11.11.13

Kiếm - Hoa - Yên vũ - Giang Nam


I. Giang Nam
Giang Nam, về mặt chữ nghĩa chỉ địa khu phía nam trung hạ lưu Trường Giang, nhưng trong đầu tôi, Giang Nam vẫn luôn không phải là một danh từ địa vực thuần túy. Vì nội hàm văn hóa và bối cảnh lịch sử của nó, khiến hai chữ này hàm ý khói nước mịt mờ, văn thái phong lưu, giàu có phồn hoa.
“Giang Nam đẹp, Phong cảnh cũ từng ham. Trời mọc, hoa sông hồng quá lửa. Xuân về, dòng nước biếc như chàm. Ai chẳng nhớ Giang Nam?” 
“Người người đều nói Giang Nam đẹp, Khách chơi muốn ở Giang Nam mãi. Nước xuân biếc như trời, Thuyền ngủ tiếng mưa rơi. Bên lò người tựa nguyệt, Tay trắng như sương tuyết. Chưa già chưa trở về, Trở về dạ tái tê.”
“Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu”
“Nhiều ít lâu đài lẫn khói mưa”
“Tháng ba cỏ mọc, oanh bay”
……
Những câu thơ này, từ thuở bé bi bô học nói đã theo ba trăm bài thơ in vào ký ức của tôi. Có thể nói, khi tôi chưa thật sự hiểu Giang Nam về địa vực là gì, từ cổ văn tôi đã tiếp nhận Giang Nam trên ý nghĩa văn hóa.
Tôi là người Triết Giang, sinh ở một thành cổ vùng Giang Nam. Cổ thành bên biển Đông ấy từng sản sinh nhiều danh nhân văn hóa, cũng nhiều lần xuất hiện trong thơ người xưa. Nhưng trong ký ức của tôi, quê hương bên biển của tôi có sự rộng lớn mênh mang của biển cả, hoàn toàn không phải là Giang Nam giọng Ngô nhẹ nhàng, khói nước như mơ trong mộng của tôi.
Sau mười tám tuổi, tôi chuyển đến sống ở Hàng Châu, cuối cùng đã đến nơi hội tụ thần hồn của Giang Nam.
Tôi phung phí mười năm đẹp nhất của đời người ở đây: Tôi bơi thuyền trên Tây Hồ, uống nước suối ở Hổ Bão, dâng hương ở Thiên Trúc, nếm trà ở Long Tỉnh… Tôi thời đi học thuộc dạng văn nghệ và lý tưởng hóa, từng xem hết “Tây Hồ mộng tầm” của Trương Đại, muốn đi hết những nơi ông đi qua, thu vào đáy mắt hết những cảnh tượng ông đã ngắm qua.
Mãi đến khi tôi cảm thấy mình và thành phố này đã hòa hợp làm một.
Sau khi tôi bắt đầu viết lách, “Giang Nam” đã xuất hiện nhiều lần trong câu chuyện dưới ngòi bút của tôi. Đó là một vũ đài trời ban cho tôi.

II. Hoa
Sắc màu của Giang Nam là gì? Tôi nghĩ, có lẽ là màu lục.
Màu lục ấy là một loại màu nền, không chỉ là kênh rạch chằng chịt ngang dọc đan xen, Tây Tử Hồ và Thái Hồ sóng nước mênh mông rập rờn, mà còn là cỏ cây xanh tươi và phồn hoa như gấm nhìn đâu cũng thấy. Đó là một bối cảnh lớn, phảng phất một tấm tơ lụa thượng hảo, nhàn nhạt sắc biếc của trời sáng sau mưa, trên đó tỉ mỉ thêu đình đài lầu các, cung nữ danh sĩ… mềm mại như nước, lả lướt như mộng.  
Giang Nam bốn mùa đều có thể ngắm hoa, xuân có mẫu đơn hạ có sen, thu ngắm cúc đông bẻ mai.
Thướt tha đi giữa cảnh sắc rực rỡ đó, là những người đẹp do vùng đất này thai nghén.
Người xưa hay lấy hoa sánh với mỹ nhân. Mà người đẹp của Giang Nam, cũng có nét uyển ước nhu lệ đặc trưng của danh hoa do thủy thổ nơi đây sinh ra, một vẻ đẹp khác hẳn với yên chi đất bắc, giai lệ biên tái. Người đẹp dạng ấy, từng xuất hiện trong rất nhiều bài thơ tôi đã đọc, cũng xuất hiện trong những câu chuyện võ hiệp tôi say mê thời niên thiếu…
Người nọ tiếp nối người kia, những cô gái ấy dung nhan như hoa, hiện ra trong khói nước mông lung.
“Chỉ thấy cuối thuyền có một cô gái cầm chèo khoát nước, tóc dài xõa xuống vai, y phục toàn thân màu trắng, trên tóc buộc một sợi dây vàng, tuyết trắng ánh lên chớp chớp lóe sáng... Chiếc thuyền từ từ tới gần, chỉ thấy nàng còn rất nhỏ tuổi, bất quá chỉ mười lăm mười sáu, da trắng như tuyết, xinh đẹp không ai bằng, dung mạo tuyệt trần, không thể nhìn gần.”
Khua chèo xuất hiện trên hồ, khiến tiểu tử khờ khạo Quách Tỉnh mới nhìn cơ hồ không thể nhận ra, chính là thiếu nữ Giang Nam xinh đẹp Hoàng Dung.
“Giữa lúc ấy bỗng nghe có tiếng rạt rào, trên mặt hồ nước biếc một con thuyền nhỏ đang rẽ nước lướt tới. Trên thuyền một thiếu nữ áo xanh cầm đôi mái chèo khuấy nước cho thuyền chạy, miệng cô đang ca khúc "Hạm thiều hương". Giọng hát dịu dàng không có vẻ lả lơi khiến người nghe cũng cảm thấy nỗi vui mừng.”
Đồng dạng, dưới ngòi bút Kim Dung, khi thiếu nữ A Bích mang phong vận Giang Nam xuất hiện, cũng là từ trên Thái Hồ chèo thuyền mà đến, tựa mạn thuyền cất tiếng ca. Tay bóc ấu đỏ, lấy đao binh làm nhạc khí, Tô Châu bình đàn, giọng Ngô êm dịu, nói không hết phong tình của Giang Nam.
Đương nhiên cũng có ngoại lệ.
Như nàng Lý Văn Tú, sinh ở Giang Nam, nhưng cả đời sống ở tái ngoại, khi đau lòng rời khỏi đại mạc cát bay, dắt ngựa trắng trở về cố hương, lại để trái tim lưu lại tái ngoại.
“Trên đại mạc, thánh kinh Koran bao la vạn tượng, nhưng có một chuyện vẫn không tìm được câu trả lời: Nếu như ngươi yêu thương say đắm một người, người đó lại yêu thương say đắm một người khác, thì phải thế nào?
…Bạch mã nay đã già, chỉ có thể đi chầm chậm, nhưng cuối cùng rồi cũng về đến Trung Nguyên. Đất Giang Nam có liễu xanh, có đào hồng, có én đen, có cá vàng... Người Hán cũng có những thanh niên anh tuấn, võ giỏi, hiên ngang tiêu sái...
Những thứ đó tốt lắm, đẹp lắm! Thế nhưng ta không thích thì sao?”

III. Kiếm
Giang Nam là đất văn chương phong lưu, có danh sĩ ngâm vịnh, văn nhân tao khách mãn tọa.
Thế nhưng, trong tác phẩm võ hiệp, Giang Nam giống như tái ngoại mênh mang hồn hậu, lại cũng là vũ đài thích hợp nhất cho các câu chuyện phát sinh.
Nói không rõ vì sao vùng đất Giang Nam này luôn khiến tôi nghĩ đến một thanh trường kiếm màu xanh nhuốm sương, vỏ kiếm cũ mài mòn, trên áo kiếm quấn ngoài vỏ những vết máu thời xưa rửa không sạch, múa kiếm ngâm xướng bên dòng nước. Sầu trên khóe mắt nhàn nhạt, nụ cười trên môi cũng nhàn nhạt, khói sóng trên sông, thiếu niên bạc tóc.
Đến giờ vẫn nhớ lúc mới đến Hàng Châu, từng trăm ngàn vất vả đi tìm Địch Lô Phi Tuyết ở Tây Khê, lý do là tìm nơi Thẩm Thắng Y quyết chiến Thập tam sát thủ dưới ngòi bút Cổ Long. Kết quả khi đến hoa lau sớm đã rụng hết, khắp trời đất đều là cành lá khô vàng đìu hiu, gió vừa thổi qua, giữa trời đất đã tràn đầy thanh âm xào xạc, cho người một cảm giác thê lương trời cao đất xa, bốn bề mênh mang.
Tuy nhiên, vẫn không ngăn được bản thân tưởng tượng một màn thế này: Giang Nam dưới trăng, khói nước mông lung, kiếm khí tung hoành, bạch y công tử bay lượn trên sóng nước, tình thơ ý họa và giết chóc tàn khốc kết hợp hoàn mỹ vô khuyết.
Có lẽ là Giang Nam quá ôn nhuyễn, lại có một luồng khí thanh cương tự nhiên, như màu trắng của sách vở, vị bạc của rượu gạo, độ dẻo dai của ngọn bút, sự mềm mượt của suối tóc mỹ nhân, cùng hóa thành một thanh kiếm trong veo như thu thủy. Là một thanh kiếm vĩnh viễn tồn tại trong lòng người, là trung trinh và nghĩa khí của sĩ tử Giang Nam, đơn sơ và cuồng ngạo.

IV. Yên vũ
Mưa của Giang Nam, xưa nay được văn nhân mặc khách yêu quý, rơi mấy mươi thế kỷ rồi, cũng vẫn không ngưng.
Thuở nhỏ tôi thích nhất bài “Ngu mỹ nhân - Thính vũ” của Tưởng Tiệp:
“Nghe mưa tuổi trẻ lầu ca thượng, Đuốc đỏ mờ la trướng. Nghe mưa tuổi tráng khách thuyền rong, Sông rộng mây rà, Tiếng nhạn vẳng tây phong.
Nghe mưa nay ở phòng tăng vắng, Tóc đã phơ phơ trắng. Buồn vui ly hợp thảy vô tình, Mặc sức ngoài thềm nhỏ giọt tới bình minh.”
Tưởng tượng nam nhân ấy đã nghe mưa một đời, từ từ già nua trong mưa, khi đã tóc trắng bạc phơ đứng trước thềm nghe mưa, ngàn dòng vạn điểm, vô số hồi ức như ngựa chạy dồn về, lại không còn sức đuổi theo níu kéo.
Một cơn mưa, đưa tiễn kiếp sống này.
Một cơn mưa, cũng tả hết Giang Nam.
Rất nhiều năm sau tôi đọc lại bài từ này, trong hoảng hốt bỗng nhiên hiểu rõ vẻ đẹp của bài từ đọc lúc nhỏ, phảng phất ngắm vẻ đẹp bên ngoài của mỹ nhân chải chuốt bên nước, song lại cách biệt với tâm tư người đó quá xa quá xa.
Điểm sâu sắc nhất mà bài từ này miêu tả, không phải là hoài nhớ, mà là cô độc.
Là “Buồn vui ly hợp thảy vô tình.”
Khách lãng du chân chính kinh qua thiên sơn vạn thủy về đến Giang Nam, tâm đã bị gió sương mài nhẵn, không còn đau lòng cũng không còn buồn bã, giống như cái mõ gỗ cũ trải qua nhiều năm tháng, lão tăng gõ nó đã chết, thế là trầm mặc không nói ngủ vùi trong thiền đường. Những điều không nên nói đã nói quá nhiều, có những lời còn chưa kịp nói ra, thời cơ nên nói đã một đi không trở lại.
Thời khắc này nghe mưa trong tăng phòng thôi, an an tĩnh tĩnh, không nghĩ gì cả, có lẽ còn nếm một tách trà mới, có lẽ bên môi còn đọng một nụ cười nhàn nhạt.
Ngàn vạn sợi mưa cách ly nhà thơ ở bên ngoài thế giới, trong một góc cô độc, phảng phất ngửi được mùi hương của nước, thể hội tịch mịch.
Dẫu đã vô tình, cũng là cái đẹp.
Đó chính là mưa của Giang Nam, bởi vì quá mềm, lại quá lâu, nhìn xa như tấm màn sa, phân cách mỗi người trong góc nhỏ của mình, cho người an tĩnh khoảnh khắc, thời gian ở đây trôi qua rất chậm, ung dung điềm đạm, dù buồn thương cũng giống như một vết mực nhạt.

V. Lời cuối
Rất lâu trước đây, tôi có viết một tiểu thuyết rất ngắn, tên là “Thính tuyết lâu - Chú kiếm sư”.
Đó là một câu chuyện xảy ra ở Giang Nam, viết về một đoạn ân oán trong Long Tuyền Chú Kiếm Cốc, nam nữ chính sinh trưởng nơi Giang Nam yên vũ mông lung, cũng từng nhất kiến khuynh tâm, cũng từng kết tóc dưới hoa, nhưng đến cuối cùng, những kiếm - hoa - yên vũ - giang nam ấy, chỉ bất quá đều là bối cảnh của vô số ân oán tình cừu mà thôi.
Đoạn cuối cùng, tôi đã viết thế này:
“Giá như không có giang hồ, giá như không có chuyện các phương tranh giành thế lực, không có những chuyện ân oán một mất một còn, đôi nam nữ thiếu niên tương ngộ dưới cành hoa mười năm trước, sẽ có một kết thúc trọn vẹn đẹp đẽ? 
Họ tương ngộ trong mùa xuân Giang Nam tươi đẹp, đáng nhẽ phải tay trong tay cùng nhau trốn thoát, băng qua những hàng dương liễu xanh tươi cùng hoa đào rực rỡ, chiếc lục lạc vàng vang lên trong trẻo, mưa bụi lất phất, cỏ xanh oanh vàng.
Thế mà mọi chuỵện chưa kịp bắt đầu đã vội kết thúc.
Giang hồ này cô đơn lạnh lẽo như băng tuyết, mọi thiếu niên vừa lúc chào đời đã trở thành già cả mất rồi.
Hoa nổi nước trôi, không ảnh như mộng.” 

(Thương Nguyệt)

No comments:

Post a Comment