11.11.13
Suối ẩn đồi cát
Trong sa mạc cũng có đường đi, nhưng ở đây không có. Nhìn ra xa xa, có mấy hàng dấu chân xiêu xiêu vẹo vẹo. Đi men theo dấu chân, nhưng không được, những chỗ bị con người giẫm qua, trái lại lỏng lẻo khó đi. Chỉ có thể dùng đôi chân của mình, đi một con đường mới. Quay đầu nhìn lại, cao hứng vì dấu chân dài dài của mình. Không biết hàng dấu chân này có thể giữ được bao lâu?
Che khuất tầm mắt là mấy ngọn núi cát to lớn. Chỉ có thể vượt qua chúng, không có lối đi nào khác. Lên núi cát thật sự là một công việc nhọc nhằn vất vả không gì sánh bằng. Vừa mới bước vững một bước, hơi dùng sức một chút, dưới chân đã lỏng lẻo trượt xuống. Dùng sức càng nhiều, lún càng sâu, trượt xuống cũng càng nhanh. Mới bước vài bước, đã thở dốc, toàn thân nóng nảy. Tôi lớn lên ở miền núi đông Triết Giang, từ nhỏ đã có thể khoan khoái vượt qua núi lớn. Mệt rồi, gắng sức một chút, vẫn có thể chạy nhanh lên đỉnh núi. Ở đây lại tuyệt đối không thể gắng sức được. Cát mịn mềm mại, cũng không cộm chân, cũng không khiến bạn va chạm, chỉ là chầm chậm xóa đi toàn bộ sức lực của bạn. Bạn càng tức điên, nó càng dịu dàng, dịu dàng đến đáng hận cực kỳ. Không biết làm sao, chỉ có thể tạm ngưng cơn giận sấm sét, thả nhẹ gót chân, ma sát với nó.
Muốn tưng tưng tưng đi nhanh lên núi, thì đừng đến nơi này. Có nơi là sạn đạo, có nơi là bậc đá, ngàn vạn người đã đi qua, cũng sẽ có ngàn vạn người đi. Chỉ là, nơi đó không cho bạn lưu lại dấu chân, dấu chân thuộc về bản thân bạn. Đã đến rồi, thế thì chấp nhận thôi, vì quy tắc chung của những người đi lại chốn sa mạc, vì những dấu chân đẹp đẽ này.
Tâm bình khí hòa, từ từ leo. Đỉnh của núi cát càng nhìn càng cao, leo bao nhiêu nó liền cao bấy nhiêu, cứ như lúc nhỏ đuổi trăng vậy. Đã lo lắng chỗ nghỉ đêm nay. Dằn lòng, không nghỉ đêm cũng được, leo! Không để ý mục tiêu cao xa kia nữa, hà tất tự mình dọa mình. Nó luôn tồn tại, không nhìn cũng tồn tại. Hãy cứ quay đầu lại ngắm nhìn chặng đường mình đã đi qua. Tôi vậy mà đã đi xa như thế, đã leo cao như thế. Dấu chân đã giống như một dải lụa dài không với tới, bình tĩnh mà phiêu dật vẽ nên một đường cong dập dờn, một đầu đường cong gắn liền dưới chân. Đúng là tác phẩm của đại gia, không nén nổi khâm phục chính mình. Không vì đỉnh núi kia, chỉ vì đường cong đã vẽ ráo mực này, leo. Bất kể leo được đến đâu, chỉ vì sinh mệnh đã tiêu hao, leo. Dù nói thế nào, tôi trước sau luôn đứng ở đỉnh của con đường đã đi qua. Đỉnh của vĩnh cửu, đỉnh của trôi dạt không ngừng, đỉnh của bản thân, đỉnh của chưa từng lùi bước. Đỉnh của núi cát là thứ yếu. Leo, cứ leo.
Dưới chân đột nhiên bằng phẳng, trước mắt đột nhiên trống trải, rụt rè ngẩng đầu nhìn bốn phía, đỉnh núi không ngờ lại bị tôi leo tới. Hoàn toàn không cần lo lắng chỗ nghỉ đêm, mặt trời chiều phía trời tây vẫn rất mực xán lạn. Núi cát miên man dưới ráng chiều là cảnh đẹp thiên hạ vô song. Ánh sáng và hình ảnh chia cắt bởi đường nét thẳng tắp nhất, vàng kim và đỏ sẫm đều thuần khiết đến không chút loang lổ, y như dùng một cái sàng cực lớn sàng qua. Gió thổi ngày đêm, đem mỏm núi, dốc núi đắp thành làn sóng, đó là làn sóng cực kỳ chậm rãi êm ả, không gợn một chút lăn tăn. Thế là, nhìn đâu cũng thấy sảng khoái, trời đất đều được sắp đặt nền nã, trong sáng. Sắc thái đơn thuần đến thánh khiết, khí chất ôn hòa đến cao quý. Vì sao người tăng kẻ tục, nhà nghệ thuật các đời cứ phải chọn sa mạc núi cát để thổ lộ tín ngưỡng của mình, xây dựng hang Mạc Cao, hang Du Lâm và các hang đá khác? Đứng ở nơi này, tôi đã hiểu. Tôi đem đỉnh của mình và đỉnh của núi hợp vào một chỗ, trong lòng ngân lên tiếng tụng kinh như tiếng nhạc trên trời.
Khi mới leo lên mỏm núi, đã phát hiện dưới chân núi còn có điều kỳ lạ, không nỡ nhìn hết một lần. Đợi đến khi phóng mắt từ trên cao nhìn xuống, mới dám ngắm nghía tỉ mỉ. Đó rõ ràng là một khúc suối trong, nằm vắt ngang chân núi. Sử dụng một từ vựng trau chuốt nào, đều là sự khinh nhờn đối với nó. Chỉ cảm thấy nó đến quá đường đột, đến quá quái dị, yên yên lặng lặng nấp ở nơi vốn không nên có nó, khiến mắt ta nhìn rất lâu vẫn không thể thích ứng. Du khách trẻ tuổi cũng sẽ giống một người cha già hiền từ quở trách cô con gái rượu, nói một câu: ngươi làm sao cũng chạy đến nơi này!
Đúng thế, đây bất luận thế nào cũng không phải là nơi nó đến. Muốn đến, nên đến một dòng nước chảy xiết vàng đục, nhưng nó lại trong vắt và êm ả như vậy. Hoặc dứt khoát đến một hồ nước lớn một chút, nhưng nó lại mảnh mai và uyển chuyển như vậy. Theo dung mạo của nó, nên dừng chân ở bên sông Phú Xuân, giữa núi Nhạn Đãng, hay dưới bóng râm từ Hổ Bão đến Cửu Khê. Cát bay đầy trời, chẳng lẽ chưa từng lấp tắc nó? Gió lốc nửa đêm, chẳng lẽ chưa từng hút cạn nó? Ở đây thực đã từng ẩn hiện vết chân của bọn cướp, nhờ suối ngọt của nó để sống? Ở đây thực đã từng xúm xít đội ngựa của giặc phỉ, lưu lại bên cạnh nó một vũng vẩn đục?
Tôi nghĩ ngợi lung tung, lập tức mặt mày rầu rĩ. Làm sao đến gần nó đây? Tôi đứng trên đỉnh núi, nó nép mình dưới chân núi; dốc núi hướng về nó dốc đứng như dao gọt. Giờ khắc này, sự leo trèo mới rồi đã toàn bộ hóa thành bi ai. Hướng đến đỉnh núi, hướng đến độ cao, kết quả đỉnh núi chỉ là một đường đất hẹp vừa đủ đặt chân. Không thể đi ngang, không thể đi dọc, chỉ hưởng lạc thú trông xuống một lúc, làm sao có thể dừng chân ngồi yên lâu dài? Lên đã chẳng có đường, xuống lại khó khăn, tôi cảm thấy cô độc và sợ hãi chưa từng có. Vẻ đẹp ấm áp chân chính của thế gian, đều an ủi mặt đất, ẩn nấp trong khe sâu. Độ cao thống trị vạn vật, trở đầu lại chỉ tạo thành tự giễu cợt mình. Tôi đã nhìn ra sự mỉa mai của nó, thế là gấp gáp đến thăm dò sườn dốc vót xuống. Đời người thật là gian nan, không lên đỉnh cao không phát hiện ra nó, lên đỉnh cao rồi lại không thể gần gũi nó. Xem ra, định sẵn phải không ngừng lên dốc xuống dốc, lên dốc xuống dốc.
Cắn răng, hạ quyết tâm. Rốt cuộc cũng phải xảy ra chút sự cố, tạm thời rụt cổ, xoay mặt, thò chân xuống dưới. Một bước, lại một bước, cả bộ xương đều đã chuẩn bị sẵn sàng cho một lần té nặng. Thế nhưng, kỳ lạ thay, chẳng có gì xảy ra cả. Mới hai bước, đã trượt vèo xuống dưới đến mấy mét, lại đứng hết sức vững vàng. Không té sấp, cũng không ngã ngửa, nhất thời biến thành Prometheus trên đỉnh núi Caucasus. Hơi dùng sức tiếp, giống như quay phim chậm, sải bước múa may, chỉ khoảng chục bước đã đến chân núi. Thực sự kinh ngạc ngẩn người: khó nhọc leo lên mấy tiếng đồng hồ, đi xuống chỉ là mấy bước! Nhớ lại quyết tâm bi tráng lúc mới thò chân xuống, bật cười khanh khách. Sự hoạt kê mà Kant nói, vừa khéo là tình cảnh kiểu này.
Không kịp nghĩ thêm về Kant, vội vàng chạy đến suối nước. Một khúc suối không tính là quá bé, dài chừng ba bốn trăm bước, chỗ rộng nhất ở giữa tương đương một dòng chảy trung bình. Dưới mặt nước, bồng bềnh mấy đám cỏ nước, khiến sắc nước xanh lục thêm đậm. Lại có ba con vịt nước màu đen, nổi nhẹ bên trên, rẽ ra hai gợn sóng dài dài. Thật không biết chúng làm sao bay qua quan san vạn dặm, tìm đến nơi này. Bên nước có cây, không ít cây đã gốc rễ quanh co, phải có hàng trăm năm tuổi. Nói chung, tất cả những gì suối trong ao
vắng nên có, ở đây đều có cả. Đến đây, suối nước này trong mắt tôi lại biến thành hiệp khách độc hành, giữa trời đất hoang mạc, toàn dựa vào sức mình, sắp đặt ra một thế giới khiến người hài lòng.
Sau cây có một gian nhà sơ sài, đang chần chừ thì một vị ni sư già bước ra. Tay cầm chuỗi tràng hạt, đầy mặt nếp nhăn chằng chịt mà bình yên. Bà cho tôi biết, ở đây vốn có chùa, đã hủy 20 năm trước. Tôi không thể tưởng tượng nguồn sinh hoạt của bà, ấp úng hỏi, bà chỉ con đường sau nhà, nhẹ nhàng nói: Sẽ có người đưa đến. Những việc tôi muốn hỏi bà đương nhiên rất nhiều, chẳng hạn vì sao cô đơn một mình trông giữ nơi này? Lần đầu đến đây vào năm nào? Cuối cùng cảm thấy đối với nhà Phật, kiểu truy hỏi đó quá ư vụng về, bưng miệng bỏ qua. Ánh mắt lại chuyển đến dòng suối êm đềm này. Đáp án có lẽ đều ở đây.
Sa mạc mênh mang, nước chảy cuồn cuộn, đối với người đời chẳng kỳ lạ. Duy chỉ có một khúc quanh như thế trong đại mạc, một chút tĩnh lặng như thế trong gió cát, một cảnh như thế trong hoang vắng, một cú trượt xuống như thế sau dốc cao, mới cảm nhận được sâu sắc vận luật của trời đất, khéo léo của tạo hóa, khiến người say mê theo đuổi. Lấy đó suy diễn, đời người, thế giới, lịch sử, chẳng có thứ nào không như thế. Cho huyên náo để yên tịnh, cho nóng nực để mát mẻ, cho cao đạo để chất phác, cho thô kệch để đẹp đẽ. Chi có như vậy, đời người mới thấy linh động, thế giới mới tỏ ra tinh tế, lịch sử mới có phong vận. Thế nhưng, những thứ con người ngày thường nhìn quen, đều là khoa trương một chiều đủ màu đủ kiểu. Cả thần tự nhiên cũng qua loa đại khái, lười thêm thắt điều phối, khiến người thế gian chịu liên lụy lớn.
Do đó, sự trông giữ cô độc của vị ni sư già không phải là không có đạo lý. Khi bà ở trong gian nhà rách nát nghe đủ một đêm gió cát gào thét kinh tâm động phách, sáng sớm mai, liền có thể mượn sắc nước trong trẻo rửa sạch đôi tai. Khi bà nhìn đủ màu xanh thẳm của nước suối, ngẩng đầu, liền có thể ngắm nhìn vách cát rực rỡ.
—— Núi, tên là Núi Minh Sa; suối, tên là Suối Nguyệt Nha. Đều nằm trong khu vực huyện Đôn Hoàng.
(Dư Thu Vũ)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment