11.11.13

Đá tam sinh


KIẾP THỨ NHẤT

Một đời đó, chàng là chùa cổ, thiếp là đèn dầu; một đời đó, chàng là hoa rơi, thiếp là gái thêu; một đời đó, chàng là đá xanh, thiếp là trăng non; một đời đó, chàng là người tài, thiếp là ngựa tốt. Thiếp biết, thiếp sẽ đời đời kiếp kiếp cùng chàng kết duyên. Thế là thiếp quỳ trước Phật cầu xin suốt năm trăm năm, xin Người cho thiếp gặp được chàng lúc thiếp xinh tươi nhất, xin Người cho chúng ta kết nên một mối tình duyên đẹp đẽ. Phật bèn biến thiếp thành một gốc cây, mọc bên con đường chàng chắc chắn đi qua, dưới ánh nắng, thiếp thận trọng nở đầy hoa, mỗi đóa hoa đều là mong mỏi kiếp trước của thiếp, lá cây run rẩy là nước mắt chờ đợi của thiếp. Thế nhưng chàng cuối cùng đã chẳng nhìn mà đi qua. Rơi đầy mặt đất sau lưng chàng, đó không phải là cánh hoa, đó là trái tim xơ xác của thiếp. Thiếp cứ thế khô héo, vào khoảnh khắc thiếp chết đi, thiếp đã nhìn rõ vẻ kinh ngạc trên gương mặt chàng, chàng ôm cành cây của thiếp lên, lệ ướt vạt áo. Lúc ấy, thiếp ngậm cười. Trở về trước Phật, thiếp đầm đìa nước mắt, quỳ mãi không dậy. Phật cúi đầu, than thở. Chàng vẫn nhớ chứ, đây là kiếp thứ nhất trên đá tam sinh.


KIẾP THỨ HAI

Kiếp đó, chàng là hoàng đế, thiếp là tù binh. Chàng chí khí hiên ngang, tuổi trẻ đắc chí. Sau khi cha anh thiếp phản loạn, chàng tóc dựng mũ vàng, thiếp khắp người áy náy đau đớn. Chàng giết sạch họ hàng của thiếp, cướp thiếp về cung, đem về một vương phi người dân tộc toàn thân tang phục. Chàng nói, chàng chờ thiếp thật khổ sở, chàng sẽ yêu thiếp, chăm sóc thiếp, đời đời kiếp kiếp quấn quít bên nhau. Đúng ra, thiếp yêu chàng, trong luân hồi của sinh mệnh, thiếp đã trải qua mong mỏi dường nào mới cùng chàng gặp gỡ. Thế nhưng thiếp lại rút ra đoản kiếm bên hông chàng đâm vào trái tim mình. Thiếp mở to mắt, nhẹ giọng nói: “Xin lỗi!” Phải rồi, thiếp đã tự vẫn trước mặt chàng như vậy, thiếp rất tàn nhẫn. Giờ phút hấp hối, thiếp nhìn thấy nỗi bi phẫn và đau thương vô hạn của chàng, thiếp nghe thấy tiếng gào xót xa bất lực của chàng vang vọng khắp cung điện. Chàng cắn đứt ngón giữa, nhỏ một giọt máu tươi lên cổ tay thiếp, chỉ trời thề nguyền, lấy đó làm dấu, mãi không bỏ thiếp. Lúc ấy, tim thiếp tan nát… Chàng vẫn nhớ chứ, đây là kiếp thứ hai trên đá tam sinh.


KIẾP THỨ BA

Thiếp vùng vẫy chìm nổi trong bể khổ, nài nỉ bảy trăm năm, Phật cuối cùng chịu tha thứ cho thiếp, chìa bàn tay hoa sen cho thiếp, để thiếp gặp gỡ chàng lần nữa, nhưng chàng lại không nhớ ra thiếp. Vuốt nhẹ cổ tay, vết bớt màu đỏ lại đang nóng bỏng, vì truy tìm ngọn nguồn chưa dứt của kiếp trước, thiếp nắm chặt một mẩu chuyện xưa rách nát dưới bóng dáng cô độc ngạo nghễ của chàng. Hãy mỉm cười với thiếp, dù trong nụ cười ấy có xa cách ngàn dặm, thiếp cũng động lòng. Hãy giận dữ nhìn thiếp, nếu trong cái trừng mắt ấy có trách móc si tâm, thiếp cũng không hối. Thế nhưng chàng chỉ thờ ơ. Mỗi ngày đêm, thiếp rưng lệ cầu khấn thần linh, nếu chàng nhìn thiếp một thoáng, thiếp sẽ chết một cách hạnh phúc, nếu chàng không nhìn thiếp, thiếp sẽ chết một cách đau khổ. Phải chăng yêu một người chính là sống sống chết chết mà lại cam tâm tình nguyện như vậy? Còn chàng, vẫn dửng dưng. Trái tim chờ đợi của thiếp đau đớn mà lại hạnh phúc, thiếp mỉm cười ngắm chàng lơ đãng đi qua bên người thiếp, ngắm ánh mắt chàng vượt qua đỉnh đầu thiếp, trong câu chuyện có chàng tồn tại, kết cuộc ra sao đều tốt. Năm tháng, tung bay trong cơn gió bên mình, trăm năm, ngàn năm, vạn năm, chẳng ai biết, chờ đợi của trăm năm, tình cảm của ngàn năm, lưu luyến của vạn năm, cuối cùng sẽ tro bay khói tan thế nào. Có lẽ, vào một rồi lại một khoảnh khắc, thiếp từ trong ánh mắt cô ngạo của chàng nhìn thấy một tia nghi hoặc, một lẽ giác ngộ, một chút dịu dàng, điều này đối với thiếp đã đủ rồi. Tịch dương ôn nhu, nghe bên tai nhiều tiếng cười mới mẻ và xa lạ vang lên, liền nghĩ: Ba kiếp đã qua, kiếp sau, chàng vẫn còn chứ?

(Tịch Mộ Dung)

No comments:

Post a Comment