Đời người là một con đường, mỗi người từ khi sinh ra đã bắt đầu đi trên
con đường này. Thời thơ ấu, chúng ta không ý thức được điểm này. Khi
chúng ta ý thức được, liền không thể không nghĩ đến một vấn đề: Con
đường này dẫn đến đâu? Mục tiêu của đường đời là gì?
Sự thật rõ ràng nhất là: Con đường này dẫn đến cái chết, vì đời người chỉ là một quá trình từ
sinh ra đến chết đi mà thôi. Thế nhưng, chết sao lại là mục tiêu được
nhỉ? Để khiến nó trở thành mục tiêu, nó nhất thiết không phải là chết,
mà là một lẽ sống cao hơn. Thế là, chết được xem như từ lẽ sống ngắn
ngủi đi vào lẽ sống vĩnh hằng, từ thể xác dễ mục nát đi vào bất hủ, từ
trần thế đi vào thiên đường, từ không trọn vẹn đi vào hoàn thiện, từ khổ
nạn đi vào cực lạc, vân vân. Thông qua giải thích như vậy, đường đời đã
có một mục tiêu tôn giáo và đạo đức, một mục tiêu thuần túy mang tính
chất tinh thần.
Tuy nhiên, vì lẽ gì con đường nhất định là một
đường thẳng cơ chứ? Chỉ là bởi chúng ta tưởng tượng nó thành đường
thẳng, mới nhất thiết phải gán ghép cho nó một điểm cuối, một mục tiêu
cuối cùng. Trong vườn hoa đường nhỏ quanh co đan xen, điểm cuối của con
đường ở đâu? Thế thì, chúng ta sao không xem đời người là một vườn hoa
lớn? Đây là một khu vườn rất lớn, dạo hết vườn hoa vừa vặn phải dùng
thời gian một đời, chúng ta từ khi sinh đến khi chết đều ở trong đó, mỗi
khi đi một bước đều nhìn thấy phong cảnh mới, khắp nơi đều là chỗ có
thể cho chúng ta nghỉ ngơi. Nếu muốn nói mục tiêu, thế thì, có thể nói
nơi nơi đều là mục tiêu, song không tồn tại mục tiêu cuối cùng.
Đổi một so sánh khác không nên thơ như thế nhưng thiết thực hơn, có thể
nói, đời người chính là ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta ở trong đời
người, giống như ở trong nhà của mình. Đã là ở nhà, chúng ta sẽ làm
những việc phải làm hoặc có hứng thú làm, chứ không đụng việc nào cũng
đều hỏi tại sao. Trên thực tế, nhiều lúc, chúng ta quả thực xem đời
người là nhà, sắp xếp mỗi ngày như sắp xếp việc nhà của mình, không nghĩ
rằng ngôi nhà này một ngày kia sẽ không tồn tại.
Chỉ là, ngôi
nhà này xác thực một ngày kia sẽ không còn tồn tại, mà chúng ta có lúc
không khỏi nghĩ ngợi đến điều này. Lúc ấy, chúng ta lại sẽ ý thức được
bản thân đang đi trên một con đường có điểm cuối. Do đó, đối với chúng
ta, đời người vĩnh viễn vừa là con đường vừa là nhà. Ý kiến hiện tại của
tôi là: ý thức về hai phương diện này đều cần thiết, không thể thiếu
một mặt nào: chỉ là con đường, thì sống quá mệt mỏi; chỉ là nhà, thì
sống quá mù quáng. Chúng ta phải xem đời người là nhà, để tâm linh mình
được nghỉ ngơi. Chúng ta cũng phải biết đời người là con đường, để tâm
linh mình có truy cầu siêu việt.
(Chu Quốc Bình)
No comments:
Post a Comment