29.12.14

Chuyện về Lưu Hiểu Khánh


Số phận long đong, lựa chọn lạc quan và kiên cường, Lưu Hiểu Khánh từng nhiều lần trong các trường hợp công khai tự xưng là “một ngọn cỏ trên núi Côn Luân”, ý nói mình có sức sống ngoan cường, bất kể ở vào nghịch cảnh nào đều có thể sống tiếp và sống đẹp. Sự thực cũng là như thế.

Trong cuộc đời Lưu Hiểu Khánh, các kiểu trắc trở lớn có nhỏ có cơ hồ như hình với bóng, cô luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió của dư luận, từng được người ngưỡng mộ, cũng từng bị người phỉ nhổ. Tính đến nay, lần trắc trở lớn nhất trong đời cô có lẽ là cơn sóng gió của vụ án trốn thuế khởi đầu vào năm 2002. Lúc đó, do nhiều công ty dưới tay bị tình nghi có liên quan đến việc trốn thuế lậu thuế, cô bị chính thức bắt giam, còn em gái, em rể - những người gần gũi nhất của cô cũng bị liên lụy, bị bắt bớ bởi vụ án này.

Lúc đó vụ án này rất được quan tâm chú ý, Lưu Hiểu Khánh dự cảm được mình dữ nhiều lành ít, trong một đêm tóc cô đã bạc trắng cả. Nhưng vẻn vẹn chỉ mất hai ngày, cô đã điều chỉnh trở lại, cô tỉ mỉ liệt kê một danh mục sách, nhờ luật sư giúp chuyển cho bạn bè của mình, yêu cầu căn cứ danh mục gửi những cuốn sách này đến, “Dù sao trong nhất thời cũng không ra ngoài được, tôi lợi dụng khoảng thời gian này, đọc sách viết lách.” 

Trong 422 ngày ở nhà tù Tần Thành, hàng ngày cô chạy bộ hơn 8.000 bước - vì phòng giam nhỏ chỉ có thể đếm bước; hàng ngày tắm nước lạnh - cho dù bên ngoài tuyết lớn lả tả gió bấc gào thét cũng vậy; hàng ngày học tiếng Anh... Luôn kiên trì đến ngày được ra ngoài. Việc đầu tiên sau khi cô ra ngoài chính là đi kiểm tra sức khỏe, kết quả còn mạnh khỏe hơn lúc trước! Cô nói: “Lúc đó tôi đã chuẩn bị sẵn sàng phải ngồi tù mười mấy năm. Tôi nghĩ, cho dù ngồi tù, cũng phải có một tâm tình tốt, sức khỏe tốt!” 

Sau khi ra tù, Lưu Hiểu Khánh thân giá từng cao đến 100 triệu đô la Mỹ đối mặt với tình trạng không một đồng xu dính túi, nợ nần chồng chất, lúc tồi tệ nhất ngay cả tiền mua rau cũng không có. Bạn bè nhao nhao đề nghị muốn giúp cô, có người thậm chí xách cả túi nhân dân tệ đến gặp cô, cô đều kiên định từ chối: Trong lúc tôi gặp nạn các vị vẫn xem tôi là bạn, tôi đã rất cảm kích rồi, còn về khó khăn trên kinh tế, tôi có tay có chân, có thể tự kiếm tiền! Cô gọi điện thoại cho các đạo diễn quen biết lúc trước: Bất kể vai diễn lớn nhỏ, chỉ cần thanh toán kịp thời là được!

Trong mấy năm đó, người diễn viên ưu tú từng là ngôi sao hàng đầu, đoạt được nhiều danh hiệu ảnh hậu, nổi tiếng bởi tính kiêu ngạo này có vai nhận tất ngựa không ngừng vó đóng phim, có khi thậm chí là vai diễn cỏn con chỉ nói vài câu thoại, cô cũng không so đo, cũng nghĩ rất thoáng: Không sao, tôi có thể có khả năng có cơ hội dựa vào đóng phim nuôi sống bản thân, kiếm tiền trả nợ, đã rất cảm kích rồi. Nhìn sự việc luôn phải nhìn về mặt tốt, tôi rất lạc quan.

Một lần nọ, Lưu Hiểu Khánh và Lý Vũ Xuân lúc đó đang nổi như cồn cùng tham gia hoạt động. Ở hậu trường, phóng viên và khán giả đều cuồng nhiệt đuổi theo Lý Vũ Xuân, để bảo vệ vị “nữ hoàng” mới này, gian phòng VIP duy nhất chỉ dành cho một mình cô, Lưu Hiểu Khánh và một số diễn viên khác đành ngồi trên ghế ở lối đi.

Có một tay phóng viên tinh mắt, phát hiện người phụ nữ ngồi ở lối đi huyên náo này lại là Lưu Hiểu Khánh, lập tức đưa micro đến bên miệng cô: “Chị Khánh, ngồi ở đây có cảm giác Trường Giang sóng sau xô sóng trước hay không?” Cô cười, ung dung trả lời: “Người mới lớp lớp xuất hiện là chuyện tốt, hơn nữa cô ấy còn là bạn cùng trường của tôi đấy, chúng tôi đều tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tứ Xuyên.”

Tay phóng viên vốn dĩ mong rằng có thể moi được vài câu gây xôn xao từ miệng Lưu Hiểu Khánh - người nổi tiếng ăn ngay nói thẳng - tẽn tò bỏ đi. Sự độ lượng điềm đạm từ nơi cao rớt xuống đáy khe sâu này, không phải người bình thường dễ dàng có được. Còn có một lần, Khương Văn quay bộ phim điện ảnh “Hãy để đạn bay”, là người yêu trong quá khứ, bạn thân trong hiện tại, Khương Văn rất muốn nhân cơ hội này giúp Lưu Hiểu Khánh một tay, bèn mời cô đóng vai “vợ chủ tịch huyện” trong phim.

Nhưng sau khi Lưu Hiểu Khánh xem xong kịch bản, cảm thấy vai diễn này không hề thích hợp với mình, liền quả quyết từ chối Khương Văn, cô nói với Khương Văn: “Em biết anh muốn giúp em, nhưng khi sáng tác một đạo diễn ưu tú nên đặt tác phẩm ở vị trí đầu tiên, những thứ khác đều phải gác sang một bên. Điều mà em từng tán thưởng anh nhất chính là điểm này, anh đừng đánh mất điểm quý báu này! Một chút khó khăn nhỏ này của em hiện giờ, so với tác phẩm, tuyệt nhiên chẳng thấm tháp gì!” Sự từ chối của cô khiến Khương Văn cảm động mãi không thôi, từng cảm thán với bạn bè rằng: “Rất nhiều người đều nói tôi có tình có nghĩa, khi cô ấy ngồi tù, dốc hết sức lực giúp cô ấy, thật ra không phải là tôi có tình có nghĩa, một người phụ nữ như vậy, xứng đáng để tôi giúp.”

Vấp ngã ở chỗ nào, lại bò dậy từ chỗ nấy, câu nói này thốt ra dễ dàng, cụ thể đến người trong cuộc, mùi vị trong đó, có lẽ chỉ có chính mình thấu hiểu nhất. Tuy nhiên Lưu Hiểu Khánh xuất hiện trước mặt công chúng, mãi mãi rất đỗi tích cực, rạng rỡ, tràn trề sức sống, cô nói: “Đời người thăng trầm là khó tránh khỏi, ngày tháng tốt đẹp dễ trải qua, nhưng người có thể trải qua ngày tháng tồi tệ một cách vui vẻ, mới là người 'cool' thật sự.”

Diễn viên Hồng Kông Trương Bá Chi đã hợp tác với cô trong phim “Nữ tướng Dương môn”, từng khen ngợi: “Tôi vẫn luôn cảm thấy bản thân tôi có thể chịu khổ, nhưng chị Khánh là diễn viên có thể chịu khổ nhất mà tôi đã gặp!” Khi quay “Nữ tướng Dương môn”, rất nhiều cảnh phim đều quay trong sa mạc, điều kiện gian khổ khác thường, song Lưu Hiểu Khánh lại có thể tự tìm niềm vui ngoài lúc quay phim, dạy mọi người nói tiếng địa phương Tứ Xuyên, đến nỗi tới nay Trương Bá Chi vẫn có thể nói bằng tiếng địa phương Tứ Xuyên: Thật là thoải mái nhàn hạ! Trương Bá Chi nói: “Bộ phim đó tuy quay rất gian khổ, nhưng vì có chị Khánh, cũng quay vui vẻ nhất!”

Rất ít người biết rằng, trên thực tế mãi đến năm 2010, Lưu Hiểu Khánh mới trả hết tất cả nợ nần, hoàn toàn dựa vào sức của riêng mình.

Khi trả xong món nợ cuối cùng, Lưu Hiểu Khánh cảm thán: “Tiếp theo, cuối cùng tôi cũng có thể diễn một số vai mà bản thân tôi yêu thích rồi!”

Từ trước đến nay, các kiểu suy đoán về dung mạo và tuổi tác của cô chưa từng gián đoạn, nhất là tin đồn cô phẫu thuật thẩm mỹ. Đối với chuyện này, Lưu Hiểu Khánh rất thản nhiên: “Tuyệt đối nguyên trạng, chưa từng phẫu thuật!” Thế thì bảo dưỡng như thế nào?

Được biết Lưu Hiểu Khánh thích đánh cầu lông, cô là người có kỹ thuật và chăm chỉ sánh ngang tuyển thủ chuyên nghiệp trong đội cầu lông của các ngôi sao Trung Quốc, được bạn bè trong đội gọi đùa là “nữ ma đầu”. Kiên trì chơi cầu lông là phương thức chủ yếu giúp Lưu Hiểu Khánh duy trì vẻ mặt trẻ trung và thân hình thon thả.

Ngoài ra, phương thức sinh hoạt của cô cũng hết sức lành mạnh, rất nhiều người trong giới showbiz đều là “con mèo đêm”, trên cơ bản sớm tối điên đảo, nhưng cô rất hiếm khi thức thâu đêm, buổi tối nếu không có việc gì hơn mười giờ đã lên giường, không bao giờ đi quán bar, buổi sáng thích dậy sớm, cô nói: “Giấc ngủ dưỡng nhan sắc nhất, tôi thấy hiện nay rất nhiều phụ nữ buổi tối không ngủ, sau đó lại tốn rất nhiều tiền mua mỹ phẩm đắt giá để bù đắp, đây đều là trị ngọn không trị gốc.”

Ngoài những bí quyết này, chính là tâm thái tốt của cô. Cô từng nói: Trong đủ loại cách thức làm đẹp, hiệu quả nhất là: lòng dạ rộng mở thư thái. Những người cùng làm việc với cô đều biết: Chị Khánh nóng tính, nhưng nổi nóng xong, qua rồi liền quên rất nhanh, không bao giờ ấm ức để bụng.

Bốn lần kết hôn, ba lần ly dị, đường tình của Lưu Hiểu Khánh không thể nói là không lận đận, nhưng rất ít nghe thấy cô oán trách người đàn ông nào, cũng không nghe cô bảo: không còn tin tưởng tình yêu nữa. Trải nghiệm tình cảm trong quá khứ chắc chắn từng có tổn thương, từng có đau khổ, nhưng chưa từng phá hủy niềm tin và khao khát đối với tình yêu trong lòng cô.

Chẳng hạn cô từng rất yêu Khương Văn, sẵn sàng lấy ra tất cả tiền dành dụm của mình đầu tư quay bộ phim điện ảnh đầu tiên của Khương Văn - “Tháng ngày rực rỡ ánh dương”. Sau khi hai người chia tay, cô chưa hề nói một câu chê trách Khương Văn, đây cũng là nguyên nhân nhiều năm về sau cô bị giam giữ vì vụ án trốn thuế, Khương Văn dốc sức giúp đỡ cô. Khương Văn nói: Cô ấy nặng nghĩa đối với tôi, là tôi nợ cô ấy.

Năm xưa lúc cô và Trần Quốc Quân người chồng thứ hai ly hôn, ầm ĩ đến nỗi tiếng đồn khắp nơi, thậm chí Trần Quốc Quân đã viết một cuốn sách kể về ân oán giữa họ, trong đó không thiếu những lời oán hận đối với Lưu Hiểu Khánh, nhưng ngần ấy năm nay, thật ra họ vẫn luôn thầm lặng quan tâm lẫn nhau. Trong một buổi họp mặt bạn bè sau khi Lưu Hiểu Khánh ra tù, Trần Quốc Quân vừa nhìn thấy Lưu Hiểu Khánh, liền bước tới ôm cô thật chặt, hai người xem như “một cái ôm xóa đi ân oán.”

Lưu Hiểu Khánh từng nói: “Trong tình cảm, mãi mãi không thể nói ai đúng ai sai. Tôi rất trân trọng mỗi một người đàn ông dùng sinh mệnh quý báu bầu bạn tôi đi qua một chặng đường, cho dù không thể đi đến tận cùng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng quá trình này đã khiến tôi rất cảm ơn, tôi chỉ nguyện ghi nhớ những điều tốt đẹp đó.” 

Có lẽ, chính là vì tin tưởng, trong đời mình, cô mới có thể không ngừng gặp gỡ với tình yêu chân thành và người đàn ông chân thành. Quen biết với Vương Hiểu Ngọc người chồng hiện nay, phải truy ngược về 20 năm trước. Hai người quen nhau trong một buổi họp mặt bạn bè, ông tán thưởng sự rộng rãi và độ lượng của Lưu Hiểu Khánh, từng nói với bạn bè: “Cô ấy đã lật đổ tất thảy nhận biết của tôi về nhược điểm của phụ nữ, về một số mặt nào đó, ví dụ như lòng dạ, ví dụ như kiên cường, khiến một người đàn ông như tôi đây cũng tự than không bằng.”

Chỉ đáng tiếc, hoa rơi có ý nước chảy vô tình, lúc đó, Lưu Hiểu Khánh không có cảm giác đặc biệt đối với ông, sau này, ông luôn làm một người canh gác thầm lặng, nhìn người phụ nữ mình yêu trải qua mọi nỗi thăng trầm và tình yêu. Ông luôn dùng thân phận của một người bạn và anh cả xuất hiện trong cuộc sống của cô, khi cô cần, giúp đỡ và an ủi cô.

Vương Hiểu Ngọc đã có hai lần hôn nhân, có con trai con gái, các con ông không đồng ý cha họ và Lưu Hiểu Khánh qua lại, kể cả chính Lưu Hiểu Khánh cũng từng khuyên ông buông bỏ, nhưng ông nói: “Tôi đã ngần này tuổi, đối với rất nhiều sự việc đều nhìn rất thoáng, chỉ riêng chuyện tình cảm này, tôi phải cố chấp đến cùng.” Các con từng hỏi ông: “Lưu Hiểu Khánh có chỗ nào để bố không thể cắt đứt?” Ông nói: “Cả đời Hiểu Khánh đã trải qua rất nhiều khổ nạn trắc trở, nhưng con nhìn cô ấy, từ trong ra ngoài đều rất mực sáng láng, không trách móc, không tự thương hại, sống rất tích cực, vui vẻ, đây không phải là điều mà người bình thường có thể làm được, cô ấy xứng đáng để bố ái mộ và chờ đợi.”

Có lẽ hạnh phúc chỉ dừng lại vì người chân thành, cố chấp. Năm 2012, Lưu Hiểu Khánh đã trải qua hơn nửa đời người ba chìm bảy nổi cuối cùng muốn có một chốn về, mà Vương Hiểu Ngọc luôn chờ đợi che chở cô, là bến cảng cô muốn đỗ nhất.

Hôn lễ do Vương Hiểu Ngọc một tay lo liệu, từ chọn địa điểm nhà thờ, lễ phục cô dâu, khách sạn, đến đội ngũ nhiếp ảnh lễ cưới, mỗi một chi tiết, ông đều cố gắng đạt đến tốt nhất đẹp nhất. Ông nói với Lưu Hiểu Khánh vẫn đang đóng phim ở Trung Quốc: “Mọi thứ giao hết cho anh, đến lúc đó em không cần mang theo gì cả, bay thẳng sang đây là được rồi.”

Vào đêm trước hôn lễ, ông sang tên hai ngôi nhà sang trọng ở Mỹ và Hồng Kông của mình cho Lưu Hiểu Khánh, nói với cô: “Từ nay, ở Mỹ, ở Hồng Kông, ở Bắc Kinh, em đều có ngôi nhà thuộc về mình.” Hôn lễ được cử hành tại một nhà thờ nằm trong rừng cây um tùm ở ngoại ô San Francisco nước Mỹ. Lưu Hiểu Khánh mặc áo cưới lộng lẫy, được em rể Tỉnh Quân hộ tống, trong tiếng nhạc của bản “Hành khúc đám cưới” diễn tấu bởi đại phong cầm, chậm rãi bước vào nhà thờ.

Dưới sự chứng kiến của mục sư, chú rể và cô dâu trao đổi nhẫn cưới, nói lời thề nguyện. Vương Hiểu Ngọc nói: “Hiểu Khánh, Livia thân yêu của anh, ngưỡng mộ và mong chờ bao năm, hôm nay cuối cùng anh có thể nắm tay em trong tiếng chúc phúc, cùng em bước vào cung điện hôn nhân thiêng liêng này. Từ nay về sau, anh sẽ tôn trọng em, bảo vệ em, mãi mãi tha thiết yêu em. Nếu nói, con người ta có chín kiếp tuần hoàn, thế thì bất kể con đường trước mặt gian nan hiểm trở nhường nào, anh đều sẽ kiên định không dời vẫn cưới em làm vợ. Nếu nói, trên thiên đàng con người ta sẽ được sống mãi, thế thì chốn thiên đàng người bạn đời nương tựa gắn bó cùng anh cũng nhất định là em - Livia yêu dấu của anh.”

Lưu Hiểu Khánh đáp lại: “William, nhiều năm nay anh luôn hiểu em, yêu em, quý em, thương em, che chở, bao dung, tín nhiệm, kỳ vọng đối với em, em bằng lòng cùng anh nắm tay dũng cảm đồng hành trên con đường hôn nhân. Em sẽ tôn trọng anh, yêu anh, đi đến hạnh phúc thuộc về chúng ta.” 

Bầu không khí chân thành ấm áp cảm động khiến tất cả quan khách có mặt đều rơm rớm nước mắt. Còn đối với các kiểu bàn luận và phỏng đoán do tin tức đám cưới của cô làm dấy lên trong cư dân mạng Trung Quốc, Lưu Hiểu Khánh điềm đạm tự tin trả lời trên weibo: Bạn muốn có được một người đàn ông xuất sắc, thế thì trước tiên bạn phải để mình trở thành một người phụ nữ xuất sắc. Tôi vẫn sẽ sống một cách trẻ trung xinh đẹp, vẫn ấp ủ dũng khí và quyết tâm theo đuổi hạnh phúc. Nếu ở độ tuổi này tôi vẫn có thể có được hạnh phúc và tình yêu, thế thì, bạn cũng nhất định có thể!

(Internet)

Điều kiện của một đóa hoa


Thường thường có người nói, tình yêu tươi đẹp giống như hoa, cũng có người bảo, tình yêu giống như hoa, sớm muộn sẽ héo rụng, thậm chí là sớm nở tối tàn. Nói tình yêu giống như hoa, chẳng qua là một lối ví von khuôn sáo. Khi dùng lối ví von này, điều chúng ta nhìn thấy chỉ là một đóa hoa, chứ không phải là điều kiện hình thành của một đóa hoa.

Bạn biết một đóa hoa làm sao mà có không? Bạn không thể không biết, đó là sự phối hợp của rất nhiều điều kiện: ánh nắng, khí hậu, đất bùn, nước mưa, vật chất, có lẽ còn bao gồm một con bướm ngẫu nhiên bay qua. Có những điều kiện này, mới nở ra một đóa hoa.

Tình yêu cũng do rất nhiều điều kiện, hiện tượng và tình cảnh hình thành. Duyên khởi mà tụ, ngày nào đó năm nào đó, chúng ta gặp nhau, biết nhau, yêu nhau, chúng ta chính là đóa hoa đó. Về sau có một ngày, những điều kiện hình thành đóa hoa này lần lượt mất hẳn. Duyên tận mà tan, cũng là lúc chúng ta xa nhau.

Vật chất mãi mãi sẽ không tiêu tan, sau khi hoa rụng, phối hợp một số điều kiện khác, nước mưa, ánh nắng, đất bùn khác và một con bướm ngẫu nhiên bay qua khác, một đóa hoa mới lại hình thành. Chỉ là, hình thái của nó không giống với trước kia.

Chúng ta nói không có vĩnh hằng, vì cùng một đóa hoa sẽ không hiển hiện lần nữa. Chúng ta bằng lòng tin tưởng vĩnh hẵng, là vì sau khi một đóa hoa héo rụng, sẽ trở thành chất dinh dưỡng của một đóa hoa khác, sinh sôi không ngừng.

Tất cả điều kiện không có lần nào giống nhau. Mỗi một đóa hoa đều có cá tính. Chúng ta từ một đóa hoa đọc được câu chuyện, chúng ta từ một đóa hoa lĩnh ngộ duyên phận. Duyên khởi duyên diệt, vốn không phải là chuyện chúng ta có thể nắm bắt khống chế, bạn chỉ có thể học cầm hoa mỉm cười.

(Trương Tiểu Nhàn)

Hôm nay muốn ăn gì?


Tôi thích ăn, trước đây có rất nhiều đồ ăn, hôm nay muốn ăn món này, ngày mai muốn ăn món kia, từng xa lắc xa lơ một mình từ Tân Giới lái xe cả tiếng đồng hồ đến Cảng Đảo, chỉ vì đột nhiên phát thèm, rất muốn ăn một bát mì kéo xá xíu nóng hôi hổi. 

Tuy nhiên, mấy năm nay, tôi đã không còn thứ gì đặc biệt muốn ăn nữa. Nếu nói một loại thức ăn yêu thích nhất, thì chỉ có hải sản tươi, nhưng không ăn được cũng chả sao. Tôi sẽ không lặn lội đường dài đến một nơi, chỉ để ăn một con cá.

Tôi cũng thích ăn quà vặt, khi viết bản thảo, và cả lúc tâm trạng không vui, ăn ít chocolate và khoai tây chiên giòn, quả thực có chút tác dụng.

Tôi nhớ mấy năm trước một người bạn rất thích ăn và cũng rất biết ăn nói với tôi:

“Đợi đến mùa đông, tôi đưa cô qua biển đi ăn cháo, cháo ở đó ngon vô cùng, nhưng cô đừng để tâm chuyện ngồi xổm bên đường ăn.”

Tôi không hề để tâm lắm chuyện ngồi xổm bên đường ăn quà, có điều, mức độ tôi thích ăn cháo vẫn chưa đến nỗi khiến tôi chịu ngồi xổm ven đường vì nó.

Hiện giờ, không có thứ phải ăn cho bằng được, thế nên, ăn cơm quan trọng nhất là cùng ăn với ai và đến đâu ăn. Hạnh phúc nhất, đương nhiên là cùng với người yêu ăn món ăn ngon, uống chút rượu ngon. Còn ăn gì, hạnh phúc nhất không phải là trong lúc ăn, mà là bận rộn suốt ngày, hẹn buổi tối cùng ăn cơm, ở đầu bên kia điện thoại, hoặc khi gặp mặt, chàng hỏi bạn một cách săn sóc:

“Hôm nay muốn ăn gì?”

Chẳng qua là một câu nói cũ rích tầm thường, thế nhưng, trời đã tối rồi, khi bạn lê tấm thân mệt mỏi rời khỏi văn phòng, cảm thấy ăn hay không ăn đều chẳng quan trọng, một câu nói này lại giống như gió xuân lướt nhẹ qua mặt bạn. Trăm ngàn ngoắt ngoéo trên đường tình, điều chờ đợi hóa ra chỉ là một câu nói bình thường này.

(Trương Tiểu Nhàn)

Thử nghĩ về mình của mười năm sau


Trước mười tám tuổi, tôi là một người không biết mình muốn gì, lúc đó hàng ngày tôi cứ theo bạn học hát hò, khiêu vũ trong trường nghệ thuật Chiết Giang. Thi thoảng có đạo diễn đến tìm tôi đóng phim, tôi bèn rất hưng phấn đi quay, bất kể vai diễn cỏn con thế nào.

Nếu không có lần trò chuyện đó của thầy giáo với tôi, thế thì có lẽ mãi đến hôm nay, vẫn chẳng có người nào biết Châu Tấn là ai. 

Đó là một ngày của tháng 5 năm 1993, thầy Triệu dạy tôi môn chuyên ngành đột nhiên tìm tôi trò chuyện: “Châu Tấn, em có thể nói cho thầy biết dự định của em đối với tương lai không?”

Tôi ngớ ra. Tôi không rõ sao thầy thình lình hỏi tôi vấn đề nghiêm túc như vậy, càng không biết nên trả lời thế nào.

Thầy hỏi tôi: “Em hài lòng với cuộc sống hiện tại chứ?” Tôi lắc đầu.

Thầy cười: “Nếu không hài lòng chứng tỏ em vẫn còn thuốc chữa. Hiện giờ em thử nghĩ xem, mười năm sau em sẽ như thế nào?”

Giọng nói của thầy rất nhẹ nhàng, nhưng rơi vào cõi lòng tôi lại biến thành nặng trĩu. Trong đầu tôi lập tức bắt đầu gió giục mây vần. Trầm mặc hồi lâu, tôi nhìn mắt thầy, chợt nói một cách rất kiên định: “Em mong rằng mình của mười năm sau trở thành nữ diễn viên xuất sắc nhất, đồng thời có thể phát hành một album nhạc thuộc về mình.”

Thầy hỏi tôi: “Em xác định rồi chứ?”

Tôi chầm chậm cắn chặt môi trả lời: “Yes”, mà còn kéo dài giọng.

Thầy nói tiếp: “Tốt, nếu em xác định rồi, chúng ta hãy đem mục tiêu này tính ngược trở lại. Mười năm sau, em 28 tuổi, lúc đó em là một ngôi sao lớn nổi tiếng khắp nửa vòm trời, đồng thời đã ra một album.”

“Thế thì lúc em 27 tuổi, ngoài nhận đóng các thể loại phim của các đạo diễn khác nhau, chắc chắn còn phải có một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, có thể đưa cho rất nhiều rất nhiều công ty đĩa hát nghe, đúng không?”

“Lúc 25 tuổi, trên sự nghiệp diễn xuất em phải không ngừng học tập và suy ngẫm. Ngoài ra về phương diện âm nhạc nhất định phải có tác phẩm rất hay bắt đầu thu âm.”

“23 tuổi phải tiếp nhận các kiểu bồi dưỡng và huấn luyện, bao gồm về âm nhạc và về hình thể.”

“Lúc 20 tuổi phải bắt đầu soạn nhạc, viết lời. Về phương diện diễn xuất phải nhận đóng vai diễn lớn một chút.”

Lời thầy nói rất thoải mái, nhưng tôi lại cảm thấy một nỗi sợ hãi. Suy luận tiếp như thế, tôi nên lập tức bắt tay chuẩn bị vì lý tưởng của mình, thế nhưng hiện giờ tôi lại chẳng biết gì cả, chưa từng nghĩ gì cả, vẫn vô cùng đắc ý với những vai diễn như tiểu nha hoàn tiểu vũ nữ. Tôi cảm thấy có một áp lực lớn mạnh đột nhiên nhắm mình ập tới.

Thầy bình tĩnh cười nói: “Châu Tấn, em là một mầm non tốt, nhưng em thiếu quy hoạch về nhân sinh, tản mạn và hỗn loạn. Thầy hy vọng lúc rảnh rỗi em có thể thử nghĩ về mình của mười năm sau, rốt cuộc muốn sống cuộc sống ra sao, rốt cuộc muốn thực hiện mục tiêu thế nào. Nếu em đã xác định mục tiêu, thế thì mong rằng em bắt đầu làm ngay từ bây giờ.”

Một năm sau, tôi đã tốt nghiệp trường nghệ thuật, bắt đầu từ hôm ấy lời thầy dạy vẫn luôn khắc sâu nơi đáy lòng tôi: thử nghĩ về mình của mười năm sau. Đúng thế, khi tôi ý thức được đây là một vấn đề, tôi phát hiện cả con người tôi đều đã thức tỉnh.

Sau khi tốt nghiệp, tôi bận rộn nhận đóng các bộ phim truyền hình đủ thể loại. Tôi trước sau ghi nhớ, mười năm sau tôi phải là ngôi sao thành công nhất, do đó tôi bắt đầu rất nghiêm túc chọn lọc vai diễn. Sau đó tôi đã quay “Lúc ấy hoa nở”, đã quay “Đại Minh Cung Từ”, tôi dần dần được mọi người đón nhận, cũng từ từ nếm được niềm vui của thành công.

Tháng 4 năm 2003, vừa khéo tròn mười năm sau cuộc trò chuyện giữa thầy giáo và tôi, tôi không biết đây là ngẫu nhiên hay tất nhiên, tôi thật sự đã có album đầu tiên thuộc về mình - “Mùa hè”. Kỳ thực bạn cũng giống như tôi vậy. Nếu bạn có thể kịp thời hỏi bản thân một câu: “Mười năm sau mình sẽ như thế nào?”, bạn sẽ phát hiện, cuộc đời của bạn sẽ bất tri bất giác phát sinh biến hóa. Thời khắc nghĩ về mình của mười năm sau, bạn sẽ càng đi càng gần về phía mộng tưởng của mình.

(Châu Tấn)

24.12.14

Chim và Tổ

Trong một vùng sa mạc hoang vu không người có một gốc cây già đã chết khô, đầu cành có một tổ chim đơn sơ, trong tổ có một con chim quanh năm suốt tháng nhịn đói chịu khát, gian nan qua ngày.

Một hôm, sa mạc nổi bão cát, gốc cây khô ấy bị nhổ bật cả rễ lên cuốn đi.

Để tìm kiếm nơi ẩn thân mới, con chim đáng thương này buộc phải bay mấy trăm cây số, cuối cùng đã phát hiện một ốc đảo. Trên ốc đảo sông nhỏ róc rách, cây xanh râm mát, quả ngọt lúc lỉu.

Nếu gốc cây khô ấy trong sa mạc vẫn tồn tại, con chim này có lẽ mãi mãi cũng sẽ không muốn thay đổi cuộc sống vốn có của mình.

(Lý Đông Mai)

Lá bay đến mùa xuân và hoa nở ở trong lòng


Mùa thu, một chiếc lá vàng rụng xuống khỏi ngọn cây, bị gió thổi, nhởn nhơ bay lượn trên không trung.

“Mẹ ơi, nó muốn bay đến đâu?” Bé gái hỏi.

“Mùa xuân.” Mẹ đáp.

“Mùa xuân?”

Mùa xuân đã đến, bé gái chỉ một chiếc lá non vừa nhú ra, hỏi: “Mẹ ơi, nó từ đâu đến?”

“Mùa thu.”

“Mùa thu?”

“Đúng. Con còn nhớ chiếc lá vàng rơi xuống ấy không?”

“Dạ nhớ.” Bé gái dứt lời, lại chỉ một đóa hoa tươi nở rộ, hỏi: “Mẹ ơi, nếu hoa cứ nở tiếp thế này, cuối cùng nó sẽ nở thành dạng nào nhỉ?”

“Quả.”

“Nếu nó là một đóa hoa không kết quả thì sao?”

“Thế thì nở vào trong lòng mọi người.”

“Vì sao?”

“Vì phàm là thứ đã từng đẹp đẽ, mọi người đều sẽ để tâm ghi nhớ nó.” Mẹ nói.

(Hoàng Tiểu Bình)

25.11.14

Nhân quả biết


Con ta, thấy con thu xếp hành trang, con muốn đi đến phương nào? Con đi, ta đương nhiên không ngăn cản con, ngược lại, ta sẽ trông nom con - ở mọi khoảnh khắc, mọi ngóc ngách. Nhưng trước khi con buộc yên ngựa, hãy tới bên chân ta, ngồi yên, lặng lẽ, nghe ta nói thêm một lần.

Con ta, bên ngoài chính là nhân gian khói lửa, ta không có thất bảo cho con hưởng dụng, thậm chí không đúc một thanh trường kiếm hộ thân cho con, song ta có một câu nói tặng con, ghi nhớ nó, con sẽ vô địch.

Con ta, phải trái của nhân gian không giống như tóc đen trong bơ, thấy được rõ ràng; nó là tuyết đọng lâu năm của núi tuyết, từ lâu đã nén thành băng cứng, nung cũng không tan chảy, cắt cũng không đứt đoạn.

Nếu có người hiểu lầm con, hãy mỉm cười giải thích, đừng dùng tư thái biện bác. Con xem gió cứ quất vào đống đá mani, nhưng đá chẳng hề cự nự, chỉ âm thầm kiên trì. Nếu y không muốn nghe con giải thích, hãy mỉm cười trầm mặc, nên tin rằng rất nhiều lời không nhất thiết phải nói, vì nhân quả đã biết.

Nếu có người đố kỵ con, hãy ưu nhã giữ khoảng cách, đừng dùng tư thái khiêu khích. Con xem chim sẻ cứ ghen ghét chim ưng, song chim ưng chẳng hề để bụng, chỉ bay đi xa tít. Nếu y khăng khăng đến gần con, hãy bình tĩnh chờ đợi, nên tin rằng rất nhiều việc ắt phải xảy ra, con không khống chế nổi, nhưng nhân quả sẽ biết.

Nếu có người làm tổn thương con, hãy thông minh né tránh, đừng dùng tư thái quyết đấu. Con xem thợ săn cứ đuổi bắt sư tử tuyết, thế mà sư tử tuyết chẳng hề đánh trả, chỉ nương ánh trăng lững thững đến đầu vách núi không ai tới được. Nếu y đã làm tổn thương con, đừng toan tính trả thù, cần hiểu con không phải là phán quan công chính, nên làm sao hoàn trả, nhân quả biết.

Nếu có người thương yêu con, hãy thản nhiên tiếp nhận, không cần tư thái khiêm tốn. Con xem ánh dương chiếu rọi sen tuyết, sen tuyết chẳng hề từ chối, dùng toàn bộ sinh mệnh để nở rộ. Nếu yêu con là sở tại của tất cả niềm vui trong hết thảy năm tháng của người ấy, thế thì lẽ đương nhiên được yêu mới là sự khảng khái lớn nhất của con, đừng so đo đậm nhạt, nặng nhẹ, thật giả, nhân quả tự nhiên sẽ biết.

Con ta, đi thôi, lên ngựa, nhớ lời ta. Từ nay cho đến khi chứng đạo quả bồ đề, tâm của ta và con mãi luôn ở bên nhau.

(Trác-tây-lạp-mẫu Đa-đa)

4.11.14

Ấm lạnh

Rất nhiều lúc, tình người ấm lạnh, là vì chỉ có thể làm được như vậy.

Ai nấy có gia đình và công việc cần chăm lo, thường ngày hóa đơn bay đến tới tấp, làm được thu chi cân bằng, thông thường đã mồ hôi đầm đìa.

Đãi bôi với sếp, đồng nghiệp, bạn bè thân thích, gắng hết sức vẹn toàn mọi mặt, cần phải có biết bao tinh lực, vì vậy khi bạn bè di dân, sếp tổng về hưu, đồng nghiệp cũ thất ý, nếu chúng ta thăm hỏi không chu đáo, xin thông cảm thứ lỗi cho.

Đồng thời, chúng ta cũng phải thể tất cho người khác, làm sao có thể yêu cầu thân bằng cố hữu mỗi tuần viết một lá thư gửi đến bờ bên kia của Thái Bình Dương.

Bận rộn các việc lặt vặt tới mức không thở nổi, chỉ riêng đưa đón con đi học đã phải đi về bốn lần, đôi lúc cơ thể không khỏi có chút đau ốm, gượng cười bảo: “Làm đến trắng mắt ra.”

Mọi việc của bạn cũ phương xa đều thương mà chẳng giúp được gì, tin vui, chỉ biết mừng vì may mắn; chuyện buồn, chẳng qua than thở một tiếng.

Người ở bờ bên kia đám cưới, sinh con, mắc bệnh, thậm chí qua đời, đều quá đỗi xa xôi, thế nhưng từng lời nói cử chỉ năm xưa vẫn rành rành trước mắt, ghi mãi trong lòng.

Thi thoảng cùng bạn bè ở đây nhắc đến những chuyện trước kia, mọi người đều cúi đầu mỉm cười, dần dà muốn khóc, tuy rằng thông tin phát triển, nhưng có chút ít còn hơn không, sao bằng mặt đối mặt, nụ cười đáp lại nụ cười.

Đừng nói trả lời thư, có lúc ngay cả xem thư cũng phải đợi đến khi đêm khuya người vắng mới có thể đọc kỹ, bỗng chợt ngẩng đầu, nhìn thấy một vầng trăng sáng, ánh trăng bàng bạc tuôn chảy xuống đất, mong rằng mọi người đang ngắm cùng một vầng trăng.

(Diệc Thư)

Con đường vòng không đi không được

Ở ngã rẽ của tuổi thanh xuân, từng có một con đường nhỏ như ẩn như hiện, vẫy gọi tôi.

Mẹ ngăn tôi lại: “Không thể đi con đường đó.”

Tôi không tin.

“Mẹ đã từ con đường đó đi tới đây, con còn có gì không tin?”

“Nếu mẹ có thể từ con đường đó đi tới đây, vì sao con không thể?”

“Mẹ không muốn để con đi đường vòng.”

“Nhưng con thích, vả lại con chả sợ.”

Mẹ xót xa nhìn tôi hồi lâu, rồi thở dài: “Thôi được, con bé bướng bỉnh này, con đường đó rất khó đi, dọc đường cẩn thận!”

Sau khi lên đường, tôi phát hiện mẹ không gạt tôi, đó quả thật là con đường vòng, tôi va vấp, ngã lộn nhào, có lúc va đến vỡ đầu chảy máu, song tôi không dừng bước, cuối cùng đã đi qua.

Lúc ngồi xuống nghỉ xả hơi, tôi nhìn thấy một người bạn, đương nhiên rất trẻ, đang đứng ở ngã đường năm ấy của tôi, tôi không nhịn nổi gào lên: “Không thể đi con đường đó.”

(Trương Ái Linh)

Đám cưới và Đám tang

Hai sự kiện lớn của đời người - đám cưới và đám tang, thực ra có rất nhiều điểm chung: khách mời của gia chủ đều là cùng một tốp người, ai nấy đều phải “làm chuyện ơn nghĩa”.

Hôm trước lễ động quan của người chết, thân bằng quyến thuộc sẽ ở lại linh đường, bầu bạn anh ta trải qua một ngày cuối cùng trước khi xuống mồ yên nghỉ. Hôm trước lễ thành hôn của chú rể, huynh đệ chiến hữu sẽ kề vai sát cánh cùng anh ta tận hưởng một ngày cuối cùng làm người tự do.

Trong đám cưới, điều bất ngờ nhất là chẳng thấy cô dâu chú rể. Trong đám tang, điều bất ngờ nhất là chẳng thấy người chết.

Trong đám cưới có thể lâm trận rút lui. Trong đám tang tuyệt đối không thể.  

Trong đám tang, chúng ta không bị ép chụp ảnh chung với gia chủ.

Trong đám cưới, có người vui cười, có người buồn khóc - bao gồm bố mẹ cô dâu chú rể, tình địch và những cô nàng than thân trách phận. Trong đám tang, cũng có kẻ buồn khóc, có kẻ vui cười - kẻ thừa kế tài sản kếch xù của người chết.

Trong đám cưới, chúng ta hay hỏi người khác: “Bao giờ đến lượt cậu?” Trong đám tang không hỏi như thế được. Cùng lắm chỉ có thể hỏi: “Bao giờ đến lượt mình?”

Trong đám cưới, trai gái đôi bên thề non hẹn biển. Trong đám tang, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng, thề non hẹn biển chẳng thể nào địch nổi cái chết.

(Trương Tiểu Nhàn)

27.9.14

Hộp diêm của sinh mệnh

Sinh mệnh của chúng ta giống như một hộp diêm, bên trong chứa đựng rất nhiều que diêm. Mỗi khi chúng ta thắp một que, tuy trong hộp giảm bớt một que, nhưng cũng tỏa ra ánh sáng và hơi ấm.

Người thạo dùng diêm có thể thắp lên một mảng ánh nến rực rỡ, một đống lửa trại bừng bừng; nhưng người không thạo dùng diêm có thể thiêu rụi rừng rậm núi non, hàng dãy nhà cửa; còn kẻ không biết dùng nhất thì quẹt diêm quá sớm, kết quả thoáng chốc bắt cháy cả hộp, chóng vánh rời khỏi thế gian.

(Lưu Dung)

Ngọn đèn lẻ loi của Kim Dung

Nhớ lại, chẳng phải là chuyện xa xôi cho lắm. Năm ấy trụ sở Minh Báo nằm trên đường Jaffe, khu Wan Chai, tôi đến phỏng vấn, sau khi hoàn tất, có người bảo: “Cô đi gặp Tra tiên sinh.”

Đó thật là một văn phòng kỳ lạ nhất. Sơ sài đến cực điểm, cửa khép hờ, một ngọn đèn lẻ loi. Một người đàn ông trung niên dựa bàn mải viết, nghe tiếng ngẩng đầu lên, hàn huyên với tôi vài câu.

Tôi hồi ấy trẻ người non dạ, hoàn toàn không muốn đến gần, lập tức xuống lầu, nghĩ bụng: Làm ông chủ mà khắc khổ như thế, thật chả lợi lộc gì.

Kỳ thực lúc đó ông ấy mới khoảng bốn mươi tuổi, nhưng không biết vì sao, ông ấy đã hơi có vẻ già nua.

Thành công đương nhiên có thu hoạch, nhưng cái giá trả ra chỉ có đương sự mới hiểu rõ nhất, thời gian và tâm huyết hao phí để lập nghiệp không cần phải kể với người ngoài.

Độc giả sung sướng nhất, chẳng tốn bao nhiêu, ôm “Anh hùng xạ điêu” đọc tới đọc lui, mỗi lần đều hưng phấn đến mức gãi đầu vỗ đùi, tấm tắc: “Đều thuộc làu làu rồi, sao mà xúc động quá, không có mấy bộ sách này, chẳng biết nên làm thế nào.”

Sau này văn phòng của ông ấy trang trí đẹp đẽ, phòng sách cũng cực kỳ rộng rãi, nhưng tôi vẫn cứ nhớ mãi ngọn đèn lẻ loi đó.

(Diệc Thư)

Bể dâu

Bạn bè đều nói, nét non nớt của em đã bị vẻ điềm tĩnh thành thục thay thế.

Đây là cách nói hàm súc, kỳ thực là già rồi đấy!

“Mấy năm qua cô vừa lòng đẹp ý, chưa bị trắc trở làm tiêu mòn, già thế nào được?” Bạn bè lại không nghĩ vậy.

Người khác không hề biết rằng, yêu anh, chính là bể dâu trong sinh mệnh.

Em chỉ có thể không chút chọn lựa, dần dần già đi.

(Trương Mạn Quyên)

Thảo mộc nhân sinh

Cây đào không đau buồn tuyệt vọng vì đóa hoa rực rỡ rụng xuống, nó đang đợi lá non, nó biết trong năm tháng dài lâu của sinh mệnh mình, là màu lục bình thường và quả ngọt chắc mẩy, chứ không phải là vẻ diễm lệ màu hồng nhất thời.

Hương thơm nồng nàn của bạch ngọc lan khiến người ta ngây ngất nhắm mắt, không để ý thưởng thức hình dáng đẹp đẽ của hoa. Một đặc trưng nào đó quá đỗi phô trương, sẽ vô tình che lấp những ưu điểm khác: một đẹp che trăm xấu, một duyên dáng át ngàn nũng nịu.

Cây chuối ra sức khuếch trương bản thân, lá vừa to vừa dày, trở thành máng chảy của nước mưa, cầu trượt của lũ kiến, và cả chiếc quạt gió trong tay con người. Kết quả của tự đại là thường bị kẻ khác lợi dụng.

Thói e lệ của cây mắc cỡ, bắt nguồn từ cái chạm tay dưới tia nhìn chăm chú của con người, nếu không thì chẳng có thẹn thùng gì để nói. Rất nhiều chuyện trên đời, điều ta nên kiểm thảo chính là ánh mắt và thủ đoạn của con người.

(Lữ Khâm Văn)

26.9.14

Nồi nào úp vung nấy

Một cô gái sống cuộc sống thế nào, thì sẽ có chàng trai thế nấy yêu cô ta.

Cô sống cuộc sống phóng đãng, thế thì, người yêu cô cũng sẽ thích cuộc sống kiểu đó hoặc sống cuộc sống kiểu đó.

Cô sống cuộc sống phong phú đặc sắc, thế thì, người thích cô cũng là anh chàng yêu cuộc sống phong phú đặc sắc.

Cô sống cuộc sống chẳng có ngày mai, người phải lòng cô cũng sống cuộc sống chẳng có ngày mai y hệt.

Cô sống cuộc sống chán chường, sẽ thu hút anh chàng uể oải tìm đến. Cô theo đuổi kích thích, thế thì, anh chàng theo đuổi cô cũng theo đuổi cuộc sống kích thích.

Cô sống nghiêm túc, người yêu cô cũng sẽ là anh chàng nghiêm túc.

Cuộc sống của chúng ta đã quyết định tình yêu của chúng ta, giống như một người đi đường, dọc đường để lại sợi tơ đỏ làm ký hiệu, thế thì, đương nhiên sẽ có người lần theo những sợi tơ đỏ này mà đến.

Một số cô gái luôn oán trách: “Vì sao mấy anh chàng mình thích đều ở trong tay người khác, không để mình gặp được?”

Một số cô gái nhìn bạn trai của người khác, không cam chịu thầm nghĩ: “Mình đâu có điểm nào thua kém con nhỏ đó, nếu mình có cơ hội gặp được anh chàng này, ai dám bảo anh ấy sẽ không yêu mình kia chứ?”

Họ đều quên mất rằng, khi một cô gái lựa chọn cuộc sống kiểu nào, thì gần như đã lựa chọn chàng trai mà cô ta sẽ gặp được và chuyện yêu đương trong tương lai của cô ta.

(Trương Tiểu Nhàn)

Những chuyện nhà Minh (Trích đoạn: Từ Hà Khách)

Ngày xưa có một anh chàng, nhà có chút tiền, anh quyết định không thi cử làm quan, chỉ đi du lịch.

Ban đầu, phạm vi du lịch của anh chủ yếu là vùng Giang Tô Chiết Giang, như Tử Kim Sơn, Thái Hồ, Phổ Đà Sơn… Sau này càng đi càng dữ, đã đi Nhạn Đãng Sơn, Cửu Hoa Sơn, Hoàng Sơn, Vũ Di Sơn, Lư Sơn…

Nhưng ở đây tồn tại một vấn đề - Tiền.

Nhà du hành khác với đại hiệp ở chỗ, nhà du hành phải tốn tiền, liệt kê ra, đại khái bao gồm các chi phí sau: phí giao thông, phí ở trọ, phí hướng dẫn viên, phí ăn uống, vé vào cửa, nếu nơi nào không tử tế còn có phí chặt chém nữa.

Nhà anh có tiền, nhưng chỉ có chút tiền, không có thật nhiều tiền, là giai cấp trung lưu. Theo tiêu chuẩn ngày nay, một năm đi du lịch một chuyến cũng đủ rồi, nhưng lịch trình du lịch của anh là: một năm nghỉ ngơi một lần.

Ngoài dịp cuối năm anh về nhà chăm sóc cha mẹ ra, quanh năm suốt tháng đều ở bên ngoài, nhưng cứ vi vu như thế mà nhà anh vẫn kham được.

Nguyên nhân rất đơn giản, chẳng hạn phí giao thông, anh không ngồi tàu, cũng không ngồi xe ô tô (muốn ngồi cũng chẳng có), rất ít cưỡi ngựa, phần lớn đi bộ.
  
Phí ở trọ hoàn toàn không cần, những nơi anh đi, năm xưa đa số đều chẳng có ai đi, đừng nói khách sạn ba sao, ngay đến hắc điếm của Tôn Nhị Nương cũng chẳng có, trong rừng cây, trên vách núi, trải tấm chăn xuống đất, cứ thế đánh một giấc.

Phí ăn uống cũng chẳng có, những nơi anh đi chả có quán cơm nào, mỗi lần trước khi xuất phát anh đều đem theo lương khô, hơn nữa anh nhịn đói rất giỏi, nghe nói có thể nhịn bảy tám ngày, còn uống nước ư, trong núi khắp nơi đều là nước suối.
  
Vé vào cửa cũng khỏi, năm xưa ai muốn đặt trạm thu vé vào cửa ở những nơi anh đến, thì điều đó chỉ có thể chứng tỏ rằng người ấy còn “ngầu” hơn anh nữa.
 
Phí chặt chém không có, nhưng bị chém là có khả năng, hơn nữa tương đối trắng trợn, không bao giờ âm thầm tăng giá tính tiền lố, cứ vác đao ra trực tiếp đến cướp. Phải biết rằng, nơi không có vé vào cửa, đương nhiên chẳng có gian thương, nhưng rất có khả năng có kẻ cướp.
    
Theo khảo chứng, chi tiêu lớn nhất của anh là phí hướng dẫn viên, là một nhà du hành, anh hiểu rất rõ, thứ gì cũng có thể tiết kiệm, nhưng khoản tiền này không thể tiết kiệm, nếu không đi đến lưng chừng núi, đào cái hố cho anh, để anh chui xuống hang, thế là yên nghỉ rồi.
  
Cứ như vậy, anh chàng gia cảnh không mấy sung túc này, quần áo giản dị, không có tùy tùng, không có hộ vệ, mang theo lương khô, một mình đi khắp núi cao sông rộng, ăn gió nằm sương, không sợ cực khổ, không ngại nhịn đói, một năm chỉ về nhà một lần…
  

(Đương Niên Minh Nguyệt)

4.8.14

Lúc ấy, bạn vẫn chưa thấu hiểu

Thời gian là một quá trình thú vị, bạn mãi mãi không biết nó sẽ thay đổi bạn thế nào.

Nói ví dụ, món ăn từng không thích, rượu không thích, sách không thích hoặc người không thích, sau đó có một ngày lại yêu thích.

Rượu từng cảm thấy không ngon, có lẽ là lúc đó còn chưa đến đúng thời hạn, có lẽ là thuở ấy vẫn chưa hiểu được ưu điểm của nó. Nó cũng giống như một quyển sách mà bạn mua về, tiện tay lật vài trang, cảm thấy không hay, đặt sang một bên. Một vài năm sau, bạn vô tình cầm lên đọc lần nữa, lại ngạc nhiên trầm trồ, hối hận mình lúc đó đã bỏ lỡ một quyển sách hay như thế. Mà thật ra, bạn không hề bỏ lỡ. Điều này cũng giống như cuộc gặp gỡ của hai con người, chẳng sớm một bước, cũng chẳng muộn một bước, giữa trời đất mênh mông, giữa thời gian không bờ bến, chính là một khoảnh khắc này.

Có điều, trước khi gặp nhau và yêu nhau, chúng ta đều phải trải qua một quá trình. Thời gian cũng là giác ngộ. Bí ẩn từng không giải đáp được, sự việc từng không nghĩ thông suốt, nỗi lòng từng không thấu hiểu, về sau một ngày nọ cuối cùng đã vỡ lẽ.

Chẳng hạn, khi còn trẻ, sự lãng mạn mà chúng ta hướng đến là sở hữu, sở hữu một người rất yêu mình, sở hữu một cuộc tình ghi lòng tạc dạ. Sau này, chúng ta khao khát sở hữu càng nhiều, ngoài lời hứa và hẹn hò, còn có ước mơ cùng nhau theo đuổi. Sau này của sau này, chúng ta mong mỏi có thể vĩnh viễn sở hữu tất cả mọi thứ tốt đẹp. Sau đó có một ngày, chúng ta nhanh chóng mà triệt để tỉnh ngộ, lãng mạn là có thể buông bỏ; chỉ có người buông bỏ được mới là kẻ lãng mạn nhất. Vì sao ngày trước không có loại trí tuệ này? Vì sao ngày trước không hiểu rõ lãng mạn?

Đừng giận bản thân, lúc ấy, bạn vẫn chưa thấu hiểu.


(Trương Tiểu Nhàn)

Xuân hạ thu đông yêu người

Hôm nay, tôi nhớ đến một câu bà nội từng nói với tôi: Tình yêu là gì? Tình yêu chính là cháu bằng lòng cùng người mình thương bầu bạn bên nhau bốn mùa, mãi đến vĩnh viễn.

Mùa xuân, cháu và nàng dầm mưa đi dạo trên đồng nội rơi rắc hoa đinh hương màu tím nhạt; mùa hè, các cháu cùng hái quả mọng, cùng nghịch nước bên con suối nhỏ; mùa thu, cùng ở nhà muối dưa ăn mùa đông, cùng dán kín khe hở cửa sổ; mùa đông, thêm củi thêm than, tựa vào nhau cùng trải qua đêm dài giá rét.

Bà nội bảo, tình yêu thật sự vô cùng đơn giản.


(Internet)

24.6.14

Miên Không (Trích đoạn: Xơi trà)


Trong tiếng địa phương của quê nhà, uống trà gọi là xơi trà. Dù không lấy lá trà ra pha, chỉ khát miệng uống ly nước lọc, cũng không gọi là uống nước mà gọi là xơi trà. Uống rượu cùng lẽ, gọi là xơi rượu.

Sự tồn tại của một người bạn tao nhã, là để vào lúc hoàng hôn tuyết sắp sửa rơi mời người ấy đến, cùng uống một chén. Người yêu rượu thật sự, có lúc khó tránh độc ẩm dưới trăng. Khi tỉnh cùng vui vẻ, say rồi ai nấy phân tán. Uống trà khác với uống rượu. Nó cần đối tượng, uống trà một mình vô cùng cô độc. Uống trà chính thức, mọi người ngồi quây quần một vòng, chốc chốc rót trà cho người kia, không có vẻ vắng lặng. Trà giống như một người bạn thanh đạm nghiêm túc, tuy đáng quý, nhưng lại cần được hưởng ứng tương đối nhiệt liệt mới không đến nỗi tỏ ra xa cách.

Quen một cô gái người Phúc Kiến, cô kể trong làng nhỏ cổ xưa nơi cô khôn lớn, trẻ em từ bé đã uống trà, trong nhà đun một ấm đồng lớn nước sôi, ném mấy nhúm lá trà vào, suốt ngày chỉ uống nước trà. Tôi có đôi chút hâm mộ, cảm thấy cô từ bé đã làm chuyện của người lớn. Ở khu vực nhà tôi, trẻ em hồi bé chỉ uống nước lọc. Những năm tháng vật chất thiếu thốn, còn nhớ có một loại cà phê miếng do Thượng Hải sản xuất, bên ngoài bọc đường trắng, sau khi hòa tan trong nước nóng, là một ly thức uống ngọt ngào màu nâu phong vị độc đáo. Người dì trẻ tuổi thời thượng trong nhà thường hay pha cà phê miếng dạng này. Cà phê chính thức xuất hiện, nó liền biến mất tăm. Cha ăn xong cơm tối, quen dùng ly thủy tinh pha một ly trà xanh. Lá trà của cha đựng trong hộp sắt tây, nghĩ chắc cũng không phải là trà ngon kén chọn.

“Trà rượu mời anh đêm rét lạnh, Tre khô nhóm bếp lửa đang hừng. Trăng ngoài song cửa luôn như thế, Chỉ có hoa mai đẹp lạ lùng.(*)” Bài thơ này của Đỗ Lỗi hướng đến một loại tâm cảnh. Tuyết lớn vừa ngưng, cành hoa mai lấp ló trước cửa sổ, ánh trăng nhàn nhạt, khách phương xa mang theo hơi thở gió sương không hẹn mà đến, chỉ vì một đêm say sưa trò chuyện. Dù chẳng có chuẩn bị, tay chân luống cuống, trà vẫn bày trước lên bàn. Bạn bè vốn nên như trà, nồng đậm thỏa mãn, thanh đạm có thừa.

Lạp mai có thể trồng, mặt trăng có lúc tròn. Chỉ vắng mặt người khách đêm lạnh đạp tuyết mà đến. Trong thời buổi ngày càng nhiều người thích chén tạc chén thù trên bàn tiệc, uống trà, quá đạm bạc cũng quá trang trọng, khiến người ta không thể hưởng thụ. Mọi thứ đầy đủ, duy thiếu tri kỷ.

(*) Bài thơ “Hàn dạ” (Đêm lạnh) của Đỗ Lỗi, Hải Đà dịch.


(An Ni Bảo Bối)

Nỗi bi ai của dạ oanh

Có lần, dạ oanh phát hiện một bụi cây thấp nở đầy hoa tươi, bèn quyết định đậu ở bên trên chờ quả chín.

Dạ oanh đã chờ mấy tháng, chẳng bao giờ cho chim khác đến gần, sợ chúng giành ăn với mình.

Những đóa hoa kia cuối cùng kết thành từng quả từng quả nhỏ giống quả đào, quả nhỏ nứt toác, sợi bông trắng như tuyết từ bên trong bay ra, hóa ra đây là một cây bông.

Một chú chim cuốc bay qua, nói với dạ oanh ủ rũ: "Cậu xem, xưa nay cậu không hề cho chúng tớ đến gần, nếu không chúng tớ sớm đã nói cho cậu biết ở đâu có quả ăn được rồi."


(Lý Đông Mai)

Khoảng cách

Hai người.

Chỉ có hai người. Chẳng chút bận tâm ở bên nhau, nương tựa khăng khít, khoảng cách rất gần rất gần.

Chỉ có hai người. Không tìm được kênh giao lưu, chuyện ai nấy lo, khoảng cách rất xa rất xa.

Giữa hai người, là khoảng cách ngắn nhất mà cũng dài nhất.


(Trương Mạn Quyên)

19.6.14

Anh thích dùng cùng một múi giờ với em

Anh đi châu Âu họp, sau đó đi Mỹ, trước sau hai tháng mới về nhà. Tôi ra sân bay đón anh, nhắc anh: “Vặn đồng hồ của anh lại nhé, bây giờ phải dùng giờ Đài Loan rồi.”

Anh ngẩn ra một thoáng rồi bảo: “Đồng hồ của anh vẫn luôn là giờ Đài Loan mà! Anh có chỉnh gì đâu!”

“Như thế bất tiện lắm!”

“Cũng chẳng sao, để giờ Đài Loan anh mới biết em và con đang làm gì, anh mới có thể tưởng tượng hiện giờ em đang ăn cơm, hiện giờ em đang ngủ, hiện giờ em đã thức dậy… Anh thích dùng cùng một múi giờ với em.”

Anh thích dùng cùng một múi giờ với em. Anh nói câu ấy, tính ra đã mười năm rồi, nhưng giống như bức gấm thêu treo trên mi cửa, nền vải tươi màu trải bao năm tháng vẫn rực rỡ. Anh và tôi chỉ chẳng qua là nam nữ bình thường hơn bình thường giữa cõi trần, định sẵn chả có tình tiết gì để kể, nhưng trong một câu nói điềm đạm khi xa cách lâu ngày gặp lại, nào ngờ cũng đong đầy ân tình khiến tôi suốt đời xao xuyến và nhung nhớ khôn nguôi.


(Trương Hiểu Phong)

18.6.14

Quãng đường chân trời ấy


Ra ngoài du lịch, tôi không chụp ảnh.

Dù phong cảnh xứ lạ đẹp đến đâu, hưởng thụ lúc đó là được rồi, hà tất phải ghi lại? Hà tất bận bịu chọn một vị trí đẹp mà quên cả thưởng thức phong cảnh thời khắc đó?

Tôi có một số bạn bè lại trái ngược với tôi. Họ vác máy ảnh kỹ thuật số đi khắp nơi, mỗi lần du ngoạn đều chụp rất nhiều ảnh, sau đó về nhà chỉnh lý, làm thành một cuốn album điện tử, tự mình ngắm, rồi email cho bạn bè ngắm.

“Những tấm ảnh này vài năm sau cậu còn lấy ra xem lại hay không?” Có một lần, tôi hỏi cô bạn thích chụp ảnh. Cô không trả lời được.

“Thế thì chụp để làm gì?” Tôi hỏi.

“Có lẽ một ngày nào đó sẽ xem.” Cô đáp.

Tôi không xem ảnh chụp trước đây. Xem ảnh chụp trước đây sẽ chỉ thấy mình già đi. Việc gì phải phát hiện mình già đi cơ chứ? Có những chuyện vẫn là đừng ngoảnh lại tốt hơn.

“Đi du lịch không chụp ảnh, sẽ quên mất từng đi đâu, cũng sẽ quên mất nơi đó tươi đẹp thế nào!” Bạn tôi lại bảo.

Thế thì hà tất nhất định phải nhớ?

Dễ dàng như vậy đã quên mất, chỉ chứng tỏ chuyến đi đó và phong cảnh đó không hề rất khó quên.

Bất kể tôi từng đến chốn nào, nơi muốn ghi nhớ, tự nhiên sẽ ghi nhớ. Nơi lãng quên tức là không quan trọng.

Phong cảnh là gió, là nước, khi tôi nhìn thấy phong cảnh một vùng đất, phong cảnh ấy cũng thổi qua ngày tháng của tôi, chảy qua sinh mệnh của tôi, nó khiến tôi vui vẻ, tôi cũng để lại dấu chân ở chỗ nó. Có lưu giữ bằng chứng hay không đã chẳng quan trọng. Điều quan trọng là phong cảnh tươi đẹp nhất và bạn đồng hành yêu dấu nhất đều từng cùng tôi đi qua quãng đường chân trời ấy.


(Trương Tiểu Nhàn)

17.6.14

Thâm canh

Mùa đông một năm nọ, tôi về nông thôn vẽ phong cảnh, trên bờ ruộng gặp một vị lão nông đang chuẩn bị xuống ruộng, tôi bèn hỏi: “Xin hỏi cụ, muốn được mùa, việc đầu tiên nên làm là gì?”

“Thâm canh.” Lão nông trả lời.

“Thâm canh?” Đối với hai chữ đơn giản này, nhất thời tôi không hiểu được.

“Đúng, thâm canh! Chính là sớm sớm xuống ruộng, cày xới đất thật sâu, như vậy đất sẽ trở nên tơi xốp mà cân bằng, hơn nữa do đất được lật lên, được phơi nắng, mới có thể giảm bớt sâu bệnh.” Lão nông thở dài: “Lão đây ghét nhất là một số người trẻ tuổi thời nay cứ nói không vội, mãi đến khi sắp cấy mạ, mới hấp tấp xuống ruộng, cày đất nông choèn choẹt, sau đó ra sức bón phân hóa học. Thời gian lâu ngày, đất và phân hóa học vón cục cứng ngắc, cả mảnh ruộng đều bị hỏng.” Lão nông ngó tôi cười: “Chẳng lẽ nghiên cứu học vấn không cần thâm canh hay sao?”


(Lưu Dung)

15.6.14

Hôn nhân Tây Tạng (14)


Hảo Hảo:

Lâu rồi không ngủ yên giấc như thế. Chẳng có ánh đèn mờ ảo, chẳng có ve vuốt gợi tình, chẳng có lời âu yếm thiết tha… Trấn nhỏ trong núi, ngoài một hai tiếng chó sủa thi thoảng, mọi thứ tỏ ra rất đỗi tĩnh mịch mà khoan thai, an toàn yên tâm vui vẻ giống như tử cung của mẹ.

Tỉnh giấc chưa đến bảy giờ, lười nhác duỗi lưng, tinh thần sảng khoái. Nhanh nhẹn mặc áo xuống giường, thu thập ba lô. Bữa sáng ăn mì, một bữa đơn giản nhưng hiệu quả, trước giờ không có thói quen ăn sáng, nhưng hôm nay lại nghiêm chỉnh ăn hết một bát to, vì mỗi ngày tiếp theo đều cần thể lực cực lớn để chèo chống. Một mình dạo phố một vòng, còn men theo đường núi đi đến ngôi chùa nhỏ ven rừng, gặp một chú tiểu, trò chuyện với chú, ăn hai miếng bã sữa của chú, còn đựng đầy túi áo táo khô, trở về kể với hội Bản Đao, bị trách móc một trận, nói tôi không nên đi lung tung, chủ yếu là không an toàn, tôi cười cười, trong lòng không hề cho là đúng.
   
Lên đường, bước chân vững vàng. Tôi thích cảm giác trên đường, đặc biệt là nơi không quen thuộc, cảm nhận nỗi kinh ngạc vui mừng đến sau mỗi ngã rẽ. Mêdog là gì? Nếu nói Tây Tạng là Shambhala (thế giới cực lạc) duy nhất trên tinh cầu này, thế thì Mêdog chính là miền đất thần bí cuối cùng của Tây Tạng. Huyện duy nhất không thông đường này được các chuyên gia gọi là “Bảo tàng thảm thực vật thế giới”, nghĩ ắt vẫn có lý. Con đường ba hôm trước đi qua, bốn mùa đều có. Trên đỉnh núi, tuyết trắng phau phau; dưới chân núi, cỏ xanh mơn mởn. Ven rừng còn có rất nhiều cây chuối, giơ tay đã có thể hái xuống một nải, hình dạng không giống với chuối chúng ta thường ngày ăn cho lắm, khá lớn. Giống như… Tôi bóc một quả cầm trước mặt ngắm nghía, trong óc thoáng qua hình bóng của Gyatso, đúng, quả này rất giống một thứ trên người Gyatso. Vừa nghĩ như thế, người tự nhiên nhũn ra, trong lòng trước sau luôn có một cảm giác run rẩy đối với anh, bèn ngoạm thật mạnh một miếng. Ngày đầu tiên hiếu kỳ, vừa đi vừa hái; ngày thứ hai chỉ là xem hiếm lạ, không muốn ăn nữa; ngày thứ ba thì nhìn mà không thấy, thị giác đã mệt mỏi.

Vì tôi không thích sự ve vãn của anh chàng Hỗn Độn, nên đi hơi nhanh, bỏ bọn họ phía sau một quãng gần 5km. Không biết giỏi đi có xem là một ưu điểm hay không, dù sao chỉ cần lên đường, tôi sẽ hưng phấn khác thường, trong hoán đổi nhanh chóng của từng bước từng bước chân, tất cả những điều không vui đều tan biến như mây khói.

Mêdog không phải là nơi ngắm cảnh, phong cảnh suốt dọc đường chẳng có bất cứ khác biệt gì giữa đi một bước và đi trăm bước, đều là rừng cây, rừng cây, rồi lại rừng cây. Mêdog cũng không phải là nơi xem phong tục dân gian, người bản xứ và người bên ngoài chẳng có khác biệt gì về ăn mặc trang điểm, huống chi trên đường đi căn bản rất khó gặp được ai.

Thế thì, chúng tôi đến Mêdog làm gì?

Đường, chúng tôi vì đường đi Mêdog mà đến.

Đi qua Mêdog không nói đường, lúc này tôi mới biết hàm nghĩa thật sự của đường, mỗi bước dưới chân, đều đo đạc bằng tấm lòng. Con đường nhỏ trong rừng quanh co khúc khuỷu hoặc bằng hoặc dốc hoặc rộng hoặc hẹp ấy, cũng giống như mỗi một ngày tôi từng trải qua, có vui có buồn có đau thương có sung sướng. Mỗi một quả dại hái xuống, quả đẹp ăn vào miệng không phải toàn bộ đều ngon ngọt, giống như làm tình, nôn nóng không nhẫn nại, sau khi đạt được, nỗi niềm chất chứa trong lòng không phải toàn bộ đều vui vẻ.

Đi theo hành trình đã sắp xếp, mỗi đêm đúng giờ nghỉ chân ở nhà trọ đã đặt trước, cuộc sống dạng này mới lạ lại an toàn, là kiểu tôi thích. Rất ít đi chung với hội Cá nhỏ, tôi xưa nay thích đi một mình, lần này càng thậm tệ hơn, sự quấy rầy của Hỗn Độn khiến tôi phiền toái không chịu được, trước giờ chưa từng chán ghét một người như thế, luôn luôn phải đề phòng anh ta đến gần, do đó dứt khoát đi nhanh hơn.

Ra ngoài ba ngày, không thể nói là thưởng thức phong cảnh, cứ gấp gáp đi đường hoài. Sau khi đến Beibeng, trước mắt bừng sáng trong lòng vui sướng, trấn nhỏ trong núi này tươi đẹp tựa như Giang Nam khói mưa, tức thời quyết định dừng chân. Buổi tối nói với hội Cá nhỏ, tôi phải nghỉ ngơi ở đây hai ngày, họ có thể đi trước. Hỗn Độn bảo sẽ ở lại bầu bạn với tôi, tôi nói không cần, tôi gặp được một người đồng hương là bộ đội ở binh trạm, muốn nán lại nơi này với anh ấy hai hôm. Lời này mập mờ, ý tứ không nói mà hiểu, tôi cố ý như thế, những người khác nhìn Hỗn Độn cười vang, tôi chẳng mảy may để ý quay người ra ngoài đi tìm anh đồng hương mới quen biết.
   
Về sau Cá nhỏ bảo ở Mêdog tôi đã làm cho Hỗn Độn quá đau lòng, nói anh ta thật sự thích tôi. Tôi đáp nếu anh ta không tổn thương tôi thì phải chịu tổn thương, tôi không thể trao thân thể mình cho một người đàn ông tôi không thích hơn nữa hoàn toàn không có cảm tình. Anh ta thích tôi là tự do của anh ta, tôi không thể vì anh ta thích tôi thì phải chấp nhận anh ta. Huống chi, trên đường đi cô đơn cần an ủi, nhu cầu dạng này còn cách tình yêu rất xa rất xa, nỗi buồn tẻ trên đường chỉ là tạm thời, chúng ta rốt cuộc sẽ đi đến đoạn đường phồn hoa huyên náo, không thể căn cứ tình huống của mỗi một đoạn đường để xử lý tạm bợ thân tâm của mình. Đó không phải là nguyên tắc của tôi, cũng không phải là cuộc sống tôi muốn trải qua, ở bên cạnh người nào, tôi chỉ nghe theo tiếng gọi của nội tâm mình.

Beibeng có độ cao so với mực nước biển thấp, khí hậu ẩm ướt mà nóng nực. Ba ngày nay cứ đi trong mưa bụi, quần áo trên người mỗi ngày đều ướt át dán trên da thịt, cộng thêm muỗi đốt, sớm đã ngứa ngáy khó chịu. Mỗi một dòng suối nơi này đều rất đỗi quyến rũ, nhiệt độ nước không lạnh không nóng, trong trẻo xanh biếc chầm chậm chảy qua, có thể khuấy động lòng bạn bất cứ lúc nào.

Anh đồng hương đi bộ đội ở đây đã bốn năm, chỉ về nhà một lần, cuộc sống trong núi sâu đơn điệu buồn tẻ mỗi ngày đều giống nhau như khuôn đúc. Đột nhiên nghe được giọng nói quê nhà, anh thấy thân thiết tôi cũng thế, người cùng quê có những câu chuyện nói mãi không hết. Anh bảo, buổi tối muốn mời tôi ăn gà nấu lẩu, anh tìm khắp làng xóm xung quanh mới mua được hai con, lục khắp lán rau lôi ra hơn mười quả dưa chuột. Nghe anh miêu tả, tôi thèm đến chảy nước miếng.

Ở Beibeng cảnh đẹp như tranh vẽ, lại có bữa tiệc tối thịnh soạn như thế, người đầy mùi mồ hôi phải chăng quá ảnh hưởng phong cảnh. Tôi cầm quần áo để thay, theo anh đi men dòng suối đến chỗ sâu trong rừng.
 
Lúc sương mù trắng xóa bao phủ núi non, chúng tôi mới từ trong rừng bước ra, tôi đằng trước, anh đằng sau. Anh còn hát một bản tình ca quê nhà cho tôi nghe. Đã nhiều năm chưa nghe, giai điệu quen thuộc khiến tôi bất giác hơi nhớ nhà, nhớ Minh. Nếu không trốn khỏi quê nhà, hiện giờ mình phải chăng cũng đang hầu chồng dạy con?

Ký ức sâu sắc nhất trong những ngày trekking Mêdog, ngoài rừng cây và con đường nhỏ dường như mãi mãi chẳng có tận cùng, chính là sau khi nhìn thấy mỗi một con gà không gọi là gà, mà hô: “Một trăm tám, hai trăm tư.” Gà niêu đá của Mêdog rất nổi tiếng. Một niêu một trăm tám đến hai trăm tư, định giá tùy theo gà lớn hay nhỏ. Bắt đầu từ Paixiang, chúng tôi đã chung tình với gà nấu niêu đá kiểu này.

Còn nhớ ở trấn Lulang của Nyingchi, trên một con đường toàn là quán gà niêu đá. Kể ra cũng thú vị, món ăn bản xứ đặc sắc này, chủ quán lại tuyền là người nội địa, đều bảo niêu đá của mình đến từ Mêdog, là niêu đá tốt nhất ở Tây Tạng. Lúc ấy còn ngỡ rằng Mêdog đã ở kế bên Lulang. Lần này mới vỡ lẽ, đây là hai địa phương hoàn toàn khác nhau, mà niêu đá Mêdog chính cống ở trấn Lulang là hiếm càng thêm hiếm. Không chỉ vì hai nơi cách nhau quá xa, mà còn bởi sản lượng niêu đá Mêdog chính cống rất ít, hơn nữa giá thành vận chuyển lại cao, toàn nhờ nhân công cõng ra ngoài, phí vận chuyển và chi phí của bản thân niêu đá gần như tỉ lệ thuận, thông thường chi phí vận chuyển một niêu đá cỡ vừa đến Lulang khoảng hai ngàn đồng, lại cộng thêm lợi nhuận của nhà buôn, giá cả đó sẽ khiến người ta giật mình. Vốn dĩ muốn mua một chiếc niêu đem về tặng Liên, cô ấy thích những thứ thuần túy tự nhiên. Trên đường đi hỏi giá, đành thôi ý định. Anh đồng hương mua cho tôi một mớ đũa gỗ mun, bảo mang về làm vật kỷ niệm cũng không tệ. Nói là gỗ mun, thật ra là cây mây lâu năm trong rừng rậm nguyên thủy Mêdog, niên đại lâu dài, thân cây nhuộm thành màu đen mà thôi.

Khi chúng tôi đến Mêdog đã là sau chín giờ tối. Vừa vào thị trấn huyện liền nhìn thấy năm người bọn Hỗn Độn giống như du thần đang dạo phố, anh em hoạn nạn gặp lại, cảm thấy thân thiết bội phần, reo hò ôm nhau, bá vai bá cổ đi về quán trọ Ngư Trang.

Chỗ ở tại Mêdog vẫn có chọn lựa, chẳng hạn như Nhà khách Cục Lương thực hoàn cảnh tương đối tốt, nhưng giá cả cũng tương đối đắt, là nơi quan chức địa phương đi công tác hay ở. Dân phượt thông thường đều ở Ngư Trang, rẻ, mỗi người hai mươi đồng.

Tuy nói Mêdog không thông đường, hàng hóa vào ra đều nhờ nhân công vận chuyển, song cũng không hoang lương như trong tưởng tượng. Giữa vùng núi bên phải thị trấn huyện, từng tòa từng tòa biệt thự mái nhà màu hồng được bao bọc bởi non xanh nước biếc, cực kỳ khí thế. Thật là gia viên lý tưởng! Từ nhỏ đã mơ ước được sống trong môi trường thế này, xa hoa như công chúa. Kiếp này, phải chăng đều chỉ có thể nằm mơ mà thôi?

Khi dạo phố gom được bốn bạn phượt, đeo ba lô to đùng, nhìn ngược nhìn xuôi. Dẫn họ về Ngư Trang, sắp xếp chỗ ở. Họ nói nể tình tôi nhặt họ, mời tôi ra ngoài ăn chơi xả láng. Tìm một quán gà niêu đất trên phố, gọi làm một con hai trăm rưỡi, năm chai bia quá đát, năm người ăn đến bụng căng tròn, ợ no một cách rất mất hình tượng, hát tình ca loạn xị bát nháo, bước chân liêu xiêu trở về Ngư Trang trùm mền ngủ vùi.

Thực sự quá mệt, kết thúc mỗi ngày chuyện muốn làm nhất chính là ngủ thiếp đi không tỉnh dậy nữa, nhưng điều này cũng giống như tình yêu tôi muốn có, là nguyện vọng mãi mãi không thể thực hiện. Chạng vạng tối thức giấc cả người đều nổi u, đặc biệt là mắt cá chân, đầy những đốm đỏ lớn lớn nhỏ nhỏ. Toàn bộ là muỗi đốt, có vết đã sưng tấy, ngứa ngáy khó chịu. Lục tung ba lô, cuối cùng cũng tìm ra một chai dầu gió, vừa thoa vừa cảm ơn Liên quả thật là một cô nàng tốt bụng, cả dầu gió cũng chuẩn bị cho tôi. Miệng lẩm bẩm, tay không ngừng thoa dầu khắp các u lớn u nhỏ, thình lình bên cạnh thò ra một cái vuốt ưng, hô lớn có phúc cùng hưởng có nạn cùng chịu, cướp đi chai dầu gió.

Những người trùm đầu che mặt khác vừa ngửi được mùi dầu gió cũng lập tức bò dậy, bắt đầu anh cướp tôi đoạt trong căn phòng nhỏ hẹp, cuối cùng còn oẳn tù tì quyết định ai dùng trước ai dùng sau. Đây là thói đời gì vậy? Tôi đã nhặt thứ người gì về vậy? Bọn cướp, đau đớn gào khóc nhìn mấy kẻ xấu đó biến chai dầu quý báu của tôi thành chai rỗng.

Hội Cá nhỏ ngày hôm sau ra về, vì bản mặt “u mê” chưa khai hóa của Hỗn Độn, tôi quyết định ở lại, cùng với bốn “của báu” tôi nhặt được đi ra khỏi Mêdog theo đường Pomi. Buổi chiều nhận được tin nhắn Hỗn Độn gửi: xin lỗi Hảo Hảo, đã phá hoại cảm xúc chuyến đi lần này của em, thật sự xin lỗi, sau khi về Lhasa mời em ăn cơm. Cười cười trả lời, anh biết là tốt, ăn cơm thì miễn đi.

Cùng là người đi đường, gặp mặt quen biết là nguyên tắc của chúng tôi, không thêm phiền phức cho người khác không quấy rầy người khác cũng là nguyên tắc của chúng tôi. Kết bạn chỉ là để chuyến đi không buồn tẻ. Còn an ủi thân thể, đó là chuyện cần giao lưu, cần cảm giác, anh tình em nguyện mới làm được.


Từ Mêdog trở về, chọn một con đường khác, phần vì Hỗn Độn, phần vì tôi có cách nghĩ riêng. Tôi là người không muốn đi lại lối cũ, tình cảm như thế, cuộc sống cũng như thế.

Mêdog đến 82K, bao một chiếc xe jeep Bắc Kinh, tám trăm đồng, nhét hết năm người chúng tôi vào. Sắp rời khỏi, trong lòng lại không nỡ. Nói là không nỡ, kỳ thực nên nói là áy náy thì chính xác hơn. Nhớ đến hai ngày ở Beibeng, rừng rậm mây mù lượn lờ, suối nhỏ trong vắt, bia quá đát mà say người, anh chàng bỗng nhiên mua nhà ở quê … Tôi quả thật chẳng phải là gái ngoan, hành vi phóng đãng, đi đến đâu cũng đều đùa với lửa rồi chết cháy.

Đến 82K xuống xe, đi xuyên qua rừng rậm nguyên thủy dày đặc bí gió, ngắm bầu trời âm u, thầm nghĩ, ở bên kia rừng rậm, phải chăng người ấy vẫn đang đợi tôi quay về?

Gái ngoan lên thiên đường, gái hư đi bốn phương, đây là miêu tả đúng nhất về tôi chăng.

Một lần nữa nguyền rủa mình: Gái hư, mi xuống địa ngục đi.

Ngày thứ hai đi bộ đến 52K, đỉa rất nhiều, rắn cũng rất nhiều. Người địa phương bảo tốt nhất không nên dừng lại, vì đỉa đều ở trên cây, khi có người đi bên dưới chúng sẽ từ trên rơi xuống, sau khi chui vào cổ áo không dễ dầu gì bắt ra, chỉ nghe thôi đã hãi. Thế là rảo bước nhanh hơn, chẳng bao lâu đã bỏ rơi bạn đồng hành rất xa.

Không cần lo lắng chút nào, giữa rừng rậm có vẻn vẹn một con đường, chỉ cần nhìn chuẩn phương hướng, chả lạc mất được. Lúc tôi thoải mái hong giày trong quán trọ ở 52K, mấy người kia mới uể oải bước vào, cô nàng dẫn đầu tên Miêu Miêu nhìn thấy tôi liền hỏi: Ả Hảo Hảo hư đốn kia, chạy nhanh như thế để tìm đàn ông à?

Ở đây có đàn ông sao? Nói xong hơi chột dạ nhìn bốn phía xung quanh, vô số ánh mắt lườm nguýt bay đến. Trơ tráo cười giải thích, xin lỗi xin lỗi, tiểu nữ tử nói lỡ lời, các vị đại nam nhân đừng để bụng.

Nhờ thế, không khí trong quán trọ sôi nổi hẳn lên. Bốn anh chàng trông giống porter đang hong quần áo hong giày ở đằng kia xúm lại, hỏi chúng tôi từ đâu đến? Đã đi mấy ngày? Ngày mai vượt núi tuyết Garlung, có cần porter không.

Cần cần cần, Miêu Miêu kêu trước tiên, giọng nói quả thật nhão nhoét y như mèo gọi xuân. Anh ơi, đến Pomi bao nhiêu tiền ạ?

Một anh chàng nhìn ba lô bên cạnh cô, nói một người năm trăm.

Đắt quá, rẻ một chút nha anh.

Bốn trăm rưỡi, không thể ít hơn. Núi tuyết Garlung nguy hiểm lắm, tụi tôi có thể dẫn các bạn đi.

Những người khác nhất trí đồng ý, mang ba lô kèm dẫn đường, một người bốn trăm rưỡi.
    
Thật sự rất nguy hiểm ư? Tôi hỏi. Nhớ đến số điện thoại Liên cho tôi, lại hỏi, các anh có biết một porter tên Trần Điếc không?

Cậu ấy chính là Trần Điếc. Anh chàng bên cạnh chỉ một người nhỏ con mặc áo jacket màu vàng gọi lớn, Điếc ơi, em gái hỏi cậu nè.

Bốn giờ sáng, chủ quán trọ gõ cửa từng phòng gọi xuất phát, muộn hơn vượt núi dễ xuất hiện tuyết lở.

Mắt nhắm mắt mở bò dậy, mì đã bày trên bàn, ăn hết một bát to mới xuất phát.
              
Núi tuyết Garlung, nghe vô số phượt gia từng kể gian nan ra sao ra sao, hơi không cẩn thận, liền có khả năng mãi mãi bị chôn vùi trong tuyết. Khi nhìn thấy nó thật sự sừng sững trước mặt, cũng không cảm thấy cao lớn cho lắm. Khoảnh khắc giẫm lên tuyết đọng có đôi chút hưng phấn, leo còn nhanh hơn cả Trần Điếc. Thế nhưng, lên trên chưa đến ba trăm mét đã bắt đầu thở phì phò như trâu, tuyết dưới chân ngập đến đầu gối, mỗi lần cất bước đều vô cùng khó khăn.

Quan sát các porter, họ vẫn từ tốn tiến lên, như đi trên đất bằng.

Không dám lớn tiếng nói chuyện, thậm chí hít thở đều phải chậm rãi. Đây là câu trước khi lên núi các porter dặn đi dặn lại, nói là bất cứ một chút thanh âm nhỏ nào cũng có thể dẫn đến không khí chấn động, tạo thành tuyết lở.

Thế là dứt khoát ngồi trên đất tuyết, lau kính mát, chờ họ đi lên.

Trần Điếc đeo hai chiếc ba lô đến bên tôi trước tiên, đưa cho tôi một miếng chocolate, sau đó nắm tay tôi đứng dậy, kéo tôi từng bước từng bước nhích lên, chúng tôi mất ba tiếng rưỡi mới đến cửa núi.

Tầng mây phương đông rực đỏ, núi tuyết vàng óng tươi đẹp tuyệt vời.

Đất tuyết ngập đến đầu gối đi xuống rất phí sức, tốt nhất dùng phương thức “trượt”. Trần Điếc khẽ nói: Cô ngó tôi nhé, lát nữa cứ trượt xuống giống tôi, tôi ở bên vách núi chặn cô lại, đừng sợ gì cả. Anh nói xong bèn hai chân duỗi thẳng nửa người trên ngả về phía sau, vun vút trượt xuống. Chuyện này không làm khó được tôi, từ nhỏ tôi rất giỏi giữ thăng bằng, đây chỉ là trò chơi con nít. Quả nhiên, tôi thuận lợi trượt đến chân núi. Các bạn phượt khác thì không như thế, ngã nghiêng ngã ngửa, Miêu Miêu thậm chí ngã chúi mũi, chọc chúng tôi cười ha hả.

24K, một miền đất cực kỳ xinh xắn dưới chân núi tuyết Garlung, sau khi cả hội đến đây, ôm nhau vừa nhảy vừa cười, nguy hiểm đã qua, chuyến đi Mêdog xem như đã thành công.

Nhân lúc chờ cơm canh dọn lên, mở điện thoại, gửi tin nhắn cho Liên: Đã đến 24K, thuận lợi, đã gặp Trần Điếc, mới phát hiện cậu thật sự là một thiên thần.

Cánh đã gãy. Liên trả lời.

Thế vẫn là thiên thần.

Cảm ơn sự sùng bái của cậu.

Có phải rất đắc ý không?

Cậu nghĩ sao?
  
Cuối cùng trả lời một câu: Đồ xấu xa. Rồi không để ý cô nữa. Xem các tin nhắn chưa đọc, Nhất Hàng gửi hơn chục tin, chẳng qua là những lời thường lệ như nhớ tôi yêu tôi, chả có gì mới mẻ. Còn có một số máy lạ: Nếu em muốn dừng bước, lúc nào cũng có thể đến tìm anh. Ngẫm nghĩ một lát, người này là anh đồng hương ở Beibeng chăng? Không dám khẳng định, thực tình không nhớ số của anh ấy.

Tin nhắn cuối cùng vẫn là của Nhất Hàng. Hảo Hảo, anh đi Chamdo giải quyết chút công chuyện, khoảng mười ngày trở về, chăm sóc tốt bản thân, đợi anh.

Xem xong, trong lòng trống trải. Chẳng có tin nhắn của anh ấy. Gyatso, người đàn ông tôi cố gắng muốn quên ấy, hoàn toàn chẳng có tin tức.
  
Tôi hết thuốc chữa rồi chăng? Thầm hỏi bản thân. Phải chăng tôi yêu anh ấy rồi? Tôi đã yêu anh chàng giống như lãng tử ấy rồi sao? Yêu chàng trai Khampa đến không hình đi không dấu ấy rồi sao? Vừa nghĩ đến dáng vẻ của anh, người tôi liền hơi nôn nao. Đây không phải là hiện tượng tốt, điều này chứng tỏ cơ thể tôi lại sắp không chịu sự khống chế của trái tim tôi, tôi chán ghét loại cảm giác này. Tôi véo mạnh một cái trên đùi, hung hăng và cơm vào miệng như trút giận, nước mắt bất giác rơi xuống bát cơm, cùng với cơm nuốt chửng xuống.
         
Ngẩng đầu, phát hiện những người khác đều ngơ ngác nhìn tôi. Không sao, tôi lau nước mắt, cười nói. Cuối cùng cũng bình an rồi, không nhịn nổi phải cảm động một chút.

Cậu làm bọn tớ giật cả mình, Miêu Miêu khoa trương nói. Còn tưởng cậu làm sao chứ.

Đến Pomi vẫn còn 24km, toàn là xuống núi, đường rất dễ đi, buổi trưa chúng tôi đã đến nơi. Vốn nói mời đám Trần Điếc ăn cơm, họ bảo còn có công việc nên thôi, lần sau, tạm biệt nhé! Hoan nghênh các bạn lại đến! Rồi chia tay. Check-in khách sạn Pomi, mỗi người một trăm sáu, đối với chúng tôi, không gọi là không xa xỉ, nghĩ tình đi gần nửa tháng trời vất vả như thế, úy lạo bản thân một chút cũng là chuyện nên làm.

Buổi chiều tự do hoạt động.

Tắm gội xong xuống lầu, một bạn tây đứng bên quầy tiếp tân, nhìn thấy tôi, huýt sáo, dùng tiếng Trung ngọng nghịu nói cô gợi cảm quá, xinh đẹp quá, có thể trò chuyện với cô không?

Không. Tôi đáp dứt khoát.

Ôi. Bạn tây làm ra vẻ đau khổ. Sau đó nói: Tôi tên Jerry ở phòng 315, hoan nghênh nữ thần gợi cảm ghé thăm mọi lúc.

315, chống hàng giả đấy. Trông bộ dạng bạn tây, không nhịn được tươi cười, lập tức cảm thấy không ổn. Thầm nhắc nhở mình đừng gây chuyện nữa, mau đi thôi, bèn hối hả ra khỏi khách sạn.

Một mình dạo phố, ngâm nga khúc hát ngắn. Đi ngang một siêu thị, thấy bên cửa đặt một chiếc lồng, một con vẹt mỏ đỏ kháu khỉnh nhảy tới nhảy lui ở bên trong. Mua vẹt, ông chủ, mua vẹt. Giọng Tứ Xuyên đặc sệt đột nhiên vang lên.
  
Nhìn xung quanh, chẳng có ai. Giọng nói kỳ quái vẫn hô: mua vẹt, ông chủ, mua vẹt. Cúi đầu ngắm chiếc lồng, thoắt vui, thì ra là con vẹt tự rao. Tức cười, chim tự rao bán mình. Hứng thú, ngồi xổm xuống hỏi nó, bao nhiêu tiền? Một ngàn hai, ít hơn không bán! Nào ngờ nó đáp như thế. Tôi choáng quá, khen nó: Mi thật là chú vẹt thông minh nhất trên đời. Chẳng dè nó tiếp tục gào: mua vẹt mua vẹt, ông chủ mua vẹt, một ngàn hai, ít hơn không bán.

Mi chỉ biết câu này sao? Có thể nói câu khác không? Tôi chăm chú nhìn nó, tràn đầy hứng thú. Nó vẫn chỉ gào câu ấy: mua vẹt mua vẹt, ông chủ mua vẹt, một ngàn hai, ít hơn không bán.

Ngất thôi. Bèn dạy nó nói: chào bạn, ăn cơm chưa, chúc mừng phát tài, Gyatso… Nó vẫn lặp đi lặp lại: mua vẹt mua vẹt, ông chủ mua vẹt, một ngàn hai, ít hơn không bán.

Buồn chán!

Không đếm xỉa đến nó nữa.
 
Lại đi về phía trước, phát hiện ở Pomi trước cửa rất nhiều cửa hàng ven đường đều bày bán vẹt, một con năm trăm đến một ngàn rưỡi, nghe nói đều bắt từ rừng rậm nguyên thủy xung quanh.

Mỗi lần đi qua một cửa hàng, đều ngồi xuống nói mấy câu với chim: chào bạn, ăn cơm chưa, chúc mừng phát tài, Gyatso… Luôn buột miệng nói ra tên anh, sau khi ý thức được buồn bực vô cùng. Mình làm sao vậy, vì sao mình phải thế này? Người ta không cần mình nữa, người ta bỏ chạy rồi, người ta trốn nấp rồi, mình còn nhớ hắn làm gì? Lặng lẽ không nói đứng dậy rời đi. Đến cửa hàng tiếp theo, lại ngồi xuống trước lồng chim, nói với vẹt: chào bạn, ăn cơm chưa, chúc mừng phát tài, Gyatso… Lau nước mắt mắng mình: đồ khốn, chẳng ra gì, nhớ anh ấy làm chi, vì sao còn nhớ anh ấy?

Đứng dậy đi tiếp về phía trước, bước chân lảo đảo. Đến cửa hàng tiếp theo, vẫn ngồi xuống. Chào bạn, ăn cơm chưa, chúc mừng phát tài, Gya…tso… Nước mắt không ngăn được chảy xuống.

Nỗi nhớ bất ngờ không kịp đề phòng đã đánh gục tôi, lấy điện thoại nhanh chóng mở ra, cuồng loạn bấm mười một con số ấy. Số điện thoại bạn gọi không nằm trong vùng phủ sóng. Gọi lại, vẫn là số điện thoại bạn gọi không nằm trong vùng phủ sóng. Không cam tâm, tiếp tục gọi, hết lần này đến lần khác, vẫn là giọng nói khiến ta chán ghét đó: Số điện thoại bạn gọi không nằm trong vùng phủ sóng.

Gyatso… Gyatso… Tên đáng chết này. Bất lực ném điện thoại vào ba lô, lại ngồi bên lồng chim trước một cửa hàng, nước mắt như mưa. Chào bạn, ăn cơm chưa, chúc mừng phát tài, Gya…Gya… Gyatso, em nhớ anh. Cuối cùng cũng gào ra, bất chấp ánh mắt khác lạ xung quanh, đứng dậy chạy nhanh lên phía trước.
             
Chiều hôm ấy, một mình trên đường phố nơi đất khách, từ đầu đường đi đến cuối đường lại từ cuối đường đi đến đầu đường. Tôi là một kẻ không có linh hồn, tôi là một kẻ không biết cười, thờ ơ phía trước, tư tưởng hỗn loạn. Tôi muốn giết người, tôi muốn phóng hỏa, muốn làm một chuyện kích thích, để tôi quên anh ấy đi, hãy để tôi đừng nhớ anh ấy nữa, ông trời ạ…

Không ngừng đi, không ngừng đi, muốn đi đến rã rời gân cốt, quay về có thể ngủ ngay.

Thế nhưng, mấy tiếng đồng hồ trôi qua, thân thể không những chẳng mệt mỏi chút nào, mà ngược lại càng lúc càng hưng phấn.

Về đến khách sạn, mở cửa phòng, “phịch” một tiếng đá văng giày, lẹ làng cởi quần áo, mở nước nóng thật lớn, ném mình vào trong bồn tắm, thân tâm quấn quýt thành một khối.
 
Không được nghĩ đến anh ấy, đừng nghĩ đến anh ấy, trong phòng tắm mù mịt hơi nước, ra lệnh bản thân như thế. Ngón tay bất giác quẹt qua nhũ phong đầy đặn, trong óc hiện ra dáng vẻ anh nằm sấp trên người mình, ngậm núm vú mút như trẻ con, một bàn tay còn bá chiếm bầu vú kia. Đồ khốn. Không nhịn nổi lại mắng vào hư không, chẳng biết là mắng mình hay mắng Gyatso.

Thân thể tôi thường hay phân ly với con tim, con tim nghĩ thế này, thân thể lại cứ phải làm thế nọ, cũng chẳng biết kiếp trước đã tạo nghiệt gì mà kiếp này chịu giày vò kiểu này? Véo mạnh núm vú, thân tâm co thắt một cơn, lòng cuồng loạn mơ màng.

Tôi sống sót về đến Lhasa bằng cách nào, hiện giờ đã không nhớ nổi, hai ngày mơ mơ hồ hồ, chỉ nhìn thấy non non nước nước lùi về phía sau. Nhưng vẫn nhớ Liên đón tôi ở bến xe, ngắm tôi một thoáng, hỏi sao mắt sưng dữ vậy, rồi không nói gì nữa, lẳng lặng đón lấy ba lô của tôi.

Về đến phòng cô, ngồi trên tấm thảm ở ban công, ánh nắng vẫn ấm áp.
  
Theo thói quen ôm đầu gối, khẽ nói: Tớ không ổn, Liên ạ, tớ vẫn là ả Hảo Hảo đó, Mêdog chẳng có tác dụng đối với tớ.

Tìm anh ấy đi, dù sao cũng nên có một lời giải đáp. Liên đưa cho tôi ly nước trái cây.

Tớ không tìm được anh ấy, tớ chẳng biết anh ấy là ai, anh ấy ở đâu. Tôi luồn tay vào tóc, bứt mạnh.

Cậu không biết anh ấy là ai đã yêu anh ấy, cậu là cô khờ à? Liên hơi giận.

Tớ yêu anh ấy ư? Tôi hoang mang ngẩng đầu nhìn Liên, cậu bảo tớ yêu anh ấy ư?

Bộ dạng này của cậu, ngoài tình yêu còn có nguyên nhân khác sao?

Tớ tự chuốc lấy cái chết rồi, sao tớ lại yêu anh ấy nhỉ? Sao tớ lại yêu anh ấy nhỉ? Liên, cậu bảo tớ thật sự yêu anh ấy ư? Lại nhìn Liên như van xin, mong cô nói một câu không phải.

Cậu đó, vì sao chà đạp mình như thế. Tình yêu thật sự là kiếp nạn phụ nữ không tránh khỏi hay sao? Cô ngồi xuống bên tôi, cầm tay tôi xuống, vỗ nhè nhẹ lên lưng tôi một cách nhịp nhàng. Lòng tôi có được sự bình yên tạm thời, từ từ tựa trên vai cô ngủ thiếp đi.


(Dorje Zhoigar) 

13.6.14

Bởi vì thấu hiểu, cho nên từ bi


Khi có người hỏi: “Yêu là tác thành hay sở hữu?” Có lẽ chúng ta đều sẽ trả lời: “Đương nhiên là tác thành.”

Con người ta luôn nói về mình theo cái kiểu hiền lành và vĩ đại hơn nguyên bản đôi chút.

Muốn tác thành là việc chẳng dễ dàng gì. Sự tác thành cho một người đồng nghĩa với sự hy sinh của một người khác.

Người chồng ngoại tình về nhà bảo vợ: “Anh bằng lòng cho em tất cả tiền bạc của anh, xin em tác thành cho anh, ly hôn với anh nhé.”

Tác thành dạng này căn bản chẳng được chọn lựa. Vốn dĩ vẫn còn một chút hy vọng đối với anh ta, ngờ đâu anh ta lại dùng hai chữ “tác thành” để yêu cầu chia tay, thế thì, cũng chẳng có cách nào không tác thành.

Chúng ta chẳng sở hữu bất cứ thứ gì, thậm chí thể xác của mình cũng là mượn tạm. Vì chẳng có gì, nên mới khát vọng sở hữu một người khác. Tác thành, thì phải buông bỏ toàn bộ hoặc một phần.

Em quá yêu anh, đành tác thành cho anh. Tác thành cho anh đi tìm cuộc sống của mình, hoặc đi yêu người khác. Em tác thành cho anh rời khỏi vòng tay em, anh đi đi, không cần tưởng nhớ em.

Tác thành, là vì em thấu hiểu anh. Em quá hiểu rõ anh, quá biết tâm ý của anh. Đây chính là anh mà em yêu, còn gì để nói nữa chứ?

Trong thư viết cho Hồ Lan Thành, người chồng đầu tiên, Trương Ái Linh nói: “Bởi vì thấu hiểu, cho nên từ bi.” Hồ Lan Thành là người không chung tình, hết lần này đến lần nọ ông phải lòng người phụ nữ khác. Ông sống cùng người phụ nữ khác, nhưng chi phí sinh hoạt vẫn do Trương Ái Linh chu cấp.

Bởi vì yêu, cho nên thấu hiểu, sau đó thuyết phục mình từ bi với anh, rồi lại dùng từ bi để tác thành tình yêu. Tác thành là như thế.


 (Trương Tiểu Nhàn)

Giữa chàng và nàng


Chàng tốn hai đồng mua món đồ chỉ đáng giá một đồng, nàng mắng chàng ngốc.

Nàng tốn một đồng mua được món đồ trị giá hai đồng, chàng chỉ ra: món đồ này nàng mua xong vứt sang một bên, không bao giờ sử dụng nó.

Nàng bận tâm tương lai của mình cho tới khi nàng gả chồng.

Chàng chẳng bận tâm tương lai của mình cho tới khi chàng cưới vợ.

Trải qua cuộc sống hạnh phúc với chàng, phải rất thấu hiểu chàng, yêu chàng chỉ cần chút ít là đủ.

Trải qua cuộc sống hạnh phúc với nàng, phải dùng tất cả thời gian để yêu nàng. Hoàn toàn không hiểu rõ nàng, cuộc sống sẽ vui vẻ hơn.

Nàng gả cho chàng, hy vọng chàng thay đổi, nhưng chàng sẽ không thay đổi.

Chàng cưới nàng, hy vọng nàng không thay đổi, nhưng nàng nhất định sẽ thay đổi.

Khi cãi nhau, câu cuối cùng ắt hẳn là nàng nói.

Nếu chàng giành nói câu cuối, một trận tranh cãi mới lại sắp sửa bắt đầu.

Nàng ơi, nàng muốn gì thì nói ra đi nhé!

Ám chỉ hời hợt chàng sẽ chẳng hiểu đâu, ám chỉ mạnh mẽ một chút chàng cũng sẽ không hiểu, ám chỉ rõ ràng hơn cũng chả có tác dụng, muốn gì thì cứ nói ra!

Columbus phát hiện châu lục mới, đâu phải là phụ nữ chỉ dẫn phương hướng cho ông ta, vì vậy lúc chàng lái xe, nàng hãy ngậm miệng!

Chàng đi tới đi lui chỉ có hai ba đôi giày. Làm sao chàng biết trong ba bốn chục đôi giày của nàng, đôi nào hợp nhất với trang phục của nàng chứ?


(Thái Lan)

Cá ngược dòng và lá xuôi dòng

Suốt dọc đường, chú tiểu chốc chốc lại trách móc sư già: “Ngồi trong thiền phòng niệm kinh thoải mái biết bao, tại sao nhất định phải ngàn dặm xa xôi ra ngoài hóa duyên kia chứ?”

Đi đến bờ sông, chú tiểu nhìn thấy mấy con cá bơi ngược dòng, lại bắt đầu mượn đề tài phát huy: “Mấy con cá này ngốc thật, bơi ngược dòng, quả là tốn sức, quả là vất vả.”

“Nhưng chúng đang hưởng thụ niềm vui đấy!” Sư già bảo.

“Rõ ràng rất cực nhọc, làm sao vui vẻ được?” Chú tiểu lầu bầu.

“Điều chúng hưởng thụ là niềm vui của sự phấn đấu!” Sư già đáp.

“Bơi xuôi dòng chẳng phải an nhàn hơn, dễ chịu hơn ư? Chẳng phải có thể hưởng thụ niềm vui lớn hơn ư?” Chú tiểu cãi lại.

“Con có nhìn thấy phiến lá vàng kia không?” Sư già chỉ một phiến lá vàng dập dềnh trên mặt nước nói: “Chỉ có những thứ đã chết mới trôi giạt xuôi dòng, mới hưởng thụ kiểu an nhàn và dễ chịu này mà thôi!”


(Hoàng Tiểu Bình)

11.6.14

Đời người

Thử tưởng tượng trên một đường chạy, có người đang chạy năm ngàn mét, có người đang cố bứt về đích một trăm mét, cũng có người đang tản bộ sáng sớm. Người chạy năm ngàn mét nhìn thấy người chạy một trăm mét toàn thân căng thẳng, mặt mày đỏ bừng, trong lòng có “run” không? Không, vì anh ta biết mình là kẻ chạy năm ngàn mét. Người sáng sớm dắt chó tản bộ nhìn thấy người chạy năm ngàn mét thở hồng hộc đuổi tới, anh ta sẽ vì vậy mà sợ hãi, cảm thấy mình sắp bị “đào thải” chăng? Không, bởi anh ta biết mình là kẻ đến tản bộ.

Bạn thật sự “bình thường” ư? Kỳ thực phải xem bản thân bạn đứng trên đường chạy nào. Nếu bạn quyết định làm người tản bộ sáng sớm, sao lại có chuyện “bình thường” nhỉ? Phải chăng dáng ung dung nhàn nhã của bạn, vẻ ôn hòa kín đáo của bạn, sự trầm tĩnh khiêm tốn của bạn, ngược lại chính là đặc tính nhân cách “kiệt xuất” nhất của bạn?


(Long Ứng Đài)

Quả chanh

Một hôm, vợ nhờ tôi ra cửa hàng mua chanh. Lúc sắp ra cửa, vợ dặn đi dặn lại, bảo tôi chọn thật kỹ, lấy quả lớn và tươi, đừng mua về quả nhỏ và héo. Tôi vào cửa hàng, đến trước sạp chanh bắt đầu lựa. Nhưng tôi cứ cảm thấy chanh trước mặt nếu không quá nhỏ thì sắp héo hoặc vỏ quá dày.

Tôi liếc sang bên phải, bên phải còn có một sạp chanh. Có một gã cũng đang lựa chanh ở đó. Chanh gã cầm trong tay quả nào cũng vừa lớn vừa tươi, thoáng nhìn đã biết là hàng tốt. Tôi muốn đợi gã đi khỏi, lập tức sang sạp bên ấy lựa.

Tôi vừa giả vờ tiếp tục lựa chanh, vừa ngó đăm đăm vào tay gã kia, đợi gã lựa xong rời đi. Nhưng mười phút đã trôi qua, gã đáng ghét ấy vẫn ở đó lật tới lật lui, tỉ mỉ chọn lựa. Gã cầm quả này lên, đặt xuống; cầm quả kia lên, lại đặt xuống, dù chanh trước mặt gã quả nào cũng hấp dẫn như được tuyển lọc ra.

Tôi quả thật không nhịn được nữa, quay người về phía gã nọ, muốn lên lớp gã một trận, nhưng bên phải tôi chỉ là một tấm gương...


(Lý Đông Mai)

10.6.14

Có lẽ bạn không hề nhận biết chính bạn

Nếu có thể tiếp thu mình cũng không hoàn mỹ, thì không cần bận rộn tô điểm; nếu có thể thừa nhận mình không hề vĩ đại, thì không cần gấp gáp chứng minh; nếu có thể buông bỏ các kiểu thành kiến của mình, thì không cần ồn ào phản bác; nếu có thể không bận tâm người khác nhìn mình ra sao, thì không cần khóc lóc khiếu nại; nếu có thể chậm nửa nhịp, tĩnh nửa khắc, cúi nửa đầu, thì có thể luôn luôn mỉm cười.

Nhất định phải tìm cơ hội đến một nơi hoàn toàn chẳng có ai quen biết bạn, để ý bạn, đòi hỏi bạn.

Chẳng ai quen biết bạn, là thời khắc tốt nhất để bạn bắt đầu nhận biết bản thân; chẳng ai để ý bạn, là cơ hội tốt nhất để bạn bắt đầu chăm sóc bản thân; chẳng ai đòi hỏi bạn, bạn mới có không gian xem xét nhu cầu chân thực của chính mình.


(Trác-tây-lạp-mẫu Đa-đa)

Địa ngục mới là thiên đường

Tại sa mạc Sahara một tảng băng bị mặt trời nung chảy chỉ còn lại một mẩu nhỏ xíu.

Băng than thở: “Sa mạc là địa ngục của băng, Bắc Cực mới là thiên đường của băng.”

Cát nói với mẩu băng: “Nơi sa mạc băng mới quý báu nhất, chốn Bắc Cực băng là thứ không đáng giá nhất.”

Nếu chúng ta ở trong tình cảnh tuyệt vọng cực khổ, đó chính là lúc thể hiện giá trị lớn nhất của bản thân. Khi ở trong hoàn cảnh thuận lợi thái bình, mọi người đều chẳng mấy khác nhau.


(Thái Chí Trung)

Nhân sinh tam luận

Ba thứ không tranh giành: Không tranh tài với cấp trên, không tranh sủng với cùng cấp, không tranh công với cấp dưới.

Ba điều tu tập: Nhìn thấu nghĩ thoáng, nâng lên được bỏ xuống được, đứng ngay đi thẳng.

Ba cái phúc: Bình an là phúc, khỏe mạnh là phúc, chịu thiệt là phúc.

Ba “là”: Hòa thuận là quý, hiền lành là gốc, chân thành là trên hết.

Ba việc không thể chần chờ: Hiếu kính người già, làm từ thiện, rèn luyện thân thể.

Học nói ba câu: Được rồi. Chẳng sao. Sẽ qua thôi.

Ba câu hỏi: Nhanh nhất là nhanh cỡ nào? Chờ một chút là bao lâu? Vĩnh viễn có bao xa?

Ba chuyện tiếc nuối nhất: Gặp bạn tốt không kết giao, gặp cơ hội tốt không nắm bắt, gặp thầy không học.


(Nhị Nguyệt Hà)

9.6.14

Kết hôn

Chúng mình kết hôn nhé. Giá như anh nói.

T
háng sáu tường vy tha hồ nở rộ đầy giàn, là mùa thích hợp với lễ cưới.

Giá như anh nói câu này, em chỉ có thể nhận lời làm một cô dâu yên tĩnh mà xinh đẹp, lớp lớp sa dài buông rủ tha thướt dưới tà váy, trắng tinh như tuyết, không nhiễm bụi trần.

Đứng trước thánh đàn, nói: “Em bằng lòng.”

Anh cũng nói: “Anh bằng lòng.”

Sau đó, anh đeo nhẫn cho cô dâu của anh; lồng nhẫn vào ngón tay em, là chú rể của em.

Cùng năm, cùng tháng, cùng ngày, cùng một thời điểm, ở nhà thờ đầu này và đầu kia của thành phố.

Chúng ta đã riêng rẽ kết hôn.


(Trương Mạn Quyên)

6.6.14

Họ hy vọng bạn hiểu


Giống như đàn ông mãi mãi không thể lý giải một số ý nghĩ của phụ nữ, tiếng lòng của giới mày râu cũng hiếm có chị em thật sự đọc hiểu được. Những tâm sự của cánh đàn ông liệt kê dưới đây, bạn thấu hiểu bao nhiêu?

1. Nếu bạn cảm thấy mình béo, thế thì là béo, đừng hỏi đàn ông chúng tôi, chúng tôi từ chối trả lời. Huống chi chúng tôi chỉ quan tâm vài vị trí mà thôi.

2. Chớ cắt mất mái tóc dài, tóc dài vĩnh viễn đẹp hơn tóc ngắn.

3. Đừng bảo đi dạo trung tâm thương mại cũng là một kiểu vận động.

4. Vâng, chúng tôi trả lời không biết bao nhiêu lần rồi, bạn đã có đủ quần áo và túi xách.

5. Khi cùng ra ngoài, bạn mặc quần áo nào cũng đẹp, thật đấy! Đừng thay tới thay lui, báo hại chúng ta đến trễ.

6. Muốn gì cứ nói thẳng! Ám chỉ khéo léo đến đâu, chúng tôi cũng sẽ không hiểu.

7. Khóc lóc là một hành vi sách nhiễu.

8. Đừng tranh cãi với chúng tôi về những lời chúng tôi đã nói nửa năm trước. Lời chúng tôi từng nói, trong ba ngày quên tuốt rồi.

9. Khi xem tivi, bạn muốn phát biểu ý kiến, đề nghị là vào thời gian quảng cáo.

10. Phê bình bạn là bàn luận theo sự việc, xin chớ một khóc hai làm ầm ĩ ba treo cổ.

11. Hỏi bạn: “Sao thế?” Bạn đáp: “Không có gì.” Xin lỗi, chúng tôi sẽ xem là không có gì thật đấy.


(Thái Lan)