11.11.13

Tạng • Hoa sen


Men theo hẻm núi sông Yarlung Tsangpo đi về phía bắc, qua hẻm núi, vượt núi tuyết, xuyên rừng rậm nguyên thủy, mới có thể tìm được con đường nhỏ này.

Đó là một con đường nhỏ rách nát. Trên đường có nham thạch rạn nứt như mai rùa, đá sỏi nát vụn, trên vách núi nở ra những hoa nhỏ li ti.

Con đường này quanh co uốn khúc, ngoan cường chỉ về một nơi gọi là hoa sen.

Đúng vậy, hoa sen, loài hoa đất tuyết thuần khiết nhất của Tây Tạng. Nó ẩn nấp trong vách núi trùng điệp, là một đóa hoa đất tuyết rực rỡ chói mắt nhất.

Con đường này đã đi lại ngàn năm, tận cùng của nó là Mêdog (Mặc Thoát).

Một ngàn năm trăm năm trước, trên con đường này, lần đầu tiên có người đứng đấy.

Đó là một buổi hoàng hôn, tịch dương đỏ như máu vung vãi. Người kia đứng trên con đường này, nhìn xa xăm về phía đông của cao nguyên Thanh Tạng, lặng lẽ không nói.

Phía đông, là Cung Potala hùng vĩ tráng lệ, phía đông của Cung Potala, là dãy núi Nyenchen Tanglha, dãy núi Nyenchen Tanglha tiếp tục đi về phía đông, là đồng bằng rộng lớn. Trên đồng bằng, có một tòa thành to đẹp đàng hoàng trong truyền thuyết, tên của nó là Trường An.

Trường An, đó là một tòa thành trong truyền thuyết.

Trường An thời ấy, chính là đô thành của Thịnh Đường, đại hoàng đế sống trong thành Trường An tên Lý Thế Dân. Trinh Quán chi trị, thịnh thế càn khôn, chính là lúc Trung Hoa cường thịnh nhất. Vẻ phồn hoa của Trường An, sự khoan hậu của chính trị, con đường tơ lụa dát vàng dằng dặc vô biên, cuốn hết cát vàng, phủ lên hết phồn hoa và tang thương của Thịnh Đường.

Rất lâu, người kia cuối cùng từ từ mở miệng, ông ta hạ lệnh xây một con đường nhỏ, từ trên con đường nhỏ này đã bắt đầu lữ trình hành hương về đất thánh dài đằng đẵng.

Con đường này, điểm đầu ở Mêdog, điểm cuối ở Trường An.

Đường dài đằng đẵng, một lần đi này đã là mười năm.

Mười năm sau, bánh xe lộc cộc đè lên con đường này, in xuống vết bánh xe sâu hoắm.

Trên xe ngựa nặng nề, có tơ lụa, đồ sứ, thảo dược, lá trà, sách vở, tượng Phật, còn có một vị công chúa mỹ lệ như đá quý. Nàng chính là công chúa Văn Thành, cháu gái của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, nàng đem đến cho Tây Tạng nền văn minh tiên tiến nhất thời đó.

Người kia tên là Songtsän Gampo (Tùng Tán Cán Bố), vị vua vĩ đại nhất của Tây Tạng. Ông đã thống nhất Tây Tạng, lại từ Trường An mang về văn minh tiên tiến.

Hoa lửa của nền văn minh này, từng giọt từng giọt, đều nhỏ trên con đường này.

Đường dài thăm thẳm, hoa nở hoa rụng, trong chớp mắt lại qua mấy trăm năm.

Con đường này, Thịnh Đường đi qua, Bắc Tống cũng đi qua, Đại Nguyên đi qua, Minh Thanh cũng đi qua, một con đường nhỏ ngoằn ngoèo khúc khuỷu, đã qua lại biết bao thương nhân và quan viên, đã ghi lại phồn thịnh và suy thoái của biết bao triều đại.

Con đường này, mãi đến thế kỷ 18, nhà văn Mỹ James Hilton còn đi qua. Ông vượt qua núi tuyết cao ngất, lội qua con sông xanh thẳm, cuối cùng đến được nơi đây, kinh ngạc trước vẻ u nhã tĩnh mịch và kín đáo ở đây. Nhiều năm sau, ông đã viết một cuốn sách – “Đường chân trời đã mất”.

Trong sách, ông đã xúc động miêu tả địa phương này: “Nơi mặt trời chiếu rọi sớm nhất, là Gyalthang của phương đông, nơi đẹp đẽ nhất của nhân gian, là Shangrila bên sông Naizi.”

Có nhiều cách nói khác nhau về Shangrila.

Có người nói Shangrila ở Zhongdian (Trung Điện) của Vân Nam, cũng có người nói là ở Daocheng (Đạo Thành) của Tứ Xuyên, tôi lại luôn kiên trì cho rằng đó là Mêdog. Chỉ có địa phương u tĩnh thánh khiết như Mêdog, mới có thể gọi là Gyalthang của phương đông, nơi đẹp đẽ nhất của nhân gian.

Sau khi cuốn sách này xuất bản, lập tức dẫn đến sự quan tâm của bên ngoài đối với Tây Tạng.

Chính là như vậy, họ đã đến, từ bốn phương tám hướng, Châu Âu và Mỹ, đội gió sương và nỗi khổ nhớ quê, bất chấp nguy hiểm chôn thân đất lạ, mang một trái tim thành kính, trèo non lội suối, ngàn dặm xa xôi mà đến, chỉ để yết kiến đóa hoa sen thánh khiết nhất ấy.

“Mêdog” tiếng Tạng có nghĩa là nơi hoa sen nở rộ. Trong “Cam Châu Nhĩ” của Đại Tạng Kinh gọi Mêdog là: “Tịnh thổ của Phật Bạch Mã Cương, thắng cảnh đặc biệt nhất trong các thắng cảnh đặc biệt.”

Trong hoàng hôn, ánh nắng sót lại của tà dương chênh chếch chiếu qua, ở nơi tận cùng của mặt trời lặn, lặng lẽ bừng nở một đóa hoa sen. Một đóa hoa sen thánh khiết nhất trên thế gian, Mêdog.

Mêdog ẩn nấp trong quần thể núi, có hồ, có núi, có thác nước, nhìn từ xa xa, phảng phất sen đỏ nở bung, một vẻ tốt lành.

Đây là một địa phương thần bí, cũng là một địa phương duy nhất ở Trung Quốc không thông đường hoàn toàn.

Vào Mêdog, nhất thiết phải đi xuyên hẻm núi, qua rừng rậm, vượt núi tuyết, lội đầm lầy, chín phần chết một phần sống, mới có thể nhìn thấy đóa hoa sen đẹp đẽ nhất của cao nguyên Thanh Tạng. Trong đó, có núi tuyết mênh mang cao hơn 4.000 mét, có hẻm núi hiểm trở của Himalayas, có rừng mưa nhiệt đới rậm rạp, có khu không người Ngari (Ali) được gọi là cấm địa của sinh mệnh, dọc đường có thể trải qua biến hóa bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Đúng vậy, muốn đi Mêdog gặp gỡ, trước hết phải trải qua thử thách cửu tử nhất sinh, mới có thể nhìn thấy cảnh đẹp sen đỏ nở rộ, trăm chim cùng hót ấy. Đây là một địa phương tươi đẹp mà lại thần bí biết bao.

Tây Tạng là cực thứ ba của thế giới, Mêdog là cực thứ ba của Tây Tạng.


Chính ở nơi tịnh thổ của Phật, thắng cảnh đẹp nhất trong các thắng cảnh, chàng, Đạt Lai Lạt Ma thứ 6, Phật sống truyền kỳ của Tây Tạng, hoàng tử thơ tình Tsangyang Gyatso (Thương Ương Gia Thố) đã chào đời!

Tsangyang Gyatso sinh năm thủy trư rabqung thứ mười một của lịch Tạng, ngày 1 tháng 3 năm 1683 công nguyên. (rabqung: chu kỳ 60 năm)

Nghe nói, ngày chàng sinh ra, có hiện tượng lạ, trên bầu trời Mêdog mọc lên bảy vầng thái dương, trên trời tuôn xuống cột sáng màu vàng cực lớn, Phật quang quấn quít, khí tía xung thiên.

Theo tiên đoán của kỳ thư Tây Tạng “Thần Quỷ Di Giáo”, hiện tượng lạ này là Liên Hoa Sinh chuyển thế, tôn quý không gì sánh bằng, có thế vạn phật triều thánh, khí thế không thể cản trở.

Bảy mặt trời cùng mọc, cột vàng chiếu rọi, cảnh tượng thật là đẹp đẽ, chỉ xuất hiện vì một mình chàng!

Thế nhưng, Mêdog hiện nay, lại vĩnh viễn không có người con trai ấy. Chàng đã xa Mêdog rất nhiều năm.

Chàng trai ấy, chàng trai cô độc ngạo nghễ anh tuấn lạ lùng ấy, áo trắng áo xanh, tiêu sái rời Mêdog, từ đó lưu lạc chân trời.

Chàng cứ đi mãi trên đường, đã đi trọn ba trăm năm.

Vào đêm ấy, Tsangyang Gyatso cầm chiếc đèn lồng thoắt sáng thoắt tối, đi trên con đường nhỏ này.

Một cơn gió thổi qua, rừng cây vang tiếng xào xạc, chim chóc nơi xa thấp giọng hót. Tsangyang Gyatso thoáng rụt cổ, nhìn về phương xa, phương xa là núi màu xanh, mênh mênh mang mang. Nhìn xa hơn nữa, phương xa chỉ là một màu đen đậm đặc.

Đường nhỏ cô độc, hoa nhỏ li ti, đèn lồng chập chờn, mặt trăng dịu dàng, nơi xa phảng phất truyền đến tiếng gọi của người tình. Tất cả, đều đã thành hồi ức vĩnh viễn trong đáy lòng chàng.

Chàng suốt đời đều nhớ nhung quê hương, nhớ nhung con đường nhỏ này, thế nhưng hết một đời này chàng lại chẳng có cơ hội trở về nữa. Con đường nhỏ ấy của quê nhà, đã định sẵn chỉ có nhớ lại trong mơ. Con đường về nhà này, quanh co khúc khuỷu, vĩnh viễn không có tận cùng.

Nhiều năm sau, tình cảnh ấy vẫn hiển hiện trong lòng chàng. Sau này, chàng đã viết một bài thơ, kỷ niệm cuộc tình này:

Từ hướng đông lên vượt khỏi đồi,
Bóng trăng lồng lộng vẻ vui tươi.
Trăng mang hình thể vào tâm tưởng,
Khuôn mặt người yêu hớn hở cười.
(Hoàng Nguyên Chương dịch)

Ba trăm năm sau, cũng có một ca sĩ đơn côi, cảm nhận được nỗi cô độc sâu sắc này.

Người ca sĩ này, một cây đàn guitar, một bộ đồ jeans, đã đem đến cho giới ca nhạc biết bao truyền kỳ. Anh là John Denver, nhiều năm sau, anh đã hát: “Đường nhỏ thôn quê, đưa ta về nhà”. Anh tha thiết yêu quê hương mình, yêu con đường xập xệ ấy. Con đường nhỏ quanh co ấy, đã lay động con tim biết bao kẻ lãng du chân trời.

Thế nhưng, con đường nhỏ ngoằn ngoèo ấy, Tsangyang Gyatso lại chẳng có cơ hội đi một lần nữa.

Tsangyang Gyatso đã thấm mệt. Chàng đã đi trên đường quá lâu, chàng thật sự quá mệt mỏi. Cuối cùng chàng quay đầu nhìn một thoáng, con đường uốn lượn kia, là xa xăm như thế, xa đến hết một đời người cũng không trở về được.

Thế là chàng lẳng lặng nằm xuống trên con đường nhỏ ấy, hướng về phương hướng của hoa sen.

Cái chết giống như đêm tối, tĩnh mịch mà yên lành, nơi tận cùng của đêm tối, là đồng trống xa xôi, sương mù lan tỏa, sông nước mênh mang, buổi chiều hôm, phảng phất có mấy tiếng sói tru dài, như than như khóc, rất mực thê lương.

Trong màn đêm, Tsangyang Gyatso cuối cùng đã ngủ vùi.

Đường nhỏ thôn quê, xin đưa ta về nhà.

(Tử Phi)

No comments:

Post a Comment