11.11.13

Kiến dữ bất kiến


Nàng gặp, hay không gặp ta
Ta vẫn ở đây
Không mừng, không lụy

Nàng nhớ, hay không nhớ ta
Tình vẫn ở đây
Không còn, không mất

Nàng yêu, hay không yêu ta
Yêu vẫn ở đây
Không thêm, không bớt

Nàng theo, hay không theo ta
Tay ta vẫn nơi nàng
Không lơi, không siết

Hãy ngả vào lòng ta
Hoặc là
Dành cho ta một chỗ trong trái tim nàng
Bình lặng yêu nhau
Âm thầm thương tưởng.

Thầm đọc bài thơ này, vừa nhắm mắt lại, đã đi vào một cảnh giới duy mỹ.

Đó là một vùng đất tuyết sâu thẳm trang nghiêm, một màu trắng xóa mênh mang mà xa xăm. Không người. Không âm thanh. Không cây cối. Trên trời trống trải, không có chim chóc bay qua.

Trước mặt có một dòng chảy màu đen, nước sông êm đềm khoan thai, chầm chậm chảy, phảng phất một tấm lụa màu đen thật dài, vĩnh viễn không nhìn thấy bờ bến.

Hoa tuyết, từ bốn phương tám hướng thổi đến, hoa tuyết vờn bay đầy trời, lượn vòng, múa may, dâng lên, lặp đi lặp lại rồi từ từ rơi xuống.

Ngài và nàng, tựa sát vào nhau, chân trần, từng bước từng bước đi trên đất tuyết. Hoa tuyết vạch qua bầu trời bao la, rơi xuống trên đầu, trên mình, trên chân hai người, tan chảy thành nước, chẳng còn nhìn thấy một chút vết tích.

Tuyết lớn rơi đầy, trong chớp mắt đã phủ kín dấu chân khi đến, không tìm lại được con đường vốn có nữa.

Ngài nhìn nàng, thương xót mà quyết đoán, Ngài cứ thế dắt nàng kiên quyết đi tiếp, không có phương hướng, cũng không có mục tiêu, một con đường nhỏ tùy ý dưới bóng mây, đầu kia của bầu trời, tận cùng của thế giới, cứ thế cùng nàng đi mãi, dù kết quả ra sao, dù con đường trước mặt có bao xa, Ngài chỉ cần nắm chặt bàn tay nhỏ bé của nàng, chính là nắm được cả thế giới, chỉ cần hai người có thể ở bên nhau, Ngài sẽ không hề nhìn lại mà đi tiếp như thế.

Tận cùng của tận cùng của con đường là ở đâu?

Ngài không biết, cũng không muốn biết. Chỉ cần nàng vẫn bầu bạn bên Ngài, Ngài chẳng buồn suy nghĩ những việc khác, chỉ một mạch đi về phía trước. Không có đường lùi, sẽ không lùi lại. Ta sẽ nắm bàn tay nhỏ bé của nàng, phương xa của phương xa của phương xa, tận cùng của tận cùng của con đường, ta và nàng cùng đi.

Hoa tuyết, từng phiến từng phiến nở bung, rơi rụng chốn trần thế, tất cả dường như trở về sự thuần khiết nguyên thủy nhất. Ngài nắm tay nàng, chân trần đi trong tuyết lớn mênh mông, sau lưng, là một vùng đất tuyết bao la.

Không thể tưởng tượng.

Giống như một bức tranh thuở khai thiên lập địa, lúc bắt đầu của trời đất, buổi ban sơ của vạn vật, một đôi tình nhân chính là như thế tay nắm tay, đi về hướng tận cùng của tận cùng của hồng hoang.

Một tình yêu vì nghĩa không hối.

Rất nhiều người điên cuồng si luyến bài thơ này, đơn giản, trong sáng, mang một chút đau buồn man mác.

Có người nói, bài thơ này chỉ hai câu trên là do Thương Ương Gia Thố viết, phần dưới là người đời sau thêm vào trong khi truyền xướng, đã không thể khảo chứng. Thế nhưng, vẻn vẹn hai dòng chữ này, đơn sơ linh hoạt, nhuần nhị đẹp đẽ, vài nét bút sơ sài, giống như thủy mặc, đã phác họa ra một bức tranh tình yêu tuyệt mỹ.

Lòng thành thì linh.

Thương Ương Gia Thố, tôi hiểu rõ Ngài, giống như tôi hiểu rõ bản thân. Nỗi cô độc của Ngài, niềm thương cảm của Ngài, ưu sầu không thể nói thành lời của Ngài.

Đúng thế, Ngài là Phật sống Thương Ương Gia Thố, tượng trưng của Tây Tạng, thần của Tây Tạng, Ngài có thân phận và trách nhiệm của mình, những thứ ấy, đều không cho phép Ngài yêu đương. Nhưng, tình yêu như thế, há nói không yêu là không yêu sao? Đã biết yêu là sai, không yêu cũng là sai, một bầu sầu khổ ly biệt đó, lại cùng ai bày tỏ?

Khó trách trong câu chữ thuần khiết của Ngài thổ lộ ra niềm thương cảm như vậy, khó trách giữa lời thơ có nỗi u uất như vậy, tình yêu này, vốn dĩ vừa bắt đầu đã là sai!

Sai, sai, sai.

Tâm ý tương thông. Một buổi hoàng hôn năm trăm năm trước, một nhà thơ lớn đời Tống cũng từng rầu rĩ như thế. Trong lựa chọn đau khổ dường ấy, ông nhiều lần hỏi bản thân, rốt cuộc là yêu, hay là không yêu?

Nhà thơ ấy chính là Lục Du. Trong tác phẩm nổi tiếng "Thoa đầu phụng", ông miêu tả tình cảm thế này:

“Tay mềm yếu, Rượu Hoàng Đằng, Thành xuân sắc, liễu xanh tường. Gió đông ác, Ân tình bạc, Nỗi lòng buồn bã, Tháng năm tan tác. Sai! Sai! Sai!
Xuân như cũ, Người hao gầy, Khăn lụa hồng đẫm lệ hoen. Hoa đào rơi, Bến vắng lặng, Núi thề còn đây, Thư tình khó đề. Đừng! Đừng! Đừng!”

Một lòng sầu muộn, mấy năm chia lìa. Sai sai sai! Núi thề còn đó, thư tình khó ngỏ. Đừng đừng đừng!

Hóa ra tình yêu xưa nay đều là như thế, không phải là “Sai sai sai!” thì là “Đừng đừng đừng!” Có tương tư vô vọng như thế, mới có thơ tình thuần mỹ như thế, thảo nào được người đời truyền tụng.

Tuy nhiên, Thương Ương Gia Thố rốt cuộc chẳng phải là Lục Du, Ngài không có vẻ khoát đạt gửi tình vào non nước như thế, Tây Tạng cũng không có hoàn cảnh chính trị thông thoáng như thế của Trung Nguyên. Lục Du có thể tùy ý cưỡi một chú lừa còm, một túi thơ, một bầu rượu, bèn có thể lưu lạc chân trời, chẳng quản trời long đất lở, nhân gian buồn vui!

Nhưng Ngài không thể!

Ngài là Phật sống, là linh hồn của Tây Tạng, là lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng. Trên người Ngài, gánh vác quá nhiều vinh nhục và mong đợi, quá nhiều sứ mệnh và hoài bão, khiến Ngài không thể hít thở, không thể vùng vẫy thoát ra.

(Các bài thơ, từ "Kiến dữ bất kiến" và "Thoa đầu phụng" sử dụng bản dịch có sẵn trên mạng)

(Tử Phi)

No comments:

Post a Comment