11.11.13

Hang Mạc Cao


1

Đối diện hang Mạc Cao là núi Tam Nguy. “Sơn Hải Kinh” chép: “Vua Thuấn đuổi Tam Miêu ở Tam Nguy.” Có thể thấy nó là lá chắn thời kỳ đầu của văn minh Hoa Hạ, sớm đến nỗi không phân rõ ranh giới với thần thoại. Trận chiến ấy đánh thế nào, giờ đây đã rất khó tưởng tượng, nhưng đại quân Trung Nguyên rầm rầm rộ rộ chắc là đã từng đến đây. Lúc đó cả địa cầu còn thưa thớt dấu chân người, tiếng vó ngựa lóc cóc hiển nhiên trống trải mà vang dội. Để một ngọn núi Tam Nguy như vậy làm vách soi của hang Mạc Cao, khí khái hùng vĩ, sức người chẳng tới, chỉ có thể là an bài của tạo hóa.

Năm 366 Công nguyên, một hòa thượng đến nơi này. Ông tên là Lạc Tôn, giới hạnh thanh tịnh, tâm tư điềm tĩnh, tay cầm một cây gậy thiếc, vân du bốn phương. Đến đây đã là lúc chạng vạng tối, ông muốn tìm một nơi nghỉ đêm. Đang nhìn bốn bề trên núi, đột nhiên trông thấy cảnh tượng kỳ lạ: Núi Tam Nguy ánh vàng xán lạn, bừng bừng dào dạt, giống như có ngàn Phật đang chuyển động. Là ráng chiều chăng? Không phải, ráng chiều ở phía Tây, đối ứng xa xa với ánh vàng của núi Tam Nguy.

Câu đố về ánh vàng Tam Nguy, người đời sau giải thích rất nhiều, ở đây tôi không muốn nghị luận. Dù sao thì hòa thượng Lạc Tôn lúc đó, trong khoảnh khắc cũng kích động vạn phần. Ông đứng sững sờ, trước mắt là ánh vàng rực cháy, sau lưng là ráng chiều năm màu, cả người ông bị chiếu rọi đỏ rực, gậy thiếc trên tay cũng biến thành trong suốt như thủy tinh. Ông sững sờ đứng mãi, giữa trời đất không có một tiếng động, chỉ có ánh sáng tràn trề, màu sắc bao phủ. Ông tỉnh ngộ, cắm gậy thiếc trên mặt đất, trang trọng quỳ xuống, lớn tiếng phát nguyện, từ nay sẽ hóa duyên rộng rãi, đục hang tạc tượng ở đây, để nó thật sự trở thành thánh địa. Hòa thượng phát nguyện xong, hào quang hai bên tối dần, sắc chiều xám nhạt áp xuống đồng cát mênh mang.

Chẳng bao lâu sau, hang đá đầu tiên của hòa thượng Lạc Tôn đã khởi công. Khi ông hóa duyên đã truyền bá rộng rãi kỳ ngộ của mình, tín đồ xa gần cũng tấp nập đến viếng thắng cảnh. Năm rộng tháng dài, hang động mới cũng lần lượt đục nên. Trên đến vương công, dưới đến dân thường, hoặc xây riêng, hoặc góp vốn, đem tín ngưỡng và cầu chúc của mình, toàn bộ tạc vào dốc núi. Từ đó, lịch sử của ngọn núi này không tách rời tiếng leng keng búa đục của thợ xây.

Trong số thợ xây tiềm ẩn nhiều nhà nghệ thuật chân chính. Những gì còn để lại của nhà nghệ thuật đời trước, lại âm thầm bồi dưỡng cho nhà nghệ thuật đời sau. Thế là, dốc núi chốn sâu sa mạc này đã đậm đặc hấp thu vô số tinh hoa, trống rỗng mà lại căng phồng đứng đó, biến thành thần bí mà lại an lành.


2

Từ một thành phố dân cư đông đúc nào đến đây cũng đều vô cùng xa xôi. Trong tương lai tưởng tượng được, vẫn chỉ có thể là như vậy. Nó vì hoa mỹ mà nghiêm túc, nó vì giàu có mà ẩn xa. Nó cố chấp buộc mỗi người viếng thăm dùng gian khổ đường dài để đổi lấy đền đáp.

Khi tôi đến đây vừa qua Trung thu, nhưng gió bấc đã rợp trời kín đất. Dọc đường đều thấy du khách nước ngoài, mũi lạnh cóng đến đỏ rực, đang hỏi đường, họ không biết tiếng Trung, chỉ hô nhiều lần không ngớt: “Mạc Cao! Mạc Cao!” Thanh điệu mượt mà như gọi người thân. Du khách trong nước càng đông đúc, lúc chạng vạng đóng cửa, còn có một tốp du khách vừa chạy đến, kiên trì năn nỉ bảo vệ mở cửa.

Tôi lưu lại ở hang Mạc Cao liên tục mấy ngày. Ngày đầu tiên xế chiều, du khách đều đã về hết, tôi men theo chân núi hang Mạc Cao đi lại quanh quẩn. Thử ngẫm nghĩ sắp xếp lại trong lòng những cảm nhận quan sát ban ngày, rất khó; chỉ đành nhiều lần hướng về dốc núi này ngây ngô nghĩ, nó rốt cuộc là dạng tồn tại nào?

So với Kim tự tháp Ai Cập, Đại bảo tháp Sanchi Ấn Độ, Đấu trường La Mã cổ đại, nhiều di tích văn hóa ở Trung Quốc thường mang tính tích lũy của lịch sử. Di tích của các nước khác thông thường xây dựng vào một thời đại, hưng thịnh vào một thời đại, sau đó bảo tồn bằng phương thức di tích thuần túy để mọi người chiêm ngưỡng. Trường thành của Trung Quốc không phải như thế, luôn là đời đời xây sửa, đời đời nối dài. Trường thành, là một kiểu uốn lượn của không gian, lại đối ứng chặt chẽ với uốn lượn của thời gian. Lịch sử Trung Quốc quá dài, chiến loạn quá nhiều, khổ nạn quá sâu, không một di tích thuần túy nào có thể bảo tồn lâu dài, trừ phi trốn ở dưới đất, nấp ở trong mộ, ẩn náu ở nơi bí mật không bị người thường chú ý. Cung A Phòng đã cháy, Gác Đằng Vương đã sụp, Lầu Hoàng Hạc thì là gần đây xây lại. Đô Giang Yểm ở Thành Đô sở dĩ có thể bảo lưu lâu dài, là vì nó trước sau vẫn phát huy công năng thủy lợi. Do đó, nói chung thắng tích lịch sử lưu truyền đến nay, luôn là không ngừng sinh sôi, kết nạp tố chất độc đáo trăm đời.

Hang Mạc Cao có thể ngạo nghễ trước di tích các nước khác, mấu chốt ở chỗ nó là tầng tầng tích tụ của hơn một ngàn năm. Ngắm Hang Mạc Cao, không phải là ngắm tiêu bản đã chết một ngàn năm, mà là ngắm sinh mệnh đã sống một ngàn năm. Một ngàn năm trước sau vẫn sống, huyết mạch thông suốt, hô hấp điều độ, đây là một sinh mệnh hoành tráng dường nào! Các nhà nghệ thuật hết đời này sang đời khác tiền hô hậu ủng đi về phía chúng ta, mỗi nhà nghệ thuật lại kéo theo bối cảnh huyên náo, làm lễ diễu hành xuyên qua ngàn năm ở đây. Quần áo trang sức phức tạp khiến chúng ta rối ren hoa mắt, cờ quạt phần phật khiến chúng ta ong ong ù tai. Ở nơi khác, bạn có thể ngồi xổm xuống tỉ mỉ ngắm nghía một hòn đá vụn, một dải bờ đất, ở nơi này hoàn toàn không được, bạn cũng bị bó buộc, không làm chủ được bản thân, lảo đà lảo đảo, mãi đến khi bị dòng lũ lịch sử hòa tan. Ở đây, cảm quan của một người thật không đủ dùng, thế thì dứt khoát vứt bỏ bản thân, để vô số đôi tay nghệ thuật nghiền bạn thành bụi nhẹ.

Do đó, tôi không thể không đi lại quanh quẩn trước chân núi vào lúc màn đêm buông xuống. Từng chút một tìm lại bản thân, ổn định lại tinh thần bị chấn động. Gió đêm nổi lên, cuốn theo cát mịn, thổi đến nỗi hai má đau rát. Mặt trăng chốn sa mạc cũng đặc biệt lạnh lùng. Trước chân núi có một con suối, có tiếng róc rách. Ngẩng đầu ngắm nhìn, nghiêng tai lắng nghe, dòng suy nghĩ của tôi cuối cùng cũng hơi thấy đầu mối.

Ban ngày đã thấy những gì, vẫn nhớ không rõ lắm. Chỉ nhớ mở đầu nhìn thấy là dòng màu sắc xanh nâu hồn hậu, đó có lẽ là di tích của Bắc Ngụy. Màu sắc đậm trầm đến mức như lập thể, ngòi bút phóng khoáng hào hùng tựa kiếm kích. Thời đại ấy dồn dập chuyện cũ, nhiều chiến sĩ phương bắc cường tráng rong ruổi sa trường, dũng mãnh và khổ nạn hợp thành dòng, tuôn chảy vào vách động hang đá. Khi những người thợ đang tô vẽ ở các hang động này, Đào Uyên Minh ở phương nam đang uống rượu buồn trong vườn nhà rách nát. Rượu Đào Uyên Minh uống không biết là rượu gì, rượu chảy tràn trề ở đây khẳng định là rượu mạnh, không có mùi hương ngào ngạt, chỉ là một luồng sức lực, một lòng hăng hái, có thể khiến người giống như điên cuồng, rút kiếm đứng dậy. Ở đây có chút lạnh lẽo, có chút hoang dại, thậm chí có chút tàn nhẫn.

Dòng màu sắc bắt đầu sảng khoái nhu mỹ, đó nhất định là đến sau khi Tùy Văn Đế thống nhất Trung Quốc. Y phục và hình vẽ đều biến thành hoa lệ, có hương thơm, có ấm áp, có tiếng cười. Điều này là tự nhiên thôi, Tùy Dượng Đế đang hớn hở ngồi trong thuyền ngự xuôi xuống phương nam, Vận Hà mới hoàn thành sóng biếc dập dờn, thông đến hoa lạ quý giá của Dương Châu. Tùy Dượng Đế quá hung tàn, những người thợ không đuổi theo tiếng cười của y, nhưng họ đã trở nên rộng lượng, tinh tế, nơi nơi báo trước dưới tay họ sẽ hiện ra những cảnh tượng càng khiến người kinh ngạc.

Dòng màu sắc đột ngột thoắt cái xoáy nước cuồn cuộn, đương nhiên là đã đến đời Đường. Màu sắc có thể có trên đời đều phun bắn ra, nhưng lại phun đến mức không thô kệch chút nào, khoan khoan khoái khoái hòa vào đường nét tỉ mỉ lưu loát, biến hóa thành tổ khúc giao hưởng tráng lệ không gì sánh bằng. Ở đây không chỉ là hơi ấm đầu xuân, mà đã là gió xuân phơi phới, vạn vật thức tỉnh, mỗi sợi cơ bắp của con người đều muốn nhảy nhót. Ở đây chim muông đều đang ca múa, hoa lá đều gói ghém thành bức tranh, vì trời đất này hoan hô. Điêu khắc và tượng nặn ở đây đều có mạch đập và hơi thở, treo nụ cười mỉm và cái liếc mắt yêu kiều ngàn năm không phai. Mỗi cảnh ở đây đều chẳng phải một đôi mắt có thể nhìn hết, mà mỗi ngóc ngách đều đủ để bạn lưu luyến hồi lâu. Ở đây không có trùng lặp, hoan lạc chân chính xưa nay không trùng lặp. Ở đây không tồn tại cứng nhắc, cứng nhắc không dung chứa nhân tính chân chính. Ở đây thứ gì cũng không có, chỉ có sinh mệnh con người đang sôi sục. Khi vừa đến hang động khác còn có thể suy ngẫm giây lát, nhưng ở đây, vừa bước vào đã khiến bạn phát sốt, khiến bạn thất thố, khiến bạn chỉ muốn hai chân vọt lên không trung. Dù nó vẽ nội dung gì, vừa nhìn liền khiến bạn cất lên tiếng hô kinh ngạc tận đáy lòng, đây mới là con người, đây mới là sinh mệnh. Thứ có sức quyến rũ nhất trên đời, không gì ngoài tín hiệu sinh mệnh mà một đám người sống rất tự tại phát ra. Loại tín hiệu này là nam châm, là mật ngọt, là giếng ma của chu vi xoáy nước. Không ai có thể thoát khỏi xoáy nước đó, không ai có thể đối diện với chúng mà duy trì bình tĩnh. Đời Đường chính là phải như thế, như thế mới tính là đời Đường. Dân tộc chúng ta cuối cùng cũng có một triều đại như thế, cuối cùng cũng từng có một thời khắc như thế, điều khiển dòng màu sắc tuyệt đẹp dường ấy, mà lại có thể chỉ huy tùy ý.

Dòng màu sắc càng hướng đến tinh tế, đây phải là Ngũ Đại. Dư uy mạnh mẽ của đời Đường chưa dứt, chỉ là từ nóng bỏng đi đến ấm áp, từ phóng đãng dần dà trầm tĩnh. Trời xanh trên đầu dường như nhỏ hơn một chút, gió mát ngoài đồng cũng không còn va đập lồng ngực nữa.

Cuối cùng có chút mờ xám, người múa ngẩng đầu nhìn thấy sắc trời đã biến hóa, tư thế múa cũng bắt đầu biến thành thận trọng. Vẫn không kém trang nhã, vẫn thấy tuyệt tác, nhưng cả bầu không khí vui tươi đã khó mà tìm thấy. Bên ngoài hang động, Tân Khí Tật và Lục Du vẫn đang cầm kiếm ngâm nga, âm sắc đẹp đẽ đã nhuốm vẻ cô đơn, Tô Đông Pha thì dùng thiên tài tuyệt thế, hô ứng cùng Đào Uyên Minh. Quốc thổ Đại Tống, bị thế suy sụp xuống dốc, bị tầng mây của Lý Học, bị giằng co trùng điệp, che phủ đến mức có chút âm u.

Trong dòng màu sắc rất khó tìm thấy màu đỏ nữa, đó là đã đến đời Nguyên.



Những ấn tượng mông lung này, hơi trau chuốt một chút, đã cảm thấy mệt nhọc, giống như lữ khách đi vội một chặng đường dài. Nghe nói, đem bích họa trong hang Mạc Cao nối lại với nhau, toàn bộ dài đến 60 dặm. Tôi chỉ không tin, chặng đường 60 dặm tôi đi ngon ơ, nào có mệt nhọc như thế?

Đêm đã khuya rồi, hang Mạc Cao đã hoàn toàn ngủ say. Giống như ngắm nghía tư thế ngủ của một chàng trai tráng kiện, nhìn nó đang ngủ, cũng không có gì đặc biệt, thấp thấp, im ắng, hoang vu trơ trụi, giống như những ngọn núi nhỏ ở các nơi khác.


(Dư Thu Vũ) 

1 comment:

  1. Chào mừng chị đã có blog riêng hí hí

    ReplyDelete