta một tiếng. Còn chưa biết tên cô nữa cơ, cô bảo cô tên là Cá trên trời, gọi cô Cá nhỏ được rồi. Vừa nghe tên này, đã biết người ta không muốn nói chuyện của mình.

Hẳn đó là đặc sắc của Tạng phiêu, lưu lại Tây Tạng, chính là muốn để bản thân nhẹ nhõm một chút, làm lại chính mình. Quên hết tất cả, bao gồm họ tên, bao gồm từng trải trong quá khứ, tất thảy vứt hết, lại tùy tiện đặt một cái tên, tùy tiện bịa một quê quán, đã biến thành một người hoàn toàn mới mẻ.

Thế là, ngày tháng ở Lhasa liền trở nên đơn giản, đơn thuần như trẻ thơ!

Thu xếp đồ đạc, đổ hết đồ ra đất, từng món từng món xem thứ nào dùng tới thứ nào không dùng tới. Những thứ dùng tới ném vào ba lô, những thứ không dùng ném sang một bên. Liên luyện yoga trên ban công, chẳng nghe lọt tai những lời lẩm bẩm hưng phấn của tôi. Thường nghĩ, không biết trên đời này còn có thứ gì lay động được Liên? Bàn về Mêdog với cô, nói đến chỗ hưng phấn bản thân hoa chân múa tay, thế mà cô chẳng có tí xíu phản ứng, trên mặt là nụ cười điềm đạm thoáng chút mơ hồ xưa nay vẫn thế. Ngắm cô dưới ánh nắng, nghĩ người đàn ông thế nào mới có thể khiến cô gái như Liên biến thành lòng như nước lặng?

Phải chăng một ngày kia tôi cũng sẽ trở nên như thế? Người đàn ông nào có thể khiến tôi trở nên như thế, ngược lại tôi cảm kích anh ta. Trạng thái hiện tại của Liên là điều tôi khao khát, nội tâm giống như một vị Kim cương bách độc bất xâm, bề ngoài lại là một vị thiên thần. Cuộc sống đơn giản, công việc đơn giản, tự mình nuôi sống mình, không vì tốt xấu của ngoại vật và được mất của bản thân mà vui hay buồn, cảnh giới tuyệt diệu biết bao!

Say sưa ngắm bóng lưng ngồi thiền của Liên. Áo vải bông mỏng nhẹ mặc trên người cô, sao mà thích hợp. Vải vóc trên đời này nhiều đến nỗi đếm không xuể, nhưng chỉ có một loại thích hợp nhất với mình. Cũng như vải bông, chỉ có thể mặc trên người cô gái như Liên, mới tỏ rõ chất mộc mạc không hưởng khói lửa nhân gian của nó. Nhìn gì mà say sưa thế? Liên bỗng nhiên quay người, tiếp đó nói: nha đầu chết tiệt, dáng vẻ sống lại của cậu vẫn rất đáng yêu đấy.

Tớ đang nghĩ phải chăng sẽ chết ở Mêdog, cậu bảo có khi nào tớ chẳng đi ra được không nhỉ?

Cậu chưa từng nghe sao? Người tốt mạng không dài, người xấu sống ngàn năm!

Tớ là người xấu? Cậu cho rằng tớ là người xấu? Tôi đột nhiên trở nên nghiêm túc, nước mắt rưng rưng. Tớ là người xấu ư? Tớ tốt với Gyatso, lên giường với Nhất Hàng, tớ đã thành gái hư rồi ư?

Liên bước đến, ôm tôi vào lòng, nói: Cậu làm sao có thể là gái hư kia chứ? Cậu nhiều nhất là yêu tinh.
  
Thế là tôi cười. Tôi là yêu tinh, từ nhỏ họ đã nói như thế. Khi tôi còn bé, cha thường ôm tôi nói tôi là yêu tinh nhỏ của cha; sau đó gặp được Minh, Minh nói tôi là yêu tinh nhỏ của anh, lừa tôi lên giường của anh, khiến tôi trở thành đàn bà, một người đàn bà như yêu tinh; sau đó một phụ nữ khác nhảy ra nói tôi là yêu tinh, đã dụ dỗ bạn trai của cô, đòi tôi trả Minh lại cho cô. Thế là tôi trốn chạy đến Tây Tạng, đêm khuya bị Gyatso vác trên vai, nói tôi là yêu tinh của anh, kiếp này định sẵn sẽ chung sống với anh; còn Nhất Hàng, cũng nói tôi là yêu tinh của anh, kiếp này định sẵn sẽ trở thành người phụ nữ của anh… Thế thì, tôi quả thật là yêu tinh rồi. Một yêu tinh ắt hẳn chẳng có chuyện gì là không nên làm? Nguyên tắc của yêu tinh và tiên nữ khác nhau, nguyên tắc của tiên nữ là khiến người khác vui vẻ, nguyên tắc của yêu tinh chính là khiến bản thân vui vẻ. Tôi vẫn thích làm yêu tinh cơ, chuyện khiến người khác vui vẻ hãy nhường cho tiên nữ làm thôi, tôi chỉ làm yêu tinh.
       
Liên giúp tôi gom lại đồ đạc vứt đầy đất, từng món một xếp vào túi. Sau đó từ trong tủ thức ăn vặt của cô lấy ra hai gói bánh quy, ném một gói cho tôi, nói đây là bữa tối của chúng tôi. Rồi pha cho tôi một ly nước ép trái cây, bản thân cô thì rót một ly nước lọc.

Sinh hoạt đơn giản là nguyên tắc của chúng tôi, tuyệt đối không vì ăn no bụng mà khiến mình cả người dầu khói. Trừ phi là vì vui vẻ, nấu một bữa cơm canh đơn giản cũng không hẳn là không được.
  
Ăn uống no nê, tôi vỗ bụng, rất mất hình tượng ợ một cái, nằm liệt trên đất, khiến Liên chau mày lườm tôi.

Điện thoại reo, Anh Sói gọi đến. Nói, Hảo Hảo, anh cả uống say rồi, say đến sắp chết, tụi anh đều không lo nổi, em đến trông nom nhé.
 
Vì hành động anh hùng của Anh Sói và Trác Nhất Hàng trong sự kiện “bắt cóc” lần trước, hai người bèn có lý do chơi chung với nhau. Nhất Hàng có xe, rành rẽ Tây Tạng hơn hẳn đám Tạng phiêu, không những tuổi tác, mà kiến thức và kinh nghiệm cũng không phải Tạng phiêu bình thường có thể bì kịp. Sau mấy chuyến du ngoạn xa gần, đã trở thành anh cả của đám người ấy. Thế nhưng Nhất Hàng có một thói quen, không bao giờ đưa Tạng phiêu đến nơi anh ở, bảo là không gian riêng tư, không cho quấy rầy. Trong đám người phiêu bạt ở Lhasa chúng tôi, cái gọi là không gian riêng tư hầu như không tồn tại. Chúng tôi ăn ở không phân biệt nhà nào, hôm nay ai đó có tiền, thì ăn chơi xả láng tập thể, ngày mai hết tiền, thì nhịn đói tập thể. Đương nhiên, đôi lúc, chúng tôi cũng AA, đây là bóng dáng mà cuộc sống quá khứ thỉnh thoảng vương lại, ở Lhasa không phải là tuyệt đối. Càng nhiều lúc, chúng tôi là một đám trẻ con không muốn khôn lớn, mỗi người ôm ấp mộng tưởng của riêng mình, quên tuốt quá khứ cũng quên tuốt tương lai, dạo chơi ở chốn trời xanh nước biếc này.

Nhất Hàng uống say rồi, còn say mèm, chuyện này rất hiếm. Từ khi quen anh đến giờ, luôn là một người đàn ông sạch sẽ, trên người thoảng mùi nước hoa, rất đỗi nho nhã, thích uống chút đỉnh, nhưng chỉ giới hạn rượu vang đỏ, một hai ly, dùng để tăng thêm tình tứ. Uống say? Không thể tưởng tượng. Tôi cười hì hì, tưởng tượng Nhất Hàng say xỉn không biết xơi tái sẽ như thế nào.

Chính vào lúc tôi đang nghĩ đến đắc ý suýt nữa chảy nước miếng, bên tai vẳng đến tiếng nói của cô nàng không hợp thời kia: Dáng vẻ của cậu giống như sói dê quỷ đói.

Tôi nguýt cô.
  
Nói với Anh Sói, lát nữa em đến, rồi cúp điện thoại ném lên giường. Kéo vi tính qua, lại bò toài tìm ổ cắm. Liên hai tay ôm ly nước lọc, đứng tựa cửa sổ, như cười mà không phải cười nhìn tôi, nói: Hảo Hảo, cậu sẽ muôn kiếp không phục hồi được đó.

Hừ hừ hừ, cái miệng quạ đen nhà cậu. Tôi liếc cô một cái, dựa vào đâu nói tớ muôn kiếp không phục hồi được, tớ đang cứu rỗi đứa bé sa vào lưới tình không thể tự cứu. Sau đó là ánh mắt thương xót của Liên tới tấp bay đến.

Tìm được ổ cắm, lỏng lẻo không chặt, cắm đến mấy lần mới có điện. Mở máy ra, thông qua QQ nhận file về Mêdog của một phượt gia gửi đến. Anh từng vào ra Mêdog ba lần, mượn lời của chính anh là “tương đối có kinh nghiệm”.

Mới ló mặt lên QQ, tiếng gọi chào đã vang không ngừng. Hôm nay không có tâm tư để ý bọn họ, ta đây còn có việc phải làm. Mở file nhận được, xem qua cả mừng.
 
Haha, hành trình rất đầy đủ, chi tiết. Không cần động não, làm theo cái này là được rồi. Quay đầu nói với cô nàng áo trắng không hưởng khói lửa nhân gian kia bên cửa sổ: Xem ra lần này ta đây không chết được rồi.

Cậu không đi gặp anh ấy sao? Trác Nhất Hàng!

Đi, đi ngay đây. Tạm biệt lần này, gặp lại sẽ là nửa tháng sau, thế nào cũng phải giã từ chứ. Tôi tỏ ra một biểu cảm hồ mỵ, quay người lách cách gõ bàn phím, gửi mail cho sếp. Gửi hai phương án hoạch định đã hoàn thành cho chị, nhờ chị chuyển phần trăm của tháng trước vào thẻ của tôi, nói tôi phải đi Mêdog một chuyến, khoảng nửa tháng sẽ về, có việc đợi tôi về lại làm. Sau đó đẩy vi tính ra, xách ba lô nhỏ ném lên vai, cầm điện thoại lên, gửi Liên một nụ hôn gió, rồi đi ra ngoài.

Này người chết, không thu dọn đồ đạc của cậu ư? Cô hỏi. Thân hình không hề nhúc nhích, vẫn là biểu cảm chiêu bài nhìn thấu chuyện đời đó.

Cậu giúp tớ đi, tớ tin tưởng cậu. Không ngoảnh đầu, đi thẳng xuống lầu bắt taxi, đến quán bar Travelers trên đường Cuomeilin.
 
Tôi thường đến quán bar này, từ chủ quán đến nhân viên phục vụ đều rất quen thuộc. Chủ quán là một Tạng phiêu lão làng, anh tự nói đã ở đây năm năm. Quán bar dạng này ở xung quanh phố Barkhor rất nhiều, một gian nhà cũ, một người thích Tây Tạng, bàn đất ghế đất, kiếm một số đồ vật bản địa bày lên, rồi từ Chongsaikang mua sỉ ít rượu, khi không đắt khách chủ quán kiêm phục vụ, khi đắt khách thuê hai nhân công thời vụ, bao ăn bao ở trả ít tiền lương. Không thể nói kiếm được tiền, nhưng nuôi sống bản thân lại nuôi sống người tình không thành vấn đề.
   
Ở Lhasa lâu ngày, đôi bên đều quen thuộc. Tôi vừa vào cửa, mấy bàn đã huýt sáo. Tôi cố ý uốn éo, thêm vài cái liếc mắt quyến rũ, xem như chào hỏi.

Anh Sói đập bàn gọi lớn: Hảo Hảo, ở đây ở đây. Tôi tháo kính mát, bước đến. Người đó nằm bò trên bàn, mắt lờ đờ nghịch một chiếc đồng hồ đeo tay kiểu cũ. Cô nàng bên cạnh anh nhìn thấy tôi, ngần ngừ một chút, vẫn đứng dậy ngồi sang đối diện. Tôi cũng không khách sáo, ngồi phịch xuống. Cướp lấy đồng hồ trên tay Nhất Hàng xem thử, đồng hồ Thượng Hải cũ đến rụng răng, đời ông nội từng dùng. Nhất Hàng nhìn thấy tôi, nói: Hảo Hảo, em… em lại xuất hiện rồi, là thật… người thật ư?
   
Cái gì? Người đẹp thế này còn có giả sao? Tôi nguýt anh một cái, nói: Say đến thật sự không ổn rồi, cả người đẹp cũng không nhận ra. Đồng hồ này anh kiếm từ đâu vậy? Văn vật à?

Đồng hồ? Đồng hồ gì?

Cái này nè! Tôi xách dây đồng hồ đung đưa trước mắt anh. Anh còn dùng món đồ chơi này ư?

Của cha anh. Anh cầm lấy, cất vào túi áo.

Vật kỷ niệm à. Anh còn ổn, biết món đồ này là ông già anh để lại, cất kỹ nhé, đừng để mất. Anh Sói, sao lại để anh ấy uống nhiều rượu thế này?

Cái gì anh để anh ấy uống? Anh ấy tự mình giành uống, uống sạch cả phần của anh nữa, làm anh hiện giờ con sâu rượu vẫn đang cựa quậy đây. Muốn đưa anh ấy về, không đi, nhất định đòi em đến.

Xem ra anh yêu em rồi. Tôi ghé đến trước mặt Nhất Hàng, hà hơi nói.

Anh yêu em. Nào ngờ anh thành thật không khách sáo thuận sào bò lên. Chọc cho những người bên cạnh cười ha hả.

Thôi đi, không vui. Tôi vỗ mặt anh, không để ý anh nữa, quay sang Anh Sói. Cô ấy là? Tôi hướng về người đẹp bên cạnh Anh Sói chu miệng, nhìn ánh mắt ấy, hình như có ý với Nhất Hàng.

Hôm nay nhặt ở tu viện Sera, long trọng giới thiệu, người đẹp Mơ Hồ. Anh Sói nói: Nếu em còn không đến, Nhất Hàng đã thuộc về cô ấy rồi.

Xí..., Mơ Hồ đẩy Anh Sói một cái, dáng vẻ nũng nịu, vẫn quả thật có chút tư thái của người đẹp mơ màng.

Lấy đi lấy đi, đỡ cho tớ chạy một chuyến. Tôi cười với Mơ Hồ, chân tâm thành ý.
  
Đừng nghe anh ấy nói bậy. Chiều nay khi chơi ở tu viện Sera, họ có xe, đưa tớ về. Hảo Hảo, nghe họ nói đến cậu cả buổi tối, cuối cùng nhìn thấy người thật! Người đẹp cười lên cũng rất đẹp, răng trắng như trân châu. Chẳng giống tôi, răng hỏng hết, cười lên rất thẹn với người xem, nhưng vẫn thường không nhịn được cười toe toét.

Lúc này, phục vụ mang tới hai đĩa bánh kem, nói là khách Tây ở đối diện tặng, mời chúng tôi nếm thử. Anh Sói búng tay đánh tróc với ông Tây, nâng ly uống một hớp, xem như cảm ơn.

Tôi nhìn quanh quán bar nhỏ này, phát hiện trong số nhân viên phục vụ đã thêm một gương mặt xa lạ. Bèn hỏi Anh Sói: Cậu phục vụ người Tạng mặt đen kia đâu?

Đi rồi, họ bảo về quê đám cưới rồi.
    
Đám cưới? Trên đời lại thêm một gã khờ!

Nếu em gả cho anh, anh tình nguyện làm gã khờ. Anh Sói uống một hớp bia lớn, lả lơi liếc tôi.

Đêm nay thích hợp trêu hoa ghẹo nguyệt ư? Sao mà nhìn mỗi bàn đều có chút ám muội. Ngay cả anh em hào sảng như Anh Sói cũng trở nên sắc dục.

Anh? Tôi ngắm nghía Anh Sói từ đầu đến chân. Cặp với người đẹp đây, đẳng cấp còn kém một chút.

Ôi, Anh Sói ôm ngực, vờ ra vẻ bị thương nặng lắm. Hảo Hảo, em giết người không thấy máu đó.
    
Nhất Hàng dùng tay bốc một miếng bánh kem nhét vào miệng. Tôi nhìn anh, thật sự ngạc nhiên khác thường. Rượu có ma lực lớn đến thế sao? Có thể biến một người đàn ông nho nhã, tinh tế thành bất cẩn thế này. Nhất Hàng tinh tế, ăn uống không phát ra tiếng, trên quần áo không dính cọng lông, uống rượu chú trọng tình tứ, rượu gì dùng ly gì còn quan trọng hơn bản thân rượu. Một người đàn ông chú trọng cảm giác hình thức như vậy, lại dùng tay bốc đồ ăn, thú vị. Tôi ngắm Nhất Hàng, lại ngắm chai bia trên bàn, bỗng nhiên bật cười.

Anh ấy, Anh Sói chu miệng về phía Nhất Hàng, món gì?

Tôi híp mắt nhìn Nhất Hàng say bí tỉ: Món hải sản.

Là mùi vị em thích phải không?

Bản thân em cũng không biết thích mùi vị gì.

Thảo nào. Anh Sói ghé mặt đến trước mặt tôi, ngửi trên dưới trái phải, nói hình như vẫn có mùi dầu bơ.

Chỉ cần không có mùi sói là được. Tôi kéo chai bia qua uống một ngụm.

Ôi, anh chết mất. Anh Sói tựa trên người Mơ Hồ. Mơ Hồ, chắc em không thể thấy chết không cứu đâu nhỉ.

Chúng tôi uống rượu, bốc phét, mãi đến khuya, đều có chút men say. Về nhà. Không biết ai đã nói câu này. Sau đó cả đám đứng dậy, không, là tôi đỡ Nhất Hàng đứng dậy, Mơ Hồ đỡ Anh Sói đứng dậy, ai nấy ư ử bài hát không thành khúc điệu đi ra ngoài, ai thanh toán, chẳng biết.

Đường Bắc Kinh Trung, rất yên tĩnh, bốn người chúng tôi ôm vai nhau, lớn tiếng hát, đi xiêu xiêu vẹo vẹo như con cua.
  
Mơ Hồ hình như ở khách sạn Tangfan ngoại ô phía đông, sau khi cô và Anh Sói hẹn nhau ngày mai đi tu viện Drepung, vẫy một chiếc xe, đi mất.

Người đẹp đi rồi. Tôi huýt sáo với Anh Sói.

Tội nghiệp quá, cả một cô gái cũng không giữ được. Anh Sói rất phối hợp, cúi đầu đấm ngực.

Sau đó chúng tôi cùng cười lớn.

Đã đến ngã đường Duosenge.

Anh Sói nói: Hảo Hảo, chúng ta đưa anh cả về trước.

Thôi, anh say thế này, còn đưa người khác. Em biết anh vẫn ở hostel, anh về đi, em đưa anh ấy được rồi.

Anh Sói nháy mắt với tôi, ám muội làm mặt hề.

Nếu anh còn cái kiểu ấy, thế thì anh đưa anh ấy nhé.

Tôi muốn Hảo Hảo đưa. Nhất Hàng lại vào lúc này buông ra một câu.

Người ta không cần anh, hết cách, muốn làm việc tốt cũng làm không thành. Anh Sói vẫy một chiếc xe, giúp tôi nhét Nhất Hàng vào.
    
Đến cổng khu nhà, móc mãi trong ba lô, mới móc ra mười đồng trả tiền xe. Chật vật lôi Nhất Hàng ra, dìu anh, xuyên qua con đường tăm tối của khu nhà, đến cổng, móc chìa khóa trên người anh ra, mở cửa, đi vào.

Tốt rồi, rốt cuộc cũng về nhà rồi. Tôi dìu anh lên lầu, để anh nằm trên giường, hứng một chậu nước nóng, dùng khăn lau mặt cho anh. Do dự một lát, cuối cùng vẫn giúp anh cởi quần áo. Lúc này mới phát hiện, vậy mà anh mặc cho tôi dày vò, ngoan ngoãn đến lạ lùng. Cũng được đi, người say có lẽ chẳng biết gì cả, đỡ cho tôi khó xử. Nhét anh vào trong mền. Nghĩ tới ngày mai sẽ xuất phát, dọc đường đi Mêdog đều không thể tắm gội, nhìn nhà vệ sinh tỏa ra ánh đèn màu vàng cam, có chút lơ đãng. Thực sự thích cái bồn tắm ấy, to đùng, ngâm mình trong đó, ắt là ấm áp thoải mái biết bao.

Nhất Hàng nằm trên giường ngủ rất say, xem ra trong chốc lát sẽ không tỉnh dậy. Tôi lẹ làng cởi quần áo, đi nhanh vào, chốt cửa lại. Ha ha, lần này có thể yên tâm hưởng thụ tắm bồn rồi. Vặn mở vòi nước, cảm nhận độ ấm của nước. Lâu rồi không tắm bồn, nơi ở trước đây là phòng vệ sinh công cộng, nhà thuê của Gyatso cũng vậy, chỉ có thể tắm vòi sen. Ở Lhasa, chúng tôi không cần tắm mát, nhiệt độ ở đây khiến da dẻ chúng tôi mỗi ngày đều khô ráo. Nhưng quá đỗi khô ráo, ngược lại càng tưởng nhớ cái cảm giác ngâm trong nước, cảm giác ngâm trong nước nóng. Không thích đến phòng tắm hơi, tôi có tật ưa sạch sẽ. Thế nhưng, tôi lại là một cô nàng đặc biệt thích tắm bồn, từng có kỷ lục một ngày tắm năm lần.

Ngắm nhìn bồn tắm bốc lên hơi nóng nghi ngút, tôi nôn nóng nhảy vào, nước ấm lập tức bao vây toàn thân. Nhắm mắt, cảm nhận sự ấm nóng tràn trề từng tấc thân thể, ngâm nga một bài hát ngắn.

Nằm mệt, đổi hướng. Ôi, nếu thời gian có thể ngừng lại thì tốt biết mấy! Tôi vuốt ve thân thể của mình, đường cong khêu gợi, như quả mật đào chín muồi, có thể nhỏ ra nước. Thân thể thế này, vì sao chẳng có một chốn gửi gắm? Không, là chẳng có một chốn nguyện ý gửi gắm? Tôi nhớ tới Minh, nhớ tới Nhất Hàng, nhớ tới Gyatso, ba gương mặt đàn ông này thay nhau xuất hiện trước mắt. Họ người nào cũng từng nói tôi thuộc về mình, nhưng người nào cũng chưa từng nói với tôi “Hãy gả cho anh!” Đúng, Minh đã tặng tôi một chiếc nhẫn, cho rằng tôi chính là mong mỏi chiếc nhẫn đính hôn này mới đi xa đến chân trời. Đàn ông luôn tự cho là đúng như thế. Cho rằng đã có thân thể tôi, trái tim tôi nên thuộc về anh ta bảo quản. Cho rằng lồng vào ngón giữa của tôi, trái tim tôi sẽ ở lại. Kỳ thực, chiếc nhẫn hay căn nhà, đó đều chỉ chẳng qua là cái cớ tìm kiếm tình yêu của phụ nữ mà thôi. Thứ chúng tôi thật sự muốn có, đàn ông không cho nổi, cũng không bằng lòng cho.

Ngón tay vô thức xoay vòng trên ngực, vân vê núm đỏ ấy, cảm thấy thân thể rúng động từ trong ra ngoài. Lấy sữa tắm, mới phát hiện là nhãn hiệu mình thích, lần đó dạo siêu thị đặc biệt mua về. Sau khi dùng hai lần, tôi không đến nữa, anh vẫn giữ lại. Đổ một vốc đầy, xoa trên bầu ngực đầy đặn trắng nõn, xát ra thật nhiều bọt, từng đám rơi xuống nước, lại bê bọt nổi xoa lên người, rơi xuống lại bê lên, lặp đi lặp lại đùa nghịch, cười nắc nẻ không ngớt.

Quên cả thời gian, cũng quên cả địa điểm.

Cuối cùng chơi mệt, vớt mình ra, lau khô, dùng khăn tắm quấn người, bầu ngực lộ ra một nửa, tôi thích để mình như thế, cảm giác mình như thế đặc biệt gợi cảm. Vẻ gợi cảm của phụ nữ không phải tất thảy chuẩn bị vì đàn ông, có lúc cũng chuẩn bị vì niềm vui của chính mình. Ngắm cô gái trong gương mịt mờ hơi nước, như một nữ thần gợi cảm vừa tắm xong, thế là dẩu môi, hôn gió một cái.

Mở cửa. A, con người vốn dĩ nên nằm trên giường kia lại ở trước cửa nhà vệ sinh, một tay chống tường, mắt say mơ màng nhìn tôi.

Anh không phải say rồi sao?

Say rồi, vì em!

Xin lỗi, mượn dùng nhà vệ sinh của anh. Nhìn mắt anh, hoảng loạn đến nói không lựa lời.
     
Nếu bằng lòng, nó mãi mãi thuộc về em. Trong mắt anh dâng lên sắc thái mông lung như mộng, nhìn tôi nói, lại không có ý bỏ cánh tay xuống để tôi đi qua.

Em không biết anh đã thức dậy. Nắm khăn lông trước ngực, khom lưng chui ra, nhanh chóng nhặt quần áo dưới đất lên. Lúc này mới phát hiện, dưới ánh mắt của anh, tôi không có dũng khí buông lỏng tay mình.

Muốn em mặc áo thế này sao? Tôi hỏi.

Anh không ngại ngắm em một lần nữa. Anh xoay người, như cười mà không phải cười nhìn tôi.
  
Em ngại. Tôi ngẩng đầu, nhìn lại anh. Người này giống bộ dạng say xỉn hay sao? Chẳng lẽ vừa rồi anh giả bộ?

Ngại gì?

Mắt khép hờ liếc anh. Nhất Hàng, bộ dạng này của anh, không đủ quân tử.

Em sỉ nhục anh. Anh bước tới nhìn tôi, tình ý thiết tha. Một tay đặt trên bờ vai trần của tôi nhẹ nhàng vuốt ve, tay kia vén mái tóc ướt của tôi ra sau gáy, vân vê dái tai của tôi. Khẽ nói, em cảm thấy trong phòng ngủ của mình, anh đối mặt với một người đẹp vừa tắm xong, còn có thể làm quân tử không?
   
Tôi là cô nàng không vượt qua nổi cám dỗ. Đặc biệt là người đàn ông đứng tuổi thành thục ấm áp kỹ xảo cao siêu dạng này. Miệng nói không, thân thể lại không nén nổi tựa qua. Anh cúi người, dùng đầu lưỡi nhẹ nhàng liếm bàn tay cầm khăn lông của tôi, sau đó ẵm tôi lên. Đừng, Nhất Hàng, Liên còn đợi em thu xếp đồ đạc đó. Tôi vô vọng giãy giụa trong lòng anh, kiểu muốn cự tuyệt lại như nghênh đón thế này càng giống cầu hoan chăng?

Anh đặt tôi lên giường, hôn trán, giữa mày và mũi tôi, sau đó ngấu nghiến mút môi tôi. Trái tim tôi mách bảo bản thân phải ngừng lại, song thân thể không tự chủ được nóng bừng, cong người nghênh đón sự vuốt ve của anh. Không biết lúc nào, chiếc khăn lông quấn trên người đã chẳng thấy, thay vào đó là thân thể đàn ông ấm áp.
  
Khi trời tờ mờ sáng, đột nhiên giật mình tỉnh giấc, người đàn ông bên cạnh hơi thở đều đặn. Ngắm mọi thứ trong phòng, quen thuộc mà lại xa lạ, lòng vô cớ trống trải. Sao tôi ở đây? Tôi làm gì phải nán lại đây? Mền tơ tằm, ấm áp dễ chịu, hơi quá ấm ngược lại không ngủ được. Lúc trời sắp sáng, khẽ khàng mặc áo rón rén ra cửa, như bỏ trốn chạy ra khỏi khu nhà, men theo đường cái chạy như bay về phía trước.

Đường xá sớm mai, không người, thỉnh thoảng một chiếc taxi chạy nhanh giảm tốc ấn còi, thấy tôi chẳng có phản ứng lại chạy vội đi. Tôi chạy như phát điên, không phân biệt phương hướng, gió quất trên mặt, tê tê, cảm giác trong miệng có vị mặn, nước mắt không biết lúc nào đã chảy xuống. Vì sao tôi khóc cũng chẳng biết nữa. Chính là muốn khóc, muốn khóc thật to, muốn gào thét, chỉ cảm thấy trong lòng buồn bã, đầu óc căng nhức. Tôi không biết mình thế này là sao, trong thời gian hơn nửa năm nay, nước mắt cứ muốn đến là đến.

Mỏi chân, ngồi bệt bên đường, gập chân ôm trước ngực, cằm đặt trên đầu gối, ngơ ngác nhìn phía trước. Đây là một tư thế an toàn, khi bất lực, khi không tìm thấy phương hướng, khi hoang mang, đều tìm một ngóc ngách ngồi như thế, hoàn toàn bao bọc trái tim lại. Tôi không muốn bị thương, nhưng lại cứ bị thương; tôi không muốn làm tổn thương người khác, lại cứ làm tổn thương người khác.

Không muốn để cuộc sống của mình buông thả không ràng buộc gì như thế, thân thể luôn luôn đi ngược lại với con tim. Tôi không biết tôi làm sao, sau mỗi lần vui vẻ, con tim lại càng thêm trống trải.

Chẳng có lý do, tôi đột nhiên lấy ba lô xuống, ra sức móc bừa bên trong, để mặc nước mắt thấm ướt manh áo mỏng. Nửa gói bánh quy, một trái táo, hai miếng chocolate, nhét đại vào miệng, hòa với nước mắt, gắng gượng nuốt xuống.

Đi thôi đi thôi, rời khỏi nơi này.

Cho mình thời gian, cũng cho người khác thời gian.
    
Về đến nhà trọ gia đình của A Kiện, cửa lớn khép hờ, đêm qua phải chăng họ đều để ngỏ cánh cửa này cho tôi? Lên lầu, thấy cửa phòng của Liên cũng khép hờ, lọt ra một tia sáng ấm áp.

Khe khẽ đẩy cửa ra, Liên đang ngủ say, nhưng ba lô của tôi đã thu xếp xong, đặt trên chiếc bàn bên cửa, trên ba lô có một mẩu giấy, trên đó viết: đừng mong tớ tiễn cậu, ở Mêdog nếu có chuyện, có thể gọi số điện thoại này, nói cậu là bạn tớ, anh ấy sẽ giúp cậu, sau đó ghi một cái tên, một số điện thoại.
  
Tôi thoáng nhìn bóng người trùm mền trên giường kia, chu miệng, làm một tư thế hôn, rồi xách ba lô lên, nhẹ nhàng đóng cửa, trong ánh nắng ban mai, đi về bến xe ngoại ô phía đông.


(Dorje Zhoigar)