24.11.13

Hôn nhân Tây Tạng (1)

Zhoigar là một cô gái người Tạng sinh trưởng ở miền Đông Tây Tạng, cha theo tục lệ hôn nhân truyền thống “Anh em cùng vợ” của địa phương, gả cô cho năm anh em nhà nọ.

Hình thức của kiểu hôn nhân này là: xem anh cả là gia trưởng, những người chồng làm lụng kiếm tiền, trở về giao tiền cho vợ chung giữ; vợ quán xuyến gia đình làm việc nhà việc đồng áng, con cái nuôi dạy gọi gia trưởng là cha. Là vợ chung, Zhoigar có nghĩa vụ khiến năm người đàn ông của mình đoàn kết với nhau, còn thân thể và tâm linh của cô cũng nhất thiết phải chia đều cho mấy người đàn ông.


Thế nhưng, đằng sau “nghĩa vụ” hôn nhân, nội tâm Zhoigar cũng có thế giới tình cảm thuộc về mình. 

--------------------------------------------------------


Zhoigar:


Tôi thoáng nhìn đồng hồ trên cổ tay, đã bảy giờ rưỡi rồi. Chiếc đồng hồ này vào tháng trước tôi tròn mười tám tuổi, mẹ đích thân đeo cho tôi. Chiếc đồng hồ này đã ém ở đáy rương của mẹ rất nhiều năm, nhưng xưa nay chưa thấy mẹ đeo. Vỏ đồng hồ hơi to quá khổ, trên mặt còn có rất nhiều vết rạch dài, dây đồng hồ hơi lỏng, có thể xoay qua xoay lại trên cổ tay mảnh dẻ của tôi, hiển nhiên nó không phải là một chiếc đồng hồ phụ nữ đeo.


Tôi vẫn nhớ hôm ấy mẹ lấy ra, còn đặc biệt dùng bang-điển tỉ mỉ lau chùi (bang-điển, bangdian: dịch âm tiếng Tạng, nghĩa là tạp dề, một trong những phục sức được phụ nữ Tạng yêu thích, thông thường thiếu nữ chưa đủ 15 tuổi không đeo tạp dề). Lúc đó tôi đứng ngay sau lưng mẹ, tuy không nhìn thấy mắt mẹ, nhưng tôi có thể cảm giác được, mẹ nhất định nhìn thấy mình trong ánh lệ.


Tôi không biết chiếc đồng hồ này đến nhà tôi như thế nào. Một chiếc đồng hồ như vậy, rõ ràng không phải là đồ vật của gia tộc chúng tôi. Cha cũng có một chiếc đồng hồ xem thời gian, mua ở Lhasa, không có dây đeo, mẹ dùng lông cừu xe thành chỉ bện thành một sợi dây nhỏ xâu vào, để cha đeo trên thắt lưng. Đó là thứ đáng khoe khoang nhất trên người cha, trong nhà mỗi lần có họ hàng đến, cha luôn gỡ xuống từ thắt lưng, chỉ họ làm sao xem thời gian. Lúc nhỏ tôi cứ lấy làm lạ, cha thích đồng hồ như thế, vì sao mẹ không tặng cha chiếc đồng hồ dưới đáy rương ấy.


Giờ đây, mẹ đã cho tôi chiếc đồng hồ này. Đột nhiên, chẳng mảy may chuẩn bị, mẹ đã đem nó tặng tôi. Nói là chúc mừng tôi tròn mười tám tuổi, chính thức từ bé gái trở thành cô gái! Thật ra, tôi rốt cuộc sinh ra lúc nào, cha mẹ đều nhớ không rõ. Trong dân tộc chúng tôi, không có thói quen ghi chép tường tận ngày sinh. Người lớn đều chỉ nhớ được đứa trẻ nào đó đại khái sinh ra vào mùa nào đó năm nào đó, mẹ nói hôm nay tôi mười tám tuổi, thì chính là mười tám tuổi rồi.  


Thế là, từ hôm đó trở đi, chiếc đồng hồ này cùng với những chiếc vòng nhựa, lắc pha lê kia chồng chất trên cổ tay mảnh dẻ của tôi, chưa từng tháo xuống, ngủ cũng đeo. Buổi sáng, tôi không cần nhìn mặt trời đầu núi lên đến đâu nữa, tôi chỉ cần thoáng nhìn cổ tay, đã biết lúc nào mình cần lùa cừu ra khỏi chuồng. Chạng vạng tối, cũng không cần nhìn bóng râm dưới khe núi nữa, chỉ cần giơ cổ tay lên, đã biết nên gọi chó chăn cừu đuổi cừu về nhà hay chưa.


Giống như hôm nay, đã bảy giờ rưỡi rồi, dù mặt trời còn cao cao, nhưng tôi biết nên quay về rồi, đến nhà vẫn còn lộ trình một tiếng đồng hồ cơ! Hôm nay là mười lăm tháng giêng lịch Tạng, ngày cuối cùng của năm mới, qua ngày hôm nay, Tết của chúng tôi xem như đã ăn xong, ngày tháng vẫn sẽ trở về quỹ đạo vốn có. Tối qua nghe trên truyền hình nói, hôm nay còn là Tết Nguyên tiêu của người Hán, người Hán sẽ ăn một món tròn tuồn tuột, nói là tượng trưng đoàn viên mỹ mãn gì đó, cũng không rõ lắm.    


“Toinzhub!” tôi hướng lên đỉnh núi hô một tiếng, một dải hẹp màu đen liền từ trên một tảng nham thạch nhảy nhanh xuống. Đó là chó chăn cừu của tôi, trông giống như gấu con. Mẹ của Toinzhub là một con chó hoang, sau khi Toinzhub sinh ra bảy ngày đã mắc bệnh lạ chết mất, tôi đem năm con chó con về nhà, ngày ngày vắt sữa cừu nuôi chúng, cuối cùng chỉ có Toinzhub sống sót. 


Nó từ nhỏ với tôi đã hình bóng không rời, tôi đi đến đâu nó theo đến đấy. Mẹ nói, vì người Toinzhub lần đầu tiên mở mắt nhìn thấy là tôi, cho nên nó đã xem tôi là mẹ. Lúc thường, khi các anh lên núi chăn thả, sẽ dẫn theo ba con chó khác trong nhà, có mỗi tôi chỉ dẫn theo Toinzhub. Vì một mình Toinzhub còn hữu dụng hơn ba con chó kia. Điều quan trọng là Toinzhub rất nghe lời tôi, chỉ cần tôi gọi một tiếng, nó sẽ bất kể nếp tẻ xông pha chiến đấu. Tôi thích chó gan dạ, không sợ chảy máu. Từ mười lăm tuổi, chỉ cần tôi một mình lên núi, bọn con trai chăn cừu xung quanh luôn nghĩ đủ mọi cách lùa bò cừu sang, mùa hè tặng tôi ít nấm vàng mới hái, mùa đông tặng tôi ít thịt vịt trời. Tôi thích nấm vàng, xào sơ với bơ, còn tươi ngon hơn thịt bò yak! Tôi cũng thích ăn thịt vịt trời, mùa đông dùng lửa đốt bằng phân cừu hầm một nồi canh đậm đà, lạnh lẽo của một ngày cũng tiêu tan hết. Nhưng điều đó tịnh không có nghĩa những anh chàng tặng tôi nấm vàng, tặng tôi thịt vịt trời đó có thể sờ soạng trên người tôi, càng không có nghĩa họ có thể lột phăng áo bào của tôi.


Mỗi lần đụng phải các anh tặng đồ cho tôi rồi muốn kiếm hời, Toinzhub chỉ cần tôi gọi một tiếng, liền chẳng chút chần chừ xông đến bên tôi, lông cổ dựng lên, mắt đỏ ngầu nhìn đối phương, anh kia sẽ tự động đuổi bò cừu rời khỏi. 


Tôi chầm chậm đuổi đàn gia súc quay về. Số lượng bò cừu nhà tôi ở trong làng không tính là nhiều, mười con bò yak, tám mươi con cừu, tôi cũng không cần ngày ngày chăn thả, có lúc là anh trai, có lúc là chị dâu. Nhưng khoảng thời gian gần đây, cha cho tôi ra ngoài nhiều hơn, đặc biệt là khi trong nhà có khách không quen biết đến, cha luôn bảo các anh ở lại tiếp khách mà bảo tôi lên núi. Nói thật, tôi không thích chăn thả, trên núi quá buồn tẻ, rất nhiều lúc đều chỉ có thể nói chuyện với Toinzhub.


Xa xa, tôi nhìn thấy làng dưới chân núi đã bốc lên khói bếp lượn lờ. Toinzhub chạy trước chạy sau, đuổi bò cừu rời đội ngũ về trong đàn. Tôi lấy giọng hát lên: “Mặt trời lặn xuống rồi, mặt trăng leo lên rồi. Khung dệt vải của mẹ dừng rồi. Rượu thanh khoa của cha thơm rồi. Em gái và bò cừu của em, giẫm mây trắng về nhà rồi.”


Tiếng hát của tôi đủ để truyền đến mỗi một ngóc ngách trong làng. Ở những ngóc ngách đó, luôn có trai tráng dỏng tai, ngẩng đầu tìm kiếm nơi tiếng hát phát ra, điều này là chị dâu nói với tôi, chị bảo bọn trai tráng ấy chỉ cần vừa nghe thấy tôi hát, liền đặt ly rượu xuống.   


Lúc về đến nhà, giống như bất cứ một ngày nào trước đây, mẹ đã ngừng khung cửi, cùng cha ngồi ở giếng trời uống rượu. Điều kỳ lạ là hôm nay hai anh trai cũng không xe lông cừu, ngồi uống rượu với cha mẹ, chị dâu đứng hầu một bên. Chạng vạng tối trước đây, đều là cha uống rượu, mẹ và các anh cùng xe lông cừu kia mà!  


Đúng rồi, tôi còn có bà nội, một cụ già ngày ngày niệm Phật, bà là người thân cận nhất của tôi. Theo thói quen, tôi chăn cừu về, bà nội đều chờ tôi ở cửa, nhét cho tôi một nắm bã sữa. Hôm nay cũng không thấy, kỳ quái!


Trong tiếng cười đùa của người nhà, tôi treo cái roi lên cây cột chỗ giếng trời, cởi khăn trùm đầu xuống thuận tay vắt trên dây thừng. Nhìn từ niềm vui không giống bình thường của người nhà, khách đến hôm nay ắt là đã lâu không qua lại? Không biết lại là nhà họ hàng xa nào đã đến!  


Tôi phủi đi bụi đất trên áo, đang muốn đi tìm bà nội thì thấy mẹ và chị dâu ôm một đống lớn quần áo tơ lụa lấp lánh phát sáng bước tới, bảo tôi thử xem, nói là hôm nay khi họ hàng đến đã tặng, xem có vừa người hay không. Những quần áo tơ lụa này là thứ tôi nghĩ cũng không dám nghĩ tới, lúc thường cũng chỉ thấy qua khi chị em bạn đi lấy chồng. Tôi sướng điên, trút bỏ áo bào dày nặng trên người, mặc lên mình số váy dài bằng tơ thật mềm mại ấy, tươi cười chẳng chút băn khoăn, xoay tới xoay lui để mọi người ngắm.     


Tôi cực thích chiếc váy lụa đỏ chót cuối cùng. Mặt vải mềm mềm trơn trơn dán lên làn da tôi, cảm giác vô cùng dễ chịu. Mẹ giúp tôi sửa sang bím tóc, còn đeo hai chuỗi trân châu trên cổ tôi, nói đây cũng là người bà con ấy tặng. Mẹ bốc ra một nắm kẹo sặc sỡ đủ màu từ một cái túi nylon nhét vào lòng tôi, bảo tôi vào phòng tìm bà nội, để bà nội ngắm quần áo mới của tôi.


Xoay một vòng, bê rượu thanh khoa của cha lên dốc vào bụng. Vui sướng, đột nhiên mình đã có nhiều quần áo đẹp đẽ thế này, thật là vui sướng quá đỗi!


Tôi nhanh như bay cuốn vào Phật đường, bà nội ngồi trên tấm đệm trước Phật, chút tia sáng lọt vào trong cửa số nhỏ rải trên khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn của bà, mấy sợi tóc bạc phất phơ trong ánh sáng. Môi bà mấp máy, nhưng không có âm thanh truyền ra, chuyển kinh luân trong tay cứ xoay một cách từ từ không hấp tấp.


“Bà nội!” Tôi nhảy tới, thoắt khom xuống trên lưng bà nội, chìa cánh tay ra cho bà xem, “Đẹp chứ, quần áo mới hôm nay họ hàng tặng cho con nè!”  


Zhoigar la, xuống đi, bà nội niệm kinh!” Bà nội kéo người tôi, để tôi ngồi trước mặt bà. “Zhoigar của bà đã lớn rồi, thật sự đã lớn rồi!” Bà sờ mặt tôi, lầm rầm niệm, nhưng chẳng ngó ngàng đến quần áo mới của tôi.


“Bà nội, bà nói có đẹp hay không chứ?” Hiếm khi có quần áo mới mặc, huống chi còn là quần áo đẹp thế này, tôi khao khát có được lời khen của bà nội. Thế là uốn người, áp mặt càng sát đến trước mặt bà nội.


“Đẹp, Zhoigar la của bà là cô gái xinh đẹp nhất!” Bà nội cuối cùng cũng nhìn quần áo mới của tôi, nhưng khi nói câu này, bà đột nhiên bật khóc.


“Bà nội, bà làm sao thế? Sao đang yên lành lại khóc!” Tôi cuống quýt lau nước mắt ở khóe mắt bà.


“Không có gì không có gì, bà nội nhìn thấy Zhoigar la của bà đột nhiên khôn lớn, vui mừng đấy!” Bà nội tự mình móc khăn tay ra lau mặt, lại khôi phục dáng vẻ hiền từ, hòa nhã nhưng có chút tang thương của bà. “Đi ra đi, đi uống rượu với các anh con, bà nội còn phải niệm kinh.” 


Tôi hơi chần chừ đứng lên, lại hơi chần chừ rời Phật đường, đi về phía cha mẹ đã ngà ngà say.


Miền đông Tây Tạng có một làng nhỏ tên là Jieba, tôi sinh ra ở nơi này. Đây là một vùng đất sản sinh nhiều đông trùng hạ thảo. Nhớ lúc nhỏ, thường có người Hán mang hành tây đến đổi trùng thảo với chúng tôi, một cọng trùng thảo đổi một nhánh hành tây. Lúc đó đào trùng thảo chính là một trò chơi bọn trẻ con chúng tôi chơi thuở nhỏ, chúng tôi đều thích ăn hành tây nướng chín, mùi vị cay cay hơi nhức mũi ấy, đến nay vẫn nhớ như in. Người lớn không làm công việc này, quá mệt lại không kiếm được tiền. Đương nhiên, nếu nhà nào ăn đến cạn kiệt lương thực, người lớn sẽ lên núi, không cần nửa giờ, đã đào một túi trùng thảo về giao cho đám trẻ con mang ra bờ sông rửa sạch, xào với thật ít dầu, đã là một đĩa thức ăn thơm phưng phức, ăn món này, tinh thần đặc biệt tốt.  


Chẳng biết nguyên nhân gì, mấy năm gần đây, trùng thảo đột nhiên biến thành vật báu có giá trên trời, một cọng trùng thảo ít thì hơn hai mươi đồng, nhiều thì năm sáu mươi đồng, chúng tôi liền không còn ăn món “rau” hơi mang vị thịt ấy nữa, chủ yếu là không nỡ ăn mà! Mỗi năm cuối tháng tư đến đầu tháng sáu, trên ngọn núi xung quanh làng, khắp nơi đều là những người còng lưng tìm kiếm trùng thảo, dân làng dùng trùng thảo đổi xe máy, máy kéo, có gia đình còn xây lên nhà lớn lầu cao.


Lên núi đào trùng thảo là công việc tôi rất bằng lòng làm. Đám con gái con trai cùng làng sẽ hẹn sẵn với nhau, mang các đồ dùng sinh hoạt như lều và bánh tsampa, ở trên núi mười ngày nửa tháng, không có người nhà cằn nhằn thôi thúc, ngày tháng trở nên đặc biệt vui vẻ.


Sazhen là chị em bạn thân thiết nhất của tôi, năm cô mười bốn tuổi bệnh nặng một trận, sau khi khỏi bệnh cha mẹ liền cho cô đi tu ở chùa ni cô đầu đông làng. Tôi còn nhớ hôm đi tu cô nói với tôi: “Lần này tốt rồi, tớ không cần gả chồng nữa, không cần giống như những phụ nữ khác hầu hạ mấy tên đàn ông, suốt đời có công việc làm không hết!” Sazhen khoác lên cà sa màu đỏ thẫm, cạo nhẵn đầu tóc, tỏ ra đặc biệt xinh đẹp. Từ nhỏ tôi đã thích màu đỏ thẫm, luôn cho rằng đó là màu sắc đẹp đẽ nhất trên thế gian, là màu sắc thuộc về thần thánh, Phật tổ cao quý. Đêm đó, tôi đòi mẹ cũng cho tôi đi tu, lại bị cha mắng một trận thậm tệ.


Người nhà Sazhen xây một gian nhà nhỏ trong chùa cho cô, từ đó, cô không cùng người nhà chen chúc ngủ trong nhà bếp nữa. Đương nhiên, Sazhen đã đi tu, trừ những ngày niệm kinh như mùng một, mười lăm hàng tháng, ngày thường vẫn phải xuống núi để giúp gia đình làm việc. Nhưng cuộc sống của cô so với bọn con gái cùng làng chúng tôi đã tốt hơn rất nhiều. Ít ra cô không còn lên núi chăn thả, công việc làm ít đi người nhà cũng không quở trách cô nữa.


Năm nay đào trùng thảo, Sazhen bèn cùng tôi lên núi. Chúng tôi dựng một căn lều, ở giữa bắc lò phân bò, hai bên trải ca-điểm, vẫn có vẻ vô cùng rộng rãi. (Ca-điểm, kadian: thảm cỡ nhỏ)


Đào trùng thảo là công việc rất mệt người. Trùng thảo rất nhỏ, đầu cỏ lú ra mặt đất na ná với cành khô, cỏ khô, phải nằm bò trên đất tỉ mỉ nhận biết. Hết một ngày, eo nhức lưng đau, mắt cồm cộm rất khó chịu. Hai năm nay trùng thảo càng ngày càng ít, có khi hết một ngày cũng tìm không được vài cọng.


“Cậu nhìn xem, bọn họ càng lúc càng gần rồi. Đông người như vậy ở trên sườn núi này, trùng thảo nhiều hơn nữa cũng sớm đã chẳng còn!” Sazhen thẳng lưng lên, dùng khăn trùm đầu lau mồ hôi, cầm chiếc xẻng nhỏ đào trùng thảo chỉ đám trai tráng xung quanh nói.


“Tớ có cách gì chứ? Mấy anh chàng này cứ giống như con lừa động đực, đuổi cũng đuổi không đi!” Tôi đứng dậy, lưng mỏi nhừ, bèn đấm mạnh mấy cái. Trước khi lên núi mẹ không cho tôi mặc phổ-lỗ, nhất định bắt tôi mặc một chiếc váy hoa xanh bằng lụa họ hàng tặng, còn bảo tôi gội đầu. Tóc tôi vừa dày vừa dài, mẹ bôi bơ lên, tết thành từng bím nhỏ, trên bím tóc điểm xuyết lục tùng thạch. Được mẹ trang điểm như vậy, bản thân tôi cũng cảm thấy xinh đẹp hơn nhiều, thảo nào tôi vừa lên núi, bọn con trai quen biết không quen biết đều chằm chằm nhìn tôi không chớp mắt. (Phổ-lỗ, pulu: hàng dệt lông cừu sản xuất thủ công của người Tạng, dùng để may quần áo hoặc làm thảm trải giường. Lục tùng thạch: đá turquoise, còn gọi là tùng thạch, ngọc Đột Quyết, đá/ngọc Thổ Nhĩ Kỳ, là một loại đá quý được người Tạng cho rằng mang đến sức khỏe, may mắn, giúp tránh rủi ro.)


“Đều tại cậu quá xinh đẹp đấy!” Sazhen hái một bó đỗ quyên dại ném qua phía tôi. “Quả thật giống như con ngựa cái nhỏ nhà tớ, đi đến đâu, ngựa đực liền theo đến đấy!”


“Cậu mới là ngựa cái nhỏ! Một con ngựa cái nhỏ không có tóc!” Tôi chìa tay đón lấy hoa cô ném qua, cài bừa trên vạt áo, cười khanh khách. Chỉ có nơi riêng tư, Sazhen mới có thể nói chuyện với tôi như vậy. Lúc có người, cô luôn nghiêm sắc mặt, dường như không nghiêm mặt thì không giống ni cô vậy.


“Mẹ cậu gần đây thật kỳ lạ, suốt ngày trang điểm cho cậu, làm cậu đến nỗi chẳng khác yêu tinh mấy! Cậu chắc không sắp gả chồng đấy chứ?” Sazhen nhăn nhở cười chăm chú nhìn tôi, “Cậu vốn đã đủ mê hoặc người ta rồi, chải chuốt thế này, còn để cho bọn con trai sống hay không đây?” Cô chỉ mấy anh chàng ngơ ngáo đần ra nhìn chúng tôi ở đằng xa.  


“Ai biết mấy anh chàng kia có phải là ngắm cậu mà đến hay không?” Tôi liếc cô, nói một cách trách móc. “Ít ra, một trát-ba đi tu nào đó không phải là đến ngắm tớ. Sazhen, cậu là ni cô đấy, ni cô không thể động lòng phàm đâu!”   


“Tớ bảo cậu nói bậy. Xem tớ đánh chết cậu không!” Sazhen đỏ mặt, hung hăng nhào qua phía tôi. 


“Ni cô muốn sát sinh rồi! Ni cô Sazhen muốn đánh chết tôi rồi!” Tôi la lớn bỏ chạy lên trên núi, bím tóc bay tung sau lưng. Tôi cười chẳng chút e dè, vừa chạy, vừa ném từng bó hoa đỗ quyên về phía sau. Tiếng cười không chút kiêng dè, cao vút mà sắc nhọn, vang vọng ở mỗi ngóc ngách của khe núi.


Chúng tôi cứ như vậy ở trên sườn núi bạn đuổi tôi chạy chơi đùa, trước mặt đột nhiên xuất hiện ba anh chàng. Họ là người làng bên, mỗi năm chỉ vào lúc hái trùng thảo mới gặp được, trong đó anh chàng dáng cao kia năm ngoái đã ăn phải hòn đá của tôi.


Zhoigar, mau qua đây, Sazhen sắp đuổi lên đến rồi!” Anh chàng kia không có trí nhớ, chìa tay nhằm người tôi móc đến.


Tôi cầm chiếc xẻng nhỏ nghĩ cũng chả nghĩ liền chặt xuống. Chưa được tôi đồng ý muốn sờ soạng trên người tôi, đi nằm mơ đi. Anh chàng kia lập tức rụt tay về, nhảy vòng vòng không ngừng vẫy cái tay bị thương.        


Tôi đắc ý ngắm anh ta một thoáng, càng lớn tiếng cười phá lên.    


Buổi tối, một cụ già trong làng lên núi đem cho tôi bơ và đậu Hòa Lan xào, nói là bà nội nhờ ông đem đến. Từ sau ngày tôi có quần áo mới đó, gần một năm nay tình cảnh họ hàng đến thăm nhà không ngớt đột nhiên giữa đường đứt gánh, không còn thấy có người lạ đến nhà nữa. Cha mẹ và các anh bận rộn hơn lúc thường, đối với tôi cũng trở nên đặc biệt gần gũi. Khi cha uống rượu, không còn bảo chị dâu rót rượu, mà chỉ đích danh bảo tôi bầu bạn ở một bên, thỉnh thoảng còn cho tôi uống một ly. Phải biết rằng, ở chỗ chúng tôi đây, đàn ông và đàn bà khác nhau, đàn ông ngoài chăn thả ra, rất ít làm việc nhà, đàn ông là người đứng đầu của một gia đình, là vai chính chí cao vô thượng trong nhà. Đàn bà không thể cùng uống rượu với đàn ông; nếu không, đàn ông nhà này sẽ bị cho là “không có sống lưng”, sẽ khiến những người đàn ông khác xem thường. Thế nhưng, cha đột nhiên cho tôi cùng uống rượu, cùng tán chuyện với cha, thật sự khiến tôi có chút không thích ứng. Các anh gần đây cũng trở nên thân thiết hẳn lên, buổi sáng không còn chờ tôi thức dậy đi vắt sữa nữa, mà sáng sáng đã sắp xếp chị dâu làm, cũng không còn quy định mỗi ngày tôi phải dệt bao nhiêu phổ-lỗ, đánh bao nhiêu bơ nữa, tất cả đều tùy hứng của tôi. Hai anh còn luân lưu đi Lhasa, mua về một số vật phẩm như bát mới, bình nước mới, mền mới.           


Mẹ gần đây bận dệt “lưu (liu)”, một loại vải dệt thủ công chúng tôi dùng để làm mền và túi, trong nhà kho đã chất hàng mấy bó, mẹ vẫn không ngừng dệt. Có lúc tôi khuyên mẹ nghỉ một chút. Mỗi lần mẹ đều ngẩng đầu nhìn tôi, nói: “Zhoigar tự mình nghỉ ngơi đi, mẹ không mệt!” Sau đó cúi đầu vẫn không ngừng đẩy khung dệt.


Bà nội bình thường đã không muốn nói chuyện, gần đây càng ít lời. Thật ra trong nhà, bà nội gần gũi với tôi nhất. Ở địa phương nhỏ này của chúng tôi, chỉ có bà nội, xưng hô bất cứ ai cũng đều thêm “la” vào sau danh từ, để bày tỏ tôn trọng. Nghe người già trong làng nói, bà nội trước đây là tiểu thư một gia đình quý tộc, sau đó gia tộc sa sút mới gả cho ông nội tôi. Bà nột thứ gì cũng biết, những chữ trên sách kinh kia, thầy giáo dạy học làng chọn đều không biết, bà nội lại có thể đọc không sót một chữ. Bà nội còn biết vẽ tranh, tranh trang trí trên tủ, trên khung cửa nhà chúng tôi đều là bà vẽ. Bà nội, người thân tôi tôn kính nhất, bà luôn không giống với những người già xung quanh tôi, bà rất mực khiêm tốn ôn hòa lễ độ, hiểu biết cũng nhiều hơn người khác.


Lúc nhỏ, vì nhà nghèo, cũng cần người làm việc, cha mẹ chỉ cho hai anh đi học, giữ tôi ở nhà. Tôi không bằng lòng, ngày ngày làm ầm ĩ với mẹ. Bà nội không nhẫn tâm, tự mình dạy tôi học tiếng Tạng.


Hiện giờ tôi có thể viết được một tuồng chữ Tạng khiến sư phụ Sazhen đều hâm mộ, toàn là bà nội dạy.   


Trước đây đến mùa hái trùng thảo, chúng tôi đều điều động cả nhà tham gia. Năm nay cha lại chỉ cho tôi và anh hai lên núi, nói trong nhà có rất nhiều việc phải làm, mẹ, anh cả và chị dâu toàn bộ ở lại trong nhà.


Chẳng biết vì sao, mỗi lần tôi nghĩ đến ở nhà, trong lòng luôn có chút ngấm ngầm không yên. Quãng thời gian này người nhà cho tôi quá nhiều cưng chiều và nhân nhượng, tôi sợ niềm vui sướng này có một ngày đột nhiên tan biến!    


Đào trùng thảo rất nhọc mắt, tia sáng hơi tối một chút, liền không thể nhìn rõ đầu của trùng thảo. Khi tôi và Sazhen về đến chỗ dựng lều, các lều xung quanh đều đã bốc lên khói bếp, mùi thơm thoang thoảng của trà bơ lan tràn trong không khí. 


Thu nhập của hôm nay quả thật ít đến đáng thương. Tôi đào được tám cọng trùng thảo, Sazhen đào được sáu cọng. Điều này nếu như vào lúc trước, là rất ư không tưởng tượng nổi. Lúc nhỏ chúng tôi không những dùng trùng thảo đổi hành tây, mà còn dùng trùng thảo đổi kẹo trái cây, đổi sao năm cánh và chậu sắt tráng men với quân giải phóng. Lúc đó trong khi chăn cừu đã có thể đào được rất nhiều trùng thảo ở bất cứ chỗ nào, mới hơn mười năm, làm sao trùng thảo đã trở nên thưa thớt như thế, quý giá như thế?   


Tôi khều mấy cọng trùng thảo trước mặt, cẩn thận nghiêm túc làm sạch đất bùn hiện ra thân trùng màu vàng kim. Khi đi cha đã nói, năm nay sau khi hái trùng thảo xong, sẽ mua cho tôi một chiếc “ba-châu (bazhu)” làm bằng trân châu, chính là trang sức chúng tôi đeo trên đỉnh đầu. Trong các chị em bạn của tôi, phần lớn mọi người đều có ba-châu, nhưng toàn là làm bằng nhựa. Bà nội không cho cha mua trang sức trên đầu giả cho tôi, nói cái gì “thà thiếu chứ không quá mức”. Thật ra tôi rất thích những vật trang sức màu sắc rực rỡ ấy, dù nó là thật hay giả, chỉ cần đẹp là được.


Tôi lại lần nữa cầm lên tám cọng trùng thảo trước mặt, từng cọng một xếp trên lòng bàn tay. Trước đây nghe bà nội nói qua, trùng thảo vào mùa đông là sâu, mùa hè là cỏ, do đó chúng tôi gọi nó là “yartsa gunbu”. Bà nội có cuốn sách, bảo là cha bà năm xưa từ Ấn Độ đem về, trên đó giới thiệu rất nhiều kiến thức tự nhiên. Lúc nhỏ mỗi lần bà nội vui vẻ, bà đều lấy sách ra, ôm tôi trong lòng kể chuyện trong sách. Nhớ rằng khi bà kể về trùng thảo, đã nói con sâu cảm nhiễm một loại nấm bệnh, cơ thể từ từ cứng đờ, gặp đất và nước thích hợp, sẽ từ trên đỉnh đầu mọc ra một cái sừng giống như cỏ. Con người ăn thứ này, không dễ sinh bệnh.                


Sự bổ sung phối hợp lẫn nhau của vạn vật trên đời chính là kỳ diệu như thế, ai từng nghĩ một con sâu nhỏ mắc “bệnh ung thư” trong mấy năm đã biến thành “thuốc thần” loài người trị bệnh kéo dài tuổi thọ! 


Zhoigar la, cậu đang cười gì thế?” Sazhen ôm một đống bánh phân bò vào, chuẩn bị đun trà.


“Con sâu mắc bệnh này thật sự có thể khiến người sống lâu không già sao?” Tôi cười nói.


“Sống lâu không già? Có thể sao? Lúc nhỏ hai đứa mình chăn cừu, rỗi việc liền đào lên ăn chơi, ăn không ít chứ? Chúng mình cũng sẽ sống lâu không già biến thành thần tiên ư?”


“Nhưng mà, những người Hán kia vì sao thích nó như vậy?” Tôi bày từng cọng trùng thảo trên thảm, phát hiện chúng thật là có chút quái dị, con sâu mập mạp đỉnh đầu mọc sừng, thật kỳ quái!


“Cậu cũng không biết, tớ làm sao biết được?” Sazhen liếc tôi một cái, đốt lò, trong lều bốc lên một mùi phân bò khô.


“Tớ cảm thấy, vì họ muốn kiếm thật nhiều tiền, quá nhọc mệt, khiến thân thể mệt đến hỏng hóc cả, cho nên muốn dùng thuốc để bù lại. Trùng thảo cách nơi họ sống quá xa, họ không hiểu rõ, cho rằng nó chính là thuốc thần. Há chẳng biết ở chỗ chúng ta đây, bò cừu gặm trùng thảo cũng không ít! Cũng chẳng thấy con bò nào sống lâu không già!”    


“Cậu luôn có nhiều lý lẽ lệch lạc như thế!” Sazhen cười nhìn tôi, “Còn không ra bờ sông tắm đi, trà sắp xong rồi!”


Tôi cầm xà phòng và khăn mặt bước ra khỏi lều. Trời sớm đã sập tối, ánh trăng rắc đầy mặt đất. Nơi đóng trại ban ngày ồn ào không ngớt giờ cực kỳ yên tĩnh.


Ở hai bên lều của chúng tôi, có mấy bóng người rục rịch, đầu điếu thuốc lúc sáng lúc tắt. Tôi biết đó là mấy anh chàng muốn chui vào lều chúng tôi, chúng tôi đi đến đâu, bọn họ đều sẽ tìm đến.


Lúc này bụng tôi đã hơi đói, sau khi tắm xong tôi phải nhanh chóng lấp tsampa vào bụng, lười để ý đến họ. Tôi sờ cái ná dùng để bắn đá đeo trên thắt lưng, nó không chỉ là công cụ chăn cừu, cũng là công cụ bảo vệ bản thân. Ở địa phương nhỏ này của chúng tôi, bọn con trai đều biết ná của tôi tỷ lệ bắn trúng vô cùng cao, thường là chỉ đâu trúng đó. Nếu không phải sợ ăn đá của tôi, họ sớm đã giống như bò yak động đực nhào tới rồi.


Tôi ngồi xổm ở bờ sông, tưới nước lên trên mặt. Tháng sáu, bà nội nói ở vùng đất người Hán sinh sống đã nóng đến nỗi phải mặc áo quần rất ngắn, ở chỗ chúng tôi đây, nước sông lại vẫn băng lạnh thấu xương. Rời nhà đã nửa tháng rồi, cha mẹ đều đang làm gì nhỉ? Anh hai đã đem trùng thảo về hai lần, không biết anh cả đã bán chưa? Cha cũng thật là, gia đình thế này của chúng tôi, một năm dựa vào đào trùng thảo kiếm ít tiền, sao lại không cho anh cả chị dâu lên núi chứ?


Chính vào lúc tôi nghĩ ngợi lung tung, đá cuội phía bên phải phát ra tiếng động nhỏ, không biết tên cả gan không cần mạng nào muốn đến đánh lén tôi. Tôi từ trong vạt áo mò ra hòn đá nhỏ, đang chuẩn bị gỡ ná xuống, một tiếng nói truyền đến: “Zhoigar, là anh!”  


“Rinchen, anh làm gì thế?” Rinchen là người làng dưới, cũng là anh chàng duy nhất chưa từng ăn đá của tôi. Cha anh là cán bộ trên xã, trên huyện có người đến đều ở nhà anh, những người khách ấy mỗi lần đến đều đem sách tranh cho anh. Cha anh không cho Rinchen đem sách tranh cho người khác mượn, nhưng Rinchen vẫn len lén cho tôi mượn.


“Cái này cho em!” Anh giúi cho tôi một món đồ bọc giấy hình vuông.


“Là cái gì?”


“Xà phòng thơm, anh dùng hai cọng trùng thảo đổi với người ta. Họ nói dùng cái này rửa mặt, da dẻ sẽ trở nên trắng trẻo.”


“Ồ, rất thơm, dễ ngửi hơn xà phòng!” Tôi mở bao giấy, một mẩu trăng trắng nằm trên tay, tỏa ra mùi thơm nhàn nhạt.


“Em thử xem! Dùng giống như xà phòng vậy!” Rinchen ngồi xổm bên người tôi, cầm lấy xà phòng thơm, làm ướt bằng nước, xoa trên mặt tôi.  


“Trơn trơn, trơn giống như bơ!” Tôi lấy tay xát trên mặt, sau đó dùng khăn mặt lau bọt đi, lại rửa một lần bằng nước sông, cảm giác trên mặt mềm mềm rất dễ chịu, lúc chuẩn bị rửa thêm một lần nữa, Rinchen đã nắm lấy tay tôi.  


“Đã sạch rồi. Zhoigar, em thật xinh đẹp!” Thình lình anh thơm một cái lên mặt tôi.


Tôi nhìn anh, tối nay Rinchen không mặc trang phục Tạng, mặc toàn thân đồ Tây và đi một đôi giày đá bóng màu trắng, tóc còn bôi bơ, rất thỏa đáng. “Tối nay anh ăn mặc đẹp như thế, có phải muốn đi chui lều của chị nào hay không đây!”  


“Anh ngoài chui lều của em, lều khác mời anh cũng không đi!” Hai tay anh thò về phía trong vạt áo tôi.   


“Thôi đi. Anh chàng nào vào mùa này chỉ chui lều một cô gái?” Tôi gạt tay anh ra, kéo chặt áo bào.


“Thật mà thật mà, thề với Tam Bảo, anh tuyệt đối chưa từng chui lều cô gái khác!” Rinchen hơi nôn nóng, nắm lấy tay tôi thật chặt.


Tôi chẳng biết nói gì cho phải. Ở chỗ chúng tôi đây, sau khi con thành niên, cha mẹ sẽ không can thiệp chúng tôi qua lại với ai. Rinchen là người con trai tôi tương đối thích, từ nhỏ chúng tôi cùng nhau lớn lên, cùng chăn cừu, cùng nhặt phân bò. Khi anh lên huyện học cấp 2, mỗi tuần đều trở về len lén tìm tôi, hoặc cho tôi mấy viên kẹo trái cây, hoặc cho tôi một cuốn sách tranh!


“Zhoigar, anh đã bàn bạc với hai em trai rồi. Bọn anh muốn cưới em, như vậy chúng ta có thể mãi mãi ở bên nhau!”


“Cha anh thì sao, cha anh đồng ý không? Hiện giờ anh vẫn chưa phải là gia trưởng đấy!” Tôi nói, bắt đầu đi về. Ở chỗ chúng tôi đây, cha là người đứng đầu một gia đình, hôn nhân của con cái đều do gia trưởng quyết định. Con gái đến trước khi gả chồng một ngày, cha mẹ mới cho cô biết ngày hôm sau phải gả cho người ta. Con trai tuy biết mình đã đính hôn, nhưng đằng gái là ai, hình dáng thế nào, tính tình ra sao lại chẳng biết chút gì. Mãi đến buổi tối ngay ngày cưới, mới nhìn thấy mặt mũi thật sự của người ấy. Đừng cho rằng đây là chuyện hiếm lạ gì, tổ tiên đời đời của chúng tôi đều trải qua như vậy.


Vừa nghe nhắc đến chữ cha, Rinchen lập tức ỉu xìu. Anh im lặng một lát, lại ngẩng đầu lên. “Anh và em trai đi nói với cha, em xinh đẹp như thế, lại biết làm việc, cha anh không thể không đồng ý. Hơn nữa, cha cũng mong ba anh em anh chỉ cưới một vợ, bọn anh cùng cưới em chẳng phải giống nhau hay sao?” Hai em trai của Rinchen tôi đều quen biết, cao cao to to, là tay giỏi việc. Nếu cha anh có thể đồng ý thì cũng không tệ, dù sao vẫn tốt hơn để tôi đột nhiên gả cho mấy tên con trai không quen biết.


Địa phương này của chúng tôi, hình thức hôn nhân đa dạng hóa, như một vợ một chồng, một chồng nhiều vợ, một vợ nhiều chồng, anh chết em trai kế tục, em trai chết anh kế tục, chị chết em gái kế tục hoặc em gái chết chị kế tục..., đều dựa vào tình huống thực tế cuộc sống người bản địa mà quyết định áp dụng hình thức nào tổ chức thành gia đình, thích hợp quê cha đất tổ. Trong những hôn nhân này, lại xem một vợ nhiều chồng và một vợ một chồng tương đối phổ biến. Bà nội nói, trước kia nơi này của chúng tôi đặc biệt nghèo khó, trộm cướp hoành hành, đất không nuôi sống nổi con người. Mà trong một gia đình, có đàn ông mới có thể có an toàn. Một gia đình tài sản nhiều hay ít, địa vị cao hay thấp, thường tỷ lệ thuận với số lượng đàn ông nhiều ít. Còn anh em chung vợ khiến tài sản tập trung, sức lao động lại được phân phối hợp lý. Như trong nhà có ba người đàn ông, người vợ ở nhà lo liệu việc nhà, anh cả quản lý mọi thứ trong nhà, quyết định phát triển của gia tộc. Anh hai ra ngoài làm công, tăng thêm thu nhập tiền mặt trực tiếp cho gia đình, lại đem về tin tức của thế giới bên ngoài. Anh ba có thể lên núi chăn thả, thời vụ đồng áng bận rộn lại có thể về nhà phụ giúp. Gia đình như vậy, đã không dễ bị người ngoài xâm phạm quấy nhiễu, lại có thể khiến gia đình phất lên rất nhanh. Ở xung quanh chúng tôi, phần lớn các gia đình đều tổ chức nên dựa vào kết cấu và cách thức này.
Sazhen ở bên lều gân cổ gọi tôi về uống trà. Tôi vừa bước nhanh hơn vừa nói với Rinchen: “Anh đi nói với cha anh đi!”


“Tối nay anh đến tìm em!” Rinchen lưu luyến không rời buông tôi ra.


“Anh không sợ bọn họ đánh anh à!” Nói xong, tôi liền cười phá lên. Không biết vì sao, tôi đặc biệt thích cười, thường thường chẳng có duyên do đã khanh khách cười không ngừng! “Đợi một lát em sẽ đi tìm anh hai, để anh ấy đem trùng thảo về!” Quay người về đến trong lều.


Sazhen đã đánh xong trà bơ, tôi vội vàng ăn một bát tsampa, cầm trùng thảo của hai hôm nay đi tìm anh hai.


Lều của anh hai ở mút đầu phía đông. Còn chưa đến bên lều, đã nghe bên trong một trận ồn ào. Tôi biết đám con trai lại đang chơi “xúc xắc” cược trùng thảo. Đây là một trò chơi riêng có ở chỗ chúng tôi. Lúc rỗi mấy người đàn ông ngồi với nhau, đem theo rượu thanh khoa của mình, thảy “xúc xắc” so lớn bé, có cái gì cược cái nấy.   


Tôi đứng ở bên lều, quả thật không muốn vén lên tấm rèm cửa ấy. Tưởng tượng ra được đám con trai bên trong chắc chắn say ngà ngà, nhìn thấy tôi, nói không chuẩn đôi vuốt ma quỷ nào sẽ thò qua.


“Tashi, cậu lại thua rồi. Lấy một cọng ra!” Bên trong truyền ra một tiếng nói mang ý say rõ ràng, lớn tiếng gọi tên anh hai.


“Cho cậu, một cọng trùng thảo tính là gì. Tớ vẫn thắng nhiều thế này cơ mà!”


“Ê, Tashi, chuyện lần trước nói với cậu, rốt cuộc nói với cha cậu chưa?” Một tiếng nói khác cũng đã say, nói chuyện hơi lắp ba lắp bắp.


“Chưa. Zhoigar đã đính hôn rồi, cậu đừng nghĩ chuyện này, không có hy vọng đâu!” Tiếng anh hai rõ ràng truyền đến ngoài lều, khiến tôi bỗng dưng ngơ ngác!


Tôi đã đính hôn, tôi đã đính hôn, chuyện của lúc nào? Sao tôi chẳng nhận ra tí gì. Đột nhiên, khuôn mặt tươi cười của cha, đôi tay bận rộn của mẹ, nước mắt của bà nội, còn có những quần áo mới, trang sức mới, mền mới ấy... từng thứ một hiện lên trước mắt tôi! Cái gì họ hàng tặng cho tôi, lừa người, toàn là lừa người, đó là lễ vật đính hôn, cha sẽ gả tôi đi, gả cho người đàn ông không quen biết! 


“Zhoigar đã đính hôn?” Bên trong truyền ra mấy tiếng nói cao vang, nghĩ ắt cũng kinh ngạc giống tôi.


“Nhỏ tiếng chút. Zhoigar vẫn chưa biết! Cha tớ tháng trước quyết định, đằng trai ở bên kia núi, nghe nói anh cả còn là học sinh cấp 3 đấy!”


“Đáng tiếc ma nữ của chúng ta, một đóa hoa cách tang, lại bị kẻ khác hái đi rồi...”


Tôi chẳng còn lòng dạ nào nghe tiếp, quay người bước nhanh về. Đột nhiên hai chân tôi trở nên nặng như đá, trong lòng chỉ có một ý nghĩ: Về nhà. Trở về hỏi cha, phải chăng thật sự phải gả tôi, gả cho người ra sao? Anh em mấy người? Hoàn cảnh gia đình đó thế nào?  


Tôi bước chân loạng choạng, ý thức mơ hồ, cũng không biết lều của mình ở đâu. Mỗi một căn lều dưới màn đêm trông đều na ná, tôi chỉ dựa vào tiếng trong lều để tìm nơi dừng chân của mình.


Khó khăn lắm tôi mới nhìn thấy bên lều đầu phía đông treo đèn măng-sông. Đúng, lều treo đèn măng-sông mới là lều của tôi. Tôi luôn thích vị trí ở bên rìa nhất, có lẽ là vì vén màn ra cảnh tôi nhìn thấy đầu tiên là núi, là nước, là trời xanh thẳm, chứ không phải là lều, khói bếp, vết chân người. Hôm dựng lều, rất nhiều anh chàng đến phụ giúp, tôi và Sazhen vui mừng lắm, ngỡ rằng có thể ở lại trên núi không lo không buồn một tháng!


Bây giờ thì sao? Tôi khóc như mưa. Trong lòng không ngừng có một tiếng nói đang nhắc nhở: Đính hôn rồi, tôi đính hôn rồi!


Bên lều của tôi bóng người đi đi lại lại vẫn lờ mờ thấy được, nhìn thấy tôi từ dưới ánh trăng đi đến, bèn có người dừng bước, huýt sáo. Những tiếng huýt sáo này rất đỗi quen thuộc, tôi hoàn toàn có thể dựa vào tiếng này phân biệt ra là ai đang đợi tôi. Nhưng đêm nay, tôi thật sự không có tâm tình, một chút cảm xúc vui vẻ cũng không có. Đột nhiên nghe được tin đính hôn, khiến cả người tôi giống như đứng bên vách núi cheo leo, tim đập thình thịch không ngừng, hoảng loạn vô cùng.      


Tôi của lúc này, chỉ có một ý nghĩ: Về nhà, đi suốt đêm trở về! Trở về hỏi cha, cha đã gả tôi cho ai!  


Lê đôi chân nặng nề về đến lều, Sazhen không có mặt, tràng hạt vứt trên ca-điểm, phát ra ánh sáng màu vàng cam. Đêm tối thế này, cô còn có thể đi đâu chứ? Trong lòng tôi thoáng qua một bóng dáng màu đỏ thẫm. Tuy Sazhen rất sớm đã đi tu, nhưng bà nội nói, cô không có duyên với Phật tổ, ngày tháng của cô cuối cùng phải quay về thế giới con người để trải qua.


Tôi lấy đèn pin nhỏ từ trong túi ra, chuẩn bị ra ngoài.


Lúc này, ngoài lều vang lên tiếng gõ nhè nhẹ, còn kèm tiếng gọi nhỏ: “Zhoigar, Zhoigar.” “Cút đi, tôi không có hứng thú!” Tôi bỗng nhiên quay người, gọi lớn ra bên ngoài: “Đừng đến phiền tôi, cút xa một chút!” Tiếng nói kia bỗng ngừng lại. Một lát, tiếng bước chân từ gần đến xa!


Tôi xông ra khỏi lều, chạy đi tìm Toinzhub. Ngày thứ hai sau khi tôi lên núi, chó chăn cừu Toinzhub đã tìm đến, mấy ngày nay, nó tha thẩn ở gần khu lều trại, chạy nhảy vui chơi với những con chó khác.  


Tôi huýt một tiếng sáo, chưa đến năm giây, đã thấy Toinzhub từ bên lều trước mặt chạy như bay đến. Nhìn thấy tôi, nó lập tức dừng lại, đứng vững vàng trước mặt tôi, mắt khẩn thiết nhìn tôi. Theo thói quen, lúc này tôi nên cúi người xuống ôm nó. Nhưng tối nay không có tâm tình, tôi ngây ngốc đứng đó, trong lòng trống trải. Toinzhub thấy tôi chỉ đứng trơ bất động, bèn tự mình đứng lên, chân trước đặt trên người tôi, không ngừng liếm mặt tôi, còn hà hơi vào trong cổ tôi. “Toinzhub, Toinzhub...” Tôi ôm cổ nó, vùi đầu vào bộ lông dày dày của nó, nước mắt lã chã rơi xuống. “Mày có biết không? Cha đính hôn cho tao rồi, ông đính hôn cho tao rồi, tao sắp gả cho người ta rồi, Toinzhub, tao sắp gả cho người ta rồi đấy!...” Vừa nghĩ tới sắp phải đến một nơi hoàn toàn xa lạ sinh sống, tôi đã không nén nổi toàn thân run rẩy, tôi sợ, thật sự sợ! “Toinzhub, ngựa ở đâu? Chúng ta đi về nhà!” Tôi lau nước mắt, đứng thẳng người lên! 


Toinzhub hiểu tôi, lúc nó rất nhỏ, tôi đã trực tiếp dùng ngôn ngữ giao lưu với nó. Tôi luôn cho rằng, nó là kẻ duy nhất hiểu tôi. Giống như lúc này, tôi vừa nói xong, Toinzhub đã bỏ chân trước xuống, chạy về sườn núi bên phải.    


Ở chỗ đất trũng bên sườn núi, có hơn hai mươi con ngựa rải rác trên bãi cỏ ngủ gà gật. Tôi nhanh như bay xông đến trước con ngựa nhà mình, vỗ một cái đánh thức nó, sau đó vươn người cưỡi lên, vỗ mạnh cổ ngựa, nó liền theo Toinzhub xông xuống núi.   


Gió đêm rất lạnh, thổi trên mặt hơi rát buốt. Tôi buộc khăn trùm đầu trên mặt, chỉ hở ra đôi mắt. Xung quanh núi rất yên tĩnh, trên đường núi, tiếng lốc cốc của vó ngựa và tiếng leng keng lục lạc treo trên cổ ngựa phát ra đặc biệt rõ ràng, thỉnh thoảng cũng truyền đến một hai tiếng hót của chim đêm, nghe hết hồn hết vía.


Đêm đó, tôi cứ khóc mãi, một mình cưỡi ngựa đi xuyên qua khe núi, vừa sợ hãi vừa mơ màng. Khi về đến làng mặt trời đã lên trên nóc nhà. Trong làng vô cùng yên tĩnh, hai làng trên dưới ngoài bò cừu đi lại và gà vịt chạy loăng quăng, gần như không nhìn thấy bóng người.


Nhà tôi ở đầu đông làng trên, sân không lớn không nhỏ, nhà đất hai tầng, tầng một nhốt gia súc, tầng hai người ở. Giữa tầng một và tầng hai có thang gỗ xoắn hẹp hẹp nối với nhau, giếng trời lớn ở giữa tầng hai là nơi sinh hoạt thường ngày của người nhà.      


Ở chỗ chúng tôi đây, cửa của mỗi nhà mỗi hộ đều không khóa. Bất kể là ai đều có thể mở cửa sân vào nhà, hoặc uống nước, hoặc kiếm bát tsampa ăn. Dù sao cũng đều là người cùng một làng, đôi bên đều rất quen thuộc, sẽ không có chuyện trộm cắp xảy ra.


Có lẽ là nghe thấy tiếng cửa mở, mẹ từ cửa sổ trên lầu thò đầu ra. “Zhoigar, sao con lại về?” Tiếng mẹ lớn đến nỗi hơi không bình thường, không chờ tôi trả lời, đã rụt người về.  


Tôi ba bước gộp thành hai bước lên lầu, chỉ thấy trên dây thừng phơi quần áo ở giếng trời mắc rất nhiều vải vóc tơ lụa, mẹ cha ôm một đống quần áo màu sắc rực rỡ đang đi vào phòng, anh cả thì đang thu dọn kim chỉ, nhìn thấy tôi, anh ngẩn người đứng ở đó, trên mặt đất còn để một chiếc ủng nữ chưa thêu xong!


Khi nhặt chiếc ủng đó lên, tôi thầm nhắc nhở mình: phải bình tĩnh, không thể chọc giận cha, nếu không chẳng hỏi ra được điều gì. Ở chỗ chúng tôi đây, công việc may vá thêu thùa đều là đàn ông làm, như may quần áo, thêu hoa vân vân, đàn bà thì dệt vải, ủ rượu thanh khoa. Tôi ngắm kỹ chiếc ủng trên tay, trên mặt ủng thêu những hình vẽ may mắn đẹp mắt, phần lớn hình vẽ đều đã thêu xong, chỉ sót miệng ủng. Anh cả thật khéo tay, từng đường kim mũi chỉ tỉ mỉ mà chặt chẽ, phối màu không chê vào đâu được, cực kỳ đẹp đẽ. Nghĩ cũng không cần nghĩ, tôi đã biết chiếc ủng là thêu cho tôi, ủng màu đỏ chót, ngoài cô dâu, còn có ai mang chứ?


Màu đỏ ấy chợt châm đau hai mắt tôi: tôi phải gả chồng rồi, họ sắp gả tôi rồi, gả cho người đàn ông không quen biết, đến một nơi khác sống một cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Vừa nghĩ đến những điều này, lòng tôi đã không ngớt run rẩy từng cơn, nước mắt không khống chế nổi chảy xuống. Cảm xúc đột nhiên mất khống chế, tôi ngẩng đầu hướng về cha gào lên: “Thì ra là thật, các người thật sự muốn gả con đi…”


“Zhoigar… Zhoigar…” Mẹ nhìn tôi, có chút buồn khổ. Tôi biết, việc này mẹ không làm chủ được, mẹ là một người mềm yếu. Mẹ cần cù hiền thục, ngoài chịu cực chịu khó làm việc, thì chăm lo sinh hoạt của cha và các anh, gần như không lắm lời, chuyện lớn nhỏ trong nhà đều là cha quyết định.    


“Việc này cha quyết định, con không có quyền nói chuyện!” Cha ném quần áo trên đất, giận đùng đùng bước qua một bên bê ly rượu lên nốc cạn. “Từ xưa đến nay, chuyện cưới hỏi của con cái đều là cha mẹ quyết định, chẳng lẽ đến con, muốn làm ngược lại sao?”    


“Con không muốn gả chồng!” Trong một lúc, tôi vẫn thật sự không tìm ra lý do phản bác cha. Đúng vậy, ở chỗ chúng tôi đây, từ xưa đến nay, chuyện cưới hỏi của con cái do cha mẹ quyết định, con gái thường thường phải đến một ngày trước khi gả chồng mới biết mình hôm sau sẽ đám cưới. Bà nội tôi, mẹ, các chị em bạn của tôi, họ đều trải qua như thế. Khi tôi còn nhỏ, nhìn thấy chị nhà bên gả chồng, cứ khóc đến chết đi sống lại, trở về hỏi bà nội vì sao chị đám cưới lại đau lòng như thế? Bà nội nói đám cưới đối với con gái quá đột ngột, trong một ngày đã phải đến một nơi hoàn toàn xa lạ sống với người hoàn toàn xa lạ, trong lòng chẳng có chuẩn bị tí nào, đương nhiên sẽ đau lòng. Sau khi tôi hơi lớn một chút, thỉnh thoảng nghe nói cô gái nhà nào đó vì biết trước việc đính hôn mà không bằng lòng chạy mất, hoặc con dâu đã đính hôn của một nhà nào đó vì biết chuyện đám cưới chạy trốn đến Lhasa…


“Gả hay không gả chồng không phải con quyết định, là cha quyết định!” Cha đặt mạnh ly rượu xuống bàn, ngồi phịch trên ca-điểm bực bội chằm chằm nhìn tôi.   


“Con nói không gả là không gả!” Tôi giật phắt khăn trùm đầu xuống mạnh tay lau nước mắt, ngẩng đầu lên.  


“Con dám!” Cha trong nhà, là đại diện “quyền uy”. Từ nhỏ đến lớn, người nhà đối với cha đều nói gì nghe nấy. Giống như các anh đám cưới, gia đình sửa lại nhà, hôm nay mua mấy con bò yak…, chỉ có cha gật đầu rồi mới được làm. “Ngày đã định rồi, không có đất cho con nói chuyện đâu!”


“Là con đám cưới, không phải cha đám cưới!” Tôi nghĩ cũng chẳng nghĩ liền ném chiếc ủng qua, sượt trên mặt cha. Từ nhỏ tính tôi đã hay nóng nảy, trời không sợ đất không sợ, ngang ngược vô cùng, bà nội nói tôi bướng lên giống như bò yak con.   


Còn chưa cho tôi hối hận, cha nắm lấy cây gậy dùng để nhặt bánh phân bò bên cạnh muốn xông tới.  


“Con muốn làm gì?” Bà nội xuất hiện ở bên cửa, dù nói nhỏ nhẹ, nhưng đã khiến bước chân cha đóng khung ở chỗ cũ. “Zhoigar đột nhiên phải đám cưới, không thể cho nó xả ra một chút sao?”


“Bà nội…” Tôi một mình từ trên núi chạy về, vặn hỏi cha. Sau khi sự việc được xác nhận, nổi nóng, đó chỉ chẳng qua là xung động mù quáng khi con gái đột ngột phải đám cưới đối mặt với tương lai mù mờ lúng túng, dùng để che giấu sự hoảng loạn trong lòng mà thôi. Đằng sau bề ngoài mạnh mẽ này, là một trái tim yếu đuổi chẳng chịu nổi một đòn. Vào khoảnh khắc bà nội xuất hiện ở bên cửa, nỗi hụt hẫng tôi hết sức che giấu trong chớp mắt từ đáy lòng trào ra, lập tức đau buồn ập đến, tôi nhào vào trong lòng bà nội, buông tiếng khóc lớn.   


Bà nội ôm vai tôi, đi vào Phật đường.


“Zhoigar la, đây đều là số mệnh, là số mệnh của phụ nữ!” Bà dùng vạt áo lau nước mắt cho tôi. “Nghe nói anh chàng nhà bên ấy cũng không tệ, điều kiện gia đình ở địa phương cũng xem là tốt, cha con mới đồng ý. Thôi đừng khóc, qua ba ngày nữa, con sẽ gả chồng rồi!”  


Tôi vẫn không ngừng nức nở, nước mắt ướt đẫm cả vạt áo của bà nội.    


“Ngày do đằng trai quyết định, nghe nói cũng là nhờ sư trong chùa xem ngày tốt. Hôm kia người làm mối mới đưa sang, cha con đã đồng ý rồi. Zhoigar la, con là cô gái sắp đám cưới rồi, chấp nhận số mệnh thôi!” Bà nội nói mãi nói mãi, cũng bắt đầu đau lòng. “Bà thật sự không nỡ rời con, nhưng cha con đã chịu nhà bên ấy, lời bà nội cha con cũng không nghe…”

“Bà nội, ba ngày, chỉ ba ngày thôi…” Tuy nói kỳ hạn đám cưới sẽ rất nhanh, nhưng ba ngày vẫn là quá nhanh, ngoài việc khóc càng lớn tiếng, tôi còn có biện pháp khác tốt hơn hay sao?

(Dorje Zhoigar)

No comments:

Post a Comment