11.11.13

Bất phụ Như Lai bất phụ khanh




Tằng lự đa tình tổn phạm hành,
Nhập sơn hựu khủng biệt khuynh thành.
Thế gian an đắc song toàn pháp,
Bất phụ Như Lai bất phụ khanh.

Đọc Thương Ương Gia Thố, phải nấu trà đậm, đốt hương Tạng, để trà đặc sôi sục trên lò đất đỏ, hương Tạng sực nức lan tỏa khắp nhà, vẻ hoa mỹ và đau buồn của thơ ca cũng theo mùi hương chảy tràn bốn phía. Lúc đó, mới có thể hiểu được thiền tông và bi thương trong thơ, chạm đến nỗi nhớ da diết của nhà thơ.

Trà, nhất định phải là trà thanh khoa của Tây Tạng, mang sức lực và sinh khí vô hạn. Hương thì dùng hương Tạng, trong kinh điển Phật giáo, hương thường dùng để ví với đức trì giới của người tu hành, là vật may mắn phải có của người tu hành muốn thành tựu chân ngôn, xông hương rộng khắp sẽ thanh tịnh nghiệp chướng thù oán...

Trong “Giới Đức Hương Kinh”, Phật Đà nói với A Nan, chỉ có hương thơm của trì giới không chịu ảnh hưởng của gió thuận hay nghịch, có thể xông khắp mười phương. Còn trong “Lục Tổ Đàn Kinh”, cũng dùng hương để ví với ngũ phần pháp thân, gọi là “ngũ phần pháp thân hương”.

Bài thơ này, nhất định phải tắm gội hương Tạng, bầu bạn Phạm âm, mới có thể lĩnh hội được cảnh giới của nó.

“Tằng lự đa tình tổn phạm hành, Nhập sơn hựu khủng biệt khuynh thành. Thế gian an đắc song toàn pháp, Bất phụ Như Lai bất phụ khanh.”

Đọc kỹ, có chỗ giống “Xứ Tuyết” dưới ngòi bút của Yasunari Kawabata, bi ai, tĩnh mịch, diễm lệ, khắc nghiệt, mang tượng trưng và ý vị của Thiền tông, tuôn chảy vẻ đẹp của bi thương.

Tôi nghĩ, Kawabata năm xưa chắc cũng đã đọc thơ của Thương Ương Gia Thố, vì vậy mới viết được câu chữ hoa lệ mà bi thương dường này.

Bài thơ này, cũng có người dịch thành: “Tự tàm đa tình ô phạm hành, Nhập sơn hựu khủng ngộ khuynh thành. Thế gian na đắc song toàn pháp, Bất phụ Như Lai bất phụ khanh?”

Bản dịch trước là tự thuật, bản dịch sau đã có đôi chút ý nghi vấn. So sánh với nhau, bản trước từ ngữ hay hơn, nhưng câu hỏi của bản sau lại có một ý vị riêng.

Thương Ương Gia Thố, Ngài vốn là một vị Phật sống tu hành, lại yêu một cô gái ngoài đời, tình yêu này, vừa bắt đầu đã là sai.

Nước có phép nước, nhà có phép nhà, tăng nhân có giới luật của tăng nhân. Bắt đầu từ thời Tùng Tán Cán Bố, đã có “Thập Thiện Kinh” quy định tu vi. Trong đó ở phần “Thập Giới” đã quy định rõ ràng: “Bất sát, bất đạo, bất dâm, bất lưỡng thiệt, bất ác khẩu, bất vọng ngôn, bất ỷ ngữ, bất tham, bất sân, bất si.” (Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói hai lời, không nói lời ác hại, không nói xằng bậy, không nói lời thêu dệt, không tham lam, không giận dữ, không si mê)

Giới luật cứng rắn của Thập Giới, trong đó có một điều là: Bất dâm (Không tà dâm).

Thương Ương Gia Thố, Ngài là Phật sống, nếu Ngài cùng người phàm yêu nhau, đó chính là “dâm”.

Đáng buồn thay, vốn là một lãng tử đa tình, một ngày kia bị nhận định là Phật sống, tức thì cả tư cách yêu một người cũng không có!

Phật sống như vậy, giới luật như vậy, dù là thành Phật lại có ích gì!

Ngài cũng từng muốn từ bỏ, muốn quên cô gái ấy. Ngài cầu xin Phật pháp cứu giúp, lật sách kinh, niệm kinh văn, càng niệm, trong lòng càng rối loạn. Là kinh rối loạn, hay là tâm rối loạn?

Ngài dứt khoát đặt sách kinh xuống, xoay kinh luân, kinh luân làm bằng bạc ròng xoay hết một vòng lại một vòng, Ngài biết, chuyển kinh luân xoay một vòng, sẽ bằng thành kính niệm kinh một trăm lần, Ngài xoay kinh luân hết lần này đến lần khác, chỉ muốn cứu rỗi linh hồn mình.

Bồ Đề Sư Tử Thượng Sư dạy: “Công đức xoay chuyển kinh luân, nếu xoay một vòng, tức là bằng tụng niệm “Đại Tạng Kinh” một lần; nếu xoay hai vòng, bằng tụng niệm tất cả kinh Phật; nếu xoay ba vòng, có thể tiêu trừ tất cả tội chướng từ sở thân, khẩu, ý; nếu xoay mười vòng, có thể tiêu trừ tội chướng như Tu Di Sơn Vương.”

Chuyển kinh luân xoay nhanh, kinh văn lần lượt lướt qua, Phật pháp vô biên, mênh mênh mang mang, nhưng Ngài dần dần phát hiện, bản thân khổ sở cầu xin trước Đức Phật, không phải vì siêu thoát, lại chỉ vì chạm được ngón tay nàng vuốt qua kinh luân.

Cuối cùng, trong đàn hương ấy, trong Phạm âm ấy, Ngài từ từ mở mắt, hình bóng của nàng dâng lên đầy mắt đầy tim.

Kinh Phật cho Ngài biết, đây là tâm ma, ma do tâm sinh, cần chặt đứt tơ tình, một lòng hướng Phật.

Thế nhưng, trong lòng Ngài dần dần hiện lên một cô gái mắt sáng cười tươi, từng nét chau mày mỉm miệng của nàng, từng cử động của nàng…

——Ngài không thể không tưởng nhớ.

Tình yêu chính là ma chướng, trong khoảnh khắc đã đánh tan tu hành khổ tâm mấy mươi năm của Ngài.

Ngài cuối cùng mở mắt. Tâm của Ngài đã rối loạn. Ngài rốt cuộc vẫn là đã khuất phục, đã lùi lại, đã thỏa hiệp.

Ngài đã yêu, yêu một cách không thể kìm chế, tình yêu ấy điên cuồng tuyệt vọng, tình yêu ấy bất chấp thân phận và địa vị.

Cũng chỉ có tình yêu nồng nàn tuyệt vọng như thế, mới có thể viết ra bài thơ nóng bỏng đau xót như thế, không có cho đi, thì chẳng có nhận lại.


(Tử Phi)

No comments:

Post a Comment