11.11.13

Giày hôn nhân






Hôn nhân là một đôi giày. Có chân trước, sau đó mới có giày, lúc nhỏ chân trần đi trên đất, cảm nhận cát ấm nóng, cỏ mượt mát, niềm vui vẻ và thoải mái không gò bó ấy, trong cả đời sẽ nhiều lần thức tỉnh chúng ta từ trong mơ.

Đường đi xa rồi, liền có khổ sở vất vả bôn ba. Trong sa mạc nóng bức bị nướng đến nỗi chạy nhanh như đà điểu, trong đầm lầy lún sâu bị đỉa nước đốt sưng tấy...

Đời người là một con đường vô tận, do đó người ta sáng tạo ra giày.

Mang giày là để đi đường, nhưng muôn ngàn gian nan nguy hiểm trên đường, có lúc vẫn không khiến con người cảm thấy khổ sở khó nói bằng một hạt sỏi cát trong giày. Giày, đã trở thành đề tài câu chuyện mà nhân loại văn minh tổ tiên đời đời lưu truyền.

Giày có thể làm thành từ nguyên liệu đủ mọi kiểu dáng. Thô sơ nhất là một phiến lá chuối tươi, đắt giá nhất là chiếc giày thủy tinh bà tiên để lại cho nàng Lọ Lem.

Bất kể giày gì, quan trọng nhất là vừa chân; bất kể nhân duyên thế nào, tốt đẹp nhất là hòa hợp.

Nhớ đừng chỉ ham muốn vẻ đẹp đẽ quý giá của giày, mà thiệt thòi cho chân của mình. Thứ người khác nhìn thấy là giày, thứ bản thân cảm nhận được là chân. Chân quan trọng hơn giày, đây là một chân lý, rất nhiều người lại thường quên mất.

Tôi đã làm bác sĩ nhiều năm, thường băng chân cho các cô gái trẻ, mép giày sắc nhọn cứa mắt cá chân các cô đến chảy máu ròng ròng. Dán lên miếng gạc trắng tinh, xỏ xong vớ tơ sáng bóng, các cô thướt tha bước đi. Nhưng tôi biết, khi nhẹ nhàng khiêu vũ, có lẽ sẽ có người bất chợt khóe miệng giật giật : đó là vì giày của cô ấy.

Từng nhìn thấy giày của bà nội, chưa từng nhìn thấy chân của bà. Bà chưa hề cho chúng tôi nhìn chân của bà, tựa như đó là một vật ô uế. Chân cõng chúng ta đứng và đi lại. Chân là vô tội, chân là người có công. Kẻ xấu xa là giày kia, đó là một món hình cụ, một bộ khuôn đúc nên dị dạng tàn hại thiên tính.

Mỗi khi tôi nhìn thấy hôn nhân bao biện mà mông muội, liền nhớ đến gót sen ba tấc của bà nội.

Lúc nhỏ tôi có một đôi giày da màu đỏ đẹp đẽ, nhưng trong hốc giày ẩn nấp một con côn trùng kẹp ngón chân. Mỗi lần tôi không chịu mang giày da đỏ, người lớn luôn thò tay vào dò dẫm loạn xạ, sau đó nói: "Giày tốt biết mấy, mau mang vào đi!" Vì không mang đôi giày này, tôi đã tiến hành sự phản kháng kịch liệt nhất mà một đứa bé có thể bộc phát. Tôi trước sau không hiểu: Một đôi giày tốt hay không, vì sao không phải là người mang giày có quyền quyết định cuối cùng?!?!

Người bên cạnh đừng nên nói đông nói tây, nếu bạn chưa từng trải qua kiểu hôn nhân ấy.

Trượt băng phải mang giày trượt băng, trên đất tuyết phải mang ủng đi tuyết, trời mưa phải có giày đi mưa, du lịch phải có giày du lịch. Thế giới vô biên, có vô số loại giày có thể cung cấp cho chúng ta chọn lựa, chân lại chỉ có một đôi. Bạn ơi, bạn phải thận trọng nhé!

Thời niên thiếu tham gia đại hội thể dục thể thao, một ngày trước khi thi đấu, cô giáo đột nhiên xách đến cho tôi một đôi giày đinh chạy bộ màu cam, chúc tôi như hổ thêm cánh trong cuộc thi điền kinh. Tôi cởi giày tennis màu trắng tập luyện thường ngày, mang vào giày chạy bộ mềm mại như vỏ quýt, tự tin trong lòng đột nhiên biến mất. Đinh giày rạch đường chạy ra một dải vết răng cưa, tôi cảm thấy chân mình bị người ta đổi thành chân thú. Tôi nói tôi không mang giày chạy bộ, tất cả mọi người đều bảo tôi ngốc quá. Súng phát lệnh đã nổ, tôi mang giày chạy bộ chạy hết cả chặng đường. Khi tôi theo thói quen ưỡn ngực để chạm vạch đích, sợi dây ấy sớm đã giống như băng lụa đeo ở trước ngực người khác rồi.

Giày chạy bộ màu cam vô tội, nên chịu trách nhiệm là những người đã khuyên tôi. Trên đời có rất nhiều giày rất tốt, nhưng phải xem có phù hợp với chân bạn hay không. Ở đây, nói kinh nghiệm tất thảy đều chẳng có ích gì, bạn chỉ cần vào lúc nửa đêm, lắng nghe cảm giác của chân bạn.

Nhìn thấy phong thái của cô gái Nam Phi chân trần tham gia thi đấu điền kinh thế giới, tôi hiểu ý mỉm cười: Không có giày cũng có thể phá kỷ lục thế giới! Chân sẽ dài, giày lại không đổi, thế là giày và chân, đã trở thành một cặp mâu thuẫn vĩnh hằng. Sức của giày và chân, rốt cuộc ai mạnh hơn một chút? Tôi nghĩ là chân. Chỉ thấy có giày bị mài thủng, không có chân bị mài mỏng. Khi giày muốn bó buộc chân, ngón chân liền chọc mặt giày hở một cái lỗ, thò ra ngoài cho mát.

Chân cuối cùng cũng có lúc không dài nữa, đó chính là tuổi chúng ta bắt đầu thành thục. Hãy nghiêm túc chọn lựa một loại giày phù hợp với mình nhé! Một bàn chân là nam, một bàn chân là nữ, giày liên kết họ thành một đôi tương tự mà lại tuyệt đối không tương đồng. Từ đó, trên chặng đường nhân sinh, người đời nhìn thấy đã không còn là dấu chân, mà là dấu giày.

Gọt chân cho vừa giày là một kiểu tàn khốc của kẻ ngu, người nước Trịnh mua giày là một kiểu cổ hủ của kẻ trí; khi bước đi khó khăn, giày và chân phải chân thành đoàn kết; khi một bước lên mây nhớ đừng vứt bỏ chiếc giày...

Đương nhiên, chân quý trọng hơn giày. Khi giày quả thật làm chân tổn thương, chi bằng chúng ta chân đất lên đường!

(Tất Thục Mẫn)

1 comment:

  1. Cảm ơn Admin đã chia sẻ bài viết rất hay và bổ ích.
    ......................................................
    Quý khách có nhu cầu mua sỉ nón bucket, hãy đến với Bàn Tay Viêt, xưởng may uy tín, chất lượng.
    Xưởng may Bàn Tay Việt chuyên sản xuất nón bucket giá sỉ.
    xưởng may nón.

    ReplyDelete