Sau nhà chúng tôi có nửa mẫu đất trống. Mẹ nói: “Để nó hoang vu thật
đáng tiếc, các con đã thích ăn củ lạc như vậy, thôi thì vỡ đất làm vườn
lạc.” Mấy chị em chúng tôi và đám a hoàn nhỏ đều rất thích – người mua
hạt giống, người cuốc đất, người tưới cây; chỉ qua vài tháng đã có thu
hoạch!
Mẹ nói: “Tối nay chúng ta có thể làm lễ thu hoạch, mời ba các con đến nếm thử
củ lạc chúng ta mới trồng, các con thấy thế nào?” Chúng tôi đều đồng ý.
Mẹ đem củ lạc chế biến thành mấy món ăn, còn dặn dò buổi tiệc này sẽ tổ
chức ở đình tranh trong vườn.
Đêm ấy sắc trời không đẹp lắm, nhưng ba cũng đến, thật là rất hiếm có! Ba hỏi: “Các con thích ăn củ lạc không?”
Chúng tôi đều tranh nhau trả lời: “Thích ạ!”
“Ai có thể kể ra ưu điểm của củ lạc nào?”
Chị nói: “Mùi vị của củ lạc rất ngon.”
Anh nói: “Củ lạc có thể ép dầu.”
Tôi nói: “Bất kể hạng người nào cũng đều có thể mua củ lạc để ăn với giá rẻ, đều thích ăn lạc. Đó chính là điểm tốt của nó.”
Ba nói: “Tác dụng của củ lạc đương nhiên rất nhiều; nhưng có một điểm
rất đáng quý. Hạt đậu nhỏ bé này không giống như quả táo, quả đào, thạch
lựu đẹp mắt, đem quả của chúng treo trên cành cây, màu sắc đỏ thắm xanh
nõn, khiến người vừa thấy đã sinh lòng thèm muốn. Nó chỉ đem quả chôn ở
dưới đất, đợi đến chín muồi, mới để ta đào nó lên. Các con ngẫu nhiên
nhìn thấy một cây lạc co ro mọc trên mặt đất, không thể lập tức nhận ra
nó có quả hay không, cần phải đợi đến khi các con tiếp xúc với nó mới
biết được.”
Chúng tôi đều nói: “Đúng thế ạ.” Mẹ cũng gật gật
đầu. Ba nói tiếp: “Do đó các con phải giống như củ lạc, vì nó là vật có
ích, chứ không to tát, đẹp mắt.” Tôi nói: “Thế thì, ta phải làm người
hữu dụng, không cần làm người vĩ đại, chuộng thể diện.” Ba nói: “Đó là
mong mỏi của ba đối với các con.”
Chúng tôi nói chuyện đến khuya mới tan, tất cả các món lạc tuy chẳng còn, nhưng lời ba dạy giờ đây vẫn in sâu trong lòng tôi.
(Hứa Địa Sơn)
No comments:
Post a Comment